Có gì phía sau cánh cửa của những “trại cai nghiện” tại Ecuador?

Thế giới phát triển, những quy chuẩn của xã hội cũng theo đó mà có cải biến. Với sự đấu tranh không ngừng của cộng đồng LGBTIQ, xã hội đã dần công nhận những bản dạng giới tính và những xu hướng tính dục khác ngoài hai giới tính nam – nữ cũng như ngoài mối quan hệ truyền thống giữa đàn ông và đàn bà.

Vậy nhưng, giữa thế kỷ 21 này, vẫn còn tồn tại những trại chuyển đổi cải tạo giới tính núp dưới vỏ bọc là những trung tâm cai nghiện rượu và ma túy bình thường. Tại đây, những người đồng tính (đặc biệt là đồng tính nữ) bị giam giữ trái với ý muốn của họ, chịu sự tra tấn về tinh thần và thể xác, để được chữa khỏi bệnh đồng tính.

“Đa số mọi người đều chưa từng nghe nói đến những nơi thế này”

Nhiếp ảnh gia Paola Paredes – người thực hiện bộ ảnh Until You Change – chia sẻ, “Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Ecuador, nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến những “phòng khám trị liệu” này cho đến năm 2013. Lúc ấy, tôi vẫn chưa come out với gia đình, và tôi đã rất sợ hãi vì nghĩ rằng điều này rồi sẽ xảy ra với mình.”

“Ecuador là một đất nước sùng đạo, vô cùng Công giáo, gần như cuồng tín. Đối với chúng tôi, đồng tính luyến ái là sai lầm, là một thứ cấm kỵ không ai nhắc đến.” Paredes chia sẻ khi nói về đất nước quê hương của cô.

Cô quyết định “phải làm gì đó” để thế giới thấy được điều gì đang xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín của những trung tâm cai nghiện này. Theo tìm hiểu của cô, khắp Ecuador ước tính có khoảng 200 cơ sở như vậy, nhưng thông tin từ các nhóm hoạt động xã hội khác nói rằng con số đó có thể lên đến 300 hoặc hơn. Hầu hết những trại cải tạo giới tính đều được đặt ở khu vực nông thôn và được che giấu vô cùng khôn khéo, nên khó để biết được con số chính xác.

Paredes dành nửa năm để phỏng vấn những người từng bị nhốt ở các trung tâm này trong hàng tháng trời trước khi thực hiện bộ ảnh. Việc “đột nhập” để chụp ảnh là bất khả thi, cộng thêm suy nghĩ bản thân đã rất có thể là nạn nhân chịu cùng trải nghiệm với những người đàn ông và phụ nữ ở đây, nên Paredes quyết định tự làm mẫu trong những tấm hình gây chấn động này.

Until You Change – bộ ảnh tái hiện lại cuộc sống tăm tối, khổ cực trong những trại cải tạo giới tính đã lột trần những thảm cảnh mỗi ngày những người “trót” đồng tính phải chịu đựng. Nó khiến người xem phải bàng hoàng và sững sờ bởi tất cả những điều tưởng chừng chỉ xuất hiện trong phim ảnh lại đang thật sự diễn ra, ngay giữa xã hội hiện đại này, với những người đồng tính.

Mỗi ngày vào 6 giờ sáng, mọi người được yêu cầu xếp hàng. Lần lượt từng nhóm 3 người sẽ vào phòng tắm. Nếu không vâng lời, họ sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc và tất cả những hành vi chống đối đều được ghi chép lại trong một quyển sổ.

Mỗi người có tối đa 7 phút trong phòng tắm. Sau đó sẽ là những giờ đồng hồ dài nghe Thánh ca, học về tác hại của chứng nghiện rượu và thực hiện các liệu pháp điều trị cho rối loạn giới tính của mình.

Những buổi học giáo lý và những giờ cầu nguyện trải dài cả ngày, liên tục được kiểm tra bởi giám thị trung tâm.

Những buổi học trang điểm mỗi sáng với mục đích cho các cô gái thấy những người phụ nữ thật sự tìm niềm vui như thế nào.

Các cô gái đứng trước gương, tô đi tô lại đôi môi đến khi nào được công nhận đã đạt chuẩn làm một người phụ nữ thực sự, vì “chỉ cần biết cách làm phụ nữ thì họ sẽ thôi làm lesbian”.

Mọi người bắt đầu bữa ăn bằng “buen provecho” (Chúc ngon miệng!) và kết thúc bằng lời tạ ơn. Không ai được phép trò chuyện. Bữa ăn diễn ra trong yên lặng tuyệt đối.

Ngoại trừ những bữa ăn sơ sài được cung cấp sẵn, trại viên không được phép ăn uống thêm gì khác. Cửa tủ lạnh luôn được khóa chặt.

Cuối tuần, các cô gái được phép xem phim, ăn vài chiếc bánh quy hoặc một mẩu chocolate.

Mỗi người phải dành hàng giờ đồng hồ cho công việc dọn dẹp, từ văn phòng, hành lang, khu vực bếp, phòng tắm. Giám thị có quyền lăng mạ và đánh đập tại chỗ nếu họ cảm thấy chất lượng công việc không tốt.

Trại viên được phát cho một cái bàn chải đánh răng để làm công việc lau dọn toilet. Ai để sót lại vết bẩn thì giám thị sẽ bắt người đó phải dùng tay trần để cọ rửa đến khi nào sạch sẽ.

Các cô gái không bao giờ được ngon giấc, hoặc vì chứng mất ngủ, hoặc vì âm thanh ám ảnh khi những người khác đang phải chịu tra tấn.

Trong mỗi phòng đều có một góc nhỏ dựng bàn thờ thế này. Nhân viên ở đây tin rằng họ đang thay mặt Chúa cứu rỗi những con chiên lạc lối khỏi sự cám dỗ của quỷ dữ.

Trại viên bị bức thực (force-feeding) mỗi lần phạm lỗi hoặc bị cho rằng có hành vi chống đối. Không ai biết chính xác thứ nước này là gì, nhưng những cô gái thì thầm nghi hoặc với nhau rằng hỗn hợp này gồm có clo, cà phê đắng, và nước bồn cầu.

Theo lời một nhân chứng kể lại, cô đã chứng kiến cảnh một cô gái khác uống gần hết chai dầu gội với hy vọng nhỏ nhoi rằng cô ấy sẽ “đủ bệnh” để được đưa tới bệnh viện, rời xa địa ngục trần gian này.

Dây thừng và dây cáp là hai “nhân vật” xuất hiện xuyên suốt trong những câu chuyện được kể lại. “Họ la mắng, đánh đập tôi, đôi khi cho dùng thuốc an thần hoặc ngâm thẳng vào bồn nước đá cho đến khi tôi không còn sức phản kháng nữa.”

Trại viên “không cần” phải phạm lỗi mới bị trừng phạt. Bạo lực đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống trong trại cải tạo, không cần đúng sai.

Gia đình các cô gái là người đã “gửi” họ đến đây. Những ông bố bà mẹ đã không ngần ngại thuê người đánh thuốc, bắt cóc chính con gái mình để đưa đến trung tâm cai nghiện, với hy vọng nơi đó sẽ chữa khỏi căn bệnh đồng tính đáng nguyền rủa này.

Camera theo dõi được gắn khắp nơi trong trại để giám thị và người chủ trung tâm có thể dễ dàng quan sát và quản lý trại viên.

Các trại viên không được phép nói chuyện với nhau. Theo lời một nhân chứng, có lần cô bị bắt gặp đang chuyền thư cho một người khác, và lập tức cô bị đưa đến phòng trị liệu. “Tôi đến đó một mình. Họ mở Thánh ca rất lớn. Họ đánh tôi, bảo tôi quỳ gối, rồi bắt tôi phải cầm những cuốn Kinh thánh rất nặng. Cứ vậy mà giữ yên đến khi nào tôi không thể chịu được nữa.”

Dưới sự giám sát của những nhân viên trị liệu nam, các trại viên nữ bị bắt buộc mặc váy ngắn, mang giày cao gót, và trang điểm để thực tập làm phụ nữ thật sự. Hành động này không những gây đau đớn thể xác mà còn làm kiệt quệ tinh thần của trại viên.

Trại viên bị cưỡng ép tập thể dục vì đây cũng là một phần trong “khung chương trình cải tạo” được thiết kế riêng cho căn bệnh đồng tính.

Mỗi tối, trại viên đều phải uống thuốc không nhãn mác gì, được gọi là “vitamin”. Chúng đều có những công dụng khác nhau như gây mất ngủ hoặc làm suy giảm trí nhớ. “Tôi không chắc lắm… nhưng tôi nghĩ một trong số chúng là để an thần. Tôi còn nghi rằng mình từng bị cưỡng bức sau khi mê man vì dùng thuốc.”

Những người được phỏng vấn đã cung cấp lời khai rằng họ bị cưỡng hiếp bởi những nhân viên nam làm việc trong trại. Biện pháp này gọi là “hiếp dâm sửa chữa” (corrective rape), cũng được xem là một trong những cách hiệu quả để luyện tập cho những người đồng tính (đặc biệt là đồng tính nữ) có cảm giác ham muốn với đàn ông, như những người phụ nữ “bình thường” khác.

“Tôi nhận ra rằng không thể đóng cửa hoàn toàn những nơi này.”

Paredes chia sẻ, “Khi bắt đầu dự án, tôi rất ngây thơ nghĩ rằng mình sẽ là người khiến những trại cải tạo giới tính này phải ngưng hoạt động. Nhưng giờ tôi nhận ra việc đó là không thể. Những nơi này xuất hiện quá nhiều, và được che giấu vô cùng kỹ lưỡng.”

“Tôi cảm thấy cần phải có một chương thứ 3. Nếu Unveiled(*) là chương mở đầu, Until You Change là chương kế tiếp, thì tôi vẫn cần một chương kết thúc, và lý tưởng nhất là nó sẽ tập trung vào việc giáo dục. Mọi người ở Ecuador cần được biết về đồng tính luyến ái. Chúng ta cần được dạy về sự chấp nhận và lòng khoan dung, để tương lai sẽ không còn thêm những điều gì như thế này nữa.”

(*)Unveiled là một bộ ảnh khác do Paola Paredes thực hiện khi cô come out với gia đình rằng mình là một người đồng tính nữ

Mi Nguyen

Recent Posts

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

9 giờ ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

1 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

3 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb 2024 Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10

Waterbomb 2024 sắp đến mảnh đất hình chữ S. Sau đây là những gì bạn…

5 ngày ago

Sự dung hoà giữa truyền thống và hiện đại tại “xứ sở kim chi”

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Sau những chuyến đi lý thú, những trải nghiệm…

5 ngày ago

Tư duy “sử dụng nguồn lực” của anh Phạm Minh Tiến từ Ngân hàng số Timo

Trong tập thứ 4 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam và Dreamage…

6 ngày ago