Người Lớn Đi Làm

Cách để tạo dựng uy tín ở nơi làm việc

Điều gì làm xói mòn sự uy tín tại nơi làm việc và điều gì xây dựng nó? Đó là câu hỏi mà có lẽ nhiều nhân viên với mong muốn được trọng dụng vẫn đang tìm câu trả lời.

Nhiều người cho rằng, nếu họ cứ cặm cụi làm việc tốt, một ngày nào đấy sẽ có ai đó chú ý và trao những cơ hội tốt đến họ. Nhưng có 1 sự thật là, môi trường công sở không phải là nơi để nâng đỡ những người chỉ có thiện chí và kỹ năng không thôi. Làm việc chăm chỉ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được sự công nhận hay thăng tiến đâu!

Xây dựng uy tín ở nơi làm việc đòi hỏi ta phải chiếm được lòng tin của những người làm việc cùng — đồng nghiệp, quản lý và các bên liên quan. Nó sẽ đòi hỏi bạn nhiều hơn là chỉ có năng lực và kiến thức.

Có thể thấy, sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhân viên và thực tế sẽ thường là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự thất vọng, bất mãn và chán nản trong công việc. Nhưng bạn cũng đừng nên nản lòng.

Giả sử nếu môi trường làm việc tại đấy không đến mức “tô-xích” và có lộ trình thăng tiến cụ thể, bằng cách áp dụng những thói quen và thực hành đơn giản vào công việc hằng ngày dưới đây, bạn ít nhiều có thể tạo ra giá trị thực dụng cho tổ chức; đồng thời thu hút được sự chú ý mà bạn cần.

Bởi khi nhận được sự uy tín ở nơi làm việc, có thể:

  • Ý tưởng và đề xuất của bạn được lắng nghe và trân trọng.
  • Người khác tìm đến bạn để xin lời khuyên và hướng dẫn.
  • Được giao phó các trách nhiệm lớn lao hơn và có thêm cơ hội tốt để học hỏi.
  • Có tác động tích cực đến tinh thần: Nghĩa là, cảm giác được trọng dụng giúp bạn tránh bị kiệt sức và giúp ta luôn hạnh phúc, hài lòng và viên mãn.

Cần làm gì để xây dựng sự uy tín tại nơi làm việc?

Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng ngay từ bây giờ để bắt đầu trở thành một thành viên đáng tin cậy trong nhóm và là một nhân viên uy tín nói chung ở nơi làm việc:

1. Tự giác làm thêm việc mà không cần ai yêu cầu

Nghe thì có vẻ hơi phi lí nhỉ? Thường thì, tâm lý của dân văn phòng là mong muốn hoàn thành xong những việc được giao (đương nhiên là ở mức chấp nhận được), để dành thời gian cho bản thân hoặc làm những công chuyện khác; và thường nó sẽ chỉ nằm gói gọn trong phạm vi công việc mà người đó được thuê..

Thế nhưng, nếu chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng công việc tốt, đúng thời hạn và đáp ứng kỳ vọng – người ta sẽ chỉ nghĩ bạn là 1 nhân viên tận tâm. Nó không hề xấu, nhưng chỉ chờ được giao nhiệm vụ sẽ không giúp bạn trở nên uy tín trong mắt đồng nghiệp và cấp trên..

Để xây dựng sự uy tín, hãy thử đôi lúc thực hiện những công việc mà không ai yêu cầu cả. Xem thử tổ chức và chính khách hàng đang gặp phải vấn đề gì? Điều gì quan trọng đã bị bỏ qua và cần được chú ý? Bạn có thể đóng góp như thế nào?

Ví dụ:

  • Giải quyết 1 khúc mắc mà khách hàng thường xuyên phàn nàn.
  • Tạo 1 bảng/thư mục/hệ thống tổng nào đấy chứa những thông tin cần thiết, thay vì để đồng nghiệp/cấp trên mất thời gian tìm kiếm ở nhiều nơi khác nhau.
  • Thiết lập 1 hệ thống báo cáo tự động gửi email hàng tuần với các biểu đồ doanh số, thay vì chờ sếp nhắc rồi mới bắt đầu làm bảng báo cáo thủ công.

2. Chia sẻ kiến thức và không giữ riêng cho mình

Nếu là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đấy hoặc có kiến thức chuyên sâu, bạn sẽ có khả năng tìm ra giải pháp mà người khác không biết. Nhưng chỉ có kiến thức hoặc chuyên môn thôi là chưa đủ. Việc bạn sử dụng kiến thức đó như thế nào cũng quan trọng không kém.

Nếu muốn trở thành 1 người uy tín ở nơi làm việc, hãy giúp người khác tiếp thu chuyên môn của bạn. Dù chỉ ở mức độ nhỏ, cũng đủ để xây dựng lòng tin của họ với bạn rồi, và người đấy sẽ tìm đến bạn để được hướng dẫn và tư vấn.

Hơn nữa, giúp đỡ người khác trong chuyên môn cũng mang lại một lợi thế khác — họ có thể đảm nhận công việc của bạn, tạo cơ hội để bạn thực hiện những nhiệm vụ thử thách và phức tạp hơn.

Nếu có kiến thức chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng về ngành hay có bất cứ lợi thế nào khác; đừng ngần ngại chia sẻ với mọi người và coi đấy như là ta đang đóng góp vào sự phát triển của tổ chức. Nguồn ảnh: miniseries/Getty Images.

3. Hãy là người đồng đội tốt

Mục đích của bạn khi làm việc với người khác là gì? Bạn chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân hay muốn đóng góp để tạo ra giá trị chung cho mọi người?

Nếu chỉ nghĩ đến bản thân, bạn sẽ đưa ra những quyết định có lợi cho mình mà không để ý chúng có thể gây tổn hại cho người khác. Bạn hành động dựa trên sở thích cá nhân mà không cân nhắc xem liệu hành động của mình có mang lại giá trị cho tổ chức hoặc đội nhóm hay không.

Trong khi đó, những nhân viên đáng tin cậy lại không làm việc đơn độc đâu. Họ là những người đồng đội tốt, làm việc dựa trên nhu cầu của nhóm hoặc nơi mà sự đóng góp của họ có ý nghĩa nhất. Việc không cố gắng tìm lợi ích cá nhân từ mọi tình huống giúp họ giữ được góc nhìn cân bằng — vừa thực hiện những công việc quan trọng với tổ chức, vừa đóng góp vào quá trình học hỏi và phát triển của bản thân.

4. Đừng bao giờ nói: “Đó không phải là việc của em

Bạn sẽ làm gì khi quản lý yêu cầu bạn thực hiện những công việc không phù hợp với phạm vi công việc hoặc có vẻ nhàm chán? Ví dụ như: Làm bù phần công việc của đồng nghiệp, làm đầu việc mà bạn đã thực hiện nhiều lần trước đó, bắt phải tham gia vào quá trình tổ chức sự kiện tại công ty,…

Bạn có từ chối và nói rằng “Đó không phải là việc của em” hay bạn sẵn sàng “xắn tay áo lên” và hoàn thành công việc?

Đương nhiên, nếu thật sự đang bận việc, bạn hoàn toàn có quyền từ chối. Nhưng ngược lại, việc thể hiện sự chống đối với một số đầu việc nhất định và chỉ ưu tiên những công việc khác sẽ khiến người khác nghĩ bạn là người cứng nhắc. Bởi trong tương lai, họ sẽ không thể biết chắc chắn được rằng bạn sẽ chấp nhận hay từ chối điều gì, khiến người ta khó mà cân nhắc đưa bạn cơ hội để phát triển sự nghiệp.

Sự uy tín không đến từ việc chỉ làm những điều thú vị hoặc những công việc luôn phù hợp với sở thích của bạn. Nó được xây dựng từ khoảnh khắc ta đánh giá đúng nhu cầu hiện tại của mình và sẵn sàng đóng góp vào những nơi mà sự hiện diện của bạn sẽ tạo ra sự khác biệt.

5. Có tinh thần chủ động mạnh mẽ

Bạn phản ứng thế nào trước những trở ngại và thách thức? Bạn có phải chờ quản lý gỡ rối cho mình, hay tìm cách sáng tạo để giải quyết vấn đề và tiến lên phía trước?

Khi đổ lỗi, phàn nàn, than khóc, hoặc chuyển trách nhiệm lên cấp trên, bạn có thể cảm thấy rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ bằng cách thông báo cho những người cần thiết để xử lý. Nhưng việc thoái thác trách nhiệm lại không giúp bạn xây dựng sự uy tín ở nơi làm việc đâu.

Ngược lại, người khác sẽ tin tưởng bạn nếu trong trường hợp bản thân phải đối mặt với vấn đề với tinh thần chủ động cao. Khi bạn kiên trì vượt qua nghịch cảnh và tìm cách đạt được điều mình muốn mà không chờ đợi mọi điều kiện trở nên hoàn hảo hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, người khác dần dần sẽ dựa vào bạn để giải quyết các vấn đề chưa rõ ràng và đầy bất định.

6. Xác định vấn đề và lập kế hoạch giải quyết từ đầu

Phần lớn nhân viên sẽ bắt đầu ứng phó với vấn đề khi chúng xuất hiện, khi đó, sẽ có những bất lợi sẽ xảy ra. Thứ nhất, họ sẽ không dành thời gian để nghĩ thấu đáo đến những thách thức và trở ngại trong tương lai. Thứ 2, những sự kiện bất ngờ sẽ khiến họ mất cân bằng, và cộng thêm với khoảng thời gian eo hẹp sẽ dẫn đến những lựa chọn tồi và quyết định sai lầm. Việc thông báo tin xấu cho quản lý vào phút chót cũng rất dễ làm mất đi sự tin tưởng.

Những người xây dựng sự uy tín không phải là những người chỉ biết phản ứng thụ động. Họ sẽ chủ động dự đoán những điều có thể cản trở tiến độ. Suy nghĩ trước về những rủi ro và vấn đề giúp họ chuẩn bị tinh thần để đối mặt với các thách thức ngay khi chúng xuất hiện — ngay cả khi đó là điều bất ngờ, họ cũng không ngỡ ngàng.

Một cách mà bạn có thể làm đó là sử dụng phương pháp Premortem. Đây là một phương pháp phân tích rủi ro, khi đó bạn sẽ giả định rằng dự án hoặc kế hoạch đấy đã thất bại, thay vì chờ thất bại xảy ra để tìm hiểu nguyên nhân.

Ví dụ: Nếu bạn đang triển khai một sản phẩm mới, hãy hình dung rằng sản phẩm không được người dùng đón nhận. Lý do có thể là giá quá cao, chất lượng không đạt, hoặc chiến lược Marketing không hiệu quả,… Khi đã xác định nguyên nhân có thể dẫn đến thất bại, hãy suy ngược lại: Những hành động hoặc quyết định nào trong hiện tại có thể đã gây ra sai lầm đó? Điều này giúp bạn nhận diện các lỗ hổng trong kế hoạch.

Dựa trên những rủi ro đã xác định, hãy xây dựng một kế hoạch để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ đó. Ví dụ: Nếu nguy cơ là thiếu ngân sách Marketing, bạn có thể chuẩn bị một nguồn dự phòng hoặc tối ưu hóa chi phí.

Thông thường, khi đang trong tiến trình hoàn thành 1 dự án nào đó, những rủi ro thường thấy có thể kể đến là: rò rỉ thông tin, giao tiếp không hiệu quả, trễ tiến độ, đầu việc phát sinh, và ăn cắp chất xám. Nguồn ảnh: asana.

7. Chịu trách nhiệm

Khi mọi việc không diễn ra như mong đợi, bạn thường làm gì đầu tiên? Đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh; hay bạn tự chịu trách nhiệm về kết quả đấy?

Khi không cảm thấy kiểm soát được kết quả tình hình, tâm trí ta thường chuyển sang tập trung vào vấn đề. Bạn ám ảnh với vấn đề và không hành động khi cần thiết nhất.

Những nhân viên xây dựng sự được sự uy tín sẽ là những người kiểm soát được cảm xúc tiêu cực bên trong, thay vào đấy, họ tập trung vào những gì mình có thể làm thay vì lãng phí thời gian lo lắng về những điều ngoài tầm kiểm soát.

Khi đứng lên và chịu trách nhiệm, não bộ chúng ta sẽ kích hoạt vùng vỏ não trước trán (được biết đến là nơi chịu trách nhiệm cho chức năng như lập kế hoạch và giải quyết vấn đề). Họ có thể đánh giá tình huống một cách khách quan, cân nhắc các khả năng khác nhau và suy nghĩ sáng tạo về các bước cần thực hiện.

8. Sẵn sàng thay đổi và thích nghi với nhu cầu trong tương lai

Nơi làm việc sẽ luôn thay đổi với tốc độ rất nhanh. Nếu chỉ bám vào những điều mình đã làm trước đây hoặc chọn con đường an toàn, bạn có thể hoàn thành công việc, nhưng việc giới hạn mình trong vùng an toàn cũng hạn chế sự phát triển của bản thân đấy.

Phớt lờ các nhu cầu trong tương lai hoặc không thích nghi với chúng sẽ khiến kỹ năng của bạn trở nên lỗi thời. Dần dần ta sẽ chỉ nhận được những trách nhiệm ở mức thấp, chỉ tổ làm cho ta trở nên bận rộn cho có chứ không mang lại sự thăng tiến nghề nghiệp

Những nhân viên xây dựng sự uy tín không bao giờ quên hướng tới tương lai đâu. Họ sẽ không ngừng đầu tư thời gian để bắt kịp xu hướng. Việc duy trì thái độ học hỏi giúp họ xây dựng các kỹ năng mới, luôn sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

Dao Thomas

Recent Posts

#LocalZine: Những khu chợ và sự trù phú, giàu có của văn hóa Việt Nam

Hơn cả một điểm mua bán, những khu chợ còn là nơi người ta tìm…

17 giờ ago

#Thoáng: Loài người biết về sinh sản và em bé như thế nào?

Chính xác từ thời điểm nào, con người biết hành động "ân ái" sẽ tạo…

20 giờ ago

Cuốn sách “48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực” dạy gì chúng ta về cách trở nên cuốn hút?

Hãy cùng The Millennials Life khám phá 6 bài học đúc kết về sự cuốn…

2 ngày ago

Sự khác biệt giữa chàng trai nhút nhát và một người không hề hứng thú đến bạn

Liệu có phải anh chàng đó không hề hứng thú về mặt tình cảm, hay…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tết bắt đầu từ những căn bếp

Căn bếp là linh hồn ngày Tết; nơi các bà mẹ gánh trọng trách bếp…

3 ngày ago

“Designer” vẽ bảng hiệu quảng cáo ở Sài Gòn trước năm 1975 như thế nào?

Khi nhìn về Sài Gòn trước năm 1975, bạn sẽ thấy ấn tượng bởi những…

4 ngày ago