Nổi bật

Thế nào là những “mối quan hệ không ràng buộc”?

Ngày còn bé, cái chúng ta gọi là mối quan hệ giữa người với người cũng đơn giản. Còn là trẻ con, thích ai thì chơi với người đó. Hai đứa cãi nhau đánh nhau, “hổng thèm nhìn mặt nữa”, thì tức là không chơi chung với nhau nữa.

Lớn lên, mọi thứ phức tạp hơn nhiều (kỳ lạ nhỉ, người lớn biết cách xoay trở cuộc sống hơn trẻ con, nhưng lại không thể nào sống đơn giản như tụi nó được). Đôi khi chúng ta không thích một người nhưng buộc vẫn phải giữ mối quan hệ với họ. Đôi khi chúng ta muốn tiến gần hơn đến một người nhưng sau khi cân đo đong đếm suy thiệt tính hơn, ta không (hoặc không thể) làm vậy được. Ngoài mối quan hệ giữa thành viên trong gia đình (tình cảm gia đình), mối quan hệ giữa những người bạn (tình bạn), mối quan hệ giữa những người yêu (tình yêu), chúng ta còn nhiều nhiều nữa những mối quan hệ lửng lơ ở giữa, không phải gia đình, không chỉ là bạn, nhưng chưa phải yêu.

Tuy nhiên, The Millennials Life sẽ tạm “phân chia” những dạng thức mối quan hệ ấy ra làm hai loại: ràng buộc, và không ràng buộc.

THẾ NÀO LÀ “MỐI QUAN HỆ KHÔNG RÀNG BUỘC”?

Những mối quan hệ không ràng buộc (non-committed relationship) có điểm chung là… không ràng buộc. Để có thể hiểu được định nghĩa… khá là mơ hồ của mối quan hệ không ràng buộc, trước tiên bạn cần biết thế nào là mối quan hệ ràng buộc. Hiểu đơn giản, khi bạn và một người khác…

  • Chính thức xác nhận rằng đôi bên có tình cảm với nhau
  • Chính thức xem nhau là người yêu / bạn đời, dành cho nhau không chỉ cảm xúc yêu đương mà còn là ti tỉ thứ khác như chăm sóc, bao dung, thông cảm, chân thành, chân thật, đồng hành, thấu hiểu, giúp đỡ, … (liệt kê một ít là vậy)
  • Chính thức nhận trách nhiệm vun đắp và phát triển mối quan hệ cả hai đang “tham gia” vào
  • Và quan trọng hơn hết, là không chỉ mỗi hai bạn mà người khác (gia đình, bạn bè thân thiết) cũng biết đến người kia, biết rằng bạn đang có quan–hệ–tình–cảm–với–một–người–khác…

… thì khi ấy, bạn đang trong một mối quan hệ ràng buộc.

Mối quan hệ không ràng buộc không bao gồm những điều trên, hoặc nếu có, thì sẽ là trạng thái không chính thức. Hai người gặp gỡ, kết nối với nhau, đến bên nhau, phô bày những cảm giác thực dành cho đối phương trong giây phút ấy, và hết. Cả bạn và người kia đều không có ý định ở lại bên nhau lâu dài, không có nhu cầu can dự vào đời sống riêng của đối phương, không có ý nguyện quan tâm chăm sóc, không có mong muốn trở thành “nửa còn lại” của nhau. Hai bên là hai nửa riêng biệt, đến với nhau, tìm lấy niềm vui (còn thế nào là vui thì tùy vào định nghĩa riêng của từng trường hợp cụ thể), và mọi thứ chỉ dừng lại ở đó (hoặc cho đến lần gặp nhau tiếp theo).

Khác với mối quan hệ ràng buộc có cam kết chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao và trạng thái mối quan hệ được xác định là “đóng”, thì phía không ràng buộc chẳng đòi hỏi bạn phải cam kết (hoặc nếu có thì mức độ không cao) và luôn được duy trì ở trạng thái “mở”: cả hai đều không phải là lựa chọn duy nhất của đối phương.

Nếu họ (hoặc bạn) lỡ lời thốt ra câu yêu, thì cũng chẳng sao cả, vì cả hai đều ngầm hiểu “I love you” trong trường hợp này thật ra là “Anh yêu giây phút ở cạnh em hôm nay, nhưng ngày mai thì chưa chắc.”

TẠM THỜI GỌI TÊN MỘT SỐ “MỐI QUAN HỆ KHÔNG RÀNG BUỘC”

“Tạm thời” đặt tên thôi vì thực chất không có thước đo hay quy chuẩn nào cho những mối quan hệ không ràng buộc cả. Thế nhưng nhìn chung, phổ biến nhất sẽ là…

Một đêm duy nhất chỉ một đêm duy nhất!

One night stand, ONS / 1NS, for one night / 419, casual hookup, tình một đêm,… bạn muốn gọi tên nó thế nào cũng được.

Người sao tên vậy, tình một đêm là những mối quan hệ chỉ diễn ra trong một đêm. Hai người gặp nhau, cảm thấy hợp nhau, đồng ý lên giường với nhau đêm đó, sáng ra đường ai nấy đi nhà ai nấy về, tên không cần biết mặt không cần nhớ số điện thoại không cần lưu.

419 thường xảy ra giữa hai người lạ, tuy nhiên, vẫn có trường hợp diễn ra giữa hai người đã có quen biết từ trước.

Tụi mình chỉ là bạn…

Nhưng không chỉ là bạn ngoài đường, mà còn là bạn trên giường. Friend with benefits / FWB, bạn lợi ích, bạn tình dục, bạn giường,… là những cái tên chúng ta hay dùng để gọi những mối quan hệ kiểu này.

Thông thường, bạn bè không quan hệ tình dục với nhau. Mối quan hệ FWB khác với mối quan hệ bạn bè bình thường ở điểm này. FWB có thể xảy ra giữa hai người đã quen biết, là bạn bè với nhau từ trước, nhưng điều này không bắt buộc. Có thể xem FWB là những cuộc tình một đêm lặp lại nhiều lần với cùng một đối tượng. Khi đến với nhau, mình trở thành người tình. Khi không ở bên nhau, mình vẫn là những người bạn.

Mình là gì của nhau?

Không phải là bài hát của Lou Hoàng, mà là để chỉ những situationship – những mối quan hệ mập mờ, trên tình bạn (trên luôn cả FWB) nhưng dưới tình yêu.

Trong các loại mối quan hệ không ràng buộc thì situationship có thể được xem là trường hợp đau tim đau não, “được ăn cả ngã về không” nhất. Không chóng vánh như ONS, không rạch ròi như FWB, situationship là mối quan hệ giữa hai người có tình cảm với nhau, hành động và đối xử với nhau như người yêu, chỉ cần tiến lên một bước nữa là thành cặp đôi chính thức.

Và cả hai chọn đứng yên tại chỗ.

Nhích một xíu nữa thôi thì mình liền thành đôi (nhưng không ai làm)

VÌ ĐÂU MỌI NGƯỜI SỢ RÀNG BUỘC?

Nhà bao việc!

Mỗi người trong chúng ta một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sử dụng. Đối với một số người, 24 tiếng ấy hiện tại chỉ đủ (hoặc vừa đủ) để dành cho bản thân. Thời gian biểu chật kín của họ không còn chỗ nào để “nhét” thêm một người khác vào, vì một khi đã bước vào một mối quan hệ ràng buộc, lẽ tất nhiên họ phải dành ra thời gian và công sức cho nó.

Giờ ngủ không đủ, có đâu giờ yêu…

Đừng yêu nữa, em mệt rồi!

Đây là lý do khá phổ biến của những “cặp đôi hoàn cảnh”. Điều làm họ sợ không phải tình yêu, mà là những gì sẽ xảy ra sau khi tình yêu đó không còn. Có thể trong quá khứ, họ đã có những trải nghiệm không tốt với những mối quan hệ ràng buộc. Họ đã bị tổn thương bởi người họ tin tưởng và yêu thương hết lòng, và sợ phải trải qua những cảm xúc đó một lần nữa.

(not so) Fun fact: “Trái tim tan vỡ” là một hội chứng về sức khỏe thể chất có thật, và nó có thể làm người ta chết thật.

The best of both worlds

Suy cho cùng, việc bắt đầu một mối quan hệ vẫn được xem là một sự thay đổi, và bạn bắt buộc phải biết cách thích ứng với sự thay đổi đó. Những người coi trọng sự độc lập và tự do của bản thân, hoặc đã quen với trạng thái độc thân thường sẽ ngại ngần khi bắt đầu một mối quan hệ tình cảm mới. Đưa ra cam kết với một mối quan hệ ràng buộc đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ cuộc sống họ đã quen thuộc trong thời gian dài, và không phải ai cũng sẵn sàng làm việc đó.

Thế nhưng họ vẫn cần “hơi người”. Thỉnh thoảng họ vẫn cần được trò chuyện, được lắng nghe, và tất nhiên, được thỏa mãn nhu cầu tình dục. Và những mối quan hệ không ràng buộc là giải pháp tuyệt vời cho vấn đề của họ.

“Adventure is out there!”

“Cuộc phiêu lưu vẫn còn dài!”. Có những người không quá bận rộn, không quá mệt mỏi, không sợ khổ đau, cũng không ngại thay đổi. Đơn giản, những mối quan hệ tình cảm không phải việc họ ưu tiên, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Thêm vào đó, tâm lý sợ bỏ lỡ một người nào đó “tốt hơn” ngoài kia càng trở thành lý do thuyết phục hơn để họ không vội gắn kết mình với người nào cả.

“Cảm ơn, tui không cần.”

Trải nghiệm tình dục

Về cơ bản, hành vi quan hệ tình dục gây ra những phản ứng hóa học và kích thích cơ thể tiết ra oxytocin – một trong những hormones hạnh phúc có tác dụng giảm đau đớn, giảm stress, và tăng cảm giác khoái cảm tinh thần. Ngoài ra, khoa học cũng đã chứng minh quan hệ tình dục đem lại những lợi ích nhất định cho con người.

Có thể đối với bạn, tình dục là việc chỉ nên xảy ra giữa những người thật sự yêu nhau, nhưng đối với một số người, “tình dục” và “tình yêu” là hai khái niệm tách biệt. Họ hoàn toàn không vấn đề gì với việc lên giường cùng một người lạ, hoặc một người không khơi gợi trong họ cảm xúc yêu đương. Tình dục lúc này đối với họ là một hành động mang tính trải nghiệm hơn là nhằm mục đích gắn kết.

Hai người gặp nhau, “vui vẻ” bên nhau, không ràng buộc, không cam kết, đối với một số người, họ chỉ cần như vậy là đủ rồi.

ĐƠN GIẢN, VUI LÀ ĐƯỢC!

Nếu chính thức xác nhận mối quan hệ tình cảm với ai đó, bạn không chỉ được mỗi vui mà còn “bị tặng kèm” những lúc buồn, lúc giận. Vui vẻtrải nghiệm là từ khóa chính của những mối quan hệ không ràng buộc. Tuy nhiên, “vui thôi đừng vui quá”, trước khi bắt đầu bước vào những mối quan hệ thế này, bạn nên:

  • Xác định rõ nhu cầu của mình cũng như của người kia, xem cả hai mong đợi điều gì ở đối phương, tránh trường hợp đôi bên kỳ vọng thật cao thất vọng thật đau (lúc đó thì không còn vui nữa rồi).
  • Giao tiếp thẳng thắn với nhau về tất cả những gì bạn thích hoặc không thích trong lúc duy trì mối quan hệ này.
  • Tình dục an toàn. Muốn trải nghiệm được vui và dài lâu thì an toàn là trên hết!
  • Luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rời đi mọi lúc. Vì cả bạn và người kia đều không ràng buộc gì nhau, nên cả hai đều có quyền bất ngờ thông báo “dừng cuộc chơi” và cứ thế biến mất khỏi đời nhau như chưa từng tồn tại.

Ràng buộc hay không ràng buộc, suy cho cùng vẫn là một sự lựa chọn. Bạn có thể không ủng hộ những mối quan hệ kiểu này và đưa ra quyết định không thực hiện nó, đó là việc của bạn. Nhưng nếu ai khác muốn có một mối quan hệ không ràng buộc, thì đó là việc của họ. Những người lựa chọn một mối quan hệ “truyền thống” không phải là những người cổ hủ, cũng như những người lựa chọn mối quan hệ “phi truyền thống” không phải là những người buông thả hay suy đồi. Đây là vấn đề khác biệt quan điểm chứ không còn là câu chuyện đúng hay sai.

Lựa chọn thế nào cũng được, quan trọng là suy nghĩ cẩn thận trước khi ra quyết định, chắc chắn rằng bạn làm việc đó vì bạn muốn, và có trách nhiệm với quyết định của mình.

Xem thêm:

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago