Show & Event

Triển lãm Dị của Đỗ Hà Hoài: sự tái sinh của nghệ thuật và con người

Nằm trong khuôn khổ các triển lãm trưng bày tác phẩm của dự án #WeSupportArt (tạm dịch: chúng tôi ủng hộ nghệ thuật), do De La Sól – Sun Life Flagship khởi xướng. Dị của nghệ nhân Đỗ Hà Hoài là tổng hợp của những tác phẩm điêu khắc với hình hài độc lạ và vô cùng lôi cuốn. Triển lãm lần này đã nêu bật dòng cảm hứng sáng tạo bất tận của người nghệ sĩ đến từ những điều nhỏ nhặt thường ngày.

Từ năm 2023, với gần 15 triển lãm lớn nhỏ được tổ chức đều đặn qua mỗi tháng trong năm đó, De La Sól đã đưa những tác phẩm nghệ thuật của nhiều nhóm họa sĩ trong nước và quốc tế, đến gần nhiều bạn trẻ và người yêu cái đẹp hơn. Với khát vọng lan tỏa giá trị nghệ thuật nhân văn đến cộng đồng, dự án #WeSupportArt hi vọng sẽ là sân chơi mà những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng bứt phá và sáng tạo nên những tác phẩm độc bản; mang đến tầm ảnh hướng mới cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam

Bên trong của triển lãm Dị có gì thú vị?

Bắt đầu ra mắt công chúng từ ngày 27.07, triển lãm tác phẩm đương đại Dị của nghệ nhân Đỗ Hà Hoài, đã biến không gian tại De La Sól thành một hệ sinh thái với các tác phẩm điêu khắc được đặt để ngay chính giữa và trải dài căn phòng. Lấy hướng đi từ việc quan sát những phản ứng của cơ thể khi ăn bánh mì rồi bị dị ứng, triển lãm chính là sự phóng đại ý tưởng đó của người nghệ nhân trẻ này.

Không gian triển lãm với các tác phẩm được trưng bày một cách độc đáo

1. Người xem được tương tác trực tiếp với các tác phẩm

Khi bước vào bên trong De La Sól, điều đầu tiên khiến cho khán giả cảm thấy khác lạ so với các triển lãm nghệ thuật sắp đặt khác, đó chính là sự “thả” của cả nghệ sĩ lẫn ban tổ chức. Triển lãm điêu khắc sắp đặt diễn ra trong không gian mở, nơi người xem không chỉ được nhìn mà còn có thể chạm và đi xung quanh các tác phẩm, tạo ra một trải nghiệm tương tác trực tiếp và sống động. 

4 phần chính của triển lãm bao gồm Dị thú, Dị ứng, Dị NhânNhân Sâm, được sắp xếp nối tiếp nhau, không ngắt quãng và trải dài theo một đường thẳng giữa căn phòng. Đặc biệt, phía cuối không gian triển lãm là một chiếc bàn gỗ với những cuốn phác thảo đầu tiên của các bức tượng, cho phép khách tham quan chạm vào và khám phá quá trình sáng tạo từ những nét vẽ ban đầu đến khi hoàn thiện.

Nói về lý do vì sao triển lãm lại có thể cho phép khán giả làm điều này, nghệ nhân Đỗ Hà Hoài cho rằng quyết định đó là một phần trong chủ đề của triển lãm lần này. Kể từ khi bắt đầu tạo những bức tượng đầu tiên vào năm 2017, anh đã phát triển và biến ý tưởng về việc bị dị ứng thành sự sinh trưởng mạnh mẽ của các sinh vật hữu cơ, đặc biệt có thể kể đến là nấm hay đông trùng hạ thảo. 

Cũng chính bởi vì tính chất khó xác định về quá trình nảy nở của những sinh vật này, nó có thể mọc ở bất cứ nơi đâu và bất kể điều kiện nào. Triển lãm mô tả lại và phóng đại hoá nấm và đông trùng hạ thảo bằng cách vẽ lên viễn cảnh nếu nó mọc quá mức kiểm soát và bao trùm lên các đồ, sinh vật khác; bao gồm cả con người. 

Điều này đột nhiên làm liên kết cả 4 phần của triển lãm thành một hệ sinh thái nơi mà các sinh vật ký sinh này sinh sôi trên mọi bề mặt vật thể, tạo nên những hình dáng độc lạ, có phần rơi vào “thung lũng kỳ lạ” (uncanny valley – hiểu ngắn gọn là hiện tượng tâm lý khi mà sự vật nhìn giống người nhưng thật ra không phải).

Một số tác phẩm nổi bật trong buổi triển lãm

Và để có thể hiểu rõ những chi tiết nhỏ nhặt đó, chính khán giả phải lại gần cận cảnh để chiêm ngưỡng sự kỳ công, không chỉ những đường nét mà còn không gian tổng thể mà những sinh vật nhỏ này tạo ra. Anh Đỗ Hà Hoài chỉ nhắn nhủ với người xem rằng: “Mình mong muốn mọi người có thể tự do đi lại, và có thể chạm sờ; nói chung cứ thoải mái trong hệ sinh thái này mà mình đã tạo ra.

2. Về chất liệu được sử dụng trong triển lãm

Khởi nguồn từ những quan sát tinh tế theo cách mà cơ thể con người phản ứng trước các yếu tố đến từ tự nhiên, nghệ nhân Đỗ Hà Hoài đã sử dụng những chất liệu như bê tông, sắt, gốm làm nền và phủ lên đó là foam nở để hiện thực hóa ý tưởng độc đáo của mình.

Để nói chung về polyurethane foam (hay còn gọi là PU foam), đây đã trở thành một chất liệu được ưa chuộng trong nghệ thuật. Nó đặc biệt là trong lĩnh vực điêu khắc nhờ những đặc tính độc đáo cho phép sự linh hoạt, dễ sử dụng và khả năng sáng tạo không giới hạn. PU foam là một loại nhựa có thể được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng mềm dẻo, cứng, hoặc kết hợp cả hai, làm cho nó trở thành một chất liệu rất đa năng cho các nghệ nhân. Các đặc điểm và lợi ích trong có kể đến như sau:

  • Nhẹ và bền: PU foam nhẹ hơn nhiều so với các chất liệu điêu khắc truyền thống như đá hay kim loại, giúp việc xử lý, vận chuyển và trưng bày các tác phẩm lớn trở nên dễ dàng hơn. Dù nhẹ, nó vẫn có độ bền cao, có thể chịu được sự mài mòn theo thời gian.
  • Dễ dàng tạo hình: loại chất liệu này có thể được cắt, khắc, và mài một cách dễ dàng, cho phép các nghệ nhân thử nghiệm với các chi tiết phức tạp và hình dạng phức tạp. Nó có thể được cắt bằng các công cụ đơn giản, và bề mặt của nó có thể được làm mịn hoặc tạo kết cấu tùy theo mong muốn.
  • Đa dạng: PU foam có thể được sử dụng như một chất liệu cơ bản, có thể phủ, sơn, hoặc kết hợp với các chất liệu khác như nhựa sáp (resin), sợi thuỷ tinh, hoặc thạch cao để đạt được các hiệu ứng kết cấu khác nhau. Nghệ nhân thường sử dụng nó để tạo ra cả các hình dạng hiện thực và trừu tượng, tận dụng khả năng của nó để được đúc thành bất kỳ hình dạng nào.
  • Chi phí hiệu quả: so với các chất liệu như đồng hay đá cẩm thạch, PU foam có giá thành rẻ hơn, giúp các nghệ sĩ tiết kiệm chi phí. Điều này mở ra cơ hội để thử nghiệm mà không lo lãng phí các vật liệu đắt đỏ.

Trong nghệ thuật đương đại, PU foam được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ việc tạo đạo cụ và thiết kế bối cảnh cho sân khấu và phim ảnh đến việc chế tác các tác phẩm điêu khắc tinh xảo vượt qua giới hạn của các hình thức nghệ thuật truyền thống. Khả năng của PU foam trong việc mô phỏng kết cấu tự nhiên, kết hợp với khả năng tạo ra các hình dạng táo bạo, độc đáo, đã biến nó thành chất liệu ưa thích của các nghệ sĩ muốn khám phá các chiều hướng mới trong tác phẩm của mình.

Ví dụ, các nghệ sĩ có thể sử dụng PU foam để tạo ra các hình tượng có kích thước thật, các hình dạng hình học trừu tượng, hoặc thậm chí là các tác phẩm cài đặt lớn thách thức nhận thức không gian. Tính linh hoạt của nó cũng cho phép sự kết hợp với các công nghệ kỹ thuật số, nơi các thiết kế có thể được in 3D hoặc gia công CNC từ các khối foam, kết hợp các kỹ thuật điêu khắc truyền thống với các phương pháp chế tác hiện đại.

Theo như chia sẻ từ De la Sol, loại foam nở được sử dụng trong triển lãm lần này có khả năng biến đổi linh hoạt giữa 2 trạng thái lỏng và rắn, chịu tác động mạnh mẽ từ các điều kiện môi trường trước khi đạt đến hình dạng cuối cùng. Sự khó kiểm soát và biến đổi không ngừng của chất liệu này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ nhân, gợi mở những tác phẩm điêu khắc độc đáo, có khả năng biến hình và phát triển theo thời gian.

Triển lãm đã khéo léo vận dụng đặc tính độc đáo của foam nở, kết hợp cùng cách sắp đặt tinh tế để tạo ra một không gian sáng tạo không giới hạn. Các lớp foam đa sắc (tông màu chủ yếu là xanh rêu và vàng nghệ), trở thành một phần của cấu trúc tổng thể, biến phòng trưng bày thành một hệ sinh thái nghệ thuật độc đáo. 

3. Triển lãm cho thấy sự phát triển không ngừng của nghệ thuật

Trong phần giới thiệu, triển lãm mô tả về cách mà người nghệ nhân lựa chọn chủ đề đã theo anh trong suốt quá trình làm nghệ thuật của mình. Anh nói: “Trong triển lãm này mình chỉ gói gọn trong cái từ là ‘Dị’. Mình mang đến đây là những bức tượng mình đã làm từ năm 2017 đến 2024. Hồi trước, mình chỉ trưng dựng những nhóm tượng nhỏ thôi, còn đây là trưng độc lập và có chủ đích. Tất cả những nhánh nhỏ trong triển lãm này cộng lại sẽ tạo nên chủ đề chính lần này.”

Anh nhận thấy rằng, việc miêu tả về sự hình thành và nảy nở của các ký sinh vật có thể gắn liền đối với sự phát triển không ngừng của sự sáng tạo đến từ tự nhiên: “Trong cái xấu nó sẽ có cái đẹp, trong cái hư nó sẽ có cái gì đó nó tốt lên, trong những cái bỏ đi nó sẽ mọc lên những cái mới hơn. Mình lấy ý tưởng từ các sinh vật này vì chúng cũng sẽ giống như các tác phẩm của mình, đó là hi vọng rằng sẽ tiếp diễn mai sau.

Những chia sẻ của anh có thể giúp ta hiểu được một điều rằng: Dị không chỉ là một triển lãm nghệ thuật, mà còn là một sự khám phá về sự tiếp diễn và sức mạnh bất diệt của nghệ thuật và vạn vật. Anh mong muốn rằng thông qua triển lãm này, người xem sẽ có được những trải nghiệm mới lạ, nơi các tác phẩm không ngại bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh. 

Chính những điều đó lại trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình tái sinh của nghệ thuật, giống như cách mà con người chúng ta học cách chấp nhận, sử dụng những điều không thể thay đổi trong cuộc sống và biến chúng thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận.

Triển lãm của nghệ nhân Đỗ Hà Hoài là một hành trình khám phá những góc khuất đầy sáng tạo và khác lạ trong nghệ thuật điêu khắc. Lấy cảm hứng từ những phản ứng của cơ thể trước các tác nhân. Anh đã mang đến một cái nhìn mới mẻ, nơi nghệ thuật không chỉ là sự mô phỏng hiện thực mà còn là quá trình biến đổi và tái sinh không ngừng.

Đôi nét về con người và sự nghiệp của nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài

Đỗ Hà Hoài, sinh năm 1994 tại Gia Lai, là một nghệ sĩ điêu khắc tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018. Sự nghiệp nghệ thuật của anh được định hình bởi những phản ứng và quan sát tinh tế về tâm sinh lý cá nhân, đồng thời liên kết chặt chẽ với các vấn đề xã hội và môi trường. 

Bắt đầu hành trình sáng tạo Dị từ năm 2017, anh không ngừng tìm tòi, khám phá sự đổi mới trong nghệ thuật, thể hiện qua sự kết hợp độc đáo giữa điêu khắc, hội họa và sắp đặt sáng tạo. Anh không chỉ dừng lại ở việc sử dụng những chất liệu truyền thống mà còn mở rộng tầm nhìn của mình đến foam nở, một chất liệu độc đáo với khả năng biến đổi khó kiểm soát, góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật riêng biệt.

Tác phẩm của anh đã được trưng bày trong nhiều triển lãm nhóm và cá nhân, bao gồm Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Trung tâm thương mại Takashimaya (2016), Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2017), và Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) (2021).

Giai đoạn 2020 đến 2022 đánh dấu những hoạt động nghệ thuật nổi bật của Đỗ Hà Hoài, khi anh tham gia các triển lãm quan trọng như Trung Điểm do VCCA và VinWonders Nam Hội An tổ chức, triển lãm Điêu Khắc Sài Gòn – Hà Nội lần thứ 7, triển lãm nghệ thuật quốc tế Hanoi Art Connecting lần thứ 5, và triển lãm Cảnh Quan Rạn Nở của Hoa Tay Space.

Một số thông tin về triển lãm:

  • Địa điểm: Sun Life Flagship – De La Sól, Số 244, đường Pasteur, Quận 3.
  • Thời gian trưng bày: đến hết ngày 11.08.2024
  • Giờ mở cửa: 9:00 – 21:00
  • Vào cửa miễn phí
Dao Thomas

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago