Nổi bật

#Nghĩ: Ai chạy khỏi tình yêu nhanh hơn những người sợ thân mật?

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Cuộc sống hiện đại với biết bao điều lo toan và thật nhiều khuôn mặt để gặp gỡ khiến chúng ta ít nhiều cảm thấy “chán người”. Nhưng chán cách mấy thì cũng không thể phủ nhận sự thật kết nối xã hội là nhân tố quan trọng nhất cho một cuộc sống hạnh phúc, vì con người là một trong trong những loài động vật có tập tính xã hội cao.

Song tâm lý “chán người” lại chính là một trong những rào cản của kết nối. Nó khiến bạn vừa sợ cam kết, vừa dễ có xu hướng lựa chọn những người giống mình – những kẻ chưa sẵn sàng cho mối quan hệ ràng buộc. Kết quả (dễ thấy) cuối cùng là một trong hai hoặc cả hai “đồng lòng” quay gót ra đi. Sau giai đoạn hậu chia tay đầy vật vã, khả năng cao bạn sẽ lại viết nên một câu chuyện tình khác với… cùng cái kết.

Những người dù rất muốn yêu (và muốn được yêu), nhưng lại nhanh nhanh chóng chóng “bỏ của chạy lấy người” mỗi khi mối quan hệ sắp sửa tiến lên một mức độ gần gũi nhất định, rất có thể là những người đang đối mặt với hội chứng sợ thân mật.

Sợ thân mật là gì?

Hội chứng sợ thân mật được định nghĩa là cảm giác sợ hãi, lo âu mỗi khi phải phát triển mối quan hệ thân thiết gắn bó với người khác, bao gồm cả những mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Người mang nỗi sợ này né tránh đau khổ và tổn thương bằng mọi cách. Do đó, họ rất khó để mở lòng với người khác.

Theo Stefanie Stahl (chuyên gia người Đức về thuyết gắn bó, tác giả quyển Yes, No, Maybe: How to recognize and overcome fear of commitment – Help for those affected and their partners), chúng ta có thể tạm chia những người sợ thân mật vào 3 nhóm:

Thợ săn
Đối với thợ săn, những mối quan hệ lãng mạn không phải là đích đến ngọt ngào mà là những cái bẫy cần tránh xa. Khá khó để nhìn thấu một “thợ săn”, đặc biệt trong giai đoạn đầu mối quan hệ. Họ vô cùng vui vẻ, hào hứng, sẵn lòng dành thời gian với bạn, nói chung là thoải mái hết nấc. Tuy nhiên, họ luôn giữ cho mình một khoảng cách an toàn. Nếu bạn có “nguy cơ” tiến tới, họ lập tức lùi lại, và có thể sẽ nhanh chóng chạy đi, quyết không sập bẫy “tình iu”.

Công chúa / hoàng tử
Những “vị” này rất nhạy và rất nhanh để nhận thấy những thiếu sót của đối phương hay những điểm bất lợi trong mối quan hệ. Cho dù bạn có là người hoàn hảo cách mấy hay mối quan hệ cả hai đang tốt đẹp ra sao, điều đó không quan trọng. Bằng cách này hay cách khác, công chúa / hoàng tử vẫn sẽ tìm thấy lý do để tranh cãi, chỉ trích. Và mối quan hệ không sớm thì muộn cũng vỡ tan tành. 

Thợ xây
Nhưng không phải xây dựng, mà là xây rào chắn. Những người này không ngừng… sáng tạo ra nhiều cách để “điều chỉnh” mức độ thân mật của mối quan hệ. Họ có thể quá bận rộn với công việc, hoặc uể oải mệt mỏi thường xuyên, hoặc đơn giản là có một (vài) sở thích tốn thời gian đến nỗi chẳng còn giờ đâu dành cho bạn nữa.

Một số cách thức khác nhằm ngăn chặn sự ra đời và phát triển của một mối quan hệ thân mật có thể kể đến như: ngoại tình, yêu xa, yêu online, hạn chế giao tiếp, và lựa chọn (một cách cố tình hoặc vô thức) những đối tượng mà khả năng xảy ra quan hệ nghiêm túc hoặc đường dài là vô cùng thấp.

Nhìn chung, những người sợ thân mật thường có một số biểu hiện như:
– Thường xuyên hẹn hò nhưng chưa bao giờ thật sự dành thời gian để phát triển một mối quan hệ nghiêm túc (vì đủ thứ lý do);
– Thường xuyên bị bạn bè, người thân phàn nàn rằng họ cảm thấy bị xa cách;
– Thường xuyên đi đến kết luận rằng một mối quan hệ bất kỳ rồi sẽ kết thúc trong đau khổ, ngay cả khi mối quan hệ chưa bắt đầu.

Bạn có thể thực hiện một số thử nghiệm hoặc bài kiểm tra tâm lý (như hệ thống Thang Đo Mức Độ Sợ Thân Mật (FIS) do hai nhà khoa học Descutner và Thelen phát triển từ năm 1991) để xem bản thân có đang mắc phải hội chứng này hay không. 

Vì đâu người ta sợ thân mật?

Những người “ngại yêu” thường sẽ vì một hoặc cả hai lý do sau đây: sợ bị ràng buộc, mất tự do khi dấn thân vào một mối quan hệ; và sợ viễn cảnh mất đi người mình yêu thương khi mối quan hệ kết thúc hoặc khi người kia qua đời.

Trong đó, lý do thứ hai có liên hệ nhiều hơn đến hội chứng sợ thân mật. Căn nguyên của hội chứng này là nỗi sợ bị bỏ rơi trong tiềm thức. Có nhiều hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến điều này:

Đổ vỡ tình cảm
Kết thúc một mối quan hệ không phải điều gì quá bất thường. Tuy nhiên, vẫn không ít người cảm thấy lo âu mỗi khi một mối quan hệ mới “chớm” bắt đầu vì họ sợ rồi những chuyện không vui sẽ lại xảy ra.

“Bóng đen quá khứ”
Trẻ con khám phá thế giới xung quanh bằng cơ thể chính mình, nhưng lại nhìn nhận và học hỏi mọi thứ thông qua trí óc người lớn – trong đó có cả bài học về cách tin tưởng và hình thành mối quan hệ thân thiết với những người mình yêu thương. Theo chuyên gia tâm lý và phân tâm học về quan hệ xã hội Frances Cohen Praver, mối quan hệ giữa cha và mẹ là tác nhân ảnh hưởng đến ý niệm của con cái về sự thân mật khi chúng lớn lên. Nói cách khác, bài học đầu đời về mối quan hệ người với người của chúng ta đến từ việc quan sát chính những thành viên gia đình mình.

Thường xuyên chứng kiến cảnh gia đình xào xáo khiến bạn vô thức tin rằng đó là những điều tất yếu xảy ra trong một mối quan hệ. Cãi vã, đau khổ, lừa dối, ly tán, … là tất cả những gì bạn biết từ khi được sinh ra. Khi lớn lên, bạn sẽ muốn né càng xa càng tốt những ai có ý định thân mật, gần gũi với mình vì không muốn đưa bản thân vào tình huống tương tự.

Chấn thương thể xác, tâm lý
Những người từng có quá khứ bị bạo hành về mặt thể xác, tình cảm hoặc tình dục cũng có nguy cơ trở nên sợ thân mật.

Mức độ gắn kết với cha mẹ khi còn bé
Trong bài viết The Fear of Intimacy: Cat and Mouse Games in Relationships, chuyên gia tâm lý lâm sàng và pháp y Paula Bruce cho rằng mức độ gắn kết giữa chúng ta với cha mẹ sẽ quyết định mức độ sợ hãi sự thân mật của chính chúng ta khi lớn lên. Nếu ngay từ thời kỳ sơ sinh và mới biết đi mà trẻ em không thể phát triển một mối quan hệ gắn kết an toàn với người nuôi dưỡng (bị bỏ rơi, bị lạm dụng,…), thì tâm lý sau này của trẻ khi trưởng thành sẽ bị ảnh hưởng.

Phụ huynh kiểm soát quá mức
Trong mắt cha mẹ, con cái bao giờ cũng là những đứa trẻ. Dù “đứa trẻ” có lớn đến đâu, nhiều người vẫn luôn kiểm soát hoặc bảo bọc con một cách quá đáng, hệt như khi còn bé. Kiểu yêu thương này vô tình tước mất cơ hội để một người có thể trở nên chín chắn, hình thành kỹ năng tự lập, phát triển những quan điểm và suy nghĩ riêng.

Con cái của những phụ huynh kiểm soát / bảo bọc quá mức thường rất vất vả để “sống sót” khi lớn lên, đặc biệt nếu bị tách khỏi môi trường cho họ cảm giác an toàn, quen thuộc. Họ dễ bực tức nếu người yêu / bạn đời có hành động không vừa ý, dẫn đến mối quan hệ không vững vàng. Mặt khác, cảm giác bị kiểm soát hay mất tự do cũng là nguyên nhân khiến họ sợ thân mật.

Sợ thân mật đem đến hậu quả gì?

Nếu là người sợ thân mật, chuyện dễ thấy nhất chính là bạn tự tay hủy hoại gần như mọi mối quan hệ của mình. Do không muốn và cũng không dễ mở lòng, bạn sẽ thấy khó khăn khi phải cởi mở, trung thực, dịu dàng, hay nghiêm túc với đối phương. Dưới góc nhìn của bạn, đó là những việc làm hoàn toàn không cần thiết vì bạn cũng không có dự định hay có mong muốn đưa mối quan hệ hiện tại đi đến một tầm cao mới nào cả.

Vì không có nhu cầu “yêu đương nghiêm túc” nên bạn cũng có xu hướng chọn lựa những đối tượng cùng tần số – tức những người không mong muốn xác định quan hệ ràng buộc hay lâu dài. Ngày nay, chuyện này càng dễ dàng hơn nữa với sự trợ giúp của vô số ứng dụng hẹn hò, nơi bạn có thể chọn một ai đó bất kỳ giữa hàng triệu người lạ để cùng nhau đi chơi một tối rồi lên giường một đêm.

Từ góc nhìn của người trong cuộc, những mối quan hệ “không tình bạn chẳng tình yêu” này xét mọi mặt chỉ thấy lợi chứ không thấy hại – chẳng mất công tìm hiểu, không bỏ sức vun đắp, và nếu có kết thúc thì đôi bên chẳng ảnh hưởng gì nhiều (vì vốn dĩ từ đầu cả hai đã yêu nhau đâu!). Thế nhưng dần dà, bạn dễ nảy sinh cảm giác không bao giờ là đủ. Đây chính là tác hại thứ ba, cũng là tác hại nguy hiểm nhất về lâu dài, vì nó chỉ khiến bạn trở nên ngày càng sợ yêu.

Làm thế nào để thôi sợ?

Về bản chất thì sợ thân mật là một dạng rối loạn tâm lý. Để hiểu chi tiết hơn cũng như để khắc phục tận gốc, bạn nên tìm đến các chuyên gia về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, bạn có thể thử những cách sau đây:

Chấp nhận
Cho dù đang chủ động đẩy đối phương ra xa hay đang thụ động chịu sự tránh né của họ, hãy cứ dũng cảm đối mặt với sự thật. Thứ nhất, chấp nhận rằng mình (hoặc người kia) có vấn đề, sau đó mới có thể tìm cách giải quyết phù hợp. Thứ hai, chấp nhận rằng không bao giờ là quá muộn để học cách yêu thương.

Thỏa thuận
Đồng hành với một người sợ thân mật chưa bao giờ là dễ dàng. Bạn cần biết cách cảm thông cũng như giảm kỳ vọng của mình đối với họ. Ngược lại, nếu là người mắc rối loạn, bạn cũng sẽ phải học cách đối mặt và từ tốn tháo gỡ những vấn đề của mình với sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý và bạn đồng hành.

Làm quen
Phần lớn những người sợ sự thân mật cảm thấy họ không xứng đáng được yêu, không xứng đáng với đối phương vì quá khứ của mình. Hãy giúp họ làm quen với sự thân mật, để họ hiểu rằng ai cũng xứng đáng được yêu thương, từ đó giảm bớt nỗi sợ bị bỏ rơi trong tiềm thức. 

Kết

Có thể nói rằng, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề sợ thân mật này, là biết cách sống chung với nó. Thay vì chạy trốn, bạn sẽ học cách chịu đựng cảm giác sợ hãi, lo âu, khó chịu của mình. Bạn có thể không hoàn toàn mất đi sự sợ hãi này, nhưng ít ra bạn đã mạnh mẽ hơn để quyết định ở lại trong một mối quan hệ, ở lại với những người thật sự quan tâm và lo lắng cho mình.

Bởi vì ai trong chúng ta cũng đều xứng đáng được yêu thương cả.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago