Thử nghiệm kẹo dẻo là một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất của lĩnh vực khoa học xã hội. Nghiên cứu này nói lên tầm quan trọng của lòng kiên nhẫn và khả năng trì hoãn cảm giác thỏa mãn tức thời để có thể hưởng được ‘quả ngọt’ trong tương lai – ‘khổ trước thì sướng sau’. Tuy nhiên, sự thật thế nào?
Khi còn bé, ai cũng từng ‘bị’ bắt “Yên lặng chút nào để mẹ nói chuyện với cô.”, hoặc “Con mở TV nhỏ lại đi, bố có điện thoại.”, hoặc ăn mắng ngay khi vừa rón rén định nhón chiếc bánh bày trên bàn trước khi mọi người bắt đầu bữa cơm.
Ngồi im và chờ đợi – hay khả năng chống cự những ‘cám dỗ’ tức thời với hy vọng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng trong tương lai – là một kỹ năng quan trọng trong quá trình trưởng thành. Giáo sư, nhà tâm lý học Walter Mischel (Đại học Stanford) đã thực hiện một thí nghiệm nhằm nghiên cứu về thời điểm, cách thức, cũng như lý do vì sao trẻ em phát triển kỹ năng này. Đó là mục tiêu ban đầu của thử nghiệm kẹo dẻo (The Marshmallow Experiment) nổi tiếng.
Về căn bản, thử nghiệm này là ‘phiên bản phòng lab’ của trò ngồi im và đợi. Đối tượng tham gia là trẻ em độ tuổi mầm non, được tuyển chọn từ trường mẫu giáo Bing – nằm trong khuôn viên Đại học Stanford. Các nhà khoa học đã thiết kế 3 thí nghiệm khác nhau nhằm tìm hiểu về mức độ tác động của hành vi công khai (thí nghiệm thứ nhất), hành vi nhận thức (thí nghiệm thứ hai), và trong trường hợp thiếu vắng cả hai (thí nghiệm cuối cùng) đối với năng lực trì hoãn sự thỏa mãn ở trẻ em.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực này phụ thuộc đáng kể vào sự né tránh hoặc kiềm hãm ý muốn một cách có nhận thức của trẻ – tức là các em không nhìn thấy đồ ăn, hoặc nghĩ đến những thứ vui vẻ khác. Trẻ có thể chờ đợi nếu:
– Tin rằng các em sẽ được thưởng món ăn mình ưa thích nếu vâng lời và đợi (tin tưởng vào lời hứa của người lớn, hoặc tin rằng mình sẽ được ăn miễn chừng nào món ăn còn ở trong phòng)
– Chuyển sự chú ý khỏi đồ ăn
– Bận rộn với những kích thích đơn giản, mang đến cảm giác dễ chịu khác như suy nghĩ về những chuyện vui hoặc chơi đồ chơi.
Thử nghiệm được xem như một công cụ hỗ trợ trong việc lập biểu đồ về sự phát triển trí não trẻ em, cũng như xem xét cách các em sử dụng năng lực nhận thức của mình trước một thử thách ý chí khó khăn. Mitchel cũng phát hiện ra rằng, những em có kết quả tốt nhất có xu hướng sử dụng năng lực sáng tạo để tránh xa cám dỗ (tưởng tượng rằng đồ ăn không có ở đó).
Nhưng đây chưa phải là lý do thực thụ khiến thử nghiệm kẹo dẻo trở thành một trong những thí nghiệm tâm lý nổi tiếng nhất mọi thời đại. Kết quả từ những nghiên cứu tiếp theo – thực hiện sau đó khoảng 20 năm – cho thấy một mối tương quan đáng kinh ngạc: những đứa trẻ thành công trong việc chống lại cám dỗ kẹo dẻo có xu hướng đạt điểm thi SAT cao hơn; đời sống tinh thần khỏe mạnh, ít mắc phải những rối loạn về hành vi hơn; và có chỉ số IBM tốt hơn.
Kết quả từ những nghiên cứu này càng cổ vũ một niềm tin rằng: đức tính kiên nhẫn, ý chí mạnh mẽ, năng lực tự chủ, khả năng cưỡng lại những thỏa mãn tức thời,… là chìa khóa thành công của một người. Việc ‘vượt ải’ thử nghiệm kẹo dẻo, đối với nhiều người, gần như là một báo hiệu tươi sáng cho một tương lai rực rỡ.
Tương lai cũng như số phận nói chung của một người không thể được kết luận bởi một viên kẹo dẻo. Năm 2018, Tyler Watts (thời điểm đó là giáo sư trợ lý, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học New York) đã cùng với Greg Duncan và Haonan Quan (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Calirfornia, Irvin) thực hiện các nghiên cứu khác dựa trên dữ liệu của giáo sư Walter Mischel.
Những thí nghiệm trước đây có kích thước mẫu bé (ít hơn 90), hơn nữa quá trình xác định kích thước mẫu không được tiết lộ. Quần thể nghiên cứu không có tính đặc trưng, do đó có sự khác biệt về những khía cạnh liên quan khi so với quần thể dân số, hoặc thậm chí là quần thể trẻ độ tuổi mẫu giáo nói chung. Các em tham gia thí nghiệm của Mischel đa phần là con cái của những gia đình trí thức / trung lưu, có bố mẹ là nhân viên và cựu sinh viên của Stanford.
Watts và đồng nghiệp chọn mẫu lớn hơn (trên 900), đồng thời có mức độ đa dạng cao hơn về chủng tộc, sắc tộc, và trình độ giáo dục của phụ huynh. Trong quá trình nghiên cứu, họ cũng đưa vào phân tích những yếu tố khác có thể liên quan, ví dụ như mức thu nhập hộ gia đình và môi trường gia đình của các em năm 3 tuổi (số lượng sách vở trong nhà, mức độ phản ứng của người mẹ đối với con mình khi có mặt các nhà nghiên cứu,…).
Kết quả từ nghiên cứu mới cho thấy, không có cơ sở để kết luận rằng khả năng cưỡng lại những thỏa mãn tức thời sẽ dẫn đến thành công trong tương lai. Thay vào đó, nó cho biết việc trẻ em có đủ kiên nhẫn để chờ đợi phần thưởng của mình hay không phụ thuộc nhiều vào nền tảng kinh tế và xã hội của các em. Và cũng chính nền tảng này mới là thứ tác động sâu sắc đến cuộc đời sau này.
Với những đứa trẻ có mẹ đạt trình độ học vấn Đại học (college), không có sự khác biệt đáng kể về điểm số trong trường cũng như trong việc phát triển những tính cách tốt giữa những em ăn kẹo ngay và những em kiên nhẫn ngồi đợi. Kết quả tương tự được ghi nhận đối với những em có mẹ không đạt trình độ học vấn Đại học.
Không chỉ phá vỡ quan điểm trước đó, kết quả từ nghiên cứu này còn đưa ra những lý giải khả thi khác về việc tại sao những đứa trẻ trong gia đình không có lợi thế tài chính sẽ có xu hướng không chờ đợi (hoặc đợi một thời gian ngắn hơn) để lấy đồ ăn. Cuộc sống hằng ngày của các em thiếu tính vững chắc và sự đảm bảo. Đi kèm với sự chờ đợi sẽ là rủi ro – hôm nay có thể có thức ăn, nhưng ngày mai thì chưa chắc.
Ngay cả khi các em được hứa mua cho thứ gì đó thì lời hứa đó cũng có khả năng không thành sự thật do trở ngại tài chính.
Ảnh: Shutterstock
Trong khi đó, những đứa trẻ đến từ các gia đình có phụ huynh học vấn cao và kiếm được nhiều tiền hơn thường dễ trì hoãn những thỏa mãn tức thời hơn. Các em có nhận thức về việc người lớn trong nhà có đủ nguồn lực cũng như ổn định về tài chính để không phải lo về việc thiếu thức ăn. Nếu có lỡ không được thưởng vì lý do gì đi nữa, thì các em cũng biết rằng những cơ hội khác vẫn còn đó.
Mặc dù ý chí mạnh mẽ và khả năng chống lại cám dỗ là những đặc điểm tính cách tích cực và cần thiết trong quá trình trưởng thành, nhưng những nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra một sự thật quan trọng hơn, đó là nền tảng và môi trường phát triển của một con người có sức ảnh hưởng nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Việc dạy một đứa bé biết kiên nhẫn hay tin tưởng vào tâm lý ‘khổ trước sướng sau’ sẽ giúp các em có cơ hội trở thành người tử tế, đồng thời dễ dàng hơn trong việc rèn luyện và phát triển bản thân, chứ không nhất thiết bảo đảm một tương lai tươi sáng rực rỡ. Thành công là một khái niệm khó định nghĩa, và nó là kết quả tổng hòa của một bức tranh lớn hơn, một quá trình nỗ lực dài hơi hơn là khoảnh khắc chiến thắng cám dỗ ăn kẹo của một người khi còn mẫu giáo.
Tham khảo:
The “marshmallow test” said patience was a key to success. A new replication tells us s’more. – Vox
Marshmallow Test Experiment | Simply Psychology
The Marshmallow Test: What Does It Really Measure? – The Atlantic
Xem thêm:
#Nghĩ: Người thông minh có phải người thành công?
#Nghĩ: kafkaesque – Cơn ác mộng của thế giới hiện đại
#Nghĩ: Vì sao chúng ta thích xem lại những chương trình đã xem?
#Nghĩ: Khi cô bạn thân ngồi ngay cạnh cũng có thể trở thành nạn nhân của Deepfake
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…