8 năm thực hiện, 27 bản dựng, 89 ngày quay, 40 triệu đồng tiền phạt, 1 lần hoãn công chiếu vì dịch bệnh là những con số mà khán giả đã được biết về bộ phim đang gây sốt RÒM. Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy được phát triển từ phim ngắn tốt nghiệp của anh mang tên 16:30 – bộ phim từng đạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được trình chiếu tại Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes 2013.
RÒM lựa chọn một chủ đề ít được khai thác ở điện ảnh Việt Nam bởi nội dung gây tranh cãi và khó thể hiện, vì đạo diễn sẽ phải cân bằng giữa các yếu tố thực tế và điện ảnh để vừa thể hiện được cuộc sống của những người chạy ăn từng bữa, vừa không khiến nó trở thành một tác phẩm dài lê thê, trình bày về sự bất hạnh của người nghèo.
Bộ phim cũng khiến người ta liên tưởng đến tuyệt tác Xích Lô của đạo diễn Trần Anh Hùng, khi cùng kể về sự cùng quẫn của những kẻ đang vất vả mưu sinh trong phố phường hỗn tạp. Nếu Ròm có gương mặt lúc nào cũng lấm lem thì anh đạp xích lô cũng luôn xuất hiện trong dáng vẻ của một người đang vùng vẫy dưới đáy cuộc đời. Điều này có thể lý giải bởi Trần Anh Hùng đã ảnh hưởng khá nhiều đến phong cách làm phim của Trần Thanh Huy, nhất là khi ông giữ một vai trò quan trọng trong bộ phim này.
Nhưng RÒM không phải Xích Lô. Bộ phim của Trần Anh Hùng có kinh phí tới 8 triệu đô với những bối cảnh dàn dựng cực kỳ công phu do Pháp sản xuất, lại thêm có sự góp mặt của siêu sao điện ảnh Lương Triều Vỹ. Vì thế nếu đem so sánh với một bộ phim độc lập, do một ekip trẻ tuổi và dàn diễn viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề tạo ra sẽ là một phép đo vô cùng khập khiễng. Dẫu vậy, RÒM vẫn là một tác phẩm được trau chuốt, sử dụng nhiều góc máy mới lạ. Xem RÒM, khán giả có thể dễ dàng cảm được cái tâm cũng như nỗ lực của cả ê-kíp làm phim.
RÒM là bức tranh nghèo đói được tạo nên từ những mảnh ghép, trong đó mỗi mảnh ghép là một câu chuyện về từng người trong khu chung cư cũ chờ giải tỏa. Từng phận người tưởng rời rạc nhưng lại được liên kết với nhau bởi những bi kịch liên quan đến vấn nạn lô đề. Phim không có những cú twist chóng mặt, cũng chẳng có nhiều những đoạn cao trào gây bất ngờ như nhiều bộ phim khác. Câu chuyện trong RÒM đơn giản chỉ là những vòng lẩn quẩn, từ cả suy nghĩ đến lối sống của các nhân vật. Có lẽ chính vì chất chứa quá nhiều tâm tư bộn bề như vậy, nên khi xem RÒM, khán giả dễ bị “ngợp” và cảm thấy khó hiểu với các tình tiết của phim.
Nguyên nhân lớn nhất có thể đến từ việc mạch phim quá nhanh, quá gấp gáp khiến cho người xem”chạy” theo không kịp. Một bên vừa phải cố gắng theo dõi tiết tấu khẩn trương của phim, một bên lại phải làm quen với sự xuất hiện của nhiều nhân vật và các chi tiết lướt qua trong chớp mắt. Điều này khiến cho một vài tình tiết trong RÒM bỗng không có lời giải.
Ví dụ như chiếc đồng hồ xuất hiện từ đầu đến cuối phim. Mặt đồng hồ nứt vỡ cả rồi nhưng Ròm vẫn không vứt đi. Người xem chỉ có thể đoán rằng đây là một món đồ có giá trị tinh thần đối với nhân vật chính, hoặc đơn thuần là kỷ niệm cuối cùng để liên hệ với gia đình mà Ròm có. Tuy nhiên tất cả đều chỉ là những suy luận chủ quan của khán giả, bởi ngay cả khi tác phẩm khép lại, nhà sản xuất vẫn không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho việc tại sao chiếc đồng hồ lại được ưu ái đến vậy.
Phim có nhiều nhân vật, nhưng đáng tiếc hầu hết chỉ được xây dựng lưng chừng, không đủ đất diễn. Ví dụ tiêu biểu là tên đại ca giang hồ do Wowy thủ vai – người để lại khá nhiều tiếc nuối trong lòng người xem. Mỗi lần xuất hiện, tên côn đồ này luôn khiến cho chúng ta cảm thấy đây hẳn là một kẻ “có số có má.” Với cái đầu trọc hầm hố, không ba lỗ thì cũng áo phanh ngực, cổ lúc nào cũng lủng lẳng dây chuyền xích vàng, thế nhưng khán giả chưa kịp “sợ” thì phim cũng đã kết thúc mất rồi.
Việc chuyển cảnh đột ngột cùng sự sắp xếp phức tạp của các phân đoạn cũng khiến việc nắm bắt nội dung phim trở nên khó khăn hơn. Ví dụ như khi bà Ghi (Cát Phượng) đưa cho Ròm một mảnh giấy ghi số điện thoại của người có thể giúp cậu tìm bố mẹ, khán giả đã không được theo dõi phản ứng của Ròm, không biết cậu hào hứng, nghi ngờ hay có cảm xúc thế nào trước hy vọng tìm thấy gia đình mình. Và rồi sau rất nhiều phân đoạn, Ròm mới bắt đầu gọi vào số điện thoại đấy, khiến mạch phim bỗng trở nên rối rắm, khó hiểu.
Hay như lúc đại ca bảo Ròm đốt chung cư, mục đích của việc phóng hỏa hoàn toàn không được đề cập đến. Ban đầu người xem tưởng rằng hành động này được thực hiện với mục đích ép người dân nhanh chóng di dời khỏi khu giải tỏa, nhưng sau đó khi lửa đang bùng cháy, thì cả đám giang hồ lại xông vào bắt con nít và ép mọi người ký tên vay nợ? Một điều khó hiểu nữa là ngay sáng hôm sau, người xem đã thấy Ròm nhảy lên xe lam để đi báo số, trên tay là bọc tiền đánh đề của mọi người trong khu. Đêm trước dân trong khu còn đánh nam chính vì nghĩ “thằng đó” là thủ phạm, mà hôm sau lại gom tiền trăm tiền triệu đánh đề theo Ròm?
Bên cạnh đó, cách xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật, cùng sự liên kết của mỗi cá nhân còn rời rạc, khiến người xem không thể hiểu hết dụng ý của tác phẩm. Khán giả không rõ vì sao bà Ghi lại dễ dàng cưu mang Ròm chỉ sau lần nhìn thấy thằng bé bị bắt nạt. Việc bỏ qua sự phát triển nội tâm của nhân vật (character arc) đã làm cho một vài người cảm thấy chỗ này “là do đạo diễn muốn thế”, và nhân vật bị buộc phải góp mặt vào để diễn vai diễn thứ hai lồng trong vai diễn chính.
Đáng xem lắm chứ! Kể cả không có những giải thưởng, biển lời tán tụng tung hô, những “drama” ngoài luồng tác phẩm, RÒM vẫn là bộ phim có đầy đủ sức hút, yếu tố nghệ thuật khiến khán giả Việt tự hào. Xem RÒM để thấy nỗ lực của đạo diễn dành cho đứa con tinh thần của mình, để biết rằng anh đã vô cùng kiên nhẫn với RÒM. Nhằm ghi lại một cảnh lội nước “rất Sài Gòn” chưa tới nửa phút, đạo diễn sẵn sàng chờ tận hai tháng rưỡi để có một ngày thành phố ngập. Hay cả ê-kip đã sẵn sàng hoãn quay khi thời tiết không đủ tốt chỉ để đảm bảo yếu tố ánh sáng được đẹp nhất trong phim.
Quan trọng nhất, xem RÒM để thấy phim Việt Nam giờ đã được đầu tư chỉn chu, đổi mới như thế nào. Những đề tài khó được mạnh dạn triển khai, thông điệp cũng không còn là những thứ giáo điều, cứng nhắc. RÒM đã cho chúng ta cái nhìn rất thật về một Sài Gòn có hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo.
Theo Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc, gần như 100% các cảnh quay trong RÒM được thực hiện ở góc máy quay nghiêng. Kỹ thuật quay này không chỉ mang lại những trải nghiệm hình ảnh mới lạ cho người xem mà còn giúp nhà sản xuất gửi gắm hình ảnh cuộc đời của những những người dân lao động lúc nào cũng chao nghiêng và đầy khó khăn.
Bộ phim cũng không có nhiều lời thoại bởi đội ngũ sản xuất hiểu rằng, sự đầu tư về mặt âm thanh chính là sợi dây kết nối chặt chẽ nhất nhằm kéo các nhân vật và tình tiết lại với nhau. Trong giai đoạn hậu kì, yêu cầu dành cho kỹ xảo âm thanh của đạo diễn Trần Thanh Huy đặc biệt nghiêm ngặt. Nhạc sĩ Tôn Thất An (phụ trách nhạc phim) từng chia sẻ: “Trong phim RÒM, âm thanh, âm nhạc cũng chính là nhân vật!” Bên cạnh hình ảnh, thì âm thanh đặc trưng của đời sống lao động ở Sài Gòn được miêu tả qua tiếng rao hàng rong, tiếng lia kéo từ những tiệm cắt tóc tạm bợ và radio phát thanh chương trình xổ số…
Mặc dù đã liệt kê ra những tình tiết khó hiểu phía trên, nhưng The Millennials Life nghĩ thật ra chúng ta không cần thiết phải “hiểu” để thấy được cái đẹp của bộ phim. Đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam, không cần phải hiểu hình ảnh đoàn tàu có ý nghĩa gì thì chúng ta vẫn thấy cuộc sống của cái xóm đường tàu hiện lên rất đẹp, mặc dù mọi thứ trong đó đều tủn mủn, sơ sài, và nhếch nhác, từ cửa hàng tạp hóa của chị em Liên đến gánh phở bác Siêu. Ngắm Nighthawks của Edward Hopper, không cần phải biết cái quán ăn khuya ấy nằm ở đâu và những người ngồi đó là ai thì chúng ta vẫn cảm được cái đẹp đầy sức quyến rũ của đường phố tịch mịch buổi đêm, của ánh đèn hiu hắt nơi khung cửa, và của sự cô độc toát lên từ mỗi con người.
Xem RÒM cũng vậy. Điện ảnh là phương tiện tái hiện ký ức và lưu trữ cái đẹp. RÒM đẹp vì khu chung cư cũ đẹp, mặc dù xập xệ. RÒM đẹp vì nhân vật đẹp, mặc dù dơ (theo nghĩa đen). RÒM đẹp vì câu chuyện của mỗi người trong đó đẹp, mặc dù họ chỉ là bà lão bán quà vặt trước cổng trường hay là mấy thằng nhỏ “bụi đời” chạy lô.
Xem RÒM để bất ngờ với bà Ba buôn thúng bán bưng nhưng yêu văn chương và âm nhạc, để mềm lòng với câu nói “có tiền anh mở tiệm may cho em làm bà chủ” của anh chồng suốt ngày mắng vợ cứ đem tiền chơi đề, để tức “giùm” thằng Ròm đang giận tím người vì bị giật mất mối ngon, để sững sờ khi không một ai hỏi thăm gì Ròm sau khi biết nó bị đánh bị nhốt mà chỉ chăm chăm bảo nó “ngày mai mày phải có số mới để tụi tao đánh”.
Christopher Nolan đã từng tuyên bố trong TENET rằng “Cứ cảm đi, không cần hiểu!”. Câu nói đó không chỉ dành riêng cho TENET, mà còn có thể dùng để nói về RÒM. Phim vẫn có đôi chỗ khó hiểu, vẫn còn những chi tiết có thể làm tốt hơn, nhưng chung quy, RÒM vẫn xứng đáng để chúng ta ra rạp và trải nghiệm.
Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…