Bạn đã bao giờ gặp trường hợp này chưa: cuộc trò chuyện nhóm đang diễn ra rôm rả, đột nhiên bạn nhận ra dường như có một (hoặc một vài) người đã bị “đẩy” khỏi cuộc trò chuyện, trở thành khán giả thay vì là người tham gia?
Hầu như chúng ta đều từng ít nhất một lần trong đời trải nghiệm tình huống tương tự, cho dù là chứng kiến người khác bị “đẩy” hoặc bản thân là người bị mất nhịp cuộc trò chuyện nhóm. Tình huống này không thoải mái chút nào. Nó không những làm người bị “đẩy” (dù vô tình hay cố ý) cảm thấy bị bỏ rơi, mà còn dễ đưa cuộc trò chuyện đi đến chỗ khó xử.
Để tránh trường hợp này, mỗi cuộc trò chuyện nhóm đều cần ít nhất một người giữ vai trò điều hành – đảm bảo ai cũng có cơ hội lên tiếng và không ai bị bỏ lại phía sau. Tất nhiên chúng ta không nhất thiết phải tổ chức bầu chọn hay lập ra những quy tắc trò chuyện mà mọi người phải nhất nhất tuân theo. Hãy xem thử tình huống dưới đây nhé.
B không phải là một người hoạt ngôn. Cậu thậm chí còn hơi ít nói nữa là đằng khác. Nhưng B dường như rất được yêu thích trong các cuộc trò chuyện nhóm. Mọi người thích nói chuyện với B về bất cứ chủ đề gì. Ví dụ:
A: Tụi mình nói tiếp plan đi chơi cuối năm đi. Thống nhất được thời gian rồi, giờ thì xem xem sẽ cần chuẩn bị gì trước đó.
C: Mình vẫn thấy đi máy bay hợp lý hơn là tàu lửa đó.
D: Tụi mình đi chơi chứ đâu phải đi công tác. Ngồi máy bay làm sao ngắm cảnh được?
A: Mình cũng thấy đi tàu thích hơn. Vậy còn lều thì sao? Hôm nay bàn xong vụ thuê lều đi.
D: …
C: …
A: …
B: Khoan đã, vậy tức là tụi mình vẫn chưa quyết xong là đi máy bay hay đi tàu đó. C thích đi máy bay, A và D đi tàu. Mình vừa check thấy giá vé cả 2 không quá chênh lệch, nên cái này lát nữa tụi mình biểu quyết đi. Lều thì mình nhớ E có. Lần trước đi biển tụi mình cũng mượn một lần nhớ không? Lát nữa nhắn hỏi bạn ấy xem. F, còn ý cậu thì sao?
…
Cuối cùng, sau khoảng 15 phút, mọi người đã giải quyết xong mọi thứ liên quan đến phương tiện di chuyển, chỗ ở, địa điểm thăm quan, và các vật dụng cần mang theo cho chuyến đi chơi.
Hm… giả sử như cậu bạn B có thật trên đời, thì có lẽ cậu ấy cũng sẽ vui lòng chia sẻ những bí quyết cậu áp dụng để các cuộc trò chuyện nhóm không rơi vào bế tắc.
Chúng ta có thói quen phản ứng với những cái tên, không chỉ tên mình mà còn là tên người khác. Nhắc đến tên ai đó trong cuộc hội thoại là một cách tốt để vừa thu hút sự chú ý của mọi người, vừa chủ động hướng cuộc trò chuyện sang đối tượng vừa được nhắc tên, ngầm “ra hiệu” rằng đây là phần có liên quan đến họ hoặc đây là lúc họ cần lên tiếng.
Vì thế, B thường làm công việc tóm tắt và nhắc lại lần nữa về những ý kiến mà mọi người đã phát biểu. Nói nôm na, B giống như “thư ký” của cuộc trò chuyện vậy. Bằng cách này, người khác sẽ có ấn tượng rằng B đã chú ý lắng nghe những gì họ nói.
Nếu muốn nêu ý kiến của mình, B thường khéo léo bắt đầu bằng việc nhắc đến một ý tưởng / quan điểm / kinh nghiệm mà người khác đã nói, sau đó dựa vào đó để dẫn mọi người đi vào phần trình bày của mình. Bằng cách mào đầu thế này, mọi người trong nhóm thường chú ý đến ý kiến của B nhiều hơn thay vì thẳng thắn bác bỏ nó trước.
Một trong những nguyên tắc tâm lý cơ bản nhất của con người là tư tưởng có qua có lại – nếu bạn cho ai đó thứ gì, họ sẽ muốn trả lại cho bạn thứ khác.
B thường xuyên làm công việc tóm tắt và nhắc đến những người khác trong khi trò chuyện, cậu không bỏ sót ai, đặc biệt là những người bạn ít lên tiếng, ví dụ như F – người đã im lặng trong khi A, C, và D thảo luận. Vì thế, đổi lại, mọi người cũng sẽ tự nhiên “nhớ” đến B trong tiềm thức và hướng cuộc trò chuyện về cậu ấy.
Đôi khi chúng ta vì “chạy” theo đà của cuộc tranh luận / trao đổi mà quên mất rằng có ai đó trong nhóm chưa kịp nói hết câu đã bị ngắt lời. B thường chú ý đến những người bạn đó, và cậu tìm cách hướng cuộc trò chuyện trở về phía họ:
“Mình nhớ C có nhắc đến thời tiết ở đó. Cậu nói cuối năm hay có mưa đúng không?”
“Lúc nãy D đang nói về địa điểm XX. D này, cậu nhắc lại được không? Tụi mình có thể đưa vào list chỗ tham quan đó.”
Nếu ai đó đã bị “đẩy” khỏi đoạn hội thoại thì sao? Thì chúng ta cứ lặng lẽ “giúp một tay”, nhắc đến họ bất cứ khi nào có cơ hội để họ có thể về lại guồng trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi hoặc mở sang một chủ đề khác và hỏi xem ý kiến của họ về vấn đề này là gì.
Tuy nhiên, cũng như mọi thứ khác trên đời, chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng “cái gì quá cũng không tốt”. Đừng chỉ chăm chăm giao tiếp bằng cách nhắc đến người khác hoặc tóm tắt những gì mọi người đã nói – trông sẽ rất “giả trân” và kỳ cục. Thay vì vậy, chỉ nên sử dụng những tips này khi thích hợp thôi, đặc biệt là những lúc phát hiện có ai đó vừa bị bỏ rơi trong cuộc trò chuyện nhóm.
(Nguồn: SocialProNow)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
10 gợi ý giao tiếp giúp bạn không rơi vào những cuộc trò chuyện gượng ép
Mẹo giúp thoát khỏi những cuộc trò chuyện khó xử
5 biện pháp giải quyết vấn đề hại nhiều hơn lợi
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…