Nguồn gốc của một dân tộc không chỉ nằm ở những trang sử hay những đền đài vẻ vang, mà còn ẩn chứa trong cách ăn mặc của nhân dân.
Khi nhắc đến thời kỳ các vua Hùng – những vị vua vĩ đại của dân tộc Việt Nam cổ đại, hình ảnh về cách ăn mặc của nhân dân thường hiện lên như một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa và truyền thống của đất nước.
Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi đi qua những điểm nhấn về trang phục trong thời kỳ này, để hiểu rõ hơn về chính văn hoá của người Lạc Việt.
Trong lịch sử và nguồn gốc dân tộc của người Việt, trang phục thời kỳ Hùng Vương thường được nhận định là một một vấn đề chưa có sự trình bày thỏa đáng, khi các hình ảnh mô tả tổ tiên người Việt, thậm chí là các vị vua Hùng trong “trang phục” cởi trần, đóng khố, sống hoang dã như những bộ lạc nguyên thủy, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều người ngày nay, gây ra những hiểu nhầm không nhỏ về lịch sử.
Tuy nhiên, qua nhiều quá trình phân tích từ các nhà khảo cổ học, cũng như các công trình nghiên cứu từ các nhà lịch sử học trong nước, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để chứng minh được rằng: Trong thời kỳ Hùng Vương, người Việt đã sở hữu đầy đủ trang phục. Không những thế, người dân Lạc Việt đã có sự đa dạng về kiểu dáng và hình thức trang phục, mũ miện và kiểu tóc.
Từ những tư liệu nghiên cứu chuyên sâu và bài bản về văn hóa cổ của dân tộc Việt, chúng ta đã có những nhận thức mới và khoa học hơn về nguồn gốc dân tộc của mình, thông qua việc nhận diện chính xác các dạng trang phục của dân tộc ở thời kỳ các vua Hùng.
Trong thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (tức là thời điểm khởi nguồn của thời kỳ Hùng Vương), người Việt đã từng là những hậu duệ trực tiếp của văn hóa Thạch Gia Hà, một chuỗi di cư diễn ra khoảng hơn 4000 năm trước. Sự kế thừa văn hóa Thạch Gia Hà trong văn hóa Phùng Nguyên được thể hiện thông qua nhiều loại hình cổ vật, bao gồm đồ gốm và mũ miện.
Bên cạnh sự kế thừa nói trên, ý thức dân tộc của người Việt cũng được truy nguyên từ thời văn hóa Lương Chử, và văn hóa Thạch Gia Hà và tiếp tục tồn tại trong văn hóa Đông Sơn. Ban đầu, tên gọi Việt của dân tộc được biểu hiện bằng biểu tượng của chiếc rìu, một biểu tượng xuất hiện sớm trong các văn hóa Đông Á cổ.
Sau đó, biểu tượng của chiếc rìu trong văn hóa Lương Chử đã được kế thừa và phát triển thành hình ảnh của thủ lĩnh đội mũ lông chim cầm rìu trong văn hóa Thạch Gia Hà. Văn hóa Đông Sơn cũng tiếp tục kế thừa hình ảnh này, như được thấy trên các trống đồng Đông Sơn, thường xuất hiện hình ảnh của thủ lĩnh cầm rìu và thường được hiểu là đại diện cho ý thức dân tộc.
Những hoạ tiết trên các cổ vật là cơ sở để các nhà nghiên cứu có thể tái hiện chính xác trang phục thời vua Hùng. Nhờ vào xu hướng nghệ thuật tả thực giai đoạn sau này, chúng ta có đã được những tư liệu rõ ràng và toàn diện hơn về trang phục của cộng đồng dân tộc Việt trong thời kỳ Hùng Vương.
Dựa theo những bức tượng trên các cán dao găm và nguồn tham khảo từ tài liệu phỏng dựng ngôi mộ quý tộc từ thời văn hoá Lương Chử, chúng ta có thể thấy trang phục của vua, quý tộc nam và nữ cùng với thủ lĩnh sẽ có cùng phom dáng tương đối như nhau. Tuy nhiên, kết cấu trang phục đến hoạ tiết và chất liệu sẽ được phân chia địa vị của chính người mặc.
Trong thời kỳ này, trang phục cơ bản của quý tộc nữ được thể hiện qua việc kết hợp áo và váy quấn. Áo có thể dài tay hoặc ngắn tay, và váy được quấn quanh thân. So với các dân tộc khác như Mường, Thái, trang phục của người Việt có sự đa dạng về màu sắc và hoa văn, không đơn điệu.
Ngoài ra, phụ nữ Việt còn sử dụng cạp váy quấn quanh bụng, tương tự như các dân tộc Mường, Thái. Trước đây, váy thường được trang trí với một đoạn vải rời (xế), giống như trang phục của người H’mông. Phom dáng này cũng tương đồng với các dạng trang phục của người Lê, Bana và Bhutan, trong đó màu sắc và hoa văn trên áo và váy thường thống nhất.
Hoạ sĩ Đỗ Thái Thanh đã tái hiện trang phục của quý tộc nữ trong thời kỳ Hùng Vương, với các yếu tố như khuyên tai ngọc, áo choàng lông vũ, áo và váy quấn sang trái kèm cạp váy và đoạn xế. Ngoài ra, các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay và kiếm dài cũng được sử dụng rộng rãi bởi quý tộc.
Trong thời kỳ Hùng Vương, trang phục của quý tộc nam thường là dạng áo váy quấn, thân áo được quấn sang trái, theo mô tả trong sách Luận Ngữ. Trong sách này, việc mặc áo váy quấn sang trái được ví như biểu hiện của sự cao quý và tinh thần trung quân.
Ngoài sách Luận Ngữ, tài liệu khảo cổ về văn hóa Đông Sơn cũng ghi lại một dạng áo váy quấn, thường kèm theo mảnh thắt lưng và được trang trí. Cụ thể, trong mộ thuyền Châu Can, có một thanh niên được chôn cất với bộ áo váy có đều tua và vạt áo trang trí từ sợi lụa và sợi lanh. Hình họa trống đồng Động Xá cũng cho thấy rõ hình ảnh của dạng áo váy quấn này.
So với trang phục của người Bhutan, dạng áo váy quấn của người Việt có nhiều điểm tương đồng với áo Gho, trang phục truyền thống của họ. Cả hai dạng áo này đều thể hiện sự tinh tế và cao quý của người mặc, và có thể mang dấu ấn từ văn hóa Đông Á cổ xưa.
Các vị vua Hùng cũng mặc dạng áo váy quấn thân sang trái như trang phục đã mô tả ở trên, nhưng trang phục của họ được thiết kế cầu kỳ và phức tạp hơn. Chúng được may bằng loại vải tốt nhất, có kích thước rộng và dài hơn so với trang phục của quý tộc, với ống tay và thân váy mở rộng hơn. Chân váy thường dài chạm đất, nhấn mạnh tính quyền uy của các vị vua. Họ cũng sử dụng những chiếc khóa thắt lưng có độ tinh xảo cao hơn.
Trang phục của thủ lĩnh Lương Chử, được tái hiện bởi bảo tàng tỉnh Chiết Giang, được cho à một nguồn tham khảo cho trang phục của các vị vua Hùng, với mũ lông chim và áo váy quấn vạt trái. Trong việc tái hiện này, hoạ sĩ Đỗ Thái Trang đã thêm vào trang phục áo mũ miện mào chim, áo choàng lông chim, cùng với các phụ kiện như vòng cổ, thắt lưng, dép và các phụ kiện khác.
Áo vạt trái là một trang phục quan trọng trong văn hóa của người Việt, được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử Trung Hoa và khảo cổ của văn hóa Đông Sơn. Trang phục này được chia thành 2 loại chính: áo vắt vạt sang trái (một dạng giao lĩnh) và áo chui đầu vạt trái. Cả hai dạng này đều có sự xuất hiện trong các tài liệu lịch sử và khảo cổ, và dấu tích của chúng cũng được tìm thấy trong mộ cổ Châu Can.
Qua nghiên cứu các mảnh vải được tìm thấy ở đây hồi năm 2000, ta nhận thấy rõ các thành phần khác nhau của trang phục, bao gồm áo có diềm khâu và diềm tua, cùng với vạt áo được trang trí bằng hai loại sợi hỗn hợp: sợi lanh và lụa. Các mảnh thắt lưng cũng được chế tạo từ sợi vải gai, có chiều ngang khoảng 6cm.
Cộng đồng người Điền Việt cũng thường mặc dạng áo vạt trái, tương tự như phong tục chung của người Việt, và điều này được thể hiện qua các cổ vật bằng vàng và đồng của họ.
Còn đối với áo chui đầu có vạt nằm bên trái, nó sẽ giống như một chiếc váy dài, với vạt áo và khuy áo đặt trên vai bên trái. Trong Tam quốc chí và Ngô thư – Tiết Tống truyện, mô tả về phong tục của người Việt thường nhắc đến việc “búi tóc, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.
