Lifestyle

Thói quen “tạo lập thói quen” – Vòng lặp không bao giờ kết thúc

Không phải ngẫu nhiên mà các tựa sách self-help và những “diễn giả” truyền cảm hứng thích nói về việc tạo lập thói quen, kiểu như “Nếu muốn phát triển bản thân, bạn cần có cho mình những thói quen bền vững.” 

Điều này không sai. Bạn có thể được trời phú cho một chỉ số IQ cao, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ trở thành thiên tài. Để làm được điều đó, bạn cần có ý chí, có nỗ lực, cùng một sự kiên trì nhất định. Những kỹ năng này đều có thể được rèn luyện thông qua thói quen. 

Thế nhưng, tạo lập và giữ cho mình một thói quen lành mạnh không phải việc dễ làm. Sự thật đáng buồn là thói quen xấu thì dễ hình thành hơn thói quen tốt. Lý do vì bộ não chúng ta hoạt động theo cơ chế “phần thưởng tức thời”. Chúng ta ưu tiên những hoạt động không tốn nhiều năng lượng và có tính giải trí cao. 

Nằm ườn xem phim cả ngày, order trà sữa mỗi khi buồn, lướt Facebook không ngừng nghỉ,… đều là những hoạt động mang lại cảm giác thoải mái.

Photo: Nikolos N

Tuy nhiên, trở thành người sống có quy củ, nề nếp mang lại những “phần thưởng lâu dài” khác. Chúng ta dễ dàng hình dung một cuộc sống mà mỗi ngày ta đều thức dậy đúng giờ, ăn uống đủ chất, sau đó bắt tay vào làm việc với tâm trạng hứng khởi. Cuối ngày về nhà, dọn dẹp, nấu nướng, đọc sách, đi ngủ. Lành mạnh không? Lành mạnh quá đi mất! 

Viễn cảnh tươi sáng này là thứ để chúng ta cố gắng, tuy nhiên nó cũng chính là nguyên nhân gây ra một thói xấu mà không nhiều người để ý: thói quen “tạo lập thói quen”.

“Vòng lặp” chết chóc

Đã bao nhiêu lần bạn cố gắng bắt đầu một thói quen mới và rồi thất bại? Đã bao nhiêu lần bạn ngấu nghiến những quyển sách như Atomic Habits (Thay Đổi Tí Hon, Hiệu Quả Bất Ngờ – James Clear) hay Good Habits, Bad Habits (Thói Quen Tốt, Thói Quen Xấu – Wendy Wood) với quyết tâm cải thiện cuộc sống và sau đó… à mà không có sau đó nữa? 

Chúng ta bị ám ảnh với thói quen, chỉ vì những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng mà những thói quen tốt sẽ mang lại, nếu chúng thực sự xảy ra

Tưởng tượng hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ. Bạn đang ngồi soạn danh sách Những thói quen cần xây dựng trong năm tới. Viết đến đâu là khí thế tuôn trào đến đấy, cứ như thể bạn đã thực sự làm được gần hết những thứ liệt kê trong danh sách này.

Một số ví dụ như:
– Dành 2 tiếng mỗi sáng để viết lách (và không ngừng giữa chừng cho đến khi đã viết đủ 2 tiếng xuyên suốt).
– Ăn sáng vào 7h mỗi ngày (cẩn thận hẹn giờ và không cheat ngày nào).
– Đi bộ 20 phút mỗi buổi sáng, 5 ngày / tuần.
– …

Nhưng, hình như danh sách này quen quen. Hình như… ngày này năm ngoái bạn cũng ngồi soạn một cái list dài dằng dặc những-thói-quen-cần-xây-dựng. Đáng lẽ hành động này sẽ không lặp lại nếu bạn đã thành công hình thành những thói quen này trong 365 ngày vừa qua. Và khả năng cao là sau khi hết 365 ngày tiếp theo, bạn sẽ lại ngồi viết một danh sách khác cho năm mới.

Rất dễ để tuyên bố rằng ta sẵn lòng cam kết với ai đó hoặc việc gì đó. Giữ lời đã nói mới là việc khó khăn. Trong số 100 người đưa ra những lời hứa cho đầu năm mới thì chỉ có chưa đến… 2 người thành công thực hiện những gì mình đã hứa. Hầu hết sẽ nhanh chóng quên đi, hoặc sẽ bỏ cuộc giữa chừng.

Một nghiên cứu năm 2019 đã dựa vào các số liệu và đưa ra dự đoán về ngày mà hầu hết chúng ta sẽ từ bỏ những cam kết năm mới của mình. Đó chính là ngày 19/1.

Photo: Tony Sebastian

Hiểu về thói quen

Theo một nghiên cứu được công bố trên British Journal of General Practice (2012), thói quen là “những hành động được kích hoạt tự động để phản ứng lại các tín hiệu ngữ cảnh có liên quan đến việc thực hiện chúng”.

Ví dụ, những người quen sử dụng ô tô khi ngồi vào xe sẽ tự động thắt dây an toàn, hoặc những người quen chạy xe tay ga đều tự động gạt chống lên trước khi nổ máy vì thiết kế của đa số mẫu tay ga hiện nay đều cần gạt chống xe mới khởi động được.  

Khi một hành động nào đó trở thành thói quen, chúng ta không nghĩ về nó khi thực hiện, cũng không thắc mắc lý do mình làm vậy. Não bộ của chúng ta thích “thói quen” vì chúng hiệu quả. Khi các hành động bình thường được tự động hóa, nguồn lực tinh thần được giải phóng và để dành cho những nhiệm vụ khác.

Theo một nghiên cứu công bố trên European Journal of Social Psychology, cần từ 18 đến 254 ngày để một người hình thành thói quen mới. Do có sự tham gia của hàng loạt biến số trong việc hình thành thói quen, nên không thể nào đưa ra một câu trả lời cụ thể và áp dụng chung cho tất cả mọi người. 

Một số thói quen sẽ cần nhiều thời gian hơn để hình thành. Những người tham gia trong nghiên cứu cho biết uống một cốc nước vào buổi sáng dễ hơn nhiều so với việc đứng lên ngồi xuống 50 lần sau khi ăn sáng.  

Tạo lập và duy trì thói quen mới là việc không hề dễ dàng. Để làm thế, bạn phải “chiến đấu” với chính mình. Tiến sĩ Nora Volkow – Giám đốc NIH’s National Institute on Drug Abuse (Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ về Lạm dụng Ma tùy) – gợi ý rằng bước đầu tiên là có nhận thức về thói quen để từ đó có thể đưa ra cách thay đổi chúng.

Kế đó, xác định những yếu tố có liên quan đến thói quen (địa điểm, con người, hoạt động,…) để thay đổi cách tiếp cận của bạn với chúng. Ví dụ, nếu bạn nghiện lướt Facebook, hãy để điện thoại xa tầm tay khi làm việc. Nếu có thói quen hút thuốc lá, hãy dẹp gạt tàn sang một bên, hoặc chỉ đi những địa điểm nào cấm hút thuốc.

Một cách khác có thể áp dụng, là thay thói quen xấu bằng thói quen tốt, như cách những người nghiện thuốc lá chuyển sang nghiện… nhai kẹo cao su. Đó không hẳn là một thói quen có ích, nhưng dù gì đi nữa thì cũng giúp bỏ được tật nghiện thuốc.

Kết

Suy cho cùng, tạo lập thói quen cũng là một thói quen, hơn nữa còn là một thói quen cần tránh. Bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay, bằng cách theo đuổi đến cùng những lời hứa thay đổi mình đã đặt ra. 

Bên cạnh đó, đừng nên đặt ra những mục tiêu phi thực tế. Như chúng ta đã biết, để có thể thực hiện hành động nào đó một cách không-cần-cố-gắng, chúng ta cần một thời gian nhất định. Hãy kiên trì và biết tự lượng sức. Đừng đặt ra một lúc quá nhiều thứ cần thay đổi. Thay vì lập danh sách 7749 thói quen cần có cho năm mới và rồi chẳng làm được cái nào, chỉ cần đặt ra 1 và thực hiện thành công nó là đã tốt lắm rồi.

Tham khảo:
‘Habit Deja Vu’ — The Risky Habit of Continuously Starting Habits You Never Keep – Eve Arnold
How Long Does It Really Take to Form a Habit? – Scott Frothingham

Xem thêm:
Vì sao quá khó để từ bỏ những thói quen xấu?
#Nghĩ: Bạn có đang kẹt trong chiếc “bẫy” thời gian nào không?
#NgườiLớnĐiLàm: 5 thói quen cần tránh để làm việc tại nhà được hiệu quả

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

18 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago