Lifestyle

Điểm mù thiên vị – Khi chúng ta bỗng trở nên tốt đẹp hơn người khác

Vì sao chúng ta có thể rất nhanh chóng chỉ ra lỗi lầm của người khác, trong khi hoàn toàn không nhận thức được rằng mình cũng đã hoặc đang làm sai?

Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên chính là do điểm mù thiên vị (bias blind spot) – một dạng thiên kiến nhận thức khiến chúng ta cho rằng mình ít mắc những lỗi tư duy và nhận thức hơn đa số…

… trong khi thực tế có phải hay không thì chưa chắc!

Một số ví dụ về điểm mù thiên vị

Điểm mù thiên vị có thể gây ra những ảnh hưởng như sau:

– Khiến con người tin rằng mình ít có khả năng mắc lỗi nhận thức hơn so với bạn bè, đồng nghiệp hoặc so với số đông nói chung,
– Khiến những người vốn rất nhạy bắt lỗi nhận thức của người khác khó nhận ra lỗi nhận thức của chính mình,
– Khiến con người không thể nhìn ra những sai lầm trong cách tư duy của mình ngay cả khi đã nghe nhắc đến và được giải thích thấu đáo về những sai lầm đó,
– Khiến con người kết luận rằng quyết định hoặc nhận xét mình đưa ra là khách quan, ngay cả khi họ tự “bắt” được những lỗi tư duy đã phạm phải trong quá trình phán đoán, ra quyết định,
– Khiến con người cho rằng mối liên hệ cá nhân của mình với một vấn đề bất kỳ là nguồn thông tin chính xác và khai sáng, giúp họ và những người cùng chung lập trường có thể đi đến kết luận thỏa đáng; trong khi đó lại cho rằng chính mối liên hệ tương tự là nguyên nhân dẫn đến việc mắc lỗi tư duy ở những người thuộc phe đối lập.

Một số ví dụ:

(1) Sau một trận cãi nhau tưng bừng, B và C tìm đến A và D – với tư cách người ngoài cuộc – để nhờ họ phân định đúng sai. Cả hai lần lượt nêu ý kiến, nhưng vì biết D thân với B hơn nên A ngấm ngầm cho rằng ý kiến của D không hợp lý và khách quan bằng mình.

(2) Công ty XX yêu cầu ứng viên đính kèm hình ảnh trong hồ sơ xin việc. Các thành viên phụ trách tuyển dụng một mặt cho rằng chuyện “nhìn mặt đặt tên” này ít nhiều ảnh hưởng đến quy trình và kết quả cuối cùng, một mặt rất tin tưởng bản thân sẽ không đưa ra nhận định sai lầm như-những-người-khác. Niềm tin này thúc đẩy những xung đột nội bộ mỗi lúc các thành viên bất đồng với nhau về quyết định cuối cùng vì ai cũng cho rằng lựa chọn của những người còn lại chịu ảnh hưởng bởi hình ảnh ứng viên.

Cuối cùng, điểm mù thiên vị có thể tác động lên cách chúng ta đánh giá những người xung quanh với xu hướng cho rằng những nhân vật có kiến thức, có thẩm quyền, hoặc được số đông công nhận (cảnh sát, giáo sư, cố vấn, chính trị gia, …) sẽ ít có khả năng mắc lỗi tư duy hơn phần lớn những người khác.

Tâm lý đằng sau điểm mù thiên vị

Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ (naïve realism)

Naïve realism được xem là một trong bốn khám phá quan trọng nhất của tâm lý học xã hội. Nó thể hiện khuynh hướng cho rằng quan điểm và cách một người quan sát thế giới là hoàn toàn khách quan – họ có khả năng nhìn nhận mọi việc theo đúng bản chất của chúng. Những người bất đồng là những người hoặc chưa hiểu rõ vấn đề, hoặc thiên vị, hoặc phi logic.

Ảo tưởng nội tâm (introspection illusion)

Ảo tưởng nội tâm là thành kiến nhận thức khiến một người đề cao những yếu tố tinh thần như cảm xúc, suy nghĩ cá nhân (yếu tố bên trong), hoàn toàn bỏ qua những yếu tố hành vi (yếu tố bên ngoài) khi phải đánh giá hành động / quyết định của mình. Tuy nhiên, họ lại làm ngược lại với người khác, tức đề cao yếu tố bên ngoài mà bỏ qua yếu tố bên trong của họ. Nói cách khác, thiên kiến này khiến một người cho rằng nội tâm mình đáng tin cậy hơn.

Nhu cầu liên quan đến cái tôi (ego-related needs)

Nhu cầu liên quan đến cái tôi thúc đẩy con người thực hiện những hành vi “tự cường”, không để tâm đến những thành kiến hoặc lỗi lầm của mình nhằm củng cố cảm giác tốt đẹp về bản thân.

Làm thế nào để tránh những điểm mù thiên vị

Nếu muốn không làm (hoặc làm) gì đó, đầu tiên, chúng ta luôn cần phải có nhận thức về nó – một yêu cầu xem như đạt nếu bạn đã đọc đến tận đây.

Tiếp theo, cần phải chấp nhận sự thật rằng mỗi người trong chúng ta đều có khả năng gặp phải lỗi tư duy này dù có thông minh, tinh tế, nhạy bén, hay có hiểu rõ điểm mù nhận thức đến đâu. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, càng có nhận thức, ta lại càng dễ mắc phải nó.

Tuy nhiên, chấp nhận không có nghĩa là “buông xuôi”. Thay vì cứ để nó đến rồi đi, chúng ta cần chủ động suy nghiệm, quan sát để có thể “bắt” đúng những cái bẫy tư duy mình có thể đang gặp phải, cho dù nó là điểm mù thiên vị hay bất kỳ thiên kiến nào khác.

Ngoài ra, cần lưu ý một số điểm sau:

Về chủ nghĩa hiện thực ngây thơ
Chúng ta cần nhớ rằng nhận định của mình không phải lúc nào cũng khách quan. Bạn có thể làm điều này bằng cách tham khảo ý kiến người khác hoặc gợi nhớ bản thân về những lần nhìn nhận sai lầm trước đây.

Về ảo giác nội tâm
Khuynh hướng chung của con người là dùng những giá trị nội tại để nhìn nhận bản thân, trong khi lại đánh giá người khác qua hành động của họ. Và đây là điều ta cần phải nhớ trước khi đưa ra nhận xét bất kỳ về người khác. Bạn có thể hạn chế điều này bằng cách luôn tự nhắc mình rằng hành động của bạn có thể đã chịu tác động của một lỗi tư duy nào đó.

Về nhu cầu liên quan đến cái tôi
Lý do chúng ta “từ chối” thừa nhận sai lầm là nhằm củng cố cái nhìn tốt đẹp của mình về bản thân. Do đó, bạn cần tự nhắc nhở mình rằng việc mắc lỗi hoặc gặp sai lầm trong tư duy là chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai. Mặt khác, nếu cứ cố tình làm ngơ, những sai lầm này sẽ tác động ngược lên bạn, để lại những hậu quả khó lường khác nhau.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thiên kiến nhận thức (cognitive bias) – Vì không biết mình sai nên cứ đâm đầu
Thiên kiến tổng bằng không (Zero-Sum Bias) — Cuộc đời không khác gì một chặng đua?
Hiệu ứng phản tác dụng – Vì sao chúng ta “từ chối” sự thật?
Thiên lệch nhận thức muộn – “Hóa ra mình đã biết cả rồi… ư?”

Mi Nguyen

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

4 phút ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

24 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago