Show & Event

Triển lãm “Đa Điểm”: Phá vỡ những thiên kiến về các mẫu hình trong cuộc sống

Triển lãm nghệ thuật Đa Điểm, bắt đầu từ ngày 01.11 tại phòng tranh 22 Gallery, đã mang đến cho người xem một cái nhìn độc đáo trong sự khảo nghiệm liên tục về ý nghĩa cũng như vai trò của các mẫu hình trong xã hội, lịch sử, và nhận thức con người.

Với sự tham gia của 4 hoạ sĩ (3 người tốt nghiệp từ trường Đại học Mỹ Thuật và 1 là hội viên của Hội Mỹ Thuật TP.HCM) – Nguyễn Việt Cường, Bảo Nguyễn, Đặng Quang Tiến và Nguyễn Hữu Tăng, các tác phẩm tại triển lãm nhóm chung lần này đã khơi gợi sự suy ngẫm về những mâu thuẫn và giới hạn của các mẫu hình.

Tên gọi Đa Điểm của sự kiện trưng bày không chỉ phản ánh cái nhìn đa dạng trong cách tiếp nhận chủ đề của 4 nghệ sĩ, mà còn là lời mời gọi khán giả cùng tham gia vào một cuộc đối thoại rộng mở. Thông qua việc chất vấn các mẫu hình, Đa Điểm mong muốn khơi dậy sự phản tư về các chuẩn mực xã hội và nhận thức; từ đó mở rộng tầm nhìn của công chúng về các yếu tố tiềm ẩn đằng sau những khung mẫu tưởng chừng hiển nhiên của cuộc sống.

Vì sao các nghệ sĩ lại lựa chọn những mẫu hình trong cuộc sống làm chủ đề xuyên suốt?

Mẫu hình là những cấu trúc lặp đi lặp lại có tính quy tắc, là một biểu hiện trực quan của các quy luật trật tự trong tự nhiên và xã hội. Không chỉ là một yếu tố thẩm mỹ mà còn là một cách thức tư duy, phản ánh cách con người sắp xếp, tổ chức thế giới xung quanh mình, và các quá trình lịch sử, xã hội.

Mẫu hình có khả năng liên kết giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với thế giới vật chất và văn hóa; phản ánh ý thức hệ xã hội, chính trị, hoặc văn hóa. Ngoài ra, mẫu hình gần như không tồn tại đơn thuần mà chúng còn được liên kết với nhận thức văn hóa và bối cảnh xã hội. Mẫu hình có chức năng triết học, là một phương tiện giúp con người hiểu và phân loại thế giới.

Bằng cách sắp xếp các yếu tố khác nhau theo các quy luật mẫu hình, con người có thể tạo ra trật tự và khám phá những quy luật của tự nhiên và xã hội. Vì vậy, mẫu hình không chỉ liên quan đến thẩm mỹ mà còn là cách mà con người nhận thức và suy nghĩ về thực tại.

Trong một thế giới đầy rẫy sự phức tạp và biến động, các mẫu hình mang đến cho con người cảm giác ổn định, là công cụ giúp phân loại, sắp xếp, và xử lý thông tin một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng chính vì sự đơn giản hóa này mà mẫu hình có thể dẫn đến những thiên kiến – những cách nhìn nhận và đánh giá thế giới có thể bị bóp méo hoặc phiến diện. Thiên kiến này không chỉ là sản phẩm của cá nhân mà còn bị củng cố bởi các cấu trúc xã hội và văn hóa, từ chuẩn mực xã hội đến các hệ thống kinh tế – chính trị.

Một phần của 2 BST từ hoạ sĩ Bảo Nguyễn (phía trước) và Nguyễn Hữu Tăng (phía sau).

Các nghệ sĩ đã phá vỡ những thiên kiến đó trong triển lãm như thế nào?

Đa Điểm tạo nên một không gian độc đáo nơi 4 nghệ sĩ khám phá, thử thách, và phản tư về những mẫu hình trong cuộc sống thường ngày. Mỗi nghệ sĩ đều đưa ra một góc nhìn riêng biệt, nhưng cùng góp phần vào thông điệp tổng thể về việc đặt câu hỏi và vượt qua những định kiến vô thức mà các mẫu hình này có thể gợi ra.

1. “Hào quang của nữ quyền” trong con mắt của hoạ sĩ Bảo Nguyễn

Bằng cách kết hợp hình tượng vua chúa quyền quý với những họa tiết phức tạp, sắc màu nổi bật và phụ kiện thời trang hiện đại, Bảo Nguyễn tạo ra một sự tương phản đầy thú vị và ý nghĩa. 

Trong tác phẩm của mình, Bảo Nguyễn dùng hình tượng vua chúa quyền quý để khám phá và tôn vinh tinh thần nữ quyền theo cách tinh tế nhưng đầy sức mạnh. Người phụ nữ trong tranh của anh toát lên một vẻ điềm tĩnh và uy nghiêm, như một người lãnh đạo âm thầm nhưng đầy bản lĩnh, truyền cảm hứng cho không chỉ phụ nữ mà cả những người đàn ông xung quanh. Chính thần thái ấy – sự bình thản trong ánh mắt, nét thanh thoát của đôi môi, dáng đứng vững chãi, và trang phục thể hiện phong thái cao quý – là biểu tượng mà hoạ sĩ gọi là “Hào quang nữ quyền.”

“Hào quang nữ quyền” mà Bảo Nguyễn đề cao là một lời nhắc nhở rằng nữ quyền không chỉ là đấu tranh công khai, mà còn hiện diện trong những điều nhỏ bé và tinh tế – từ cách người phụ nữ nhìn nhận, đánh giá, đến cách cô ấy hành động trong cuộc sống. Qua mỗi tác phẩm, Bảo muốn người xem cảm nhận được sức mạnh nội tại của người phụ nữ, thứ sức mạnh không cần đến lời nói, nhưng đủ để lay động và khiến người khác phải tôn trọng.

2. Sự kết nối giữa tín ngưỡng và khát vọng của người Việt xưa trong BST của nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường

Chùa Thái Lạc, một trong những ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Tứ Pháp nổi tiếng với các bức chạm gỗ từ thời Trần, không chỉ là một di tích văn hóa mà còn là nơi lưu giữ những giá trị tín ngưỡng lâu đời của người Việt.

Thông qua quá trình tái hiện lại những hoa văn và họa tiết cổ này trên cuốn sách Tục Ngữ – Ca Dao – Dân Ca Việt Nam – một biểu tượng của văn hóa dân gian, Nguyễn Việt Cường không chỉ lưu giữ mà còn mở rộng ý nghĩa của chúng, biến chúng thành cầu nối giữa tín ngưỡng và tri thức.

Trong văn hóa Việt Nam, lửa tượng trưng cho sức mạnh và sự sống, và bằng cách đốt nhang trên trang sách, Cường tái hiện lại khát vọng phồn thực, sự thịnh vượng, và mong muốn cho một cuộc sống đủ đầy của cư dân nông nghiệp ngày xưa.

Kỹ thuật đốt nhang và bút lửa mà anh sử dụng trở thành một phương pháp sáng tạo độc đáo, nơi ngọn lửa không chỉ để lại dấu vết, mà còn là công cụ lưu truyền và tái sinh. Bằng cách chọn chạm khắc lại trên sách, anh gửi gắm thông điệp rằng những giá trị truyền thống có thể tiếp tục sống động và kết nối với thế hệ hôm nay. 

Góc nhỏ của tác phẩm “Tiên nữ thổi kèn, kéo nhị” bởi Nguyễn Việt Cường.

3. Hàm ý ẩn sau bức tranh “Sự Di Cư Của Cái Tôi” của hoạ sĩ Đặng Quang Tiến

Đến với triển lãm Đa Điểm, hoạ sĩ Đặng Quang Tiến chỉ trưng bày một tác phẩm duy nhất – một bức tranh màu nước khổ dài miêu tả một đàn vịt, mang tên Sự Di Cư Của Cái Tôi.

Bức tranh khắc họa hình ảnh đàn vịt đang chạy đồng, một cảnh tượng dường như quen thuộc và đơn giản, nhưng lại chứa đựng những hàm ý sâu xa về xã hội và hành trình tìm kiếm bản ngã của mỗi cá nhân. Đàn vịt trải dài trên nền tranh như một dòng chảy bất tận, là phép ẩn dụ cho một xã hội liên tục biến động và thay đổi, nơi mỗi người dễ dàng bị cuốn vào xu hướng chung, vô thức đi theo những gì số đông lựa chọn.

Tuy nhiên, giữa đàn vịt vàng nhạt gần như đồng nhất, những cá thể vịt màu hồng nổi bật lên, như một lời khẳng định cho sự khác biệt và cá tính. Chúng không tách biệt khỏi đám đông mà vẫn hòa mình vào dòng chảy, thể hiện một cách sống độc đáo – khác biệt nhưng không cô lập, hài hòa nhưng không hề hòa tan.

Đây chính là thông điệp mà Tiến muốn gửi gắm qua tác phẩm: Trong một xã hội thường xuyên đề cao sự tuân thủ và đồng nhất, con người cần dũng cảm bảo vệ cá tính riêng của mình, vừa khác biệt vừa hòa nhập. Sự khác biệt này không phải là yếu tố gây chia rẽ mà là một phần quan trọng để mỗi cá nhân được đón nhận và yêu thương một cách trọn vẹn.

4. Hoạ sĩ Nguyễn Hữu Tăng biến những mẫu hình hằng ngày thành thực thể trừu tượng

Những bức hoạ Điểm Đen, Đàn Ông, và Quý Cô của hoạ sĩ Nguyễn Hữu Tăng, sử dụng màu acrylic và phong cách trừu tượng; mang đến một trải nghiệm thị giác và cảm xúc đầy sâu lắng. Thông qua hình ảnh được cấu thành từ những quả bóng bay dài, mỗi tác phẩm thể hiện nét chấm phá riêng biệt của chủ thể.

Ví dụ như bức hoạ Đàn Ông là hình tượng trừu tượng về người cha – mẫu hình tinh thần lý tưởng, luôn mang trong mình sự kiên định, tĩnh lặng và đáng tin cậy. Những quả bóng bay quấn lấy nhau tạo thành chân dung của người đàn ông trong tranh như biểu thị cho một vẻ ngoài mạnh mẽ nhưng đầy trách nhiệm và áp lực vô hình. Sự quấn lộn xộn ấy phản ánh một cách tinh tế những cảm xúc bị nén lại, những đấu tranh nội tâm mà người đàn ông thường trải qua để giữ vững vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Hay ở Quý Cô, những quả bóng bay đan xen nhau tạo thành những đường nét uốn lượn, tựa như những dải lụa mỏng manh mà khó nắm bắt. Bức hoạ này không chỉ khắc họa vẻ đẹp của tính nữ mà còn hé lộ những suy nghĩ phức tạp, tinh tế và khó đoán. Dù mềm mại và gợi cảm, hình ảnh người phụ nữ trong tranh cũng mang một sự bí ẩn, phảng phất sự khó nắm bắt và một chút xa cách.

Những tác phẩm của Tăng vừa khám phá nội tâm sâu sắc vừa mở ra một cuộc đối thoại với người xem về các mẫu hình và định kiến nhận thức. Anh khuyến khích người xem nhìn sâu vào các khuôn mẫu của chính mình, từ đó tự chất vấn cách mà tư duy có thể bị ảnh hưởng bởi các khái niệm không thực tế.

Đôi nét về những nghệ sĩ của Đa Điểm

1. Bảo Nguyễn

Họa sĩ Bảo Nguyễn (Nguyễn Ngọc Gia Bảo), sinh năm 1991, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, là hội viên Hội Mỹ Thuật TP.HCM. Sau 2 năm theo học chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại Đại học FPT Arena, anh nhận ra hội họa mới là con đường phù hợp nhất với mình. Vớiniềm đam mê mãnh liệt, anh đã quyết định theo học tại Đại học Mỹ Thuật TP.HCM, nơi anh dành trọn tâm tư và nhiệt huyết.

Bảo Nguyễn đã hoạt động nghệ thuật hơn 10 năm, bắt đầu vẽ chuyên nghiệp từ năm 2013 khi theo đuổi chuyên khoa tranh lụa tại khoa Hội Họa. Phần lớn tác phẩm của anh sử dụng chất liệu lụa, màu acrylic và tranh kỹ thuật số. Trong suốt hành trình sáng tạo, anh luôn tìm tòi, thử nghiệm nhiều phong cách và ngôn ngữ hội họa khác nhau để xây dựng dấu ấn nghệ thuật riêng.

2. Nguyễn Việt Cường

Nguyễn Việt Cường sinh năm 1989 tại Kiên Giang. Cường tốt nghiệp khoa Hội Họa – ĐH Mỹ Thuật. Tính thẩm mỹ trong nghệ thuật của Cường song hành với tính đương đại, anh vận dụng chất liệu để đối thoại với hiện thực.

Với tinh thần phản kháng nhị nguyên và quan niệm về sự dịch chuyển của tự nhiên, anh đang tiếp tục mở ra những tường thuật mới mẻ từ cốt lõi của những vật liệu thô, để khơi gợi sự phản tư những chất liệu vốn dĩ đã ăn sâu vào ký ức chung, đời sống chung của Sài Gòn đô hội nói riêng và Việt Nam nói chung.

3. Đặng Quang Tiến

Họa sĩ Đặng Quang Tiến sinh năm 1991 tại tỉnh Bến Tre, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM năm 2018. Hiện tại, anh là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Trẻ TPHCM.

Trong nền Mỹ Thuật Sài Gòn hiện đại, họa sĩ Đặng Quang Tiến được biết đến là một họa sĩ trẻ với cá tính hội họa đặc biệt. Tác phẩm của anh mang đậm chất quê hương miền Tây sông nước, những chiêm nghiệm trên hành trình đi tìm giá trị đích thực của cuộc sống.

4. Nguyễn Hữu Tăng

Họa sĩ Nguyễn Hữu Tăng sinh năm 1988, tốt nghiệp khoa Hội Họa – ĐH Mỹ Thuật. Anh từng đạt giải đồng hạng mục Nghệ sĩ Triển vọng trong cuộc thi UOB Painting of the Year. Trong hội họa, anh tìm kiếm sự tự do tạo hình để thể hiện nội tâm và tư duy con người qua lăng kính siêu thực.

Dù là tranh hay điêu khắc, các chủ đề anh khai thác được hình tượng hóa và ước lệ, kết hợp với chất liệu để khơi gợi tính tượng trưng. Anh tái cấu trúc sự vật, hiện tượng, gợi lên biểu tượng liên kết với trạng thái nội tâm ẩn dưới các hình thái khác.

Những vấn đề tâm lý, mâu thuẫn, xung đột và căng thẳng xã hội là nguồn cảm hứng chính của anh, trở thành chủ đề xuyên suốt. Sơn dầu, acrylic và các chất liệu phụ trợ giúp anh truyền tải thông điệp và câu chuyện muốn kể.

Một số thông tin về triển lãm tranh Đa Điểm:

  • Địa điểm: 22 Gallery, Số 22, Đường Phạm Cự Lượng, Phường 2, Quận Tân Bình.
  • Thời gian trưng bày: Từ 01.11.2024 – 22.11.2024.
  • Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 (từ thứ Ba đến Chủ Nhật).
  • Vào cửa miễn phí với lịch đặt hẹn trước.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

Dao Thomas

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

7 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago