Nổi bật

Tại sao Thứ Hai lại đáng sợ?

Nếu bạn may mắn thuộc vào thiểu số không phải đi làm vào cuối tuần, thì tiếng chuông báo thức sáng thứ Bảy có thể được xem là âm thanh hạnh phúc thứ hai trên thế giới (vị trí thứ nhất chắc chắn sẽ là tiếng “ting” báo lương về cuối tháng).

Không hạnh phúc sao được khi đó là thanh âm báo hiệu quãng thời gian cuối tuần tự do để làm tất cả những gì bạn muốn (hoặc cũng có thể không làm gì cả) sau 5 ngày làm việc cật lực.

Ảnh: Magalie Foutrier

Cũng tiếng chuông đó, nhưng 48 giờ sau, thì lại trở nên đầy ám ảnh, vì thứ Hai đến rồi.

Với tay tắt báo thức, lăn qua trở lại trên giường, bạn bực mình lầm bầm, tự hỏi “Là ai, là ai đã có cái sáng kiến cuối tuần chỉ mỗi 2 ngày?”

Tại sao một tuần có 7 ngày?

Trước khi giải đáp câu hỏi “Tại sao cuối tuần có 2 ngày?”, trước tiên chúng ta cần biết tại sao một tuần có 7 ngày.

Trái với các đơn vị đo lường thời gian khác được đúc kết dựa trên quá trình quan sát các hiện tượng thiên nhiên, thì tuần là một sản phẩm hoàn toàn “nhân tạo”. Nếu 365 ngày là quãng thời gian Trái Đất hoàn thành một chu kỳ chuyển động quanh Mặt Trời, 30 ngày là khoảng cách giữa hai kỳ trăng tròn, thì 7 ngày… chẳng có ý nghĩa gì cả vì không có sự kiện tự nhiên nào diễn ra mỗi 7 ngày.

Tuần có xuất xứ từ Babylon, và có tuổi thọ khoảng 4000 năm. Đối với người Babylon, số 7 có một ý nghĩa tâm linh quan trọng, hơn nữa vào thời đó, người Babylon tin rằng có 7 hành tinh trong Hệ Mặt trời. Thế nên, họ lấy số 7 để đánh dấu một chu kỳ lao động. Sau đó, ý tưởng này dần lan rộng sang khu vực Trung Đông và châu Âu.

Tại sao có “trong tuần” và “cuối tuần”?

Người Babylon chỉ tạo ra tuần, chứ không nhắc gì đến cuối tuần hay trong tuần cả. Khái niệm cuối tuần và việc mọi người dành khoảng thời gian này để nghỉ ngơi chỉ phổ biến trong khoảng 100 năm trở lại đây.

Trên thực tế, trước đây mặc dù chưa ai định nghĩa “cuối tuần” là gì nhưng từ thời xưa, những nhóm tôn giáo khác nhau đều có truyền thống dành ra một ngày trong tuần không làm việc để tập trung cho việc thờ phụng. Những người theo Hồi giáo nghỉ ngày thứ năm trong tuần (thứ Sáu), người Do Thái nghỉ ngày thứ sáu (thứ Bảy), và Cơ Đốc giáo nghỉ ngày thứ bảy (Chủ Nhật).

Dần dần, đến khoảng thế kỷ 18, công nhân tại các nhà máy và công xưởng tại Anh làm việc 6 ngày một tuần, nghỉ ngày Chủ Nhật. Tuy nhiên, do không phải ai cũng theo đạo, nên khái niệm “ngày thờ phụng” không còn phổ biến nữa. Thay vào đó, người ta dùng ngày nghỉ này để thư giãn và vui chơi.

Ở Staffordshire, nếu một người rời khỏi nhà vào chiều thứ Bảy sau khi đã xong công việc anh ta phải làm trong tuần, dành ra tối thứ Bảy và cả Chủ Nhật để vui chơi với bạn bè, thì người ta sẽ nói rằng “anh ấy đang tận hưởng thời gian cuối-tuần ở chỗ-mà-ai-cũng-biết-là-ở-đâu”.

lần đầu tiên từ cuối tuần được sử dụng là vào năm 1879 trên tạp chí “Notes and Queries”

Chỗ-mà-ai-cũng-biết-là-ở-đâu thường sẽ là những quán rượu địa phương, nơi mọi người tụ tập lại để cùng nhau tiêu xài số tiền lương vừa lĩnh được hôm thứ Bảy, thông qua những trò giải trí phổ biến như uống rượu, đánh bạc, và những hoạt động mang tính cá nhân khác.

Hệ quả của việc này là sau khi Chủ Nhật qua đi, vô cùng ít người đủ tỉnh táo để có thể xuất hiện ở nhà máy vào buổi sáng, hoặc thậm chí là cả một ngày thứ Hai.

Trong hồi ký, Benjamin Franklin đã “bật mí” cách ông để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cấp trên của mình: đi làm vào sáng thứ Hai.

Thứ Hai không phải một ngày nghỉ chính thức, nhưng tình trạng công nhân không đi làm vào thứ Hai phổ biến đến nỗi ngày này được “ngầm” công nhận là một ngày nghỉ. Các sự kiện âm nhạc, thể thao,… quan trọng hầu như đều tổ chức vào thứ Hai.

Tại sao “cuối tuần” có 2 ngày?

Các ông chủ nhà máy tất nhiên không thích việc công nhân có tận 2 ngày nghỉ. Cho đến giữa thế kỷ 19, “cuối tuần” chính thức chỉ có 1 ngày. Điều này vấp phải vô số phản đối từ các hội nhóm tôn giáo và các nghiệp đoàn lao động. Năm 1842, một hiệp hội mang tên Hãy Đóng Cửa Sớm (Early Closing Association) ra đời. Hiệp hội thực hiện các chiến dịch vận động chính phủ để công nhân được nghỉ nửa ngày thứ Bảy, đổi lại họ sẽ đảm bảo xuất hiện “ngay ngắn và tỉnh táo” vào sáng thứ Hai.

Việc nghỉ nửa ngày thứ Bảy được tin là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao tinh thần công nhân, từ đó cải thiện năng suất lao động của họ.

Năm 1908, một xưởng dệt tại Mỹ đã tiên phong trong việc cho công nhân off hẳn thứ Bảy và Chủ Nhật, nhằm giải quyết mâu thuẫn về ngày nghỉ của những nhóm tôn giáo khác nhau trong nhà máy.

Đến năm 1926, Henry Ford – ông vua xe hơi – áp dụng chính sách tuần làm việc 5 ngày cho công nhân của mình. Ford lý luận rằng, việc tăng thời gian nhàn rỗi sẽ kích cầu tiêu dùng. Khi có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ hơn, người ta sẽ mua sắm nhiều hơn. Và một khi đã mua sắm nhiều hơn, tất họ sẽ cần thời gian để sử dụng và trải nghiệm những giá trị mà sản phẩm và dịch vụ đó mang lại, để còn tiếp tục móc ví cho những lần sau.

Chính sách này bắt đầu phổ biến, đặc biệt với bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp leo thang trong thời kỳ Đại Suy thoái vài năm sau đó (The Great Depression, 1929-1930).

Năm 1955, tuần làm việc 5 ngày lan dần đến Anh, Canada. Đến thập niên 70, toàn bộ các nước châu Âu khống chế thời lượng làm việc của công nhân còn 40h/tuần và được nghỉ 2 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật.

Tại sao người ta sợ thứ Hai?

Lunaediesophobia – Hội chứng sợ ngày thứ Hai

Một trong những lý do phổ biến là vì thứ Hai là ngày đầu tiên của một tuần mới, là lúc chúng ta phải trở về bộ dạng “ngay ngắn và tỉnh táo” để còn đi học, đi làm. Người ta sợ thứ Hai, bất kể trước đó đã được nghỉ 36, 48, hay hơn nữa giờ.

Thực trạng hãi thứ Hai nghiêm trọng đến mức nó được công nhận là một hội chứng tâm lý và được đặt hẳn một cái tên. Thế nhưng chính xác thì lý do nào khiến thứ Hai đáng sợ đến thế?

Vì bạn ăn ngủ thất thường

Có vẻ lý do này là lý do “đáng để thông cảm” nhất, vì với khối lượng công việc cùng thời gian biểu bận rộn, không phải ai cũng có thể ngủ đúng giờ hoặc đủ giấc trong tuần. Do đó, cuối tuần là cơ hội tuyệt vời để “nằm thêm 5 phút”.

Ngày thường 5 phút dài 300 giây, cuối tuần “tự nhiên” 5 phút dài 3 tiếng.
Ảnh: Laura Muls

Hầu hết mọi người sẽ cho rằng hành động “bù đắp” này giúp cơ thể được nghỉ ngơi nhiều hơn, tuy nhiên sự thật thì ngược lại. Hai ngày là quãng thời gian quá ngắn để cơ thể bạn kịp thích nghi với sự chuyển đổi từ ngủ ít (trong tuần) sang ngủ nhiều (cuối tuần) rồi lại trở về ngủ ít. Do đó, khi phải thức dậy sớm vào sáng thứ Hai, chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi và cáu gắt cho dù đêm trước ngủ sớm hay ngủ muộn.

Giải pháp? Mặc dù “nói dễ hơn làm”, nhưng nếu có thể thì hãy duy trì việc cố định giờ đi ngủ và giờ thức dậy của bạn, đặc biệt tránh vui chơi quá đà vào Chủ Nhật. Ngoài ra, đừng biến cuối tuần thành những giờ đi quẩy triền miên, trừ khi bạn muốn tự rút cạn chút năng lượng vừa mới “sạc” được của mình cho tuần sau.

Nếu có đi quẩy, hãy đi vào thứ Bảy
Vì mọi người đều ghét thứ Hai

Đôi khi bạn chẳng ghét thứ Hai đâu, chỉ vì bạn đang ở trong một môi trường mà mọi người đều thể hiện sự uể oải và chán chường vào sáng thứ Hai thôi.

Khi gần như cả thế giới đồng thanh “Chúng tôi ghét thứ Hai!”, khả năng cao bạn cũng bị cuốn luôn vào vòng xoáy không lối thoát đó do hiệu ứng đám đông. Internet và mạng xã hội là hai yếu tố góp phần biến nỗi sợ thứ Hai trở nên thật hơn, với những câu chuyện, quote, và hình ảnh liên quan đến việc này. Dần dà, từ chỗ vốn không có cảm xúc gì đặc biệt với thứ Hai, bạn cũng sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, “sợ hãi” mỗi đầu tuần.

Còn nhớ một thời, trên mạng xuất hiện đầy những hình ảnh… sởn da gà về những vật có lỗ tròn, và sau đó rất nhiều người “phát hiện” ra rằng mình bị Hội chứng sợ những vật có lỗ tròn.

Vì chúng ta so sánh thứ Hai với Chủ Nhật

Một trong những nguyên nhân khiến thứ Hai đáng chán, là vì bạn đang so sánh trải nghiệm và cảm giác của mình vào thứ Hai – ngày làm việc – với Chủ Nhật – ngày nghỉ. Bạn có thể hình dung điều này giống với cảm xúc trước và sau sinh nhật. Những cảm xúc háo hức, phấn khích, vui vẻ của bạn nhanh chóng xẹp xuống sau khi buổi tiệc sinh nhật qua đi, mặc kệ sự thật rằng bạn vừa nhận được thật nhiều lời chúc và quà tặng. Nguyên nhân của điều này là do trong hai thời điểm khác nhau, bạn đã có những cảm giác và những kỳ vọng khác nhau về tương lai.

Kết thúc thứ Sáu, bạn cảm nhận rõ ràng rằng những thứ đang chờ đợi phía trước sẽ mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn, vui vẻ; trong khi thứ Hai dễ gây ra những cảm xúc có hơi hướng tiêu cực hơn như là mệt mỏi, áp lực, căng thẳng.

Giải pháp?

  • Biến 2 ngày cuối tuần thành một phiên bản “trong tuần” nhẹ nhàng hơn bằng cách để cho não được làm việc. Đọc sách, viết, vẽ, tham gia một số workshop sáng tạo cuối tuần,… là những cách tuyệt vời để tập thể dục cho trí óc của bạn.
  • Đừng làm việc quá sức trong tuần. Dành ra những khoảng nghỉ ngơi giữa ngày, tránh tình trạng “buông ra không còn biết trời đất gì” mỗi cuối ngày làm việc.
  • Dành ít thời gian cuối tuần để chuẩn bị cho thứ Hai cũng như những điều cần làm trong tuần mới. Lấy sẵn bộ quần áo sẽ mặc sáng hôm sau, viết to-do-list cho thứ Hai, lên thời gian biểu cho những công việc sẽ giải quyết trong tuần,… để tuần mới không còn cảm giác căng thẳng và áp lực.
  • Biến thứ Hai thành bất cứ một thứ nào khác: hẹn bạn bè đi ăn, đặt vé xem bộ phim mới ra rạp, dành ít thời gian sau giờ làm lượn shop ngắm quần áo,… Tự đặt ra những điều nho nhỏ dễ thương để bạn có cảm giác mong đợi thứ Hai.
Ảnh: Veerle

Vì bạn ghét công việc của mình

Không ai có thể thức dậy với cảm giác hứng khởi khi biết rằng mình sắp sửa phải dành 5 ngày để làm thứ mình ghét cả, cho dù sáng hôm đó là thứ Hai hay thứ Năm. Đây không đơn thuần là cảm giác mệt mỏi hay căng thẳng do khối lượng công việc nhiều nữa, mà là sự chán nản thật sự.

Có nhiều lý do để một người chán ghét công việc của họ. Sếp ưa cằn nhằn, đồng nghiệp “mỏ nhọn”, môi trường làm việc độc hại, hoặc đơn giản do họ và công việc hiện tại đã không “match” nhau ngay từ đầu.

Giải pháp? Trường hợp này, bạn không có cách nào khác là phải suy xét lại mọi thứ để đưa ra quyết định có tiếp tục công việc này nữa hay không (nếu bạn đã ghét nó đến vậy). Có nhiều lý do để người ta ghét việc, cũng có nhiều lý do để người ta tiếp tục ở lại với công việc mà người ta ghét: ràng buộc vật chất (công việc hiện tại đem đến cho bạn thu nhập cao hoặc ổn định), ràng buộc tinh thần (bạn ghét việc nhưng mến đồng nghiệp), ràng buộc nhận thức (sợ thay đổi, ngại bắt đầu lại,…). Xác định xem đâu là lý do của bạn, và tìm đế cách giải quyết phù hợp.

Kết

Thứ Hai chẳng qua là một ngày trong tuần như bất cứ ngày nào khác. Nếu bạn không sợ các thứ còn lại, thì bạn cũng chẳng nên sợ thứ Hai. Mỗi sáng thức dậy đều là một ngày mới, một cơ hội để chúng ta làm những việc hôm qua chưa làm, gặp những người hôm qua chưa gặp, là “cái cớ” thuận tiện để bắt đầu một điều gì mới. Thứ Hai không có lỗi, bạn chỉ cần nghĩ về nó khác đi một chút thôi.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

23 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago