Người Lớn Đi Làm

8 sai lầm ta hay mắc phải trong quá trình thăng tiến sự nghiệp

Để leo lên nấc thang sự nghiệp, chúng ta cần phải vượt qua 8 sai lầm khi đi làm dưới đây.

Với mỗi bước tiến trong sự nghiệp của mình, bạn đang đi lùi bao nhiêu bước? Và bạn có đang nhận ra và chú ý đến những sai lầm đang kìm hãm nấc thang thăng tiến của mình không?

Nếu bạn để ý kỹ xung quanh, những người thành công trong công việc, họ đạt được như vậy ít khi là nhờ sở hữu 1 kỹ năng hay kiến thức đặc biệt nào đó đâu! (mặc dù đúng là ta vẫn nên có trong mình, nhưng nó không phải là tất cả). Họ cũng không thông minh hay xuất sắc hơn người khác.

Nhưng, điều khiến họ nổi bật chính là những quyết định nhỏ mà người đấy đưa ra trong từng nước đi — cách họ hành xử và tạo ấn tượng với người khác, cách họ đối mặt với những tình huống thách thức trong công việc, và cách họ chủ động phát triển bản thân thay vì đổ lỗi cho người khác.

Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt này, khi lặp đi lặp lại một cách nhất quán, sẽ trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công trong sự nghiệp.

Nếu bạn cảm thấy thất vọng vì sự phát triển của mình không tương xứng với nỗ lực bỏ ra, hãy xem dưới đây liệu bạn có đang mắc phải những sai lầm cản trở thăng tiến sự nghiệp hay không nhé.

1. Quá sĩ diện để nhờ sự giúp đỡ

Bạn sẽ làm gì khi gặp khó khăn hoặc không thể thể giải quyết được một vấn đề phát sinh trong công việc? Hỏi đồng nghiệp giúp đỡ, hay lẳng lặng cố tìm kiếm câu trả lời một mình? Nếu câu trả lời của bạn na ná vế sau, thì đây chính là vấn đề đầu tiên của bạn đấy! Việc nghĩ rằng nhờ sự giúp đỡ sẽ khiến bạn trông kém cỏi có thể khiến ta ngại ngùng tìm đến người khác.

Nếu từ chối tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết, điều đấy sẽ chỉ làm chậm tiến độ của bản thân mà thôi. Và nếu để vấn đề kéo dài quá lâu sẽ biến khó khăn nhỏ đó thành một chướng ngại lớn. Vì thế, ưu tiên cái tôi hơn sự tiến bộ là một sai lầm cản trở sự nghiệp mà nhiều người mắc phải.

Nhờ sự giúp đỡ không có nghĩa là bạn trở nên kém cỏi, điều đó chỉ cho thấy ta đã nhận thức rõ về những giới hạn của bản thân. Hãy nhớ rằng, thành công trong công việc không phải là một mình làm tất cả đầu việc; đôi khi, nó cũng là sự hỗ trợ từ những người khác nữa.

2. Giành hết thời gian vào công việc hơn là các mối quan hệ công sở

Bạn có thường xuyên ăn trưa tại bàn làm việc để tiết kiệm thời gian không? Có vội vã đi từ cuộc họp này đến cuộc họp khác mà không dừng lại để kết nối với mọi người không? Hay chỉ lủi thủi ở bàn làm việc và xách cặp đi về, không nói lời nào với đồng nghiệp cả?

Xin chia buồn với bạn, bởi đặt công việc lên trên quá trình xây dựng những mối quan hệ với đồng nghiệp, chia sẻ thời gian vui vẻ cùng họ là một sai lầm lớn hạn chế sự phát triển sự nghiệp của ta.

Ta cần phải hiểu như thế này: Ngay cả khi cố gắng làm việc mọi phút trong ngày, công việc của bạn cũng sẽ không bao giờ hoàn tất đâu! Sẽ luôn có một nhiệm vụ khác hoặc một vấn đề mới phát sinh, cần bạn để giải quyết. Và cái trớ trêu là, không ai sẽ nhớ bạn đã dành bao nhiêu giờ để giải quyết một vấn đề, nhưng họ chắc chắn sẽ nhớ cách mà bạn đã kết nối với người đấy.

Thế nhưng, bạn cũng không cần phải làm điều gì quá mức để xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa cả. Những hành động đơn giản như trò chuyện với đồng nghiệp trong thời gian giữa các cuộc họp, tận dụng những quãng nghỉ ngắn để giao lưu, hoặc trò chuyện với mọi người khi lấy cà phê cũng là những cách để xây dựng mối quan hệ công sở đấy!

Hiểu về đồng nghiệp ngoài phạm vi công việc không chỉ làm cho sự nghiệp trở nên ý nghĩa hơn mà còn mở ra những cơ hội mới cho bạn. Khi mọi người tin tưởng bạn, họ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ nhiều hơn.

Ngồi ăn cùng nhau và nói về những chuyện khác ngoài công việc là một cách hay để kết nối với đồng nghiệp. Nguồn ảnh: Carlina Teteris / Getty Images.

3. Không muốn trở nên quá nổi bật

Bạn có lo rằng rằng việc nêu ý kiến trái chiều sẽ khiến mình trông tệ đi? Vì thế nên thường có xu hướng chọn theo số đông mặc dù không đồng tình với quyết định đó?

Việc hùa theo đám đông có vẻ an toàn, nhưng nếu muốn thăng tiến, ta không thể là “một ngọn cỏ trong cánh đồng lớn” được. Đưa ra ý kiến trái ngược có thể khiến bạn dễ mất cảm tình với đồng nghiệp trong một khoảng thời gian; nhưng về lâu dài, điều đó lại giúp ta xây dựng lòng tin và sự tôn trọng.

Đừng kìm hãm sự nghiệp của mình bằng cách đi theo người khác. Hãy thực hành sự dũng cảm để nổi bật với ý tưởng và quan điểm độc đáo của mình nào.

4. Luôn đồng ý với mọi thứ

Nếu có hàng tá thứ bay đến – nhiều trong số đấy ít thuộc phạm vi làm việc của mình, liệu bạn có đồng ý để giải quyết hết tất cả hay không?

Ngày nay, hiệu suất công việc không còn dựa vào số lượng mà là chất lượng thời gian mà ta bỏ ra. Những người được công nhận không phải là những người bận rộn nhất, mà là họ thông minh trong cách quản lý công việc. Năng suất cao, làm việc thông minh, và tập trung làm tốt một vài điều quan trọng sẽ luôn có giá trị hơn nhiều so với chỉ làm việc chăm chỉ.

Khi luôn đồng ý với mọi thứ – kể cả những việc cỏn con, chúng ta sẽ bị cuốn vào những hoạt động không quan trọng và bỏ lỡ các cơ hội có thể tạo ra bước nhảy vọt. Đó là còn chưa kể, việc làm việc quá nhiều dẫn đến kiệt sức và stres là điều không nên xem nhẹ.

Thay vì chìm trong hàng tá đầu việc bởi vì lỡ nói “Để em làm cho” hay “Dạ có” với những đầu việc không liên quan, hãy xác định những điều xứng đáng với thời gian của bạn. Điểm mạnh của bạn là gì, và làm thế nào để bạn sử dụng chúng để tạo ra tác động lớn nhất?

5. Chỉ tập trung làm sao trở nên xuất sắc

Khi chỉ chú tâm vào việc trở nên giỏi, bạn sẽ quan tâm ít hơn đến việc học hỏi mà nhiều hơn đến việc chứng tỏ cho người khác thấy mình vượt trội. Giá trị bản thân của ta như bị gắn chặt với những kết quả cụ thể vậy. Thay vì đối mặt với thử thách và phát triển kỹ năng mới, bạn chọn cách an toàn, làm những việc dễ dàng để trông mình “có vẻ” giỏi hơn.

Nên là thay vì như thế, sao ta không tập trung vào việc phát triển toàn diện – trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, thay vì phải chứng minh rằng bạn đã là người xuất sắc nhất?

Khi tập trung vào cải thiện bản thân, ta sẽ ít quan tâm đến khả năng đạt được một kết quả cụ thể mà để tâm nhiều hơn đến nâng cao kỹ năng và năng lực. Ta có thể tự hỏi bản thân mình những câu như: Bạn đang cải thiện bao nhiêu phần trăm mỗi ngày? Chiến lược nào đang hiệu quả? Giải pháp nào bạn cần áp dụng để vượt qua những thách thức bất ngờ?

Khi chúng ta theo đuổi mục tiêu làm chủ một điều gì đấy, chúng ta ít có xu hướng đổ lỗi cho những khó khăn hay kết quả kém vì thiếu năng lực. Cũng đúng, đương nhiên là ta chưa có đủ năng lực, vì bản thân vẫn còn đang học hỏi mà!

Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung làm sao để cải thiện kỹ năng hoặc mục tiêu đấy, bằng cách hỏi những câu như: Tôi có nỗ lực đủ chưa? Tôi có cần dùng chiến lược khác không? Tôi có nên hỏi ý kiến chuyên gia không? Khi đó ta sẽ thấy một sự khác biệt, đó là những người gặp rắc rối trong quá trình theo đuổi mục tiêu làm chủ sẽ không dễ dàng rơi vào trạng thái thất vọng và bất lực như những người chỉ nhắm đến việc thể diện bên ngoài.

6. Quá trầm tính, im lặng

Trong những cuộc họp, bạn có hay ngần ngại chia sẻ ý kiến vì nghĩ rằng mình không có điều gì hữu ích để nói, hoặc lo sợ rằng việc lên tiếng sẽ khiến bạn trông ngớ ngẩn không? Đừng nên thế nhé.

Giữ ý kiến cho riêng mình nghe có vẻ an toàn (đặc biệt nếu chính môi trường làm việc quá độc hại), nhưng điều này cũng dần dần sẽ kìm hãm sự nghiệp của bạn. Càng về dài, bạn sẽ không được tin tưởng giao cho các trách nhiệm cao hơn nếu người khác không biết bạn suy nghĩ như thế nào.

Ban đầu, việc lên tiếng có thể khá đáng sợ. Nhưng cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, nó sẽ trở nên tốt hơn qua thời gian và kinh nghiệm. Vì thế, hãy nói những gì bạn nghĩ mà không do dự, và đừng lo lắng về việc người khác sẽ nghĩ gì về mình.

Lên tiếng giúp ta tạo dựng tiếng nói riêng. Mọi người có thể nhận diện bạn qua tiếng nói đó, biết bạn là người có quan điểm và ý tưởng riêng mình. Đúng là không phải tất cả những gì bạn nói đều sẽ được hưởng ứng (đôi khi dù đúng nhưng sẽ bị cấp trên rũ bỏ phũ phàng). Nhưng bạn sẽ không thể tạo ra sự khác biệt nếu không sẵn sàng mạo hiểm để bày tỏ ý kiến của mình.

Đừng nên giữ ý kiến của mình trong cuộc họp. Nguồn ảnh: owngarden / Getty Images.

7. Nhìn mọi việc với đôi mắt tiêu cực

Bạn có thường xuyên phàn nàn hoặc biến một kết quả vốn dĩ tốt đẹp thành điều phải soi mói không? Hay luôn nhìn nhận các thử thách và thất bại qua lăng kính bi quan?

Thái độ hoài nghi, u ám và thiếu tự tin không chỉ làm kiệt quệ cảm xúc của chính bản thân, mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi họ bị cuốn vào sự tiêu cực của bạn, năng suất làm việc của họ cũng bị ảnh hưởng.

Phàn nàn không ngừng là một sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp. Bạn có thể nghĩ rằng mình chỉ đang thận trọng khi chia sẻ những lo ngại và rủi ro, nhưng năng lượng tiêu cực mà ta đang lan tỏa lại có ảnh hưởng nặng nề đến mức người khác sẽ xa lánh bạn đấy.

Cho nên, thay vì là người chỉ đưa ra vấn đề, hãy trở thành người đưa ra giải pháp. Thay vì phàn nàn, hãy nhận trách nhiệm. Thay vì chỉ nói về những gì có thể sai, hãy chia sẻ cả những gì có thể thành công. Khi người khác nhìn nhận bạn là một cá nhân luôn sẵn sàng đưa ra giải pháp thay vì vấn đề, quan điểm của họ về bạn sẽ thay đổi.

8. Chỉ biết cúi đầu làm việc

Bạn có đang nghĩ rằng nếu làm tốt công việc của mình, điều đấy sẽ tự động mang lại sự công nhận xứng đáng không? Rằng hiệu suất công việc sẽ tự nói lên tất cả, và mọi người sẽ nhận ra tài năng của bạn? Đây là một sai lầm mà có lẽ ít người hiểu được.

Chỉ biết cúi đầu làm việc chăm chỉ mà phó mặc sự nghiệp cho người khác là một sai lầm lớn. Và với tốc độ làm việc nhanh chóng như ngày nay nhờ vào các công cụ thông minh, người khác có thể sẽ không hề thấy thành quả của bạn. Cho nên, ta cần phải làm cho mình trở nên nổi bật trong mắt mọi người ở công sở.

Đừng hạ thấp những thành tựu của mình. Hãy chia sẻ chúng một cách công khai để mọi người đều biết. Đừng gạt đi những lời khen ngợi mà hãy đón nhận những gì bạn xứng đáng được nhận.

Hãy mạnh dạn tự bảo vệ bản thân. Việc nói về điểm mạnh và giá trị của bạn không phải là khoe khoang. Đó là điều cần thiết để đảm bảo rằng người khác hiểu được giá trị của mình.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

Dao Thomas

Recent Posts

“Sledging”: Khi cuối năm ta cũng không muốn “nhảy” khỏi mối quan hệ tình cảm

Gần đây, một xu hướng hẹn hò mới mang tên “sledging” đã nổi lên ở…

18 giờ ago

Bạn yêu điều gì trên đời này?

Trong tiếng Anh, những từ kết thúc với hậu tố "-phile" dùng để nói về…

2 ngày ago

#LocalZine: Hơn 100 năm lịch sử tiền giấy Việt Nam

Cùng nhìn lại sự hình thành và thay đổi diện mạo qua từng thời kỳ…

2 ngày ago

#Nghĩ: Thiết quân luật có tác động như thế nào đến kinh tế và xã hội?

Nếu diễn ra trong nhiều ngày, tháng, thậm chí năm; thì thiết quân luật sẽ…

4 ngày ago

Advent Calendar (Lịch mùa Vọng) – 24 ô lịch phép màu cho mùa Giáng sinh

Khi nói đến Giáng sinh, không phải ai cũng biết đến một món đồ đơn…

6 ngày ago