Sáng 30/10, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu quyển sách mới tái bản Nguyễn Ngọc Bạch – Một Đời Sân Khấu nhân 35 năm ngày mất (1922 – 1985) của đạo diễn tài hoa NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch.
Qua 498 trang của Nguyễn Ngọc Bạch- Một Đời Sân Khấu, người đọc sẽ có được hình dung tổng quát nhất về cuộc đời cũng như chặng đường đến với sân khấu cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch. Sách gồm 5 phần trứ tác của ông: những bài hát; mẩu chuyện kháng chiến chống Pháp; hồi ký; nghiên cứu phê bình sân khấu cải lương Nam Bộ; và các đề cương ông nghiên cứu. Sách cũng dành một phần tập hợp các bài viết xúc động của người thân và bạn bè đồng nghiệp về ông.
NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch sinh ngày 12/3/1922, tại xã Mỹ Hiệp (H.Chợ Mới, An Giang), tham gia cách mạng từ năm 1945 và mất ngày 1/10/1985. Ngay từ lúc còn trẻ, ông đã sớm có ý thức dùng nghệ thuật để chấn hưng tinh thần dân tộc và đánh đuổi ngoại xâm. Sau CMT8 1945, ông bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Nguyễn Ngọc Bạch cùng Đoàn Cải lương Nam bộ đi khắp miền Nam để phục vụ người dân những vở diễn chủ đề đánh giặc cứu nước.
Những năm sau 1954, các vở Máu thắm đồng Nọc Nạn, Bên dòng Nhật Lệ, Người con gái đất đỏ… của ông tạo tiếng vang to lớn. Sau khi tập kết ra Bắc, ông đã cùng NSND Tám Danh tạo ra nhiều tác phẩm kinh điển, có thể kể đến: Võ Thị Sáu, Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình…
Ngoài lĩnh vực sân khấu, NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch còn ghi dấu ấn của mình trong lĩnh vực âm nhạc. Mặc dù sáng tác không nhiều, nhưng nhiều bài hát của ông đã trở thành “người bạn đường của nhiều cuộc đời” (nói theo Giáo sư-Nhạc sĩ Ca Lê Thuần) như Hồn thiêng chiến sĩ, Tháp Mười anh dũng,…
Sau 1975, Nguyễn Ngọc Bạch trở về miền Nam, sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Ông từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực sân khấu, văn hóa như Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu TP.HCM, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM. NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch còn là người đầu tiên sáng lập Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm 5B (Sân khấu Kịch 5B) để các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn trẻ được tìm tòi và cống hiến. Tác phẩm đầu tiên của 5B – vở kịch Dư luận xã hội – có sự đóng góp rất lớn của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch. Đây đồng thời được xem là bước mở đường để sân khấu nhỏ trở thành chiếc nôi của nhiều sân khấu xã hội hóa sau này và phát triển thành nhà hát như ngày nay.
NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch đột ngột qua đời ở tuổi 63, để lại nhiều dự án nghệ thuật dang dở và nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp. Tiến sĩ Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu – con gái cố nghệ sĩ – cho biết cha mình tận tụy với nghề đến cuối đời nhưng chưa từng màng danh hiệu. Thậm chí, mộ phần ông hiện chỉ để tên, quê quán, ngày sinh, ngày mất chứ không kèm danh hiệu gì.
Với nhiều nghệ sĩ như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Ca Lê Hồng, NSND Kim Xuân, đạo diễn Thanh Hạp… thì Nguyễn Ngọc Bạch gần gũi như người thầy, người cha. NSƯT Ca Lê Hồng – người đã hơn 40 năm cống hiến cho cải lương – cho biết: “Nguyễn Ngọc Bạch dành cả cuộc đời cho cải lương. Tôi hy vọng quyển sách Nguyễn Ngọc Bạch – Một Đời Sân Khấu sẽ giúp người đọc, đặc biệt là giới trẻ, hiểu thêm về cải lương và sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, từ đó thêm yêu quý bộ môn nghệ thuật này.”
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…