Sau khi Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy mang về con số doanh thu ấn tượng 60 tỷ, Tiệc Trăng Máu là bộ phim tiếp theo cầm đuốc để thắp sáng ngành điện ảnh nước nhà vốn vẫn còn khá ảm đạm sau một năm nhiều biến động. Đây là tác phẩm điện ảnh thứ 10 của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và là phim đầu tiên đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tham gia trong vai trò nhà sản xuất. Sau lần hủy chiếu vào tháng 8 vì Covid-19, Tiệc Trăng Máu sẽ chính thức ra rạp từ 20/10.
Được làm lại từ bộ phim đã được remake nhiều lần, nên câu chuyện có thể đã quen thuộc với nhiều khán giả. Làm thế nào tạo ra sự bất ngờ, tươi mới và gần gũi với đời sống người Việt là ẩn số mà người xem chờ đợi ở bàn tay “phù phép” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Với câu chuyện hài hước, thâm sâu được thể hiện bởi dàn sao tài năng và có sự đầu tư lớn về hình ảnh, Tiệc Trăng Máu được đặt nhiều kỳ vọng bởi phim có quá nhiều yếu tố hấp dẫn khán giả, từ kịch bản thú vị, khai thác đề tài thâm thúy, cùng dàn diễn viên toàn những ngôi sao phòng vé và những cảnh quay mãn nhãn.
Nhâm nhi, thưởng thức một bộ phim mang đậm văn hoá Việt.
Tiệc Trăng Máu được Việt hóa từ bản gốc bộ phim nổi tiếng của Ý Perfect Stranger (2016) – một bộ phim đã trở thành hiện tượng phòng vé và sau bốn năm ra mắt, đã lập kỷ lục Guinness khi trở thành “Phim được làm lại nhiều nhất trong lịch sử” (18 phiên bản – Tiệc Trăng Máu là bản thứ 19). Bên cạnh đó, Perfect Stranger còn đánh giá cao về cả mặt nghệ thuật và thương mại khi cán mốc doanh thu 16 triệu euro (khoảng hơn 430 tỉ đồng) tại Ý.

Về đến Việt Nam, phim lựa chọn “thay máu” ngay từ cái tên khi không hề nhắc đến yếu tố “stranger” (người lạ) như phần lớn các tác phẩm đi trước. Tuy nhiên từ dàn nhân vật đến bối cảnh dường như không có gì thay đổi.
Kịch bản phim do nhà báo, nhà biên kịch Trần Minh (hay còn được biết đến với bút danh là Bình Bồng Bột) viết. Anh là một trong những cây bút nổi tiếng, với giọng văn hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu sắc thường thấy trong các bài phân tích chuyên sâu về điện ảnh, thể thao, nghệ thuật và xã hội.
Phim hài đen quay lại bữa tiệc điện ảnh Việt
Tiệc Trăng Máu thuộc thể loại hài đen (dark comedy) – thể loại từng xuất hiện trong một số phim truyền hình Việt Nam thập niên 1990 nhưng còn ít với phim chiếu rạp. Các bộ phim thuộc thể loại này sẽ khai thác tiếng cười một cách châm biếm dựa trên các vấn đề nhạy cảm trong xã hội. Đây là một thể loại khá phổ biến của điện ảnh thế giới – đặc biệt là các nước như Mỹ, Hàn quốc nhưng tại Việt Nam, Tiệc Trăng Máu có thể xem là bộ phim chiếu rạp đầu tiên khai phá lĩnh vực này.
Lựa chọn khai thác thể loại phim này là là một bước đi táo bạo của ekip, bởi nếu xử lý không khéo thì rất dễ khiến những mảng miếng hài trào phúng trở nên khó hiểu hoặc động chạm tới một vài đối tượng khán giả. Trong phim, bảy diễn viên sẽ tung hứng rất nhịp nhàng về lời thoại, cảm xúc và cử chỉ. Nội dung lời thoại đậm tính hài hước, vận dụng từ lóng, từ ngữ hot trend mang đến tiếng cười giải trí và thuần Việt. Bộ phim hứa hẹn sẽ để lại trong lòng khán giả muôn vàn suy nghĩ, chiêm nghiệm của bản thân về những tình huống dở khóc dở cười trong phim.
No mắt đã tai với sự quy tụ của 100% ngôi sao phòng vé
Phải khẳng định Tiệc Trăng Máu là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được góp mặt bởi nhiều ngôi sao phòng vé đến thế, đặc biệt tất cả đều đảm nhận vai chính và cùng xuất hiện xuyên suốt hành trình phim. Các vai diễn đều có sức nặng tâm lý ngang nhau khi đại diện cho một câu chuyện, một bí mật riêng trên bàn tiệc.
Nếu như phim có sự góp mặt của diễn viên Thái Hòa – người được mệnh danh là “vua phòng vé”, thì còn có sự xuất hiện của đạo diễn-diễn viên Đức Thịnh – người đứng sau cơn sốt phòng vé mùa Tết 2018 Siêu Sao Siêu Ngố. Trong khi đó, Hứa Vĩ Văn và Hồng Ánh cũng đã từng góp mặt trong Em Là Bà Nội Của Anh – bom tấn phòng vé mở đầu cho trào lưu làm phim remake. Bộ đôi quen thuộc với màn ảnh, Kaity Nguyễn – Kiều Minh Tuấn làm nên cơn sốt Em Chưa 18. Thu Trang cũng chẳng phải dạng vừa, khi sở hữu trong tay những tác phẩm thắng lớn về doanh thu như: Nắng, Chị Mười Ba.
Bên cạnh dàn diễn viên chính hùng hậu, các cameo “góp giọng” trong phim cũng khiến khán giả phải đứng ngồi không yên khi vừa xem phim, vừa phải nghe giọng đoán người – thật sự rất thú vị. Theo chia sẻ của ca sĩ Mỹ Tâm, với lời mời của người bạn lâu năm Nguyễn Quang Dũng, đã góp phần thu âm cho một cảnh quay nhỏ trong phim. Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng lên tiếng xác nhận tham gia góp giọng một nhân vật, mà vai trò khá quan trọng khi khiến không khí buổi tiệc trở nên căng thẳng. Ngoài ra, còn có những gương mặt nổi tiếng khác như: danh hài Hoài Linh, diễn viên-ca sĩ Ngô Kiến Huy, và diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc.
Bối cảnh phim cực hạn chế nhưng hình ảnh được đầu tư xa xỉ
Ngoại trừ phần mở đầu giới thiệu bối cảnh của các nhân vật, gần như toàn bộ phim Tiệc Trăng Máu gói gọn trong căn hộ penhouse của cặp vợ chồng do Hồng Ánh và Hứa Vĩ Văn đóng. Cũng vì giới hạn không gian, nhân vật không có nhiều sự di chuyển hay hoạt động, phần lời thoại của diễn viên sẽ rất dày. Đạo diễn tận dụng không gian ra sao cho hiệu quả, tránh gây nhàm chán, mang lại giá trị kể chuyện; diễn viên diễn thoại mượt mà đến đâu cũng là những yếu tố ghi điểm của phim.
Phải khẳng định hiếm có bộ phim Việt nào lại chỉ khai thác một bối cảnh duy nhất như Tiệc Trăng Máu. Tại điện ảnh quốc tế, những bộ phim được xây dựng trong bối cảnh hạn chế như vậy thường phải có kết cấu kịch bản rất thông minh, tiết tấu chặt chẽ và những tình tiết gây bất ngờ linh tục xuất hiện mới giữ cho khán giả không thấy nhàm chán. Một vài bộ phim nổi tiếng nhất có xu hướng giới hạn tối đa bối cảnh chính là: Saw 1, The Bar (Tây Ban Nha), Devil… Đây đều là những bộ phim kinh dị, có yếu tố giật gân và những tình tiết dồn dập. Điều đó giúp thu hẹp không gian dễ hơn rất nhiều một bộ phim hài, tập trung khai thác đời sống, những góc nhìn xã hội như Tiệc Trăng Máu.
Được biết, căn penthouse trong phim được hoàn toàn giả dựng trong phim trường và bài trí theo phong cách sang trọng. Tính thêm nội thất, đồ decor, bối cảnh tốn hơn ba tỷ đồng, trong đó, một phần ba số tiền được sử dụng để sắm sửa nội thất đắt tiền. Hoạ sĩ thiết kế Đặng Ngọc Thanh Tú đã cùng ekip của mình tạo nên căn nhà giống như yêu cầu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Được biết, vì sẽ ghi hình trong phim trường, toàn bộ bầu trời, khung cảnh thành phố đều được vẽ bằng kỹ xảo.
Bàn tiệc trong phim kết hợp các món đặc sản Âu – Á với tôm hùm Alaska, đùi heo Iberico, bánh khọt tôm tích, ốc Hương cỡ lớn, hàu Pháp, và rượu vang đắt tiền. Để đảm bảo hình ảnh đẹp cùng sức khỏe và diễn xuất chân thực của diễn viên, đồ ăn phải được thay mới liên tục.
Thông điệp xã hội sâu sắc, lưu giữ ấn tượng lâu dài trong lòng khán giả
Dùng hình ảnh “trăng máu” (nguyệt thực) để ám chỉ bản chất con người, có thể thấy rằng bộ phim dùng 3 sắc thái của mặt trăng để thể hiện 3 “cuộc sống” của một con người: công khai, riêng tư và bí mật.
Khi nhập tiệc, trăng máu chỉ là trăng khuyết. Đây là đại diện cho những chuẩn mực ứng xử cơ bản, những bí mật vui vẻ mà một khi tiết lộ thì cũng chỉ kết thúc bằng một hai vài tiếng cười “cho qua.” Đó chính là một cuộc đời công khai.

Khi trăng máu đã lấp kín phân nửa mặt trăng, đây là lúc con người để lộ cuộc sống riêng tư của mình. Đó có thể là những mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến sự bất hòa ngoài ý muốn. Đó là những cuộc gặp “đánh lẻ” của một nhóm bạn thân lâu năm. Đó cũng sẽ là những thứ mà khi bị lộ ra ngoài, nụ cười trên môi sẽ tắt đi, và bản năng tự bảo vệ sự riêng tư của mình bắt đầu được kích hoạt.
Khi mặt trăng hoàn toàn đã chuyển thành màu máu cũng là lúc con người đối diện với những điều thầm kín nhất của bản thân – cuộc đời bí mật. Đó là những hành vi bị cấm kị bởi chuẩn mực hay đạo đức xã hội, là những điều việc làm sai trái đáng xấu hổ mà ta chỉ có thể giữ cho riêng mình, là những ẩn ức không thể giãi bày cùng ai. Cuộc đời bí mật được dọn lên bàn tiệc, quả thật là một trò chơi ai cũng muốn tránh né.

Cuối phim đã vẽ nên một khung cảnh vô cùng “viên mãn.” Trò chơi không được tiến hành, điện thoại không phải mở lên, những tin nhắn, cuộc gọi tuyệt đối riêng tư. Mọi người tàn tiệc trong vui vẻ, tay bắt mặt mừng, để lại đằng sau những bí mật không bao giờ kể. Sự thật đôi lúc sẽ tổn thương và vô tình, nhưng liệu ta có chấp nhận sống trong sự giả dối.
Kết
Làm phim remake ở Việt Nam đã không còn là một sự lựa chọn an toàn khi hàng loạt những tác phẩm remake thành công về mặt nghệ thuật, diễn xuất… nhưng lại không thu về doanh thu xứng tầm, tiêu biểu như Tháng Năm Rực Rỡ (85 tỉ), Anh Trai Yêu Quái (45 tỉ),…
Tiệc Trăng Máu, ở một khía cạnh nào đó, đã chứng minh được rằng remake chưa bao giờ là một lối mòn về sáng tạo. Tuy thành bại của phim đến nay vẫn còn là một ẩn số, song bộ phim nhận được rất nhiều kì vọng và tình cảm từ phía khán giả, là món ăn độc lạ của điện ảnh Việt năm 2020.
Thảo luận về bài viết