Takada Kenzō: “Tôi cảm thấy rất buồn chán nếu không được làm việc”

Takada Kenzō (高田 賢三) – nhà thiết kế thời trang nổi danh toàn cầu với thương hiệu thời trang cùng tên do ông sáng lập – được xác nhận đã qua đời ngày 4/10/2020 tại Pháp.

Thông báo chính thức từ thương hiệu Kenzo không đưa ra lý do cái chết, nhưng phía gia đình đã xác nhận với truyền thông Pháp hôm Chủ nhật rằng nguyên nhân tử vong là do biến chứng liên quan đến COVID-19. Takada qua đời ngày 4/10/2020 tại một bệnh viện ở Neuilly-sur-Seine (gần Paris), chỉ 4 ngày sau buổi trình diễn của thương hiệu tại Tuần lễ Thời trang Xuân-Hè Paris 2021.

Takada Kenzō luôn được nhớ đến với nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi, cùng khiếu hài hước có phần nghịch ngợm. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là “thời trang giống như ăn uống vậy, đừng cứ mãi chọn từ một thực đơn”.

“Thời trang không phải sở hữu của thiểu số, nó dành cho tất cả mọi người. Thế nên thời trang không nên là một thứ gì đó quá nghiêm túc.”

Takada Kenzō (1972)

Một trong những nam sinh đầu tiên tại Cao đẳng Thời trang Bunka

Takada được vú nuôi bế trên tay lúc vừa chào đời
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Takada Kenzō sinh ngày 27/2/1939, là một trong bảy người con của một gia đình trung lưu tại Himeji (Hyogo, Nhật Bản). Tình yêu của ông với thời trang đã nảy nở từ ngày bé, khi ông đọc những tạp chí thời trang của chị gái.

Gia đình Takada năm 1948. Nhà thiết kế ngoài cùng bên trái ở hàng dưới.
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Lớn lên, theo ý muốn của gia đình, ông ghi danh vào ngành Văn học tại Đại học Kobe, và thôi học chỉ sau năm thứ nhất. Sau đó Takada nộp đơn vào Cao đẳng Thời trang Bunka (文化服装学院 – Tokyo), trở thành một trong những nam sinh đầu tiên tại đây.

Tại Cao đẳng Thời trang Bunka
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō
Takada lúc vừa chuyển đến Tokyo
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Năm 1961, ông giành giải thưởng trong cuộc thi thiết kế do tạp chí thời trang danh tiếng của Nhật là Soen tổ chức. Sự nghiệp thiết kế của ông bắt đầu sau đó với công việc tại cửa hàng bách hóa Sanai, nơi ông cho ra đời gần 40 mẫu quần áo bé gái mỗi tháng.

Mẫu thiết kế đoạt giải Soen
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Kế hoạch 6 tháng ở lại Paris

Bước ngoặt cuộc đời của Takada Kenzō xảy ra vào năm 1964, khi khu nhà ông đang ở bị chính quyền dỡ bỏ để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo sắp diễn ra. Ông quyết định dùng 10 tháng tiền nhà được bồi thường để mua vé tàu thủy và lên đường sang Pháp.

Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Trên đường đi, ông đã dừng chân tại rất nhiều thành phố và châu lục khác nhau và được truyền cảm hứng từ văn hóa của họ với những chất liệu vải phong phú và màu sắc rực rỡ.

Takada (phải) ghé thăm Djibouti (châu Phi), với bạn ông là Matsuda
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Sau chuỗi ngày rong ruổi, ông đặt chân đến Paris và thuê một căn phòng gần Place de Clichy với giá 9 franc một ngày.

Những ngày ở Paris
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Mặc dù học chuyên ngành thời trang, cũng từng làm qua công việc thiết kế, nhưng Takada không cho rằng mình đủ giỏi để có thể thành công tại kinh đô thời trang thế giới. Ông dự định ở lại đây 6 tháng, và kiếm tiền bằng cách bán những bản vẽ của mình cho những nhà thiết kế khác, như Louis Feraud.

Một vài phác thảo trong số ông đã bán
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Những họa tiết phá cách đầy màu sắc của ông khác xa với gu thời trang trầm lắng, nghiêm túc vốn đã vô cùng quen thuộc với những thiết kế từ Dior và Chanel. Tuy nhiên, Takada vẫn được công chúng đón nhận. Năm 1970, Jungle Jap – cửa hàng đầu tiên do ông tự tay sửa chữa và trang trí – ra đời. Lấy cảm hứng từ những bức tranh mô tả rừng rậm của họa sĩ Henri Rousseau, Takada trang trí tường của Jungle Jap bằng những bông hoa to bản và dây leo xanh mướt.

Takada trang trí cho cửa hàng đầu tiên của ông
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Thời điểm cửa hàng đầu tiên ra đời, tôi đã nghĩ rằng thật vô ích nếu mình làm những gì các NTK người Pháp khác đang làm, bởi vì dù gì mình cũng không thể làm thế được. Thế là tôi đã tự làm mọi thứ theo cách riêng để trở nên khác biệt. Tôi dùng vải may kimono và những dạng họa tiết khác.

Takada Kenzō trả lời phỏng vấn South China Morning Post (2019).

Những mẫu trong Jungle Jap đều được làm theo phong cách vui nhộn và ngoại cỡ. Chúng được tạo ra để giải phóng từng đường nét cơ thể chứ không nhằm hạn chế hay tái định hình như những thiết kế khác cùng thời kỳ.

Thiết kế của Tanaka trên bìa Elle tháng 6/1970
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Năm 1971, Takada ra mắt BST tại New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản), đạt giải thưởng của Hiệp hội Biên tập viên Thời trang Nhật Bản một năm sau đó. Năm 1976, ông mở cửa hàng trưng bày sản phẩm ở Place des Victoires.

Cửa hàng flagship của KENZO (bìa phải) tại số 3, Place des Victoires
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Mặc dù chỉ định ở Paris 6 tháng, nhưng cuối cùng Takada đã ở lại đó 56 năm. Công trình của ông đã mở ra cánh cửa cho những nhà thiết kế người Nhật có tầm ảnh hưởng sau này như Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo. Không chỉ thế, Takada còn khai sinh ra một khái niệm mới về thời trang và cái đẹp, vượt qua biên giới về màu sắc và văn hóa, tôn lên sự đa dạng, và hiện nay vẫn để lại ảnh hưởng sâu sắc cho mọi người.

Tiếp tục sáng tạo không ngừng

Cuối những năm 70, đầu những năm 80 là đỉnh cao trong sự nghiệp của Takada. Năm 1978 – 1979, ông tổ chức các buổi biểu diễn trong lều xiếc, tự mình cưỡi voi trong khi dàn mẫu thì mặc đồ xuyên thấu và cưỡi ngựa. Năm 1983, ông ra mắt dòng thời trang nam. Năm 1986, ông giới thiệu dòng quần jeans. Và đến 1998, là nước hoa.

Takada và Karl Lagerfeld – người mà ông xem như anh trai
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō
Takada trong buổi trình diễn BST Thu-Đông 1998-1999 tại Paris.
Ảnh: Joel Saget/Agence France-Presse — Getty Images

Năm 1990, vì một số lý do cá nhân mà Takada quyết định bán KENZO cho Tập đoàn thời trang hàng đầu nước Pháp là LVMH. Năm 1999, ông nghỉ hưu và dành 2 năm đi vòng quanh thế giới.

Takada tại show thời trang cuối cùng trong sự nghiệp của ông (1999).

Sau thời gian dài nghỉ ngơi, Takada Kenzo quay trở lại với sáng tạo nghệ thuật nhưng ở lĩnh vực kiến trúc. Ông chia sẻ, “Tôi phải tiếp tục làm việc. Bằng không tôi sẽ thấy vô cùng buồn chán. Tôi yêu thích những thử thách, chúng giúp cho trí óc tôi luôn hoạt động minh mẫn. Tôi là một người tò mò, thích thử những điều hay và khám phá những giới hạn mới. Để duy trì khả năng sáng tạo của mình, tôi tìm đến bạn bè và lắng nghe họ, làm việc cùng những người trẻ tuổi, đi du lịch, đi bảo tàng, và luôn duy trì mức quan tâm nhất định đối với những thứ khác nhau. Làm việc là cách giúp tôi luôn tràn đầy năng lượng và không bị lạc hậu với thế giới xung quanh.”

Thương hiệu KENZO hiện do Humberto Leon và Carol Lim điều hành, nhưng Takada vẫn tham dự các buổi trình diễn. Năm 2013, ông gia nhập Liên đoàn Thời trang cao cấp châu Á với tư cách là Chủ tịch danh dự. Đầu năm nay, Takada thông báo mở thương hiệu thiết kế nội thất K3. Các sản phẩm của hãng trình làng lần đầu tiên tại triển lãm thương mại Maison et Objet vào ngày 17/1.

Takada cùng hai trợ lý Jonathan Bouchet Manheim (trái) và Engelbert Honorat (phải) trước buổi ra mắt K3.
Ảnh: Photo by JOEL SAGET / AFP

Takada khẳng định phong cách sống của ông là sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Ông chia sẻ, “Tôi đã ở Paris hơn 50 năm, nhưng tôi vẫn xem mình là người Nhật 100%. Khi quay về Nhật Bản, cảm giác của tôi như được trở về nhà. Và khi tôi ở Paris cũng vậy.”

Takada đang ngồi trong khu vườn kiểu Nhật tại nhà ông ở Paris
Ảnh: Courtesy of Takada Kenzō

Ngày 4/10/2020, Takada Kenzō được xác nhận qua đời tại Paris vì biến chứng của COVID-19.

Mi Nguyen

Recent Posts

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

9 giờ ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

1 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

3 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb 2024 Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10

Waterbomb 2024 sắp đến mảnh đất hình chữ S. Sau đây là những gì bạn…

5 ngày ago

Sự dung hoà giữa truyền thống và hiện đại tại “xứ sở kim chi”

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Sau những chuyến đi lý thú, những trải nghiệm…

5 ngày ago

Tư duy “sử dụng nguồn lực” của anh Phạm Minh Tiến từ Ngân hàng số Timo

Trong tập thứ 4 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam và Dreamage…

6 ngày ago