Người Lớn Đi Làm

WorkHoursLove: Taku Tanaka – Khởi nghiệp là một lựa chọn

#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai

Giữa thời đại các công ty, startup mọc lên như nấm, làm cách nào để có thể trụ vững, phát triển và tạo nên lợi nhuận. Làm thế nào để thu hút nhân tài cho các tổ chức ở giai đoạn đầu? Làm thế nào để trở thành người nắm giữ cuộc chơi: Biến bị động thành chủ động trong giai đoạn bình thường mới? Và để xây dựng một startup, có rất nhiều việc bạn phải giải quyết, vậy điều gì cần được ưu tiên hàng đầu?

Rất nhiều nút thắt và bí mật đã được tháo gỡ trong chương trình Fireside Chat: What No One Tells You About Starting Your Own Business với sự chia sẻ của anh Taku Tanaka – CEO & Co-founder Kamereo. Vài nét về khách mời:

• 2012 – 2014: Anh đã trở thành nhân viên kinh doanh số 1 tại nhiều ngân hàng.
• 2015 – 2017: Với tư cách thành viên hội đồng quản trị / COO tại Pizza 4P’s, anh đã tăng trưởng thành công cho hoạt động kinh doanh của Pizza 4P, từ chỉ có 1 cửa hàng phát triển lên hơn 10 cửa hàng tại 3 thành phố.
• 2018: Trở thành CEO & Co-founder Kamereo, anh đã huy động thành công hơn 5 triệu USD từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông và Việt Nam. Kamereo đã tăng trưởng thành công +20% mỗi tháng kể từ khi ra mắt vào năm 2019.


Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast What No One Tells You About Starting Your Own Business

Trước khi vào phần phỏng vấn chính, Taku có thể chia sẻ qua về mình và Kamereo?

Xin chào, tôi là Taku Tanaka. Tôi sinh ra và lớn lên tại Nhật. Năm 2012, tôi hoàn thành việc học tại Mỹ và bắt đầu con đường sự nghiệp với vị trí nhân viên kinh doanh cho một số ngân hàng đầu tư khác nhau.

Năm 2015, tôi có cơ hội đến Việt Nam để làm việc cho Pizza 4P với tư cách thành viên Hội đồng quản trị (COO). Khi ấy, Pizza 4P chỉ là một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn. Sau thời gian phát triển, thương hiệu này đã có hơn 10 cửa hàng tại 3 thành phố.

Sang năm 2017, tôi nghỉ việc tại Pizza 4P, bắt đầu quá trình tạo dựng một doanh nghiệp của riêng mình. Đây là ước mơ của tôi từ ngày còn bé, cũng là dự định tôi đã ấp ủ khi hãy còn là sinh viên. Tuy nhiên khi đó tôi vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, tôi cũng chưa tìm được thứ mình thích. Bạn sẽ không thể làm việc gì lâu dài được nếu bạn không thật sự thích nó.

Thời gian làm việc tại các ngân hàng đầu tư giúp tôi học hỏi về đầu tư, tài chính, và quan trọng hơn là cho tôi cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu rất nhiều những lĩnh vực khác nhau. Sau cùng, tôi nhận ra mình bị mê hoặc bởi FnB (Food and Beverage – ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống).

FnB hoàn toàn không phải một lĩnh vực “dễ xơi”, mặc dù tôi ít nhiều cũng không quá xa lạ với ngành này. Hầu hết những người trong gia đình tôi đều sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Nhật. Tôi nhận thấy nhân viên nhà hàng không những làm việc chăm chỉ, mà họ còn giúp người khác (khách hàng) cảm thấy vui vẻ nữa. Đó là cảm giác tôi không có được khi làm ngân hàng, mặc dù công việc đó đem lại thu nhập rất tốt.

Dần dà, tôi có hứng thú hơn với mảng vận hành, muốn tìm hiểu về cách quản trị con người, quản lý doanh nghiệp. Công việc tại Pizza 4P là cơ hội tốt để tôi trải nghiệm mọi thứ liên quan đến vận hành, từ nhân sự, kế toán, tài chính, đến chuỗi cung ứng.

Cũng trong thời gian làm việc tại đây, tôi nhận thấy hầu hết những nhà hàng tại Việt Nam là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, ít nơi nào có bộ phận phân phối, vận chuyển riêng – hoặc chủ nhà hàng hoặc nhân viên sẽ kiêm nhiệm phần này. Các đơn vị cung cấp cũng chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, hầu như không có “ông lớn” nào hiện diện.

Và đó là lý do Kamereo ra đời. Kamereo cung cấp giải pháp cung ứng tối ưu nhất cho các doanh nghiệp, giúp họ kết nối trực tiếp với các đơn vị cung cấp – từ những nhà xưởng sản xuất cho đến những người nông dân. Ngoài ra, tôi cũng rất thích Việt Nam, nên tôi nghĩ mình sẽ còn ở đây lâu đấy!

Anh có thể giải thích thêm về cái tên Kamereo?

Kamereo lấy cảm hứng từ chameleon, tiếng Việt là con tắc kè hoa. Tôi chọn cái tên này vì đọc lên nghe vui, quan trọng hơn nữa là nó ấn tượng, dễ nhớ.

Tắc kè hoa là loài vật có thể “thay hình đổi dạng” tùy thuộc môi trường. Lấy tên loài vật đáng yêu này, chúng tôi gửi đi thông điệp rằng Kamereo luôn nỗ lực để đáp ứng với muôn hình vạn trạng nhu cầu của khách hàng.

Kamereo là đơn vị cung ứng ứng dụng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Anh có thể giải thích thêm về khái niệm này?

Về cơ bản, Kamereo là một đơn vị phân phối B2B. Điểm khác biệt là chúng tôi ứng dụng công nghệ để đem đến giá trị lớn hơn. Hệ thống website và app điện thoại của Kamereo giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm và đặt hàng dễ dàng – một trải nghiệm mà hầu hết những đơn vị phân phối khác không đáp ứng được.

Ứng dụng công nghệ của Kamereo chủ yếu tập trung phát triển phần back-end, chẳng hạn như hệ thống quản lý kho, hệ thống dự đoán xu hướng của các đơn hàng tương lai từ khách hàng, etc. Tuy người dùng không trực tiếp nhìn thấy những tính năng này, nhưng chúng hỗ trợ rất tốt về chất lượng vận hành.

Nhu cầu của khách hàng và của thị trường thay đổi từng ngày. Để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, tiết kiệm, đạt chất lượng yêu cầu, chỉ có đội ngũ tốt là chưa đủ, chúng ta cần cả năng lực công nghệ nữa.

Anh có thể chia sẻ về trở ngại khó khăn nhất từng gặp phải khi làm startup? Anh đã vượt qua nó như thế nào?

Với tôi, đại dịch toàn cầu COVID-19 chính là trở ngại lớn nhất. COVID xảy ra khi Kamereo chỉ mới đi vào hoạt động được khoảng 1 năm. Đến giờ, mặc dù tình hình đã tốt lên nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa thể nói trước điều gì trong tương lai.

Đối tượng khách hàng chính của chúng tôi là các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Thời điểm giãn cách kéo dài năm vừa qua là một trong những thời điểm vô cùng khó khăn. Không riêng các doanh nghiệp startup mà ngay cả những “ông lớn” FnB khác cũng lao đao.

Hoạt động doanh nghiệp đình trệ, công việc của nhân viên cũng theo đó gặp nhiều trở ngại. Công tác quản trị đội ngũ, đặc biệt về phần kỳ vọng của nhân viên lại là một khó khăn khác chúng tôi phải đối mặt. Nhưng may mắn là trong thời gian đó, Kamereo gây quỹ thành công, ít nhiều vượt qua được khó khăn do COVID.

Tự mình làm chủ một doanh nghiệp nghe rất hấp dẫn, nhưng thực tế thì thế nào?

Khởi nghiệp là một lựa chọn. Bạn có toàn quyền quyết định rằng mình sẽ trở thành một founder hay không. Và câu hỏi này tất nhiên không có đúng hay sai. Trả lời thế nào là tùy thuộc ở bạn.

Sự thật là không phải doanh nghiệp startup nào cũng thành công – một số hoạt động không suôn sẻ, một số sẽ chết hẳn. Nhưng dù vậy, tôi không cho rằng đó là một sự thất bại. Những lần làm sai là những lần chúng ta học thêm bài học mới.

Vậy nên nếu thật sự muốn tự đứng ra làm gì đó, hãy cứ làm thôi. Kết quả không thành công cũng chẳng phải vấn đề gì nghiêm trọng, miễn là bạn học được từ những sai lầm của mình.

Thế nhưng vẫn phải nói rằng, khởi nghiệp không phải công việc dễ dàng. Trở thành founder của một doanh nghiệp startup đồng nghĩa với việc có rất nhiều thứ cần lo lắng, vấn đề luôn chực chờ xảy ra, và căng thẳng lúc nào cũng thường trực.

Một lời khuyên của tôi dành cho những bạn đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, đó là hãy xem xét và chọn ra lĩnh vực / sản phẩm mà bạn sẵn sàng dành nhiều thời gian và sẵn sàng đối mặt với nhiều thử thách trong quá trình thực hiện. Bằng không, bạn sẽ không thể nào duy trì nó trong thời gian dài. Một khi doanh nghiệp không được duy trì, làm sao chúng ta bán được sản phẩm?

Xây dựng đội ngũ giỏi và thích hợp với doanh nghiệp luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Với các doanh nghiệp startup, vấn đề này càng được quan tâm nhiều hơn. Theo anh, các đơn vị khởi nghiệp sẽ cần nhân sự với những đặc điểm, kỹ năng, năng lực cốt lõi như thế nào?

Quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp startup nhìn chung không quá khác biệt trong các vòng xét hồ sơ, phỏng vấn, … Nhưng có một yếu tố quan trọng cần xem xét, đó là sự tương đồng về TƯ DUY – tức ứng viên và tổ chức có cùng một niềm tin, cùng một mô thức tư duy hay không.

Ví dụ như ở Kamereo, chúng tôi đưa ra 6 giá trị cốt lõi. Nếu ứng viên không đồng tình với hệ giá trị này, thì rõ ràng họ không phù hợp với tổ chức. Chúng tôi đề cao năng lực làm việc nhóm và tư duy giải quyết vấn đề. Đừng than phiền, mà hãy đối diện và xử lý khó khăn với tâm thế học hỏi.

Khi cân nhắc liệu một ứng viên có phù hợp với vị trí công việc và với tổ chức hay không, chúng tôi vẫn xem xét những khía cạnh về kinh nghiệm, thành tích, mạng lưới mối quan hệ, … Tuy nhiên, yếu tố TƯ DUY luôn được cân đo đong đếm kỹ lưỡng nhất. TƯ DUY là thứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Tương đồng về TƯ DUY từ đầu sẽ có lợi cho cả ứng viên và tổ chức, vì doanh nghiệp startup thường sẽ không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực để “đợi” nhân sự thay đổi.

Nhắc đến startup, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường nghe đến những danh xưng như “game-changer” hay “disruptor”. Nhưng liệu điều này có nên được khuyến khích khi nó có thể kích động sự cạnh tranh của các doanh nghiệp mạnh hơn hoặc các doanh nghiệp truyền thống đã có chỗ đứng vững chãi trong ngành?

Theo tôi, startup ra đời để giải quyết những vấn đề của khách hàng. Có lẽ sau khi giải quyết một chuỗi các vấn đề như thế thì doanh nghiệp startup sẽ thật sự tạo ra tác động cho thị trường – trở thành một “game-changer – người thay đổi cuộc chơi” hoặc “disruptor – kẻ phá rối”. Tuy nhiên điều này không thể áp dụng trong mọi trường hợp.

Lấy ví dụ ở Kamereo, chúng tôi làm việc trực tiếp với nông dân, không thông qua thương lái. Vậy thì trên những góc nhìn nhất định, chúng tôi vẫn là “kẻ phá rối” vì đã bỏ qua lớp trung gian này. Song mục đích của chúng tôi không phải là chiếm lĩnh thị trường mà là cung cấp giải pháp cung ứng tối ưu cho khách hàng. Chúng tôi cũng không triệt tiêu thương lái mà có thể sẽ hợp tác với họ ở những mảng khác trong tương lai.

Tựu trung, mấu chốt vẫn là giải quyết vấn đề. Kamereo mong muốn giúp tháo gỡ những nút thắt đang tồn tại trong thị trường chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Chúng tôi giải quyết vấn đề lớn này bằng cách “chẻ nhỏ” nó ra và làm việc với nó mỗi ngày.

Những kinh nghiệm trước đây đã giúp ích như thế nào khi anh bắt đầu xây dựng Kamereo?

Khi còn ở Pizza 4P, tôi có cơ hội tham dự vào công việc của tất cả các bộ phận khác nhau. Nhờ đó, tôi học được rất nhiều. Chẳng hạn như tôi biết được chức năng của CEO sẽ thay đổi khi tổ chức phát triển. Ở những quy mô khác nhau, vai trò của họ sẽ khác nhau, và điều đó cũng thật dễ hiểu đúng không?

Doanh nghiệp startup không có đủ nguồn lực để thuê mướn nhiều nhân sự, đặc biệt là nhân sự C-level vì rất tốn kém. Thời gian đầu, tôi trực tiếp đứng ra quản lý. Nhưng sau này, khi đã tìm được nhân sự cho vị trí điều hành thì nhiệm vụ của tôi phải thay đổi – tôi cần lui về phía sau, tập trung thời gian cho sự phát triển của tổ chức trong tương lai.

Về cơ bản, thay đổi là một chuyện không dễ dàng. Một khi bạn đã quen với một vị trí hoặc với những chức năng cố định, bạn cần phải nỗ lực rất nhiều để thích nghi và tiếp tục phát triển bản thân cùng với sự phát triển của tổ chức trong trường hợp có thay đổi xảy ra. Đây là một trở ngại cho các nhà sáng lập, tuy nhiên nó là trở ngại hết sức quan trọng, cần thiết và tích cực để giúp doanh nghiệp trụ vững trong mọi điều kiện hoàn cảnh.

Nhắc đến thay đổi, một trong những khó khăn các doanh nghiệp startup phải đối mặt là sự biến động không ngừng của thị trường khiến họ phải liên tục thay đổi mục tiêu, kế hoạch, hoặc sử dụng các phương án dự phòng, đôi khi đến mức thay đổi hẳn sản phẩm hoặc lĩnh vực. Anh có thể chia sẻ cách sắp xếp các mục tiêu ngắn và dài hạn cũng như cách thúc đẩy, chuyển hướng kế hoạch để thích ứng với thay đổi?

Theo tôi, trước hết đừng nên vẽ nên một bức tranh quá chi tiết. Theo đó, nếu có biến cố xảy ra, chỉ cần bạn vẫn theo đuổi tầm nhìn đã có từ ban đầu thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể thay đổi – từ vận hành, sản phẩm, cho đến nhân sự – cốt sao để kịp thích nghi và phát triển tốt với môi trường mới.

Tầm nhìn của Kamereo là tái xác định ngành kinh doanh thực phẩm. Chúng tôi làm bất cứ điều gì có thể, miễn sao để ngành thực phẩm trở nên tốt hơn. Tất cả những nỗ lực của Kamereo nhằm giảm lãng phí, tối ưu giá, đảm bảo chất lượng, ưu tiên trải nghiệm khách hàng, … đều vì một mục tiêu duy nhất, đó là giúp ngành thực phẩm trở nên tốt hơn.

Tựu trung, để dễ dàng thích nghi thì tốt hơn hết đừng nên quá chi tiết ngay từ đầu. Vì khả năng thay đổi hoạt động kinh doanh dựa trên trạng thái và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp cũng là một trong những điều cần ghi nhớ với các bạn đang ấp ủ giấc mơ làm chủ chính mình.

Cảm ơn anh Taku Tanaka vì buổi trò chuyện này!

Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai

VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin

Mi Nguyen

Recent Posts

Phân tích SWOT cho Cơm Tự Chín, Lẩu Tự Sôi Masan

Sau Lẩu tự sôi, Masan Consumer ra mắt sản phẩm mới Cơm tự chín tại thị…

2 giờ ago

9 bộ phim Châu Á ấn tượng xuất hiện tại Cannes 2024

Những bộ phim Châu Á ấn tượng xuất hiện trong lễ liên hoan phim quốc…

8 giờ ago

Bridgerton mùa 3: 4 lý do bạn không nên ‘rời mắt’ khỏi loạt phim trong tháng 5 này

Sau hơn 2 năm vắng bóng, mùa 3 đã lên sóng vào hôm qua. Vậy,…

1 ngày ago

Album The Secret of Us của Gracie Abrams sẽ có sự góp giọng của Taylor Swift

Gracie Abrams tung ra album mới với sự góp mặt của Taylor Swift

1 ngày ago

7 loại trà giảm cân mang lại hiệu quả

Trà là thức uống có lợi trong việc giảm cân và cải thiện vóc dáng,…

1 ngày ago

Cách để đối phó với ‘languishing’ (chán nản) vì công việc

Khi rơi vào cảm giác languishing, nhiều người sẽ tìm kiếm khoảnh khắc mà cái…

2 ngày ago