Nổi bật

The Social Dilemma: Khi chúng ta là những con rối của mạng xã hội

The Social Dilemma – bộ phim mới của Netflix – mở đầu bằng một câu thoại của Sophocles: “Nothing vast enters the life of mortals without a curse” (Tạm dịch: Không có gì rộng lớn tham gia vào cuộc sống của con người mà không có mặt xấu.) chúng ta dường như đã nhận ra những mặt tối, ảnh hưởng mang tính ăn mòn của công nghệ trong cuộc sống mỗi cá nhân và xã hội hiện đại. 

Bộ phim là chia sẻ của những cựu nhân viên từng làm việc tại các tập đoàn công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon về những mảng tối trong hệ thống do chính họ từng góp phần tạo ra. Đó là Tristan Harris (một nhà thiết kế tại Google), Bailey Richardson (cựu thành viên của nhóm điều tra cộng đồng Instagram), Tim Kendall (cựu chủ tịch của Pinterest) và Justin Rosenstein (một lập trình viên từng giúp Facebook tạo ra nút “Like”).

Cậu trai Ben (Skyler Gisondo) luôn bị thu hút bởi các thuyết âm mưu trên MXH

Những chuyên gia của Thung lũng Silicon xuất hiện như những nhà phê bình, những nhà phân tích xen kẽ trong một câu chuyện ảo về một gia đình thoạt nhìn thì có vẻ hạnh phúc, nhưng cuộc sống thì đang bị chi phối bởi sự bao phủ của hàng loạt các trang mạng xã hội. Cậu con trai Ben (Skyler Gisondo) trở thành “tín đồ” của những thuyết âm mưu nguy hiểm, trong khi cô em gái 17 tuổi của cậu, Isla (Sophia Hammons) thì đang từng bước trở thành một “con búp bê ảo” bởi những bức ảnh bị chỉnh sửa quá đà và sự thèm khát được chú ý. Bộ phim còn xuất hiện Vincent Kartheiser (Mad Men) – lồng giọng cho một chương trình AI – được thiết kế nhằm giữ cho loài người tiếp tục chạy theo chiếc bánh xe của công nghệ giống một chú chuột hamster. Chương trình này cũng chính là người điều khiển rối, dùng chính những sợi dây do người dùng tự trói mình và thao túng nhân loại. Khi phần mềm này nhận ra Ben đang giảm dần thời gian sử dụng mạng xã hội, nó lập tức gửi thông báo cho cậu về tình trạng hẹn hò của bạn gái cũ để đưa cậu quay lại bánh xe kiểm soát này.

Isla (Sophia Hammons) vào vai cô em gái phát cuồng với sự công nhận qua ảnh tự sướng

Bộ phim được đạo diễn bởi Jeff Orlowski, người chiến thắng giải Emmy cho bộ phim Chasing Ice về đề tài biến đổi khí hậu vào năm 2012 và phần kế tiếp Chasing Coral (2017). Chàng đạo diễn nói bản thân đã được truyền cảm hứng thông qua một cuộc trò chuyện với Harris, người đã học cùng anh ở ĐH Stanford. Trả lời phỏng vấn qua Zoom, Jeff cho biết, “Cậu ý giúp tôi nhận ra rằng có một mối đe dọa từ các nền tảng công nghệ mà con người sử dụng. Những vũng tối của mạng xã hội đang ngày một lan ra trước mắt chúng ta. Khoảnh khắc đấy, đầu tôi đã nảy ra một ý tưởng.”

Đạo diễn Jeff Orlowski

Orlowski, năm nay 36 tuổi, đã dành một sự quan tâm đặc biệt với những thông điệp về sự nóng lên toàn cầu của Al Gore (2016) trong bộ phim An Inconvenient Truth. Giờ đây, The Social Dilemma sẽ tiếp tục trở thành một “sự thật không mấy dễ chịu” về công nghệ. Nếu Gore sử dụng biểu đồ để thể hiện về quan điểm, thì chính sự thừa nhận của những người từng góp sức vào sự phát triển của mạng xã hội sẽ là mũi tên mà Orlowski dùng để phá vỡ lớp màng bao phủ này.

Bộ phim tiết lộ mức độ mà những nhà mạng xã hội cùng các nền tảng khác cô lập và thao túng người dùng như thế nào. Ngay cả các sở thích sẵn có, quan điểm cá nhân cũng là mục tiêu cần được thay đổi (và họ đã thành công ở một mức độ nào đó) nhằm “vật chất hoá” thời gian và sự chú ý của chúng. Qua đó, đơn vị sản xuất có thể thu về mức lợi nhuận khổng lồ bằng những thông tin không chính xác. Hậu quả là các nền dân chủ đang dần xói mòn và xã hội thì bị chia rẽ.

Bộ phim cũng phản ánh sự ảnh hưởng của MXH lên nhận thức về giá trị, cảm quan cá nhân của người trẻ cũng như cách họ tương tác với thế giới. Giáo sư tâm lý của trường ĐH New York, Jonathan Haidt đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các căn bệnh trầm cảm xuất hiện ở các cô gái trước tuổi vị thành niên và thiếu niên Mỹ từ năm 2011 – tỷ lệ thuận với thời gian ra đời và phát triển của mạng xã hội. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ), có 62% trẻ em gái từ 15-19 tuổi nhập viện vì tự làm hại bản thân, 189% từ độ tuổi 10-14. Mặc dù vậy, các nền tảng này vẫn tiếp tục tìm mọi cách để thu hút người dùng và “thoả mãn cơn nghiện” của họ.

Sự xuất hiện đáng chú ý nhất thuộc về Harris – người đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ Nhân đạo, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc thi hành đạo đức trong lĩnh vực công nghệ, cũng như thông báo cho các Nguyên thủ quốc gia về mặt tối của Thung lũng Silicon. Anh chàng nhấn mạnh về các phương pháp mà các trang mạng xã hội lớn sử dụng để khiến chúng ta gắn kết với chúng, cũng như cách để theo dõi người dùng. “Mọi người nghĩ Google chỉ là một công cụ tìm kiếm và Facebook chỉ là một nơi để theo dõi bạn bè. Cái mà người dùng không nhận ra là họ (MXH) đang đấu đá với nhau để thu hút sự chú ý của chúng ta. Mạng xã hội không phải là công cụ ngồi đợi để được người dùng sử dụng. Chúng được tạo với một mục tiêu riêng và lập trình sẵn các phương thức theo đuổi bạn nhằm biến người dùng thành công cụ hỗ trợ, dễ thấy nhất là sử dụng chính tình trạng tâm lý của bạn để chống lại bạn.”

Tristan Harris

Quá trình làm bộ phim là một hành trình nghiên cứu đầy khó khăn của Orlowski. Thành quả lớn nhất mà chàng đạo diễn thu về chính là khám phá ra cách thức mà các nền tảng công nghệ này tăng doanh số. “Tôi dành hàng nghìn đô la để mua sản phẩm của Apple, vậy nên tôi hiểu tại sao mà Apple đáng giá nhiều tiền vậy.” Orlowski nói, “Thế nhưng Facebook và Google đáng giá bao nhiêu? Các nền tảng này vốn đâu có thu phí người dùng. Câu trả lời là ‘Nếu bạn đang không trả tiền cho sản phẩm thì chính bạn là sản phẩm” (Nguyên văn: If you’re not paying for the product, you are the product). Họ đang kiếm tiền từ những phương thức quảng cáo thao túng người dùng mà không ai hiểu. Điều này thúc đẩy tôi hoàn thành bộ phim, nhân hoá các thuật toán nhằm hiểu mục đích của những bộ máy đằng sau đó. Thực tế cho thấy chính chúng ta mới là sản phẩm thử nghiệm cho mỗi mô hình kinh doanh của họ… Đáp án cho câu hỏi điều gì giúp bọn họ kiếm được hàng tỷ USD, họ đang bán những thứ họ thu được từ chính chúng ta cho ai đã trở thành một cú tát, đánh mạnh vào mặt tôi đấy.”

