Fashion

Thâm cung bí sử về trang phục đón tết Nguyên đán các nước

Trong những dịp lễ quan trọng, người dân thường chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp đẽ và trang trọng nhất. Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, nhiều nét văn hóa bên ngoài đã du nhập vào các nước châu Á, nhưng trong những dịp trọng đại như Tết Nguyên đán, nhiều người vẫn chọn cho mình bộ lễ phục truyền thống của dân tộc như là một nét văn hóa đẹp, có bản sắc.

Dù biết rất rõ tên gọi của quốc phục các nước, chúng ta lại ít biết về những câu chuyện xung quanh bộ trang phục mang đậm nét lịch sử, văn hóa này.

Sườn xám (Trung Quốc)

Sườn xám – còn được gọi là “áo dài Thượng Hải”, hay tên phiên âm tiếng Quảng Châu là “kỳ bào”, là trang phục truyền thống dành cho phụ nữ Trung Quốc.

Sườn xám của Trung Quốc ra đời từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây hơn 2,000 năm, với cái tên ban đầu là Bào phục. Đến năm 1930-1940, sườn xám bắt đầu thời kỳ hoàng kim với những cách tân về kiểu dáng tại kinh đô thời trang Trung Hoa – Thượng Hải. Đó cũng là lý do tại sao mỗi khi nhắc đến sườn xám, người ra thường gắn với Thượng Hải như là nơi bắt nguồn của chiếc áo này.

Ảnh: Pikbest

Do chịu ảnh hưởng từ phương Tây, sườn xám không chỉ được cắt giảm gọn gàng hơn mà còn được may ôm sát ở phần eo. Vì thế, phiên bản cách tân này là sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây, vừa đem lại sự trang nhã vừa tôn dáng người mặc.

Ngày nay, sườn xám đã có nhiều cách tân hơn như tay áo lúc hẹp lúc loe, vạt dài hay ngắn và cổ có thể cao hoặc thấp tùy theo sở thích cá nhân. Nhưng dù được thiết kế khác nhau như thế nào, sườn xám khi được mặc lên người vẫn luôn tôn dáng người phụ nữ với phần trên ôm sát, kín đáo còn phần dưới xẻ tà đến ngang đùi tạo vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng.

Vào dịp Tết đến Xuân về, bạn sẽ bắt gặp nhiều cô gái Trung Hoa xúng xính trong chiếc sườn xám màu đỏ – gam màu vốn được xem là may mắn tại Trung Quốc nói riêng và các nước châu Á nói chung. Trong tiếng Hán, đón năm mới được gọi là “Guo Nian”. Tương truyền, từ “Nian” ngoài có nghĩa là “năm” thì còn để gọi một con quái vật sợ màu đỏ, chuyên đi phá quấy dân làng. Cũng kể từ đó, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng màu đỏ trong dịp lễ đặc biệt này với mong muốn có một năm mới an lành.

Đặc biệt, mặt trước của bộ sườn xám còn được thêu hay in những họa tiết mang đậm nét truyền thống của đất nước Trung Quốc như các loại hoa văn, họa tiết xoắn ốc, chim công…tùy theo từng thiết kế.

Hanbok (Hàn Quốc)

Trong dịp Tết năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Hanbok – có nghĩa là “Hàn phục”, chỉ bộ trang phục cổ truyền đậm chất văn hóa của xứ nhân sâm có từ thời đại Joseon.

Thời xưa ở Hàn Quốc, màu sắc, hoa văn và chất liệu của Hanbok cũng chính là căn cứ phân biệt giai cấp. Hanbok của tầng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ cao cấp. Người dân thường thì chỉ được phép mặc áo làm bằng vải bông đơn thuần. Hiện nay thì chất liệu phổ biến cho Hanbok là vải gai, bông, muslin, lụa và satin.

Ảnh: Sưu tầm

Mùa hè thì những chất liệu mỏng và nhẹ hơn được sử dụng để khắc phục phần nào sức nóng của nhiều lớp áo. Đặc biệt vào mùa thu, phụ nữ Hàn Quốc rất chuộng Hanbok may bằng lụa tơ, bởi khi đi lại sẽ tạo ra âm thanh xào xạc như bước trên lá khô vậy. Vì là đất nước hàn đới nên mùa đông ở Hàn Quốc rất lạnh. Người Hàn thường mặc thêm áo khoác dày hoặc mặc Hanbok may bằng vải bông dày. Người dân ở phương Bắc thì còn có thêm lông ở trong vải áo để giữ ấm.

Đây là loại trang phục có thể che kín cơ thể, giúp người mặc cử động thoải mái nhưng vẫn thể hiện được nét đẹp tinh tế và quyến rũ của người phụ nữ sau mỗi bước đi. Tuy hình dáng của Hanbok không ôm sát nhưng lại khoe khéo vẻ đáng yêu, e ấp như hoa nở của người phụ nữ nơi đây.

Về cơ bản, Hanbok của phụ nữ gồm áo khoác ngoài (jeogori) và váy dài (chima), Hanbok của nam giới gồm áo khoác ngoài và quần ống rộng có túi (baji). Phần áo khoác ngoài được cả nam và nữ sử dụng gồm gil (phần lớn nhất của chiếc áo), git (dải lụa trang trí cho cổ áo), dongjeong (phần cổ áo màu trắng) và goreum (sợi thắt lưng).

Đặc trưng của Hanbok là có màu sắc vô cùng sặc sỡ. Người Hàn Quốc thường khá chú trọng sự kết hợp về màu sắc trong trang phục. Vì vậy, vào những dịp quan trọng hay dịp lễ hội, họ thường mặc hanbok màu đỏ, xanh da trời, vàng, đen… vốn là những màu thể hiện rõ triết lý âm dương, ngũ hành của nền văn hóa phương Đông. Do vậy đường phố ngày Tết của Hàn Quốc cũng rực rỡ sắc màu tươi vui.

Hanbok được phân loại thành trang phục mặc hằng ngày, lễ phục và trang phục đặc biệt. Lễ phục được chia thành lễ phục trong dịp lễ Tết, sinh nhật, lễ cưới hoặc lễ tang.

Ảnh: Sưu tầm

Từ xưa đến nay, người Hàn Quốc đều chọn mặc Hanbok trong các dịp lễ truyền thống, ngày tết cổ truyền hoặc những ngày vui như cưới hỏi, hội hè… Thậm chí kể cả trên thảm đỏ ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp những ngôi sao nổi tiếng trong trang phục Hanbok với những thiết kế cách điệu phù hợp với vẻ đẹp truyền thống và hiện đại.

Kimono (Nhật Bản)

Nhắc đến xứ sở hoa anh đào, không ai có thể quên được đường nếp bộ kimono điệu đà. Trong tiếng Nhật, kimono có nghĩa là hòa phục, danh từ chỉ quần áo để mặc nói chung. Tuy nhiên ngày nay, kimono đã trở thành cái tên chỉ trang phục truyền thống của Nhật Bản được nhiều người biết tới. Những bộ kimono nổi bật với một lớp vải định hình vòng eo, bộ lễ phục này mang đến sự uyển chuyển cho người mặc.

Nếu như trước đây, kimono từng được cả nam và nữ sử dụng hằng ngày, thì ngày nay, thường chỉ có nữ giới mặc kimono như nghi phục chính thức, còn nam giới chỉ thấy trong các đám cưới hoặc dịp lễ truyền thống khác.

Với người Nhật Bản, kín đáo và trang nhã là những chuẩn mực cao nhất của vẻ đẹp truyền thống. Vậy nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi kimono giấu hết đi những đường cong cơ thể, vốn được coi là biểu tượng của sự mềm mại, nữ tính. Nhưng không vì thế mà những cô gái Nhật trở nên cục mịch và thô cứng. Phải chăng chính là nhờ phần thân thể duy nhất được người Nhật khéo léo và ý nhị để lộ ra bên ngoài?

Ảnh: Pinterest

Khi mặc trang phục truyền thống, các cô gái luôn vấn tóc lên cao thật gọn gàng và trang trí bằng những bông hoa vải rực rỡ nhiều màu sắc. Cùng với đó, cổ áo Kimono luôn được đẩy ra phía sau một cách có chủ ý, vì vậy mà những người khác có thể dễ dàng thấy được phần gáy của người mặc. Theo cách nhìn nhận của người Nhật, gáy là phần được cho là hấp dẫn và nữ tính nhất của một người phụ nữ.

Vừa gợi nên được cái duyên rất đặc trưng của người con gái, nhưng cũng vừa giữ được sự kín đáo, đoan trang cần phải có, đó là lý do vì sao, gáy là phần thân thể được để hở duy nhất khi người phụ nữ mặc kimono.

Để tăng tính gợi cảm cho bộ trang phục, những eisha của Nhật Bản thường để cổ áo trễ xuống sâu hơn. Nhưng họ cũng không quên trang điểm rất cẩn thận cho phần lưng lộ ra bằng loại phấn gạo trắng đặc trưng, chỉ để lại duy nhất vùng da nơi gáy.

Và cũng giống với các đất nước châu Á khác, người Nhật cũng rất chuộng sắc màu tươi sáng cho bộ kimono ngày Tết của mình. Người mặc kimono cần phải lựa chọn màu sắc sao cho phù hợp với độ tuổi. Những màu sáng có sắc nóng như màu đỏ thường được dùng cho trẻ em và phụ nữ chưa kết hôn, phụ nữ đã có chồng thường mặc kimono màu lạnh và thiết kế tay ngắn.

Một bộ kimono được mặc đúng quy cách và trọn vẹn không hề là một chuyện đơn giản. Bạn có biết, kimono truyền thống thông thường có ít nhất là ba lớp (lớp áo lót, lớp áo lót giữa và lớp kimono chính), chưa kể các phần đai lưng. Một cô gái không thể tự mình mặc bộ trang phục này mà luôn cần nhờ đến sự trợ giúp của một người khác. Ở Nhật, thậm chí, người ta còn mở những trường học riêng để dạy cách mặc kimono.

Đối với một phụ nữ Nhật Bản, một bộ kimono dường như là một món quà vô cùng lớn mà cha mẹ có thể dành cho con gái khi tới tuổi trưởng thành. Cha mẹ sẽ gửi gắm vào món quà này rất nhiều tình yêu và hy vọng. Cô gái sẽ không chỉ trở nên xinh đẹp hơn, mà quan trọng nhất, khi mặc bộ kimono truyền thống, cô ấy sẽ biết trân trọng những nét đoan trang và kín đáo của mình.

Áo dài (Việt Nam)

Qua bao thăng trầm cùng chiều dài lịch sử, áo dài luôn được xem là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt. Những tà áo dài thướt tha trong gió luôn là nguồn cảm hứng sáng tác trong nhiều rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nó tôn lên giá trị vẻ đẹp truyền thống người phụ nữ Việt Nam, và khẳng định được mình trên làng thời trang thế giới.

Ảnh: Sưu tầm

Trước đây, áo dài thường được mặc kết hợp cùng với nón quai thao, nón lá, hay khăn đóng. Nhưng kiểu sơ khai nhất của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người được xem là có công sáng chế chiếc áo dài Việt Nam.

Năm 1934, họa sĩ bậc thầy Việt Nam, Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt.

Ảnh: VN Express

Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và từ bấy giờ đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Áo dài truyền thống của Việt Nam được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến hoặc quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ. Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, cốt cách của người đàn ông đất Việt.

Ảnh: Sưu tầm

Nguyên gốc, trang phục phải được may bằng lụa để đảm bảo sự nhẹ nhàng và ôm vừa vặn thân thể, cũng như tính năng chống khô khi thấm nước. Ba miền Bắc – Trung – Nam đều có những phiên bản áo dài với sự khác biệt đôi chút về kiểu dáng. Nhưng dù được thiết kế đơn giản hay cầu kỳ, vải thô sơ hay vải lụa, vải gấm, mỗi chiếc áo dài đều gói gọn tâm huyết và sáng tạo của những người thợ thủ công.

Ảnh: VN Express

Cùng với xu hướng năng động, thay đổi của lối sống hiện đại, tà áo dài truyền thống được các nhà thiết kế cách điệu với tà ngắn hơn, thay đổi ở cổ áo, tay áo hoặc thậm chí là tà áo hoặc quần mặc chung với áo dài đem đến cho người phụ nữ Việt nhiều sự chọn lựa.

Cũng chính vì sự cách điệu này mà áo dài ngày càng được phụ nữ Việt diện nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Bạn có thể bắt gặp tà áo dài đầy màu sắc với nhiều kiểu dáng mới lạ, độc đáo trong văn phòng, chốn chùa chiền linh thiêng hay thậm chí khi đi dạo phố bên ngoài. Những năm gần đây, áo dài diện trong mùa Xuân được cách tân mạnh mẽ, với kiểu dáng tiện dụng, thoải mái hơn cho những chuyến du ngoạn đầu năm.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago