Lifestyle

#KhôngQuạu: Có gì sai trong “sạp dưa bở” về thông tin “tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc”?

#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.

Chuyện gì đang xảy ra?

Từ sáng hôm nay, cả mạng xã hội đang xôn xao với tin tức Tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Đáng nói, thông tin này được cho rằng do chính Bộ GD-ĐT ban hành và đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2021.

Sáng thức giấc thấy sao… tối cổ, tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc? | Photo: 90dayKorean

Có rất nhiều ý kiến trái chiều trên các hội nhóm và các trang thông tin, kẻ la ó phản đối, người gật gù ủng hộ. Phe đồng tình cho rằng tiếng Hàn dễ học và dễ nhớ hơn tiếng Anh, vì tiếng Hàn có cấu trúc ghép vần giống tiếng Việt, chỉ cần nhớ nguyên âm và phụ âm là có thể đọc được chữ.

Ngoài ra, việc biết thêm một thứ tiếng nào đó chẳng bao giờ thừa. Với mức độ phổ biến của hallyu (làn sóng văn hóa Hàn quốc) và sự phát triển ngày càng cao của các công ty / đơn vị kinh doanh Hàn Quốc tại Việt Nam, thì việc biết tiếng Hàn vừa trở thành một lợi thế cạnh tranh trong công việc, vừa có thể phục vụ nhiều mục đích giải trí khác nhau.

Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại với “viễn cảnh” tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc. Nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ ít nhiều khuyến khích những màn “đu idol” vô tội vạ của giới trẻ, góp phần lan tỏa làn sóng hallyu mạnh mẽ đến mức đè bẹp cả văn hóa Việt Nam. Nhất là, so sánh kiểu gì thì tiếng Hàn vẫn chưa đến tầm “ngôn ngữ quốc tế” của tiếng Anh. Việc biến tiếng Hàn thành môn học bắt buộc là một hành động dư thừa, chưa kể có thể làm lãng phí công sức và tiền bạc của những học sinh không có nhu cầu học tiếng Hàn nhưng vẫn bắt buộc phải học.

Tuy nhiên, có thật là Bộ GD-ĐT muốn đưa tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc cho học sinh Việt Nam không?

Văn bản được ban hành bởi Bộ GD-ĐT

Theo nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Hữu Độ ký quyết định ban hành, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ GD-ĐT xác định là ngoại ngữ 1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2021.

Quyết định 712 về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức – Ngoại ngữ 1, Hệ 10 năm thí điểm

Tuy nhiên, trong phần Đặc điểm môn học có viết: Môn tiếng Hàn – ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.

Sự xuất hiện của từ bắt buộc là nguyên nhân khiến mạng xã hội nổi sóng hôm nay. Không ít người hiểu dòng chữ này thành tiếng Hàn sẽ thay thế tiếng Anh trở thành ngoại ngữ bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam. Điều này dẫn đến việc có nhiều học sinh mặc dù không có nhu cầu nhưng vẫn sẽ phải học ngoại ngữ tiếng Hàn. Bên cạnh đó, không ít ý kiến thắc mắc vì sao Bộ GD-ĐT lại đưa tiếng Hàn vào chương trình bắt buộc mà không phải là ngoại ngữ nào khác?

Những lầm tưởng xung quanh chữ “bắt buộc”

Theo nội dung trao đổi của ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD-ĐT – với VietNamNet, quyết định trên là về việc thí điểm tiếng Hàn trở thành một trong những ngoại ngữ 1. Còn môn tiếng Hàn thì đã trở thành ngoại ngữ 2 từ lâu, do Bộ GD-ĐT ban hành trước đây.

Về chữ “bắt buộc”, ông Thành giải thích rằng: Học sinh sẽ chọn một trong các ngôn ngữ được xác định là ngoại ngữ 1 – trong đó có tiếng Hàn.

Thế nào là ngôn ngữ 1?

Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông (2006), có 4 ngôn ngữ được xác định là ngoại ngữ 1, bao gồm Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc. Học sinh sẽ lựa chọn 1 trong 4 thứ tiếng này để làm ngoại ngữ 1.

Năm 2011, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định về việc tiếng Nhật sẽ được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ 1 hoặc thứ 2, tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. Một số trường phổ thông đã có lớp tiếng Nhật, phụ huynh và học sinh nếu có nhu cầu chọn đây là ngoại ngữ chính sẽ đăng ký vào các lớp này chứ trường không bắt buộc.

Hiện tại, sau khi quyết định 712 được ban hành, sẽ có 7 thứ tiếng được xác định là ngoại ngữ 1: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đức. Các trường sẽ phải bắt buộc chọn dạy 1 trong 7 thứ tiếng trên.

Còn ngoại ngữ 2 là môn tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của học sinh và điều kiện dạy học mà trường có thể bố trí lớp để đáp ứng nhu cầu học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn 1 trong 6 thứ tiếng còn lại để làm ngoại ngữ 2. Ví dụ: nếu đã chọn Anh làm ngoại ngữ 1 (bắt buộc), thì có thể chọn Pháp / Nga / Trung Quốc / Nhật / Hàn / Đức để làm ngoại ngữ 2 (tự chọn).

Như vậy, học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào trong các môn thuộc nhóm ngoại ngữ 1 mà không cứng nhắc bắt buộc phải học môn tiếng Hàn.

phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thành

Đừng vội vàng tin những gì người khác cho chúng ta thấy

Cũng theo ông Thành, hiện tại đây chỉ mới là chương trình thí điểm. Việc thí điểm ít nhất cũng phải diễn ra trong vài năm để xem xét, đánh giá tính khả thi, chất lượng của việc dạy học, đào tạo. Nếu sau đó, Bộ nhận thấy có nhu cầu và việc đào tạo đảm bảo chất lượng thì mới triển khai chính thức. Khi ấy, tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ “bình đẳng” như các thứ tiếng khác hiện đang có mặt trong chương trình phổ thông.

Cách đây 5 năm, mọi người cũng một phen dậy sóng với thông tin tiếng Trung Quốc được đưa vào chương trình phổ thông. Phản ứng của cư dân mạng thậm chí còn dữ dội hơn bởi phần đông người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “bài Trung Quốc”. Tuy nhiên, sự thật là tiếng Trung Quốc, cùng với tiếng Nga chỉ là một trong những ngôn ngữ học sinh có thể chọn học trong nhóm ngoại ngữ 1 chứ không phải là thay thế hẳn tiếng Anh.

Có 3 khái niệm liên quan đến thuật ngữ môn học, bao gồm: môn học bắt buộc (compulsory subjects), môn bắt buộc có lựa chọn (selective subjects), và môn tự chọn (elective / optional subjects). Như vậy, nếu văn bản ghi là môn học bắt buộc có lựa chọn thì sẽ rõ nghĩa và không gây tranh cãi đến thế.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc tạo lập, tái sử dụng, hay chia sẻ thông tin online đã trở nên vô cùng dễ dàng. Với nội dung câu chữ trong văn bản dễ gây hiểu lầm, cộng với việc nhiều người có thành kiến với hallyu nên dễ dàng tin theo những hình ảnh / bài báo chỉ nhằm “giật tít câu view”, kết quả đã tạo ra một vụ ồn ào không đáng có.

Học tiếng Hàn thì có thể làm gì?

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, không chỉ tiếng Hàn, mà ngoại ngữ đã trở thành một kỹ năng quan trọng không thể thiếu. Việc Bộ GD-ĐT quyết định bổ sung thêm 2 ngôn ngữ nữa vào chương trình giáo dục phổ thông có những mặt tốt nhất định. Đó là các bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngoại ngữ hơn từ sớm và trong thời gian đủ dài, từ đó có thể xác định được sở thích và hướng đi trong tương lai của mình dễ dàng hơn.

Những năm gần đây, cùng với làn sóng hallyu là cuộc “đổ bộ” của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, thực phẩm. Nhu cầu lao động trình độ cao chuyên tiếng Hàn tăng rất nhanh. Giỏi tiếng Hàn sẽ mang đến nhiều cơ hội du học và việc làm ở Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam. Một số công việc có thể cân nhắc như:

Công việc dạy học: trở thành giáo viên / gia sư tiếng Hàn, làm giảng viên các trường có giảng dạy ngôn ngữ Hàn hoặc có ngành Hàn Quốc học; dạy tiếng Việt cho người Hàn; trở thành người đào tạo tiếng Hàn cho nhân viên công ty,…

Công việc biên, phiên dịch: nếu học chuyên ngành Hàn Quốc hoặc học chuyên sâu về ngôn ngữ, bạn có thể trở thành biên, phiên dịch viên. Bạn có thể làm cho công ty hoặc trở thành freelancer (dịch sách báo, phim ảnh,…).

Nhân viên văn phòng: để apply các vị trí thế này thì trước tiên tiếng Hàn giao tiếp của bạn cần đạt mức trung bình khá trở lên. Ngoài ra, tùy tính chất cụ thể của công việc mà bạn cần trang bị thêm kiến thức cho mình trong lĩnh vực đó.

Hướng dẫn viên du lịch: nếu có hứng thú với văn hóa, lịch sử, hoặc có background liên quan đến các ngành du lịch / hospitality, thì bạn có thể cân nhắc trở thành hướng dẫn viên du lịch. Bạn sẽ có thế mạnh hơn nếu thông thạo tiếng Hàn.

Mi Nguyen

Recent Posts

Đối với founder Gạo Nâu, người mới sẽ luôn có “miếng bánh” của mình trong ngành nhiếp ảnh

Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…

21 giờ ago

#Thoáng: Có 2 loại ham muốn tình dục. Bạn thuộc sắc thái nào?

Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…

1 ngày ago

Nét hội hoạ trừu tượng trong triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của hoạ sĩ Trần Vĩnh Thịnh

"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…

3 ngày ago

Đàn ông và phụ nữ, ai sẽ là người vượt qua nỗi đau chia tay nhanh hơn?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…

3 ngày ago

7 kiểu người khó ưa, ai ở gần cũng mệt mỏi

Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…

5 ngày ago

8 tính năng cải thiện hiệu suất trên iPhone mà bạn nên dùng

Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…

6 ngày ago