Tuy vậy, bộ phim mới chỉ khai thác được cái nhìn một chiều về Big Tech. Chính Orlowski công nhận rằng việc phỏng vấn và lấy quan điểm từ nhân viên cũ chưa chắc đã thể hiện được thực tế về những nhân viên hiện tại, đồng thời tước đi cơ hội để các nền tảng xã hội có thể tự bảo vệ mình. Mặc dù những tuyên bố quen thuộc nhất của Facebook và Google chính là: “Chúng tôi ủng hộ sự tư do ngôn luận và cải thiện nền dân chủ.”

Orlowski cũng thừa nhận mình từng là một con nghiện Facebook – “Trong khoảng thời gian bầu cử vào năm 2016 (ở Mỹ), tôi không thể dứt mình ra khỏi Facebook. Điều này giúp tôi nhận ra nó đang chi phối tôi như thế nào, và đấy chính là sự phân hóa chính trị. Ngay sau đấy tôi bắt đầu nói chuyện với Tristan về những vấn đề này và dừng sử dụng nó.” Sau đấy, anh nhận ra rằng Facebook cố làm mọi cách để lôi kéo anh quay lại. “Phần mềm sẽ liên tục gửi email cho tôi, hay nhắn một tin nhắn, hoặc gửi một đường dẫn tới ảnh của bạn bè. Tôi thấy vô cùng mệt mỏi với cách mà nền tảng này đang cố gắng lôi kéo mình.”

Đồng thời, Orlowski vẫn khẳng định mình yêu thích công nghệ và tin rằng nó có thể là một động lực tốt. Anh nói, “Chúng ta đã bị tách dần ra khỏi mục đích ban đầu của nó. Trong bộ phim, chúng tôi có nhắc đến câu nói của Steve Jobs – nhà sáng lập Apple – rằng máy tính chỉ nên là “xe đạp cho bộ não của chúng ta”. Đấy là hi vọng của ông về những chiếc máy tính – rằng chúng có thể giúp ta di chuyển nhanh và xa hơn, và là công cụ để nâng cao tính nhân loại. Nhưng giờ đây chúng ta lại xây dựng những công cụ dùng để thao túng, bóp méo và bóc lột tính người. Chúng ta đã làm rối tung mọi thứ lên.”

Vậy câu trả lời là gì đây? Bộ phim đã làm rõ rằng không có giải pháp nhanh chóng nào có thể áp dụng để giải quyết những vấn đề xung quanh cuộc sống online. Orlowski hi vọng rằng việc hiểu sâu hơn về cách người dùng đang bị thao túng sẽ tạo tác động tới vấn đề “đạo đức công nghệ.” Trong phần credit của phim, những người sáng tạo cũng đã đưa ra lời khuyên về việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào mạng xã hội. Họ gợi ý về việc tắt tất cả tin báo (notifications) trên điện thoại, không bấm vào những nội dung được gợi ý và luôn kiểm tra sự thật trước khi chia sẻ bất cứ điều gì. Đặc biệt, tất cả đều đồng tình với ý kiến không nên cho trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ, hoặc ít nhất sẽ phải giới hạn việc sử dụng của chúng. 

Jaron Lanier, biên kịch, nhà khoa học máy tính và nhà vận động nổi tiếng trong phong trào chống đối mạng xã hội, còn gay gắt hơn với phát ngôn: “Hãy rời khỏi những nền tảng đó. Đúng vậy, xóa nó đi, những phần mềm ngu ngốc đấy. Thế giới này vô cùng tươi đẹp. Hãy đi ra đường thay vì cắm mặt vào điện thoại!”

Trailer phim

Trên Twitter, người dùng mạng phản ứng mãnh liệt và dành nhiều lời khen cho bộ phim:

“The Social Dilemma trên Netflix có lẽ là bộ phim tài liệu quan trọng nhất của năm. Chúng ta biết rằng bản thân đang bị thao túng bởi các trang mạng xã hội và tâm lý chúng ta đang được sử dụng để đấu lại chính mình. Bộ phim đã hé lộ về Big Data, sự thao túng và nêu cao lời cảnh báo từ những người từng tạo ra những trang mạng xã hội này”

Bộ phim hiện có mặt trên Netflix.

Theo ft.com

Van Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago