Rising Vietnam

Tipsy Art và 3 yếu tố làm nên thành công của workshop vẽ tranh

Được ra đời vào tháng 12.2015, Tipsy Art là mô hình vẽ tranh workshop kết hợp yếu tố giải trí đầu tiên tại Việt Nam. Sau hơn 2 tháng, startup này đã thu hồi được vốn với mức đầu tư ban đầu là gần 20 triệu. Tuy nhiên, hành trình để có được chỗ đứng trong thị trường Việt Nam của Tipsy Art là một quá trình dài và đầy thử thách.

Nếu như trước đây, giới trẻ chủ yếu đến các quán cà phê để check-in, chụp ảnh và tán gẫu, thì hiện nay đã có nhiều hoạt động giải trí mới mẻ hơn, bao gồm cả việc tham gia các workshop tự làm. Tại những workshop này, người tham gia sẽ có cơ hội trải nghiệm sáng tạo, mới lạ và tự tay tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng.

Tipsy Art là một startup tiên phong trong lĩnh vực tổ chức workshop vẽ tranh giải trí tại Việt Nam. Đây là nơi mà những người không chuyên có thể đến để tự tay vẽ nên những bức tranh của mình. Không chỉ giúp giải trí và giảm stress, các hoạt động workshop còn giúp người tham gia khám phá bản thân, mở rộng mối quan hệ và kết nối với những người có cùng đam mê.

Với xu hướng tham gia workshop ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay, nhiều người đãi có ý định khởi nghiệp và kinh doanh trong lĩnh vực này. Với kinh nghiệm của một startup đã hoạt động bền vững trên thị trường trong suốt 10 năm, chị Ngân Bùi, người sáng lập Tipsy Art, đã có những chia sẻ chân thành về thành công hiện tại của Tipsy Art trong số podcast Chapter 0 của Rising Vietnam gần đây.

Hãy cùng chúng tôi điểm qua những điều mà các startup khác cùng lĩnh vực có thể học hỏi từ chị Ngân Bùi dưới đây.

Đến với Tipsy Art, trải nghiệm khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu

Đây có lẽ là điểm nổi bật nhất đối với những ai đã 1 lần từng dành trên dưới 3 tiếng đồng hồ trong một buổi vẽ tại Tipsy Art. Theo chị Ngân, trải nghiệm khách hàng không nên chỉ gói gọn lúc khách hàng thực sự ở địa điểm, mà còn là xuyên suốt hành trình trải nghiệm từ đầu đến cuối.

Ví dụ như là đường đi mọi người lên workshop [chẳng hạn]. Nó tạo cho người ta cảm giác như thế nào? Không thể để cho mọi người đến một cái workshop để mà thư giãn, nhưng mà cái con đường đến đấy nó lại xô bồ được. […] Khi mà người ta nhận email người ta cảm thấy như thế nào? Khi mà người ta đăng ký cho workshop người ta cảm thấy như thế nào? Đó là những cái rất nhỏ và nó là những cái từ đầu đến cuối, chứ nó không chỉ tập trung vào một phần là phần vẽ tranh.”

Tác phẩm được tạo ra sau workshop Tipsy Art

Hơn nữa, khi nói về trải nghiệm khách hàng (customer journey) đối với mô hình dịch vụ như Tipsy Art, chị Ngân nhìn nhận về sự thành công sẽ đến từ sự cân bằng giữa 2 yếu tố: giải trí và kiến thức.

Khách hàng khi đến buổi workshop đảm bảo phải có sự trải nghiệm tốt về mặt quy trình (đăng ký buổi học, trao đổi với người hướng dẫn, dịch vụ sau khi trải nghiệm). Tuy nhiên, chị không quá đặt nặng về phần kết quả và chị cũng khuyến khích khách hàng nên xem đây là một trải nghiệm và “mình nên có trải nghiệm này”, theo như chị nói.

Đương nhiên, đi kèm với sự giải trí sẽ là phần kiến thức thực nhận. Chị Ngân nói rằng nó có thể ít nhưng phải đủ. “Tức là những cái kiến thức mình đưa ra trong cái buổi workshop, mặc dù nó ít [hoặc] nó cơ bản, nhưng mà nó phải đúng.” 

Theo chị Ngân, chính cảm giác vui vẻ mà nhiều người nhận được qua những buổi vẽ tranh tại Tipsy Art chính là lý do họ mong muốn quay lại. 

Không gian workshop chính là một trong những yếu tố tạo thành cảm giác đó. Tipsy Art tại Hồ Chí Minh khi mới nhận mặt bằng chỉ là một văn phòng làm việc bình thường. Tuy nhiên, chị Ngân Bùi và team phải thiết kế làm sao cho không gian tại đây gợi được sự ‘sáng tạo’ cho người mới bước vào.

Từ việc làm “mất chất văn phòng” cho đến việc cho đến lựa chọn sàn nhà để tạo cảm giác ‘hỗn độn’. Hay còn đến việc chọn lựa âm thanh trong workshop để không làm phân tán, mất tập trung mọi người. Tất cả đều phục vụ cho một mục đích duy nhất là tạo nên trải nghiệm vẽ tranh tốt nhất cho khách hàng.

Tụi chị có những cái triết lý thiết kế […] Tại vì là tụi chị muốn là khi mà khách đến đấy là nó là phản chiếu mình trong không gian ấy, tất cả những cái gì mình làm. […] Một cái phòng mà nó trắng toát thì người ta sẽ ngại, [Vì thế] tụi chị làm cho nó messy một tí . […] Tụi chị sẽ chọn những cái âm thanh mà nó không không có quá là distract mọi người, nó vẫn tạo được một cái mood [thả lỏng] cho mọi người khi mà vẽ tranh.”

Xem nhân viên như một phần quan trọng của sự thành công trong kinh doanh

Đi đôi với trải nghiệm khách hàng, Tipsy Art còn may mắn khi có những ‘cộng sự’ tận tâm trong công việc. 

Chia sẻ trong tập podcast, Chị Ngân nhớ lại về khoảng thời gian đầu mới thành lập workshop của mình. Tại thời điểm 2015, một ý tưởng kinh doanh như một nơi để vẽ tranh, có thể còn khá mới lạ với nhiều người dân Việt Nam. Nhiều người sẽ có tư tưởng rằng: hãy để những hoạ sĩ làm việc của họ, còn những ai không có năng khiếu thì không nên vẽ.

Tuy nhiên, chị Ngân Bùi thuật lại quá trình làm việc với một hoạ sĩ tên Vũ, một người khá là hứng thú với ý tưởng workshop này: “Vũ là một người rất là open [-minded] ở cái thời điểm đấy. […]  Và khi chị kể cho bạn ấy nghe về những cái idea của chị, những cái mục tiêu của chị ở thời điểm đấy thì bạn rất là willing để giúp cho chị lên được cái giáo án. Và bạn ấy cũng hướng dẫn ở Tipsy Art một thời gian đầu luôn.”

Chị Ngân cũng liệt kê yếu tố nhân viên là tiêu chí để đánh giá liệu mô hình workshop có thành công hay không. Ở đây, người hướng dẫn phải có kỹ năng truyền cảm hứng và diễn đạt tốt thông tin. Nhân viên ở Tipsy Art nên thân thiện với khách chứ không phải là bạn bè suồng sã, và nên có tính chuyên nghiệp. Tuy vậy, nhân viên hãy luôn xem khách hàng như một bạn đồng hành và luôn ở đó để giúp đỡ họ khi gặp khó khăn.

Mỗi một người bạn nhân viên ở trong Tipsy Art là một cái người đồng hành cùng với cả khách hàng. Tức là mình không phải là người đứng ở trên chỉ xuống, mà mình là người đồng hành. Tức là mình sẽ ở đấy, những lúc người ta khó khăn nhất, những lúc tay người ta run, những lúc người ta muốn bỏ cuộc, [thì] mình là người ở đấy.”, chị chia sẻ.

Chiến lược truyền thông tối giản

Với ngân sách mỗi tháng cho chiến dịch Marketing là dưới 14% theo như chia sẻ, có thể thấy Tipsy Art không đặt nặng và đi theo số đông khi nói đến việc quảng bá hình ảnh của mình. 

Đối với chị Ngân, bởi vì tính chất của mô hình cũng như lĩnh vực, việc đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng để họ quay lại cũng như quảng bá đến người khác chính là chiến lược Marketing thông minh nhất. Đây cũng chính là lý do vì sao workshop không sử dụng đến các kênh Marketing khác, như đơn cử là thuê KOL/KOC hay influencers, để quảng bá.

Chiến lược này đã có từ những ngày đầu, khi mà hiệu ứng truyền miệng (word-of-mouth) đã đem lại kết quả tốt cho Tipsy Art: “[…] Em có thể đọc những cái dòng review ở trên mạng nhưng mà khi mà một người bạn của em  [giới thiệu] thì em sẽ tin hơn đúng không? […] Mọi người đã quảng cáo quá nhiều rồi, mọi người cũng biết cái đấy là quảng cáo rồi, [nên là] tụi chị không muốn bỏ tiền vào những bài PR vào thời điểm đấy và hầu hết đều là organic, từ bạn bè.”

Vậy để có lượng khách hàng như bây giờ nhờ word-of-mouth, Tipsy Art đã làm gì? Theo như chia sẻ, chị Ngân đã kể đến việc sử dụng không gian mạng (Facebook là chủ yếu) để tạo được cho mình 1 thương hiệu có giá trị và uy tín. Những đồng đội kỹ tính của chị đã để tâm từ ngày đầu đến cách hình thành nội dung sao cho phù hợp với tệp khách hàng của mình. Từ câu chữ đến cách xưng hô và hình ảnh, mọi thứ phải thật tỉ mỉ.

Không những thế, việc hợp tác với các tổ chức/sự kiện, hay ở Hà Nội là những quán cà phê, cũng chính là cách để mọi người có thể biết đến Tipsy Art.

Nếu muốn xây dựng cho mình một workshop, hãy ‘thử’

Để có được thành công như bây giờ không phải là điều dễ. Chị Ngân nhớ lại khoảng thời gian khi xây dựng studio đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh là những chuỗi ngày khó khăn nhất đối với chị, khi mà phải làm việc với nhiều bên liên quan cùng với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên bây giờ, chị nhìn lại nó với ánh mắt cảm thông.

[…] Nó là rất nhiều những cái chăn trở trong cái quá trình đấy. Nhưng mà đến bây giờ thì chị lại, nó là một cái decision mà chị không hề hối hận một tí nào cả.[…] Khi mà bây giờ nó đem đến được cho khách hàng cái gì, nó đem đến được cho các bạn nhân viên của chị cái gì, thì chị không bao giờ thấy hận.”, chị nói.

Chị Ngân tự nhận mình không phải là một người hay đưa ra lời khuyên, bởi mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau, không ai giống ai cả. Nhưng chị khuyến khích mọi người nên ‘thử‘ nếu muốn xây dựng cho bản thân một workshop như vậy.

[Mình] cứ thử nghiệm thôi và mình sẽ rút ra được cái bài học của riêng mình trong quá trình thử nghiệm ấy. […] Tất cả mọi thứ chỉ làm đều là một cuộc thử nghiệm, tại vì chị không biết kết quả nó trông như thế nào. […] Mọi người phải thử nghiệm và fail, thử nghiệm và fail, và cứ như thế thôi.

Để xem thêm thông tin chi tiết về câu chuyện từ chị Ngân Bùi cũng như của Tipsy Art, các bạn có thể theo dõi podcast Chapter 0 dưới đây; hiện đã phát sóng 2 phần trên trang Youtube của Rising Vietnam:

Xem thêm: Những tập khác của Rising Vietnam

Dao Thomas

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago