Explore

Chuyện tình nhà Trần (P.4): màn cướp dâu của Trần Hưng Đạo Đại Vương

Chuyện tình nhà Trần: Trần Hưng Đạo, tên thật là Trần Quốc Tuấn, là một vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự, nhà chính trị tài ba xuất chúng, được tôn vinh là Bình Bắc Đại Nguyên Soái, Hưng Đạo Đại Vương. Nhưng ít ai biết rằng bên cạnh tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược, Trần Hưng Đạo còn có một câu chuyện tình yêu lãng mạn và táo bạo, được lưu truyền đến ngày nay với tên gọi “pha cướp dâu kinh điển thời Trần“.

Đằng sau người đàn ông mạnh mẽ nơi sa trường, bản lĩnh và tài năng, đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt vào thế kỷ 13, là trái tim si tình được lưu vào sử sách.

Mối tình thanh mai trúc mã giữa Trần Hưng Đạo và Thiên Thành công chúa

Trần Quốc Tuấn, người mà sau này trở thành Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương trụ cột của triều đại nhà Trần. Ông là con của Yên Sinh Vương Trần Liễu, gọi vua Thái Tông bằng chú. Ông cũng là người được đặt trong mối quan hệ ân oán giữa cha mình và người chú trên ngai vàng. Khi năm xưa, vua Thái Tông buộc phải lập chị dâu mình lên ngôi hoàng hậu và khiến Trần Liễu dấy binh tạo phản không thành.

Sau sự kiện chấn động đó, Trần Liễu bị giáng làm An Sinh Vương, cho về an trú ở đất Yên Sinh. Khi ấy, Trần Hưng Đạo mới 7 tuổi. Với mối thù lớn trong lòng, Trần Liễu đã nuôi dạy Trần Hưng Đạo cả văn võ, cùng những quan điểm thù hận, để sau này cậu có thể thay ông trả mối thù xưa. Công chúa Thụy Bà (chị gái của vua Trần Thái Tông) vì thương cháu nhỏ đã phải rời kinh đô tới nơi xa. Bà đã cầu xin vua để nhận nuôi Trần Hưng Đạo để khuây khỏa nỗi buồn cô độc khi chồng bà đã mất.

Bà nhận nuôi Trần Hưng Đạo được 8 năm, cho ông học đủ cả văn lẫn võ, lớn lên với các con em hoàng tộc cùng trang lứa. Chính trong khoảng thời gian này, cũng là cơ hội để ông trải qua thời niên thiếu của mình với Thiên Thành công chúa, cũng là trưởng nữ của Thái Tông.

Trong suốt thời gian ở kinh thành học tập và sinh sống, tình cảm của công chúa và Trần Hưng Đạo cứ thế lớn dần lên, quấn quýt không rời. Cứ tưởng rằng đây sẽ mối lương duyên tiền định nhưng đến đầu năm 1251 thì Thái Tông lại quyết định gả Thiên Thành cho Trung Thành Vương, con trai của Nhân Đạo Vương, phá tan giấc mộng đôi lứa của hai người.

Pha cướp dâu kinh điển của Trần Hưng Đạo

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại rằng ngày 15 tháng 2 năm 1251, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trước đó, nhà vua cũng cho Thiên Thành công chúa về ở vương phủ của Nhân Đạo Vương để chờ ngày làm lễ ăn hỏi.

Trong khi cả kinh thành đang tưng bừng với những trò chơi và lễ hội, ở vương phủ Trần Hưng Đạo chỉ cần nghĩ đến việc ngày mai, người con gái mình yêu thương sẽ trở thành vợ người khác thì tâm tư của chàng càng đau đớn. Chàng trằn trọc suốt đêm không ngủ cuối cùng chàng đưa ra quyết định táo bạo đó chính là đột nhập vào phủ Nhân Đạo Vương, cướp vợ về.

Nghĩ là làm, trong đêm tối, nhân lúc mọi người còn đang say mê với lễ hội, Trần Hưng Đạo lẻn vào phủ Nhân Đạo Vương. Biết không thể theo vào bằng cửa chính, chàng đã tìm cách trèo tường, vượt qua hàng toán lính tuần tra, dò trong đêm đen và tìm được chính xác phòng công chúa.

Trái tim đau khổ của Thiên Thành công chúa dường như sống lại lần nữa. Đang ủ dột ngồi trong phòng, Thiên Thành ngỡ ngàng khi thấy Trần Hưng Đạo xuất hiện. Lúc đó, cả phủ vẫn đang say sưa lễ hội, không ai biết trong căn phòng đó, công chúa đã gặp gỡ với thanh mai trúc mã của mình. Phải nói rằng đây là sự liều lĩnh của Trần Hưng Đạo, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu sự vụ bị bại lộ. Vì vào thời xưa ngoại tình được xem như là trọng tội, nhất là khi hôm sau công chúa Thiên Thành sẽ là vợ của Trung Thành Vương.

Để tránh khỏi trọng tội, Trần Hưng Đạo đã đưa ra một bước đi thông minh. Vì hơn ai hết, ông và Thiên Thành công chúa rất hiểu rõ các nội quy cung cấm, nên ngay khi vừa đột nhập vào phòng, hai người đã ngay lập tức bày mưu tính kế để thoát tội. Theo đó, cả hai đã sai thị nữ nhanh chân chạy báo cho vua cha Trần Thái Tông và cả cô ruột Thụy Bà – là chị của vua đồng thời cũng là mẹ nuôi của Trần Hưng Đạo.

Nhận được tin báo Thuỵ Bà đã nhanh chóng đến gặp vua Trần Thái Tông, vừa gặp bà đã than khóc như mưa: “Không ngờ Quốc Tuấn càn rỡ đang đêm lẻn vào chỗ của Thiên Thành. Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ giết hắn mất. Xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu“.

Khi nhận được thông tin vua Trần Thái Tông vô cùng choáng váng. Bản thân ông đã nhận đủ lễ vật của Nhân Đạo Vương, làm sao có thể để Trần Hưng Đạo làm càn. Trần Thái Tông vội sai người đến dinh Nhân Đạo Vương. Khi binh lính tiến vào phòng công chúa Thiên Thành thì thấy Trần Quốc Tuấn đã đứng sẵn ở đó. Bấy giờ Nhân Đạo Vương mới hay chuyện gì xảy ra trong dinh của mình.

Vua Trần Thái Tông được đặt trong tình thế khó xử khi đã ban hôn công chúa Thiên Thành, bên cạnh Thuỵ Bà không ngừng van xin cho đứa con nuôi của mình. Cộng thêm với việc ông nghĩ rằng Trần Hưng Đạo lại là cốt nhục của Trần Liễu, thật khó để xử phạt. Nên cuối cùng đành ra lệnh cho binh lính đưa Trần Hưng Đạo về cung an toàn.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết: “Đương đêm, Trần Quốc Tuấn lẻn vào tư thông với Công chúa“. Khi trở về dinh của mình, Trần Hưng Đạo trình hết mọi việc cho Thụy Bà biết về tình cảm của mình. Vốn rất thương đứa con nuôi này, nên bà đã tìm cách giúp con mình kết hôn với công chúa. Sáng hôm sau, Thụy Bà công chúa mang 10 mâm vàng sống làm sính lễ đến dâng lên vua. Năn nỉ để xin cưới Thiên Thành cho Trần Hưng Đạo: “Vì vội vàng quá nên không sắm được lễ vật, xin nhà vua nhận cho“.

Trước chuyện đã rồi, Trần Thái Tông đành xuống chiếu gả Thiên Thành công chúa cho Trần Hưng Đạo. Ông đã cắt 2.000 khoảnh ruộng tốt ở huyện Ứng Thiên nhằm để hoàn lại sính vật và tạ lỗi cho Nhân Đạo Vương. 

Cuối cùng thì với sự liều lĩnh của mình, Trần Hưng Đạo vừa thoát chết vừa có thể lấy được ý trung nhân mà ông yêu bấy lâu. Công chúa Thiên Thành sau này trở thành Nguyên Từ Quốc Mẫu. Hai vợ chồng chung sống bên nhau rất hạnh phúc, họ ở với nhau và có được 6 người con, bốn trai, hai gái. Với dòng máu anh dũng như người cha, sau này, bốn người con trai của ông ai cũng là danh tướng lẫy lừng nhà Trần. Hai người con gái của ông cũng không thua kém gì khi người làm hoàng hậu, người lấy danh tướng.

Màn cướp dâu của Trần Hưng Đạo có thể nói là vô tiền khoáng hậu, là một khía cạnh khác mà người đời nhớ đến ông, không chỉ là một vị anh hùng dân tộc vĩ đại mà còn là một người đàn ông dũng cảm, dám theo đuổi tình yêu đích thực của mình.

Trinh Kevin

Recent Posts

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

9 giờ ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

1 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

3 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb 2024 Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10

Waterbomb 2024 sắp đến mảnh đất hình chữ S. Sau đây là những gì bạn…

5 ngày ago

Sự dung hoà giữa truyền thống và hiện đại tại “xứ sở kim chi”

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Sau những chuyến đi lý thú, những trải nghiệm…

5 ngày ago

Tư duy “sử dụng nguồn lực” của anh Phạm Minh Tiến từ Ngân hàng số Timo

Trong tập thứ 4 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam và Dreamage…

6 ngày ago