Dạng áo này tương tự như áo trên trống đồng của người Điền Việt, nhưng của người Việt có thể đi kèm với thắt lưng (làm từ đồng hoặc vải) và có vạt áo được sử dụng cùng với khuy.
Ngoài các dạng áo váy quấn được đề cập ở trên hoặc áo hai tà, phụ nữ thời kỳ Hùng Vương còn sử dụng dạng váy xếp ly, một kiểu trang phục vẫn được nhiều dân tộc tiếp tục kế thừa. Váy xếp ly này thường được kết hợp với cạp váy và một chiếc xế giống như người Choang.
Văn hóa của người Việt có mối liên kết sâu sắc với các loài chim, như việc xem chim Tiên (hay Phượng Hoàng) như vật tổ bên cạnh con rồng. Có ghi chép về việc họ sử dụng áo làm từ lông chim, thường được dùng để thể hiện quyền lực và trong các nghi lễ tôn giáo.
Trong các tài liệu như Lĩnh Biểu Kỷ Man, Xích Nhã, Việt Tây Tùng Tải và Lĩnh Ngoại Đại Đáp, thường ghi lại việc các thủ lĩnh hoặc vua của bộ tộc Âu Việt, Lạc Việt và Lâm Ấp thường mặc áo lông thiên nga hoặc lông chim. Người Hán gọi loại áo này là “điểu y” và gọi những người mặc nó là Điểu Di.
Dạng áo lông chim đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của người Việt, thường được làm từ lông của các loài chim như thiên nga hoặc ngỗng. Trong thời cổ đại, đây là loại áo choàng được sử dụng thể hiện tầm quan trọng và quyền lực.
Trong thời kỳ Hùng Vương, nhiều mảnh giáp đã được phát hiện, cho thấy chúng có thể là giáp lamellar. Loại giáp này là một áo giáp toàn thân, được tạo thành từ các tấm nhỏ hình chữ nhật bằng sắt, thép, da, xương hoặc đồng, được buộc lại thành hàng ngang.
Áo giáp lamellar thường có nhiều lỗ để xâu thành bộ giáp. Tuy nhiên, những mảnh giáp được tìm thấy thường chỉ có 2 lỗ. Điều này dẫn đến 2 giả thuyết: một là những mảnh giáp này được kết nối bằng một cách khác với thông lệ để tạo thành bộ giáp lamellar, hoặc chúng có thể được gắn vào lớp vải hoặc lớp da bọc trong, gọi là giáp vảy.
Bên cạnh giáp lamellar, trong thời cổ đại, các dân tộc còn sử dụng nhiều loại áo giáp khác như giáp da, giáp vải, giáp tre. Vì chúng là những chất liệu sẵn có, nên có thể sử dụng để phỏng dựng các loại giáp cho quân đội Việt trong thời kỳ Hùng Vương.
Cộng đồng dân tộc Việt trong thời vua Hùng được ghi chép với hai dạng tóc quan trọng nhất, đó là cắt tóc và búi tóc, cả hai dạng tóc này đều được thể hiện trên các cổ vật văn hóa Thạch Gia Hà và các đồ vật văn hóa của tộc Việt tại Chiết Giang.
Ngoài dạng búi tóc, người Việt còn sử dụng dạng tết tóc đuôi sam, thể hiện trên hầu hết các hình tượng nam giới trên các cán dao găm đồng Đông Sơn.
Đối với nữ giới, có ba kiểu tóc cơ bản được thể hiện trên các đồ vật văn hóa Đông Sơn và Điền Việt: búi tóc, cắt tóc ngắn – thả tóc và để tóc dài, quấn tóc quanh đầu.
Dạng thả tóc, đuôi tóc uốn xoăn cũng là một dạng tóc được kế thừa rất lâu trong văn hóa người Việt. Nó được ghi nhận trong văn hóa Thạch Gia Hà, cũng như trong văn hóa Đông Sơn và Điền Việt.
Một đặc điểm rất quan trọng khi tái hiện trang phục thời kỳ Hùng Vương đó chính là người Việt thường mang những chiếc khuyên tai tròn, không phân biệt là nam hay nữ. Hơn nữa, điều này đã được duy trì từ thời cổ đại đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Trong bài viết này, chúng ta đã khám phá về cách mà nhân dân Việt Nam ăn mặc thời các vua Hùng. Từ những nghiên cứu về trang phục, kiểu tóc, đến các đặc điểm văn hóa và tư tưởng được phản ánh qua các hiện vật lịch sử, chúng ta đã có cái nhìn toàn diện hơn về văn hóa của dân tộc Việt trong quá khứ.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…