Tại sao chúng ta thường đi chùa ngày tết?
Ngày ấy, có một thằng bé thường hay theo chân bà ngoại và mẹ nó lên chùa mỗi ngày. Trong lúc người lớn bận công chuyện của người lớn, thì thằng bé với hai chiếc dép tổ ong đi trái chân, hoặc đôi khi là đôi chân trần, mặc sức chạy như bay trên những viên gạch lót sân mát lạnh, trên sàn gỗ đen sậm màu, vòng quanh những bức tượng ông Thiện ông Ác cao lừng lững, và thuộc tên cũng như số đếm của tất cả các bức tượng Phật trong chùa.
Thằng bé không chỉ sớm làm quen với những chén trà sư ông rót cho bà ngoại mà còn nắm rõ cả những lối đi ngóc ngách thông nhau bên trong chùa, nơi người lớn không hay biết về sự tồn tại của chúng, hoặc nếu biết cũng không thể nào chui lọt.
Thằng bé quen với việc đứng bên dưới chiếc chuông treo lừng lững bên trong chùa, tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu chuông bất ngờ rơi xuống nhốt nó ở bên trong. Quen với từng tia nắng đan xiên qua khe cửa gỗ, làm lộ ra những làn hơi bụi nhỏ lặng lẽ bay lơ lửng trong không trung. Quen với việc quỳ gối cạnh bà, cạnh mẹ mà chắp tay khấn vái Phật lời những người xung quanh thường quay sang nhìn rồi hỉ hả khen. Quen với mùi trầm, nhang, hoá vàng. Quen với tiếng sư cụ nhẹ nhàng, trầm ấm, bình thản lúc gõ mõ, tụng kinh.
Tuổi thơ vùn vụt trôi đi, đến một lúc nào đó chẳng hề được báo trước, ngôi chùa bỗng trở nên xa vời vợi. Là do bà yếu rồi không còn lên chùa đều đặn được nữa? Là do mẹ nghỉ hưu và bận bịu với việc chăm cháu ở nhà? Là do những mối quan tâm của đứa nhóc ngày nào giờ chuyển sang bè bạn, yêu đương? … dù là lý do gì đi chăng nữa, đứa trẻ ngày nào nhận ra rằng nó chỉ còn đưa mẹ lên chùa (ngày xưa là theo bà, theo mẹ lên chùa) vào mỗi sáng mùng Một Tết.
Đứa trẻ ngày nào lấy cớ trông giày dép cho mẹ, cho chị và cho vợ mình. Nó đứng ngoài, dựa lưng vào một cây cột gỗ mát rượi được hoàn thiện kỹ lưỡng, mà lòng nghi hoặc tự hỏi đây là cây cột mới được làm, hay phục lại từ một trong số những cây cột nứt nẻ năm xưa? Nó không dám ngó mặt vào bên trong gian thờ chính, sợ không còn thấy đủ mặt những tượng Phật từ bi yên ắng hai mươi năm trước vẫn thường dịu dàng quan sát nó chạy nhảy nô đùa trong im lặng.
Thằng bé ngày nào nhìn cháu ruột nó, chưa tới mười tuổi, ngây ngô đi giữa những thân người cao lớn đang hối hả chạy từ gian này sang gian khác, lòng thầm ước đứa trẻ có một nơi cây cao toả bóng vỗ về như ngôi chùa và chính nó ngày xưa.
Vẫn biết trăm năm là hữu hạn, đời làm gì có gì tồn tại vẹn nguyên không đổi thay mãi mãi. Vậy nhưng trước dòng thời gian xoay vần, những ngồi chùa vẫn cứ trầm mình ở đó, nhìn ngắm người đến người đi, lắng nghe những âm thanh huyên náo mỗi độ xuân về rồi lại nhanh chóng chìm vào lặng im. Con người đi chùa đôi khi không phải vì tin số phận của mình đang được nắm giữ bởi một thế lực cao hơn mà đơn giản chỉ là muốn tìm một khoảng lặng trong tâm hồn, dành thời gian ở cạnh người thân hoặc có được chút phút giây có thể nhìn về chính mình trong quá khứ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
#LocalZine: Tết 2022 – Tết này lạ lắm
Phim Tết Nhâm Dần – Ra rạp xem gì xuân này?
Chuyện phim hài Tết Việt và những bộ phim hài Tết nổi bật
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…