Lifestyle

#Thoáng: Tình dục cưỡng ép – Khi nạn nhân bị chính đối tác tình cảm lạm dụng

Tình dục là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó mang đến những lợi ích về sức khỏe và tinh thần như khắc phục rối loạn cảm xúc, giảm căng thẳng, giúp sản sinh những hormones hạnh phúc, gia tăng cảm giác thân mật. 

Tuy nhiên, lợi ích từ những “trận mây mưa” chỉ xảy ra nếu đó là quan hệ thể xác tự nguyện, có sự đồng thuận từ các bên tham gia. Ngược lại, nếu đây là việc làm trái ý muốn, là kết quả của cưỡng ép và đe dọa, thì lúc này tình dục sẽ đem lại những tổn hại to lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nạn nhân

Thông thường, khi nhắc đến tình dục cưỡng ép hay cưỡng hiếp, chúng ta sẽ nghĩ đến những yếu tố nào? Người lạ, bạo lực, bắt cóc, buôn người, đánh thuốc mê? Bất chất chiếm đoạt bỏ qua cái gọi là mây mưa làm tình dẫn dắt đối phương đi vào trận khoái lạc. Trước khi trả lời câu hỏi đó, bạn có thể thử xem xét những tình huống dưới đây:

+ Bạn và người yêu quen nhau đã lâu. Mọi thứ tốt đẹp, ngoại trừ chuyện người yêu bạn thích morning sex, nhưng bạn thì không, vì thế sẽ trễ giờ làm. Bạn giải thích nhưng người yêu chẳng nghe. Thế nên bạn cứ mặc kệ và “nhắm mắt cho xong”.

+ Người yêu / vợ / chồng (sau đây sẽ gọi chung là “đối tác”) bạn thích “surprised sex” và thường thực hiện hành động này khi bạn đang ngủ. Khi bạn bảo rằng bản thân cảm thấy bị xâm phạm thì họ nói rằng mặc dù ngủ nhưng rõ ràng bạn có phản ứng sinh lý.

+ Thông thường, chuyện quan hệ tình dục của bạn và đối tác sẽ do họ quyết định. Họ không mấy quan tâm đến những lúc bạn muốn. Nhưng nếu bạn từ chối khi họ muốn, thì đó là cả một vấn đề. Kết quả là bạn cũng “nhắm mắt cho qua” vì quan hệ tình dục là một trong những điều cần thiết cho một mối quan hệ lãng mạn.

+ Đối tác của bạn hay sử dụng bạo lực khi quan hệ tình dục, đôi khi còn dùng bạo lực để “mào đầu” cho những trận mây mưa. Bạn cảm thấy khó chịu vì điều này nhưng khi lên tiếng thì họ sẽ nói rằng quan hệ tình dục bạo lực (rough sex) cũng là một loại gia vị cho tình yêu.

Photo: Metro UK

Theo nội dung Bộ Luật Hình sự (1999), thì hiếp dâm / hãm hiếp / cưỡng bức là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thực hiện các thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ.

Trong khi đó, cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Vì thường không có yếu tố bạo lực / đe dọa bạo lực như hiếp dâm, nên chúng ta thường “quên mất” cưỡng dâm cũng là một hành vi vi phạm pháp luật, và tình dục cưỡng ép trong hôn nhân / các mối quan hệ tình cảm cũng là một dạng của bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục (theo nội dung Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình).

Thế nào là tình dục cưỡng ép trong mối quan hệ?

Về cơ bản, tình dục cưỡng ép là hành vi quan hệ tình dục với đối tác mà không có sự đồng ý từ người đó. Sự thiếu đồng ý là yếu tố thiết yếu, không cần liên quan đến bạo lực thể xác. 

Tình dục là một phần của các mối quan hệ tình cảm. Thế nhưng hành vi làm tình mà không được sự chấp thuận của đối tác đang dần được xã hội xem là cưỡng hiếp và có thể đối diện với sự trừng phạt của pháp luật. Các vấn đề bạo lực, lạm dụng tình dục đang được quan tâm hơn kể từ sau thế kỷ 20. Mặc dù thế, tình dục cưỡng ép trong mối quan hệ vẫn chưa thật sự được “xem trọng”. Ở một số nước, đó không phải là tội, hoặc nếu có vi phạm pháp luật thì vẫn có xu hướng được dung thứ bởi xã hội, đôi khi bởi chính người trong cuộc, vì suy nghĩ đã là vợ / chồng / người yêu thì sao có thể gọi là hiếp dâm.

Photo: Brittany England / Healthline

Vì sao cần phải lên tiếng về tình dục cưỡng ép trong mối quan hệ?

Hãy nhìn vào những con số sau đây:

– Cứ 4 phụ nữ thì có 1 người chịu bạo lực tình dục bởi bạn tình của họ; khoảng ⅓ trẻ em gái độ tuổi vị thành niên cho biết trải nghiệm tình dục đầu tiên của họ là bị ép buộc (World Report on Violence and Health – Sexual Violence – WHO)

– Có đến 50% các vụ cưỡng bức được thực hiện bởi những đối tác tình dục / những người có quan hệ tình cảm thân mật với nạn nhân (National Intimate Partner and Sexual Violence Survey – CDC, 2010)

– Có 30 đến 35% phụ nữ trên toàn thế giới có trải nghiệm bị cưỡng ép tình dục trong mối quan hệ bởi đối tác của mình (Violence Against Women – WHO)

Lạm dụng quan hệ tình dục gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ tự tử. Những người từng bị tấn công tình dục có nguy cơ cao mắc một số bệnh mãn tính như hen suyễn, hội chứng ruột kích thích, tiểu đường, các tình trạng đau mãn tính và bệnh tim.

Những người bị ép buộc quan hệ tình dục bởi bạn tình có biểu hiện trầm cảm và chấn thương tâm lý cao. Trên thực tế, lạm dụng quan hệ tình dục làm tăng nguy cơ đối với hầu hết các dạng bệnh lý tâm thần.

Photo: JENN LIV / The Walrus

Ngoài ra, trải nghiệm tình dục cưỡng ép trong mối quan hệ cũng dẫn đến việc giảm hứng thú tình dục trong tương lai. Mặc dù một số nạn nhân có biểu hiện gia tăng các hoạt động tình dục (Changes in women’s sexual behavior following sexual assault – Aimee N Deliramich & Matt J Gray, 2008) nhưng nhìn chung, tình dục cưỡng ép có nguy cơ cao dẫn đến tâm lý sợ hãi và phản kháng tình dục ở nạn nhân.

Mặc cảm xấu hổ và nhục nhã từ việc bị cưỡng ép là một trong những nguyên nhân chính khiến nạn nhân bị những tổn thương khó chữa lành về tinh thần. Mặc cảm này là yếu tố cốt lõi của tâm lý lo âu, bệnh trầm cảm, ý định tự tử, đồng thời là rào cản lớn nhất ngăn nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ. Kết quả, nạn nhân của lạm dụng tình dục sẽ chịu đựng tình trạng này một mình trong thời gian dài. Điều này càng trở nên phổ biến ở những xã hội mà nạn nhân của tình dục cưỡng ép trở thành người có lỗi và là người hứng chịu chỉ trích, chứ không phải người gây ra chuyện này.

Photo: studlife.com

Khi phải quan hệ tình dục trái ý muốn, phụ nữ mất đi cảm giác kiểm soát và làm chủ cơ thể mình. Tình dục cưỡng ép làm lung lay sự tự tin và cảm giác an toàn nơi họ. Điều đáng buồn hơn đối với tình dục cưỡng ép trong mối quan hệ, đó là phụ nữ không chỉ phải vật lộn với những ký ức của họ về trải nghiệm đó, mà họ còn phải tiếp tục sống chung hoặc có quan hệ với người đã làm điều đó với họ dưới danh nghĩa người yêu hoặc vợ / chồng hợp pháp.

Đâu là dấu hiệu của tình dục cưỡng ép trong mối quan hệ?

Hoàn toàn không dễ để nhận ra liệu mình có đang trở thành nạn nhân của tình dục cưỡng ép hay không, vì ba lý do.

– Thứ nhất, đối phương không phải người lạ nên bạn sẽ không có cảm giác đề phòng, ít nhất là trong những lần đầu tiên chuyện lạm dụng xảy ra.
– Kế đó, cả hai đang trong một mối quan hệ tình cảm, thế nên việc quan hệ tình dục, bao gồm cả những “biến thể” khác của nó, là việc bình thường. Trừ trường hợp việc lạm dụng có dấu hiệu vô cùng rõ ràng và mức độ nghiêm trọng cao, bạn sẽ rất khó để nhận ra bản chất sự việc ẩn dưới những câu bông đùa hoặc một vài lần đề nghị “đổi gió” (mà toàn là gió độc chứ hết là gió lạ).
– Cuối cùng, cho dù có nhận ra mình đang bị lạm dụng, hầu hết sẽ lúng túng trong cách xử lý, vì lý do vô cùng đơn giản: bạn có tình cảm với họ, hoặc đang trong một mối quan hệ cam kết (hôn nhân) với họ. Việc tách ra sẽ mang lại những rắc rối nhất định.

Có vô vàn trường hợp và khả năng mà tình dục cưỡng ép sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nên chú ý những trường hợp sau đây:

Bạn bị đe dọa – Bạn “cần” phải quan hệ với đối tác. Nếu không bạn hoặc một ai đó / thứ gì đó mà bạn quan tâm, yêu thương (người thân, vật dụng cá nhân, đồ riêng tư,…) sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của họ.

Bạn bị dụ dỗ, thao túng – Họ liên tục nói hoặc ám chỉ rằng nếu từ chối tức là bạn không yêu họ. Họ dọa sẽ bỏ đi, thậm chí sẽ không ngại mà ngủ với người khác, nếu bạn không thể đáp ứng nhu cầu. 

Bạn không có năng lực điều khiển hành vi – Quan hệ tình dục khi người kia không tỉnh táo hoặc không có đủ nhận thức về việc đang diễn ra, thì đó là cưỡng ép. Khi đang ngủ, bị đánh thuốc, đang say, hoặc bất tỉnh, thì rõ ràng bạn không thể đồng ý. Ngay cả khi bạn nói “có” hoặc gật đầu, thì sự đồng ý đó cũng không hợp lệ và không trung thực, vì khi ấy bạn không đủ năng lực để nhận thức những hậu quả sau đó, đồng thời không trong trạng thái sẵn sàng để thực hiện hành vi quan hệ.

Nạn nhân của tình dục cưỡng ép không chỉ là phụ nữ | Photo: Vicky Leta

Bạn lệ thuộc / phụ thuộc vào đối tác – Một số người sẽ muốn chứng tỏ uy quyền và vị thế của mình trong mối quan hệ bằng cách kiểm soát tiền bạc, “tranh thủ” sự yêu quý từ người thân hoặc bạn bè cả hai. Bạn bị mất quyền tự chủ trong mối quan hệ, từ đó có xu hướng nhượng bộ bất cứ điều gì người kia muốn, bao gồm cả tình dục.

Bạn không có sự lựa chọn nào khác – “Thôi cũng được” không phải một sự đồng ý. Nếu bạn cảm thấy việc gật đầu với họ là một lựa chọn dễ dàng hơn hẳn việc tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của chính mình, thì bạn đang là nạn nhân của tình dục cưỡng ép.

Việc cả hai chính thức trở thành người yêu hay bạn đời của nhau không cho đối phương quyền bắt ép bạn hay gây tổn thương cho bạn để thỏa mãn ham muốn của mình. Tình dục nên là thứ mang đến cảm giác hưởng thụ cho cả hai. Và nhất là, làm tình chứ không phải làm nhau đau.

Tình dục không phải đặc quyền của mối quan hệ

Tình dục cần sự đồng thuận và sẵn sàng từ cả hai. Nó không phải là nghĩa vụ của riêng người này hay quyền của riêng người kia. Tình dục cần dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, sự đồng ý, lòng quan tâm hai người dành cho nhau, và quan trọng nhất là giao tiếp rõ ràng.

Mục đích cuối cùng của tình dục trong mối quan hệ không nhằm để thỏa mãn nhu cầu cho một trong hai, mà là để giúp cho cảm xúc của cả hai, khiến bạn và đối tác gắn bó với nhau hơn. Khi bạn đồng ý bước vào mối quan hệ chính thức với ai đó, nó không đồng nghĩa với việc bạn từ bỏ quyền nói “Không” và quyền làm chủ thân thể của mình. Ngược lại, trở thành người yêu / vợ / chồng ai đó không cho bạn quyền biến họ thành vật sở hữu để tùy nghi bắt ép họ thực hiện những gì chỉ một mình bạn muốn.

Nếu đối tác của bạn từ chối chịu trách nhiệm về việc họ là nguyên nhân gây ra nỗi đau về tinh thần và thể xác của bạn thông qua tình dục cưỡng ép, thậm chí còn cảm thấy đó là một “hành động chính đáng” thì bạn còn đợi gì nữa mà không rời đi khỏi mối quan hệ độc hại này?

Tham khảo:
Ảnh bìa: Therivetermagazine
Why society should talk about forced sex in intimate relationships, too – Shervin Assari
Marital Rape & Forced Sex – Marie Hartwell-Walker
Women Are Having Unwanted Sex to Maintain Their Relationships – Steph Auteri
Associations between coerced anal sex and psychopathology, marital distress and non-sexual violence – PubMed
Sexual Abuse and Lifetime Diagnosis of Psychiatric Disorders: Systematic Review and Meta-analysis

Xem thêm:
#Thoáng: Điều gì làm nên thành công của Pornhub?
#Thoáng: Phụ nữ “học làm tình” để bảo vệ mình
#Thoáng: Romosexuality – Tình yêu đồng tính trong xã hội La Mã cổ đại
#Thoáng: Toàn cảnh về cuộc sống của các diễn viên phim người lớn Nhật Bản

Mi Nguyen

Recent Posts

Những loại cocktail nên gọi cho lần đầu vào bar (Phần 1): 7 thức uống kinh điển

Đôi khi, những thức uống mà ta quen miệng gọi mỗi lần vào một quán…

22 giờ ago

10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn

Trong đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của…

2 ngày ago

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Sự hiện diện của thực dân Pháp không chỉ giới hạn ở chính trị, mà…

3 ngày ago

5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả

Sau đây là những "sát thủ" thường đe doạ đến năng suất của một tổ…

4 ngày ago

Triển lãm mỹ thuật của hoạ sĩ Trương Hán Minh (Kể Chuyện Nghìn Năm): Thiên nhiên Việt Nam tái hiện qua những bức thuỷ mặc

Những tác phẩm của Trương Hán Minh, như là lời tự tình với cội nguồn văn…

4 ngày ago

20 thuật ngữ tại quán bar cần nắm lòng trước khi “lên đồ”

Các quán bar đều có một loạt thuật ngữ rất phong phú, đến nỗi người…

6 ngày ago