Sau thành công bước đầu từ triển lãm Kén diễn ra vào năm ngoái; Kén Lab – tên gọi của tập hợp những hoạ sĩ chuyên và không chuyên, đều có chung niềm đam mê đối với nghệ thuật vẽ tranh lụa truyền thống, đã trở lại với những tác phẩm mới và cũ trong triển lãm tiếp theo, mang tên: Tằm.
Vào tối qua (20.09), triển lãm Tằm đã chính thức được khai mạc, mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm hứng với sự góp mặt của nhóm vẽ tranh lụa Kén Lab. Đây là lần thứ hai nhóm tổ chức triển lãm. Nếu như Kén là lời giới thiệu của nhóm đến với giới mộ điệu, thì Tằm tượng trưng cho sự khởi đầu của một hành trình học hỏi và phát triển sâu rộng hơn của nhóm đối với nghệ thuật tranh lụa.
Tranh lụa là một loại hình nghệ thuật truyền thống có lịch sử lâu đời tại Việt Nam, nổi bật với sự mềm mại và tinh tế trong cách thể hiện. Trong triển lãm Tằm, tranh lụa được sử dụng như một phương tiện để nhóm hoạ sĩ của Kén Lab kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Điều này giúp triển lãm trở thành một không gian độc đáo, nơi những giá trị nghệ thuật truyền thống tiếp tục được kế thừa và phát triển trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.
Vậy, khi đến thưởng lãm Tằm, người xem sẽ cảm nhận được gì?
Triển lãm của nhóm hoạ sĩ Kén Lab được tổ chức tại Hawaii ArtSpace, một dinh thự tráng lệ nằm trong con hẻm yên tĩnh trên đường Trần Phú, hoàn toàn tách biệt khỏi sự ồn ào và náo nhiệt của nhịp sống Sài Thành. Không gian triển lãm được đặt dưới tầng trệt của tòa nhà, trải dài qua ba căn phòng nối tiếp nhau theo hướng vòng cung, tạo nên một hành trình nghệ thuật thú vị cho khách tham quan.
Triển lãm lần này có sự góp mặt của 13 thành viên chính của nhóm Kén Lab, bao gồm Huỳnh Thanh Cẩm Lynh, Ti Như Lê, Zoé Bùi, Hiền Nguyễn, Ngô Thanh Hiệu (nghệ danh: Song Bút), Tạ Hoàng Dung, Trần Ngọc Quyên, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Mai Kim Oanh, Lê Thị Ngọc Thuỷ, Lê Kim Tuyền, Tôn Nữ Thị Bích Trâm và Nguyễn Thị Thoả (Thiên Di). Ngoài ra, còn có sự tham gia của khách mời Trà Đỗ.
Đến với Tằm, người xem sẽ được chiêm ngưỡng với hơn 90 tác phẩm tranh lụa có kích thước khác nhau, được treo cẩn thận trên nền tường xám trắng, làm nổi bật vẻ đẹp mềm mại, tinh tế của từng bức tranh; cũng như đặt để vài bức ở một số góc bên cạnh. Với số lượng nhiều như thế, nhưng mọi thứ không hề sắp xếp ngẫu nhiên; bởi vì mỗi hoạ sĩ có một góc riêng để trưng bày các tác phẩm của mình, đi kèm theo thông tin chi tiết về người nghệ sĩ đó ở phía bên dưới.
Điểm nhấn của Tằm là căn phòng lớn nhất, rộng khoảng 200m²; nơi mà ngoài chứa đựng đại đa số các tác phẩm của nhiều hoạ sĩ khác nhau, giám tuyển của triển lãm còn trưng bày một hộp kính với các dụng cụ mà nhiều họa sĩ của Kén Lab sử dụng để hoàn thành tác phẩm. Sau khi tham quan, du khách thưởng lãm có thể ghé thăm quầy bán đồ lưu niệm ở gần lối ra, cung cấp các tấm bưu thiếp in hình một số tác phẩm làm quà lưu niệm đầy ý nghĩa.
Khác với những hình thức khác, vẽ tranh trên lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo hơn cả. Bởi lẽ, lụa không chỉ là bề mặt vẽ mà còn là yếu tố tạo nên chiều sâu và hồn cốt cho tác phẩm. Những bức tranh lụa thường mang lại cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, truyền tải được vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và cuộc sống một cách dung dị mà tinh tế. Triển lãm Tằm đã tái hiện trọn vẹn những giá trị đặc trưng ấy, đồng thời khai phá một không gian để các nghệ sĩ khám phá và phát triển theo một hướng sáng tạo mới.
Bên cạnh việc sử dụng lụa làm chất liệu chủ đạo, phần lớn các hoạ sĩ ở đây đã sử dụng màu nước để tạo nên hình hài cho các tác phẩm. Màu nước mang đến sự mềm mại và thanh thoát, phù hợp với chất liệu lụa, nhưng khi nhìn kỹ, ta sẽ thấy có nhiều hoạ sĩ còn kết hợp thêm các chất liệu khác nhằm mang lại chiều sâu và sự đa dạng cho từng bức hoạ.
Một số chất liệu phổ biến khác được sử dụng bao gồm: mực in, mực Dye-Na-Flow, mực acrylic, mực tráng gương, và lá vàng/lá bạc. Ban đầu, khi nhìn lướt qua, có thể những sự kết hợp này không thật sự nổi bật; nhưng khi dừng lại chiêm ngưỡng kỹ lưỡng, sự khác biệt rõ rệt giữa các chất liệu sẽ hiện ra.
Chẳng hạn, màu acrylic tạo nên sắc độ đậm và sắc nét hơn so với màu nước thông thường. Điều này dễ nhận thấy khi so sánh các bức trong series Chị Ngân của hoạ sĩ Trần Ngọc Quyên với sự huyền ảo, nhẹ nhàng, đối lập với bức X3 của hoạ sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm, nơi màu sắc trở nên sống động và mạnh mẽ hơn nhờ sự xuất hiện của màu acrylic.
Không chỉ dừng lại ở màu sắc, một số hoạ sĩ còn sử dụng lá vàng và bạc để tô điểm cho tranh lụa của mình; ví dụ như tác phẩm Hai và Gấu đã sử dụng lá vàng để phủ toàn bộ cho phần nền, tạo nên sự đa dạng và chiều sâu cho bức hoạ. Trong khi đó ở những tác phẩm khác, lá vàng và bạc chỉ xuất hiện một cách tinh tế, thoát ẩn thoát hiện.
Bộ ba bức Những ngày thơ ấu của Tạ Hoàng Dung hay hình ảnh chiếc cần cẩu trong bức X3 là những ví dụ điển hình cho sự kết hợp đầy sáng tạo này. Những chi tiết nhỏ ấy đã mang lại cho các tác phẩm sự phong phú về chất liệu, đồng thời mở ra nhiều tầng ý nghĩa trong cảm nhận của người xem.
Trong buổi khai mạc Tằm, họa sĩ Song Bút đã chia sẻ về hành trình bất ngờ đã đưa anh đến với tranh lụa. Anh kể lại rằng: “Mình là một kiến trúc sư. Lúc đầu, mình tham quan một triển lãm chỉ như một vị khách thôi. Khi đó, mình ấn tượng với màu sắc, bố cục và sự trong trẻo của tranh lụa. Nên đã quyết định tham gia một khoá học vẽ. Nhưng thực tế khi vào học, nó lại rất cần sự tỉ mỉ và nhẫn nại cao; nó không hề dễ như mình tưởng tượng. Nhưng sau thời gian, mình yêu thích việc vẽ lụa nhiều hơn.”
Người hoạ sĩ nói tiếp: “Các tác phẩm ở đây chính là kết quả của nỗ lực mà các thành viên đã dành ra trong hơn 1 năm qua. Vì thế, mình rất cảm ơn mọi người vì đã phấn đấu để có được thành quả này.”
Không chỉ riêng gì nghệ sĩ Song Bút, nhiều thành viên khác trong Kén Lab cũng đã đến với nghệ thuật vẽ tranh lụa từ những ngành nghề không liên quan, nhưng tình yêu với hội họa đã dẫn lối họ đến con đường này. Nhóm bao gồm các thành viên từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ giảng viên, bác sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư cho đến những người sưu tập nghệ thuật. Dù họ đến từ các lĩnh vực khác nhau, mỗi người đều mang theo nét cá tính, chủ đề và thế mạnh riêng khi bước vào thế giới tranh lụa.
Điều thú vị là các tác phẩm của họ phản ánh chính con người và cuộc sống bình dị quanh họ. Chẳng hạn, những người làm trong ngành thiết kế như chị Hiền, Quyên, Lynh và Tuyển luôn có sự sáng tạo độc đáo về hình ảnh, màu sắc; kiến trúc sư Thanh Hiệu với khả năng vẽ phối cảnh xuất sắc; bác sĩ Minh thì mang vào tranh sự am hiểu về tự nhiên.
Những nghệ sĩ thực hành lâu năm như Thiên Di và Tạ Hoàng Dung tạo nên chiều sâu thông qua những đường nét ma mị, trong khi các thành viên khác như Oanh, Ngọc Thủy hay Ti lại mang theo trải nghiệm cá nhân vào các bức tranh chân dung đầy cảm xúc.
Chính vì vậy, nét vẽ của họ trở nên mộc mạc, gần gũi, và không hề trừu tượng. Các bức tranh thường xoay quanh những chủ đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày – từ con người, động vật cho đến những chi tiết quen thuộc của tự nhiên như lá chuối, hoa cúc, hay những khoảnh khắc đời thường bên sông nước. Những cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố” của con người được tái hiện rõ nét, mang đến cho người xem một cái nhìn chân thực và bình dị về thế gian.
Đơn cử như series 7 ngày của tuần của hoạ sĩ Lê Kim Tuyền chẳng hạn, đây là bộ tranh kể về những khoảnh khắc đầy tình cảm trìu mến của 2 nhân vật là anh Chồng béo và bé cún mập. Có khi bé chó được vác lên vai để dẫn ra ngoài đi chơi, mặt nó hạnh phúc biết bao. Có khi em dựa vào lòng anh Chồng để thiu thiu ngủ. Có khi còn tinh nghịch gác đầu lên anh rồi nhìn người xem một cách lém lỉnh. Và với tác giả, có khi bình yên chỉ cần như thế là đủ.
Hay như series có phần khêu gợi nhất tại triển lãm Tằm, đó là những tác phẩm của tác giả Trần Ngọc Quyên mang tên chị Ngân. Được sáng tác trong khoảng từ 2023 đến 2024, series này đã gắn bó cùng người hoạ sĩ trong suốt quá trình sáng tác cùng chất liệu lụa. Theo như chia sẻ từ hoạ sĩ, chị Ngân là mẫu khoả thân đầu tiên mà tác giả làm việc cùng, vi dáng người đầy đặn, đôi mắt sáng, to tròn, với ánh mắt luôn ấp ủ nhiều điều muốn nói.
Thông qua chị, tác giả muốn gửi tới người thường tranh một góc nhìn khác về vẻ đẹp của người phụ nữ. Bỏ qua vẻ đẹp tới từ vải vóc, nhung lụa và những vật chất hàng ngày của cuộc sống hiện đại, tác giả muốn sử dụng từng thớ lụa, từng vệt loang của cây cọ nước để tôn vinh từng đường cong, hình khối cơ thể.
Ngoài ra còn có tuyển tập bộ 3 bức hình Những ngày thơ ấu của tác giả Tạ Hoàng Dung được phô bày trực tiếp trên khung gỗ thay vì đóng trong khung kính. Được biết, khi trở về Việt Nam vào năm 2023, tác giả tìm lại được những tấm hình thời thơ ấu của ba chị em trong gia đình. Quyết định vẽ lại chân dung của cả ba người dưới hình hài của những đứa trẻ, tác giả mong muốn có thể ghi lại những ngày tháng tuổi thơ mà chúng ta cũng có thể nhớ về.
Mỗi thành viên trong nhóm đều luôn trân trọng và cố gắng hết mình để tạo ra những tác phẩm tranh lụa thật chỉn chu, cẩn thận. Chính niềm đam mê với tranh lụa đã trở thành sợi dây kết nối, giúp cho họ làm việc cùng nhau trong suốt thời gian dài.
Đến với Tằm, người xem sẽ cảm nhận được sự cống hiến và tình yêu đối với nghệ thuật tranh lụa. Mỗi bức tranh không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn là kết tinh của một quá trình sáng tạo đầy nỗ lực, như một cách mà các nghệ sĩ bày tỏ tình cảm và tri ân đối với cuộc sống, con người và thiên nhiên xung quanh.
Một số thông tin về triển lãm Tằm:
Hiếm có màu sắc nào có lịch sử đầy phong phú cũng như cả tranh…
Không ai trên đời hoàn hảo đến mức không có lấy 1 "anti-fan" cả. Thế…
Nếu đã từng hoặc đang ở trong tình huống cấp bách mà cần phải ra…
Hãy để The Millennials Life làm người chỉ đường trong cuộc đời của bạn với…
Triển lãm tranh "The Story Teller" là “cuốn nhật ký” nghệ thuật ghi lại những…
Chẳng biết từ bao giờ, cốc rượu trắng tinh khiết đã trở thành một phần…