#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Trong môi trường sáng tạo và thay đổi từng giây, marketing có thể nói là một ngành có tỉ lệ đào thải cao bởi vì để trụ vững và phát triển bạn phải luôn học hỏi và làm mới bản thân. Tùy theo chuyên môn và định hướng phát triển nghề nghiệp của mỗi marketer, sẽ có những kỹ năng riêng biệt cần chú trọng.
Làm thế nào để marketer biết rằng liệu mình có đang đi đúng hướng? Đâu là những cách học tập và tích lũy kiến thức hiệu quả? Làm sao để tìm được một người dẫn dắt có thể giúp chúng ta tiến xa hơn nữa?
Những thắc mắc trên đã được anh Trần Nguyễn Phi Long – Head of Retail Marketing PNJ – giải đáp trong buổi Fireside Chat: The Fundamentals of a successful Marketing Career Path do JobHopin – nền tảng tuyển dụng bằng AI đầu tiên tại Việt Nam – tổ chức.
Đôi nét về khách mời Trần Nguyễn Phi Long
– Giám đốc Marketing Bán lẻ của PNJ – Tập đoàn bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam.
– Nguyên Giám đốc Marketing của Pharmacity – Công ty bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam.
– Nguyên Quản lý cao cấp Online Marketing của Central Group VN – Tập đoàn bán lẻ đa ngành (điện máy, thời trang, siêu thị,…)
– Trước đây, anh chịu trách nhiệm nhiều Marketing đa dạng tại Lazada VN & Nhóm Mua.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast The Fundamentals of a successful Marketing Career Path
Cơ duyên nào đã dẫn anh đến với marketing?
Chuyên ngành lúc học đại học của Long không phải Marketing, mà là Hệ thống thông tin kinh tế (Business Information Systems) và Kế toán. Thật ra lúc chọn ngành thì Long chưa biết mình thích gì hay muốn làm công việc gì, kể cả khi đã vào học cũng thế.
Thế nhưng mình chủ động trong việc tìm kiếm đam mê. Mình tham gia vào các câu lạc bộ ở trường, tận dụng thời gian để đi làm thêm đủ việc từ nhân sự, bán hàng, sự kiện, cho đến marketing. Cuối cùng thì phát hiện ra đam mê của mình chính là Marketing.
Quan niệm của mình là “thử và sai” – cứ tuần tự thử nghiệm những gì mình có thể cảm thấy thích và loại bỏ dần các phương án mình thấy chưa thật sự phù hợp. Cái cuối cùng còn lại chính là thứ đam mê mà mình theo đuổi đến tận bây giờ.
Anh có thấy hối tiếc khi đã không đăng ký học chuyên về marketing ngay từ đầu không?
Câu hỏi rất thú vị. Câu trả lời là vừa có, vừa không.
Sẽ là “Có” ở thời điểm vừa ra trường, việc được trang bị đầy đủ những kiến thức và kinh nghiệm marketing từ khi còn là sinh viên sẽ giúp chúng ta tìm việc dễ hơn và nhanh hơn.
Và sẽ là “Không” khi ở thời điểm hiện tại, càng làm nhiều, càng hiểu sâu, mình càng nhận thấy rõ một điều rằng những kiến thức trái ngành của mình có vai trò quan trọng. Ví dụ như những kiến thức khi mình học BIS giúp mình rất nhiều trong mảng marketing giao thoa với công nghệ. Kiến thức về kế toán và tài chính lại hữu ích khi cần hoạch định ngân sách tiếp thị, quản trị nguồn lực marketing và tính toán hiệu quả cho các dự án truyền thông.
Trong suốt quá trình đó, Long cũng chủ động đi học thêm các lớp marketing ngắn hạn, đọc rất nhiều sách về tiếp thị đồng thời trải nghiệm qua nhiều công việc marketing khác nhau và cũng từ đó bén duyên đào tạo marketing tại các trường và học viện Marketing từ năm 2017 đến giờ.
Khi nhìn lại thì Long nhớ đến khái niệm “connect-the-dots”, tất cả những mối liên hệ, kết nối từ những gì mình học được trong quá khứ đều bổ trợ hữu ích cho hiện tại và tương lai.
Có nhiều bạn đã đi làm vài năm mới nhận ra mình yêu thích marketing. Anh có chia sẻ gì về những tố chất cần phải cân nhắc để các bạn có thể mạnh dạn theo đuổi đam mê?
Theo mình, khi nói về tố chất marketing thì mỗi người chúng ta có thể đặt ra 4 câu hỏi.
Empathy: Bạn có phải là người có sự thấu cảm, đồng cảm cao về con người, sự vật, hiện tượng?
Tức bạn có khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác hay không? Về bản chất, làm marketing thì điều chúng ta cần nhìn đến là người khác, chứ không phải bản thân mình. Chúng ta không nên nhìn thế giới bằng quan điểm riêng. Chúng ta cần phải đứng trên phương diện khách hàng, thấu cảm qua chính lăng kính của họ để biết những gì khách hàng của bạn sẽ thích, cách họ sử dụng sản phẩm, những vấn đề mà họ có thể gặp phải.
Consistency: Bạn có phải là người có tính nhất quán trong mọi việc không?
Tính nhất quán ở đây được hiểu là khả năng gắn bó với các nhiệm vụ marketing trong một thời gian dài. Marketing là cả một quá trình mà kết quả không phải thứ có thể thấy được ngay. Do đó, chúng ta cần kiên trì, nhất quán trong quá trình kể những câu chuyện để thông điệp có thể được ghi nhớ trong tâm trí và chạm được trái tim của khách hàng.
Curiosity: Bạn có tò mò, có quan tâm và chủ động tìm kiếm những gì chưa biết hay không?
Ý tưởng mới xuất hiện thường xuyên trong thế giới marketing: bạn phải tìm kiếm chúng, tìm kiếm thứ gì đó phù hợp với thương hiệu của bạn, thử nghiệm nó, áp dụng và đổi mới liên tục. Bạn phải luôn cập nhật không chỉ những gì đang xảy ra trong ngành của mình mà còn với những gì đang diễn ra trên thế giới và các ngành liên quan. Câu hỏi đặt ra là bạn có chủ động quan tâm đến tất cả những điều đó không?
Open-mindedness: Bạn có phải là người có tư duy mở hay không?
Tính cởi mở được định nghĩa là khả năng tiếp thu những ý tưởng mới. “Mới” ở đây không có nghĩa là thực sự mới hoàn toàn. Ở đây, nó có nghĩa là một quan điểm hoặc một ý tưởng mà bạn chưa bao giờ xem xét trước đây. Khi bạn là một marketer, cho dù ý tưởng đó có kỳ lạ đến đâu, bạn cũng nhất định phải mở rộng tâm trí để tiếp nhận nó. Thế giới marketing không có chỗ cho chủ nghĩa bảo thủ.
Một bạn marketer cần có mindset như thế nào để thích nghi tốt nhất với môi trường marketing đang phát triển vượt bậc từng ngày?
Để trả lời câu hỏi này, có 3 điểm mình muốn nhắc đến.
Đầu tiên, chúng ta cần có góc nhìn rộng hơn về marketing. Bối cảnh kinh doanh ngày nay đã thay đổi rất nhiều, mỗi marketer cần đa nhiệm và có góc nhìn rộng hơn về việc tạo ra giá trị cho khách hàng bằng việc tạo sự kết nối với đa phòng ban và bộ phận, chứ đừng nên tự bó mình trong bức vách của phòng hay khối riêng biệt.
Tiếp theo là tinh thần đổi mới và sáng tạo liên tục. Thị trường hiện nay vô cùng sôi động, kéo theo đó là sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt. Marketer phải trang bị kỹ năng ứng biến linh hoạt, “chuyển bài” liên tục để đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu “muôn hình vạn trạng” của người tiêu dùng. Chúng ta cần có tư duy từ 0 đến 1 – tạo ra những gì chưa có. Tức là đổi mới, phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, sáng tạo thay vì chỉ sao chép những công thức có sẵn nhưng không phù hợp với cơ địa thương hiệu chúng ta đang làm.
Cuối cùng là câu chuyện tư duy marketing nên xuất phát từ khách hàng, thị trường, và đối thủ. Bên cạnh việc “ôm sát” khách hàng mục tiêu, marketer còn phải có khả năng “đọc trận” nhận diện sự biến động của thị trường và sức mua, đồng thời dự đoán cách “tung đòn” của các đối thủ để chủ động xây dựng chiến lược và “bản đồ hành quân” sắc bén trong từng chiến dịch marketing của mình.
Ngoài tư duy thì còn có điều gì giúp các bạn giảm bớt áp lực trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành này không?
Người làm marketing có 2 áp lực rất lớn phải đối mặt: áp lực về tăng trưởng (giá trị, doanh thu, sức mua, tần suất quay lại, …) và áp lực về khác biệt (sáng tạo, ý tưởng, quảng cáo, thiết kế,…).
Bản thân mình cũng đối mặt với những áp lực này hàng ngày. Nhưng vì cũng đã có kinh nghiệm nên mình thấy quen, thậm chí khá… tận hưởng chúng, xem đó là động lực thúc đẩy bản thân mình tiến lên trước. Trong thế giới chuyển động không ngừng, chỉ cần dừng lại thôi tức là mình đang đi lùi rồi. Những lúc như vậy, mình hay xem lại lý do mình bắt đầu với con đường marketing và mục tiêu nghề nghiệp, xem nó có đủ lớn lao không và còn bao lâu, bao xa nữa để mình chạm được đến nó.
Nói riêng chuyện đặt mục tiêu, có những người muốn đặt mục tiêu nhỏ sau đó từng bước thực hiện. Nhưng cũng có những người muốn đặt mục tiêu xa hơn để tạo động lực. Cách của mình là dung hòa cả hai, phối hợp cả mục tiêu xa và mục tiêu gần.
Nếu mục tiêu mình đủ lớn, tầm nhìn mình đủ xa thì những khó khăn, áp lực này sẽ trở nên nhỏ bé lại. Tuy nhiên để tránh chuyện mất động lực, giữa chừng thất vọng hay chán nản vì nó xa quá, nhìn mãi không tới, thì mình sẽ chia nó ra thành những cột mốc nhỏ. Thành công chạm mốc nào cũng là cơ hội để chúng ta biết rằng mình đã tiến bao xa trên hành trình đến cái đích cuối cùng.
Nỗi sợ lớn nhất của anh trong suốt quá trình đi làm là gì?
Nỗi sợ lớn nhất khi đi làm là mình trở thành nút thắt cổ chai của tổ chức. Năng lực tối đa của một tập thể chính là năng lực của người dẫn dắt tập thể đó. Vì thế, mình sợ bản thân trở thành rào cản của đồng đội và của cả tổ chức.
Nỗi sợ này thúc đẩy mình phải liên tục thu nạp kiến thức, làm mới mình mỗi ngày. Trong môi trường biến đổi nhiều như hiện nay, không ai chờ chúng ta lớn lên cả. Luôn chủ động học hỏi không chỉ phục vụ cho sự phát triển bản thân mà còn là sự phát triển của tổ chức và của những người đồng đội của mình.
Anh có thể chia sẻ thêm về những thách thức và những cạnh tranh mà ngành bán lẻ phải đối mặt trong thời kỳ COVID và hậu COVID?
Ngành bán lẻ trong thời gian gần đây đang nằm ở khúc quanh tiến hóa, là cuộc chơi có sự đào thải. Đợt Covid vừa rồi nó càng gia tốc cho quá trình đào thải đó diễn ra nhanh hơn và khốc liêt hơn. Ở nước ngoài thì có nhiều công ty bán lẻ đã gặp khó khăn ở 2018, 2019 nhưng đến 2020 là sập mặc dù là những công ty lâu năm trong ngành.
Bán lẻ truyền thống có những tượng đài cả trăm năm nhưng đang gặp khó khăn với những bạn bán lẻ chỉ mới 5-10 năm trở lại đây, tận dụng công nghệ và digital.
Các công ty trong ngành bán lẻ cần xác định là đang trong thời chiến, phải vừa tấn công vừa phòng thủ. Bên cạnh đó còn phải học cách biến hóa không ngừng, sẵn sàng số hóa để thúc đẩy tăng trưởng, thoát khỏi bóng ma COVID này.
Anh có chia sẻ gì để giúp các bạn sinh viên có thể tìm được người mentor phù hợp, giúp các bạn phát triển?
Bản thân Long cũng tham gia làm mentor cho 4 cộng đồng lớn. Với kinh nghiệm của mình, các bạn sinh viên hoặc các bạn đang cần định hướng nghề nghiệp có thể tìm kiếm mentor qua những nguồn sau: các dự án, chương trình mentor trong trường hay trong các cộng đồng nghề nghiệp; các cuộc thi cả trong lẫn ngoài trường Đại học; hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ trong trường; và cuối cùng là những đầu sách chất lượng về ngành nghề hoặc vấn đề mà bạn quan tâm.
Để biết mentor đó đã “đúng” hay chưa, yếu tố ưu tiên hàng đầu là tính kết nối giữa mentor-mentee, thêm vào đó là sự phù hợp về hệ giá trị – phù hợp về chuyên môn, quan điểm, về chuyện làm nghề, và về các vấn đề mà mentee đang gặp phải.
Ngoài công việc chính, anh Long còn rất tích cực tham gia các buổi trò chuyện, chia sẻ, mentor, làm công việc giảng dạy. Động lực nào đã giúp anh làm được nhiều thứ như vậy?
Từ năm 2015 đến giờ thì Long cũng đã tham gia chia sẻ ở hơn 300 diễn đàn với hơn 20,000 người tham gia.
Long thuộc tuýp người thích bận rộn nhưng có 2 nguyên do Long vẫn cố gắng dành chút thời gian ít ỏi của mình để tham gia các buổi chia sẻ này. Thứ nhất, mình là người theo đuổi triết lý Learning by Sharing (Học hỏi bằng cách chia sẻ). Mình học từ công việc, đồng thời cũng học từ chuyện đi chia sẻ, đi giảng dạy. Vì để làm được điều đó thì bản thân mình phải hiểu sâu, hiểu rõ, phải biết đúc kết, trình bày bài bản tất cả những gì mình đã làm, đã biết. Đối với mình, đây là một trong những cách học khá hiệu quả.
Lý do thứ hai, mình quản lý tài chính cá nhân theo nguyên tắc 6 chiếc lọ. Trong đó sẽ có 5% là phần dành cho công tác thiện nguyện và các hoạt động vì cộng đồng. Mình thấy góp tiền thì không bao nhiêu và không giúp được nhiều người. Vậy thì sao không dành thời gian làm những việc thiết thực và lan tỏa hơn. Ngoài ra, với vai trò người đi trước, mình cũng muốn giúp đỡ các bạn trẻ để các bạn có thể sớm xác định và vững lòng theo đuổi con đường muốn đi.
Nếu có 1 câu kết để chia sẻ với các bạn đã, đang và sẽ làm marketing, anh sẽ nói điều gì?
Ngành marketing tuy thân thiện nhưng không dễ dãi, ngành này sẽ chào đón các bạn vào 1 cách thân thiện nhưng để các bạn tồn tại lâu và thành công thì đòi hỏi các bạn cần có 1 thái độ nghiêm túc, tư duy sắc sảo, kinh nghiệm thực chiến và trái tim yêu nghề, yêu ngành hàng, yêu sản phẩm mình đang làm marketing cho nó.
Chúc tất cả các bạn marketer sẽ tạo ra những điều khác biệt cho sản phẩm và thương hiệu của mình.
(Ảnh: NVCC)
Cảm ơn anh Trần Nguyễn Phi Long vì buổi trò chuyện này!
Theo dõi anh Trần Nguyễn Phi Long : Digikigai Thought Leader
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…