Lifestyle

Hội chứng ăn đêm – Những người 3 bữa gộp 1

Bạn có phải người theo chế độ kiêng cữ ‘ngày giảm cân đêm ăn bù’ không? Hoặc có thể bữa đầu tiên trong ngày của bạn bắt đầu vào giờ chiều vì chưa bao giờ có cảm giác đói vào buổi sáng? Bạn có cảm thấy cực kỳ thèm ăn vào buổi tối, thậm chí trằn trọc khó ngủ nếu chưa được ăn?

Nếu có những biểu hiện trên, có thể bạn đang bị rối loạn ăn uống đấy.

Thế nào là hội chứng ăn đêm?

Hội chứng ăn đêm (Night Eating Disorder) là một dạng rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến cả nam và nữ, với dấu hiệu nổi bật là ăn rất ít vào ban ngày và rất nhiều vào đêm khuya. So với các rối loạn ăn uống khác, nó được nghiên cứu khá sơ sài. Năm 1955, bác sĩ tâm thần học Albert Stunkard lần đầu mô tả hội chứng này như một biến thể hành vi của bệnh béo phì. Các nghiên cứu khác có liên quan đến hội chứng ăn đêm cũng đặt nó vào bối cảnh nghiên cứu tương tự.

Người mắc hội chứng này thường có một số biểu hiện như:

– Ăn lén lút và cảm thấy xấu hổ về chuyện này
– Bị thừa cân hoặc béo phì
– Luôn lo lắng về ngoại hình
– Không thèm ăn, ăn rất ít hoặc không ăn trong nửa đầu của ngày
– Ăn nhiều về đêm, thức dậy giữa đêm chỉ để ăn
– Luôn muốn ăn ban đêm dù có thể không đói, chọn ăn những món có calo cao
– Thường thất bại trong việc ăn kiêng hoặc giảm cân
– Tin rằng việc ăn uống có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hoặc giúp đi ngủ trở lại

Nhưng không phải ai ăn đêm cũng là do rối loạn ăn uống

Theo Cẩm nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn tâm thần DSM–5, hội chứng ăn đêm được xếp vào nhóm Các rối loạn ăn uống chuyên biệt khác (OSFED – Other Specified Feeding and Eating Disorder). OSFED là một nhóm các vấn đề về ăn uống có thể gây đau đớn, khó chịu, làm suy yếu chức năng cơ thể, nhưng chúng chưa đáp ứng các tiêu chí phân loại cụ thể để được tách riêng.

Do các rối loạn OSFED ít được chú ý hơn và biểu hiện cũng như ảnh hưởng của nó rất khác nhau ở mỗi người, nên bệnh nhân bị các rối loạn OSFED thường nghĩ rằng họ không cần trợ giúp. Thực tế, các rối loạn OSFED vẫn có thể gây ra tác động xấu đến sức khỏe và dẫn đến việc mắc phải các rối loạn ăn uống khác.

Tuy nhiên, không phải hễ cứ ăn đêm là mắc rối loạn ăn uống. Ăn muộn có thể vì nhiều lý do, và ai mà chẳng vài lần trễ ăn trong đời. Để được xem là mắc hội chứng ăn đêm, bạn cần ‘đáp ứng’ các điều kiện sau:

– Các lần ăn đêm lặp đi lặp lại: thức dậy giữa lúc ngủ để ăn, ăn rất nhiều sau bữa tối, có nhận thức rằng mình đã ăn đêm;
– Cảm giác lo lắng, xấu hổ hoặc suy giảm các hoạt động cơ thể liên quan đến việc ăn đêm;
– Trong vòng 3 tháng trở lại, ít nhất 25% lượng thức ăn nạp vào trong ngày được ăn sau bữa tối, đồng thời việc ăn đêm phải diễn ra ít nhất 2 lần trong tuần;
– Ăn vô độ (binge eating) hoặc ăn ít nhưng nhiều lần (grazing)

Với người bình thường, cảm giác thèm ăn và việc tiêu thụ thức ăn có sự liên quan chặt chẽ đến thời gian tỉnh táo trong ngày – các bữa ăn thông thường sẽ diễn ra vào khoảng đầu buổi sáng (6–9h) và đầu buổi tối (5–7h). Ở người mắc hội chứng ăn đêm, nhịp sinh học thường ngày của họ gặp một số trục trặc. Họ vẫn có thể giữ chế độ ngủ bình thường nhưng quá trình tiêu thụ thức ăn có chút khác biệt. Cụ thể, trong quãng từ 8h tối đến 6h sáng, người bình thường chỉ tiêu thụ 15% lượng calo, trong khi con số này là 56% ở người mắc hội chứng ăn đêm.

Người mắc hội chứng ăn đêm cũng có thể đồng thời mắc phải những rối loạn khác về ăn uống. Các nghiên cứu cho thấy có khoảng từ 7% đến 25% người mắc hội chứng ăn đêm cũng đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán của chứng ăn vô độ (BED – Bing-eating Disoder). Ngoài ra, gần phân nửa số người mắc rối loạn ăn ói (bulimia nervosa) cho biết họ cũng có những triệu chứng của rối loạn ăn đêm.

Một rối loạn khác cũng có biểu hiện gần tương tự, gọi là rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ (SRED – Sleep-related Eating Disorder). Khác biệt chủ yếu là người bị SRED thường ăn trong khi đang ngủ hoặc khi không hoàn toàn tỉnh táo. Họ không có ý thức cũng như không thể nhớ lại rằng mình đã ăn vào đêm qua. Trong khi đó, người mắc hội chứng ăn đêm hoàn toàn có nhận thức về hành động của mình.

Những người mắc hội chứng ăn đêm thường là người trầm cảm hoặc bị rối loạn lo lắng. Ngoài ra, họ có thể cũng có tiền sử lạm dụng chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, ma túy hoặc các loại thuốc khác).

Nguyên nhân của hội chứng ăn đêm

Nguyên nhân chính xác của hội chứng này vẫn chưa được xác nhận. Có một số lý giải cho rằng nó liên quan đến sự mất cân bằng hormone. Ngoài ra, đây còn có thể là hệ quả của việc thức khuya, ăn khuya – hành vi phổ biến ở người trẻ tuổi, nhất là sinh viên Đại học. Thói quen này được hình thành và trở nên rất khó để từ bỏ kể cả khi đã đi làm.

Những người mắc chứng cuồng công việc (workaholic) cũng có xu hướng bỏ bữa ban ngày để tập trung thời gian làm việc, sau đó bù đắp bằng cách ăn ‘3 bữa dồn 1’ vào ban đêm. Đối với họ, việc này không chỉ để nạp năng lượng mà còn có thể xem như một cách đối phó với căng thẳng do công việc. Lâu dần, thói quen này sẽ dẫn đến việc bị rối loạn ăn uống.

Lý do khả dĩ cuối cùng, đó là việc ăn đêm là cách cơ thể chúng ta phản ứng với chế độ ăn kiêng hoặc ăn giảm cân, đặc biệt là với các chế độ giảm cân không khoa học (như nhịn ăn, cắt giảm khẩu phần không cần thiết, chế độ ăn không có sự cân bằng). Khi lượng thức ăn ban ngày bị giảm đi, cơ thể sẽ báo hiệu với bộ não rằng nó cần thức ăn. Cảm giác thèm ăn vào buổi tối là chuyện không thể tránh khỏi.

Thoát khỏi cái bẫy ăn đêm ngọt ngào

Cũng như các rối loạn ăn uống khác, việc điều trị hội chứng ăn đêm thường đòi hỏi kết hợp nhiều liệu pháp. Quá trình này thường bắt đầu bằng việc trò chuyện, thảo luận để người bệnh nhận thức rõ hơn về tình trạng bản thân và cách ăn uống của mình, đồng thời xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến thói quen ăn uống.

Tùy thuộc vào tình trạng hiện tại mà người mắc rối loạn ăn đêm sẽ được điều trị bằng các liệu pháp khác nhau, để dần dần thay đổi lịch sinh hoạt và nhận hỗ trợ cho các bệnh liên quan khác nếu có. Bên cạnh đó, người mắc rối loạn ăn đêm cần được củng cố tư tưởng để hiểu rằng, ăn đêm không phải lỗi của họ. Tâm lý được cải thiện thì cơ hội khỏi bệnh cũng sẽ cao hơn.

(Theo: Verywell Mind)

Xem thêm:
Rối loạn ăn uống – Nhịn đói, ăn uống vô độ, hay sống lành mạnh quá mức đều nguy hiểm
Cảm nhận ngoại hình – Hành trình trân trọng và yêu thương cơ thể
Tâm sự ‘gối chăn’: Dọn giường hay không dọn giường?
Làm gì khi ai đó xâm phạm ranh giới cá nhân của bạn?

Mi Nguyen

Recent Posts

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

9 giờ ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

1 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

3 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb 2024 Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10

Waterbomb 2024 sắp đến mảnh đất hình chữ S. Sau đây là những gì bạn…

5 ngày ago

Sự dung hoà giữa truyền thống và hiện đại tại “xứ sở kim chi”

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Sau những chuyến đi lý thú, những trải nghiệm…

5 ngày ago

Tư duy “sử dụng nguồn lực” của anh Phạm Minh Tiến từ Ngân hàng số Timo

Trong tập thứ 4 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam và Dreamage…

6 ngày ago