#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
“Số giác quan mà con người có sẽ không thể ít hơn sáu.”
Đó là một tuyên bố táo bạo của Jean-Anthelme Brillat Savarin – một luật sư, một giáo viên dạy đàn vĩ cầm, một đại biểu Quốc hội Pháp, một người di cư đến Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao của Cách mạng Pháp, một chuyên gia về tranh luận, và là một nhà văn ẩm thực.
Ở trang đầu tiên trong kiệt tác The Physiology of Taste (1825) (tạm dịch: Sinh lý học của vị giác) của mình, Brillat-Savarin đã vẽ ra một ranh giới mới: Con người có tất cả sáu giác quan – thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và ham muốn thể xác.
Ranh giới mới mà Brillat-Savarin đặt ra vốn là vấn đề từng được tranh cãi từ những thế kỷ trước. Trong suốt thế kỷ 18, các nhà triết học và nhà tự nhiên học đã tranh luận rằng, liệu tình dục có nên được cho vào danh sách các giác quan của con người hay không?
Rõ ràng, ý kiến của Brillat-Savarin đã nhanh chóng bị phớt lờ ngay sau đó. Bằng chứng là ngày nay, hiếm có ai sẽ đặt lên bàn cân để so sánh điểm tương đồng của tình dục và các giác quan khác.
Vì vậy, chẳng phải sẽ rất thú vị nếu chúng ta đi ngược lại vấn đề: Nếu ý kiến đó “vô bổ” như vậy, thế thì tại sao một người đa tài như Brillat-Savarin – hay thậm chí nhiều chuyên gia của thế kỷ 18 – lại tranh luận về tình dục như một loại giác quan của con người?
Để giải đáp cho thắc mắc đó, chắc hẳn ta phải đánh giá xem những tiêu chí nào được sử dụng để định nghĩa một loại giác quan, và vì sao tình dục lại không thỏa những điều kiện đó?
Từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa giác quan (sense) là “bất kỳ năng lực nào của con người có khả năng cảm nhận được các kích thích bên ngoài hoặc bên trong.” Hay nói một cách trực tiếp hơn, các giác quan là mối liên kết của con người với thế giới bên ngoài.
Định nghĩa đó phù hợp chặt chẽ với cách các nhà văn thế kỷ 18 và 19 hiểu về giác quan. Nhưng bên cạnh đó, họ đã thêm một yếu tố quan trọng về khái niệm này. Nói về mặt sinh học, họ coi các giác quan là cách tự nhiên để con người “bảo tồn sinh vật.”
Theo lời của nhà triết học Étienne Bonnot de Condillac, “Thiên nhiên đã ban cho con người khả năng cảm nhận những yếu tố xung quanh, từ đó giúp chúng ta điều khiển cơ thể để thích ứng với môi trường bên ngoài.”
Có thể lấy lửa là ví dụ. Sức nóng của lửa khiến da đau rát nên tự khắc khi lửa lại gần thì con người sẽ tránh xa.
Hoặc khả năng nhìn và nhận biết được trái cây còn tươi sẽ tốt hơn cho sức khỏe, thị giác kéo chúng ta lại gần hơn những loại hoa quả vừa được hái xuống trên cành (thay vì tập trung vào các loại đã bị hư, héo).
Một ví dụ khác có thể thấy về giá trị của các giác quan mà con người khai thác được là khả năng sinh tồn. Bởi vì con người là sinh vật thông minh, chúng ta có thể vượt qua những bản năng sợ hãi tự nhiên và tìm cách nhảy ra khỏi một tòa nhà cao tầng nếu lỡ gặp nạn.
Có thể nói, niềm vui là yếu tố khiến con người muốn tiếp tục tồn tại, và niềm đau kéo chúng ta ra khỏi những hiểm nguy trong cuộc sống thường ngày. Đây cũng chính là yếu tố “bảo tồn sinh vật” mà các nhà văn của những thế kỷ trước thêm vào khi định nghĩa về giác quan.
Nếu các nhà văn thế kỷ 18 tin rằng con người sử dụng các giác quan để cảm nhận niềm vui và “bảo tồn sinh vật”, thì không khó để hiểu được vì sao họ lại cân nhắc tình dục có thể trở thành một loại giác quan khác của con người. Còn điều gì “vui” và “bảo tồn” (nhân giống) hiệu quả hơn tình dục?
Chưa dừng lại ở đó, từ quan điểm của nền y học vào thế kỷ 18, có thể thấy không có quá nhiều sự khác biệt khi nói về định nghĩa của tình dục và các loại cảm giác khác mà con người cảm nhận được. Cụ thể hơn, những mô tả về phản ứng cơ thể con người đối với cảm giác thích thú đều rất giống với các kích thích tình dục.
Tiến sĩ Victor de Sèze giải thích rằng tất cả những khoái cảm – từ việc được ăn một món ăn ngon lành đến việc nghe được những bài hát yêu thích – đều tạo ra những tác động nhất định đối với cơ quan cảm nhận những kích thích đó (tương tự như tình dục sẽ mang lại kích thích “cương cứng” của cơ quan sinh dục).
Từ quan điểm này, có thể khẳng định một điều: Gần như không có sự khác biệt giữa cơn đói tiết ra nước bọt và cảm giác rạo rực, phấn khích đến từ tình dục. Cả hai đều là yếu tố của sự thích thú, khoái cảm mà con người có được.
Trong khi một số nhà văn đã hoàn toàn bị thuyết phục với những giải thích trên, không ít ý kiến phản đối những lập luận đó.
Immanuel Kant phân vân qua lại về vấn đề này, trong khi Voltaire lập luận rằng tình dục là tổng hợp của các cảm giác – chứ không hoàn toàn là một giác quan riêng lẻ.
Sự gộp thành của năm giác quan cơ bản – gồm xúc giác, vị giác, thị giác, khứu giác và thính giác – đã tạo nên loại cảm giác mà nhiều người đã gọi tên là “giác quan tình dục.” Vì vậy, tình dục có thể phù hợp với điều kiện “bảo tồn sinh vật”, nhưng nó không đủ tiêu chuẩn là một khả năng cảm nhận độc lập của con người.
Nhà triết học Edmund Burke còn đưa ra một lý do khác để chối từ định nghĩa “giác quan tình dục.” Theo đó, mọi giác quan đều phải có khả năng tạo ra cho con người cả niềm vui lẫn niềm đau. Tình dục quả thực mang đến đỉnh điểm của sự khoái cảm cho con người, nhưng nó lại không gây ra bất kỳ sự đau đớn nào. Hơn nữa, mặc dù tình dục góp phần vào việc “bảo tồn” loài người, nó không nhất thiết góp phần vào việc kéo dài tuổi thọ của một cá nhân.
Một điều mà những cuộc tranh luận này đã tiết lộ là bất kể các triết gia thuộc phe nào thì ngay từ đầu họ đều đã có một sự đồng thuận về định nghĩa của giác quan. Các giác quan là cầu nối giữa thế giới bên trong và bên ngoài của một người, đồng thời cũng là một cách tự nhiên để con người có thể tự bảo vệ và hỗ trợ chính mình. Tranh luận về tình dục và giác quan thứ sáu đã phần nào giúp sàng lọc và xác minh khái niệm đó.
Tuy nhiên, dường như có vẻ chắc chắn như năm giác quan thông thường, ngày nay chúng ta cũng không nhất trí. Ví dụ, một số nhà sinh học thần kinh nhận ra tới 33 giác quan, bao gồm sự nhận cảm trong cơ thể (proprioception) và cảm thụ nhiệt (thermoception). Hay như nhà tâm lý học sinh thái học Michael J. Cohen thậm chí đã xác định được tới 53 giác quan khác nhau.
Nguồn: Psychology Today
Xem thêm:
#Thoáng: Lịch sử cắt “bao bọc nấm” ở nam giới
#Thoáng: Não bảo chạy nhưng chân vẫn đứng im – chuyện gì đã xảy ra với người bị tấn công tình dục?
#Thoáng: Tình dược ân ái – Nguồn gốc lịch sử và những truyền thuyết kì lạ đằng sau đó
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…