Cine

2020 và một ngày Trung thu thật khác

Tháng Chín sắp qua, tức Quý Ba sắp hết. Chớp mắt, chúng ta chỉ còn gần 200 ngày là kết thúc năm nay. 2020 là một năm đặc biệt, không chỉ vì đây là năm cuối cùng của thập kỷ, mà còn vì đây là năm cả thế giới đồng loạt “vỡ kế hoạch” và đồng thời bị ném vào vòng xoáy chóng mặt của hàng loạt thay đổi mà chúng ta có lẽ chưa bao giờ nghĩ phải đối mặt, hoặc ít nhất là phải đối mặt quá sớm trong cuộc đời này.

Thay vì những chuyến du lịch thư giãn, chúng ta phải ở yên trong nhà vì giãn cách xã hội.

Thay vì những buổi tụ họp chém gió cùng cạ cứng cuối tuần, chúng ta chỉ có thể ngồi nhà video call cho nhau.

Thay vì đường hoàng bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp sau những năm tháng học hành, sinh viên dự lễ tốt nghiệp online.

Thay vì tưng bừng tham gia các hoạt động hội hè, chúng ta liên tiếp nhận thông tin sự kiện này hoãn, lễ hội kia hủy, không chỉ ở Việt Nam mà là phạm vi toàn thế giới.

Bữa tiệc thời trang MET Gala 2020 chính thức thông báo hủy Năm nay dân tình không còn dịp hóng xem Harry Styles sẽ diện gì sau chiếc áo xuyên thấu tại MET Gala 2019.
Thế vận hội Mùa hè 2020 ra thông báo hoãn và sẽ tổ chức vào 2021

Không nằm ngoài “dòng chảy thời đại”, từ đầu năm đến nay, có thể thấy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế – xã hội Việt Nam đã rất rõ nét. Nhân viên không thể đến công ty làm việc, học sinh sinh viên chuyển sang học trực tuyến, hàng quán đồng loạt đóng cửa, nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản, các lễ hội và sự kiện đều bị dời lại hoặc hủy bỏ hoàn toàn.

Bùi Viện hạ cửa dọn bàn, Tạ Hiện im lìm lạnh lẽo
Nhiều doanh nghiệp từ “đóng cửa tạm thời” đã phải tuyên bố “đóng cửa vĩnh viễn” vì kiệt sức trước COVID-19. Trong đợt bùng phát dịch vừa qua tại Đà Nẵng và các nơi lân cận, nhiều khách sạn đã phải đồng loạt rao bán do tình hình kinh doanh giảm sút dẫn đến không còn đủ khả năng cầm cự chi phí vận hành và lãi vay.

Dịch bệnh chưa dứt, thiên tai liên tiếp, mọi giới hạn dường như đang giãn căng hết mức có thể, thế nhưng thời gian không vì thế mà dừng lại. Mấy tuần nay ra đường chợt nhận ra ánh nắng trên đầu đã nhạt dần, xung quanh đã bớt oi bức, đã kịp cảm nhận từng cơn gió thoảng báo hiệu mùa thu sang. Cái lạnh nhẹ nhàng của gió và sắc vàng của hàng cây bên đường đang thay lá dường như có một mãnh lực lạ kỳ khiến chúng ta dễ buồn, rồi xao lòng, và hoài niệm, để “thèm” những giây phút đoàn viên.

Thu này đã khác Thu xưa

Tết Trung thu là Tết đoàn viên của người Việt. Đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau ngắm trăng tròn đêm Rằm, kể chuyện chú Cuội, thưởng thức chén trà, nhâm nhi miếng bánh… Không chỉ vậy, trong tiềm thức của các bạn nhỏ, Trung thu là ngày Tết dành riêng cho mình, bởi mỗi năm cứ Rằm tháng Tám là được phá cỗ, được làm lồng đèn, được phép tung tăng khắp làng trên xóm dưới, được phép ca hát nhảy múa tưng bừng mà không bị ai la mắng.

Thế nhưng, đó là ngày xưa. Theo thời gian, đi cùng với sự phát triển của xã hội là những đổi thay trong cuộc sống, và các ngày lễ, Tết cũng không ngoại lệ. Ngày nay, món ngon vật lạ không thiếu, tụi trẻ con không cần háo hức chờ đợi cả năm trời đến ngày Trung thu để được bố mẹ xẻ cho một góc chiếc bánh nướng thơm lừng, thèm lắm mà cứ mãi xuýt xoa không dám ăn vì sợ hết. Ngày nay, nhà cửa san sát, ngay cả ở những vùng quê cũng ít còn chỗ nào đủ rộng rãi để mấy đứa con nít hò nhau ra đó múa lân đánh trống mà không sợ “làm phiền hàng xóm”.

Có lẽ không còn có thể gọi Trung thu thời 4.0 bằng cái tên Tết đoàn viên, vì bây giờ đến Trung thu người ta toàn đi ra ngoài chứ không tụ họp ở nhà nữa. Phố xá nhộn nhịp và tràn ngập không khí Trung thu tận 1-2 tháng trước ngày Rằm tháng Tám. Bọn trẻ không cần kì cạch đi xin bố mẹ lon sữa bò hay vốc hạt bưởi để làm lồng đèn nữa. Cho dù là lồng đèn nhựa chạy pin hay lồng đèn giấy đủ hình dạng đủ màu sắc, tất tần tật đều có thể mua được dễ dàng. Phố đi bộ, phố đèn lồng, quán cà phê, bar pub,… không thiếu chỗ để đi chơi.

Bây giờ nhà cửa nhiều, nhìn lên trời chỉ toàn thấy bê tông cốt thép, muốn thấy được trăng đêm Rằm cũng khó

Cũng chẳng ai buồn làm bánh Trung thu. Bánh được bày bán khắp nơi, trở thành một tặng phẩm người ta dùng để “củng cố” các mối quan hệ trong xã hội. Bánh Trung thu giờ để tặng nhau thì nhiều, chứ ăn chẳng bao nhiêu. Người ta sợ ăn phải bánh “bẩn” hoặc không rõ nguồn gốc.

… Cô Vy chạy đến, “Xin thưa mọi người!”

Mặc dù được xếp vào những năm Trung thu 4.0, nhưng Trung thu 2020 đặc biệt hơn chút, vì năm nay mọi người đón Trung thu cùng một vị khách đặc biệt “không mời mà đến, đến rồi ở lì”…

… không sai, chính là cô Vy

Thoảng trong cơn gió lạnh mùa thu, len lỏi vào ánh trăng Rằm ấm áp là lo ngại, là những cái lắc đầu len lén mỗi khi đọc tin tức về chỗ này chỗ kia bùng phát dịch. Từ đầu năm đến giờ, rất nhiều hoạt động và lễ hội tại Việt Nam đã phải thông báo hoãn hoặc hủy.

Lễ hội là dịp thu hút rất đông người tụ họp. Vì ảnh hưởng Covid-19 mà năm nay phần lớn các lễ hội thường niên tại Việt Nam đều “vắng lặng” lạ thường.
Ảnh: Trục đường hành lễ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào thời điểm trước ngày chính hội của Lễ hội Đền Hùng 2020 (đã “cắt giảm” phần hội, chỉ còn phần lễ dâng hương tổ chức vào mùng 10 tháng Ba Âm lịch). Hình ảnh yên ả này là điều vô cùng hiếm thấy ở Lễ hội các năm trước.

Trung thu sắp tới có lẽ cũng không ngoại lệ. Cho dù có nằm trong danh sách nguy cơ cao hay không thì khắp nơi trên cả nước đều ăn Trung thu với tinh thần cảnh giác cao độ. Bây giờ lễ Tết không quan trọng vui hay không mà cứ ưu tiên an toàn trước hết.

Nghe Trung thu an toàn cứ vừa thương vừa buồn cười

Chúng ta có “lý do” để về bên gia đình

Năm nay, các chương trình đón Trung thu có tập trung đông người đều phải hạn chế tổ chức để tránh làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ra đường nguy hiểm, lại không còn mấy chỗ có thể chơi, thì bạn ơi, sao mình không dành đêm Trung thu cho gia đình? Dịch bệnh thì không có gì hay, nhưng nếu nó đem lại cho chúng ta cái “cớ” để mọi người trong nhà sum họp, thì mình còn ngại gì mà không tận dụng cơ hội này.

Ở nhà cùng gia đình không hề kém vui hơn đi chơi ngoài đường đâu. Để The Millennials Life gợi ý một số “trò vui” mà bạn có thể áp dụng ngay mùa Trung thu này với cả nhà:

  • Cho ra lò mẻ bánh Trung thu homemade. Thử “tái hiện” lại Trung thu xưa với hình ảnh cả nhà cùng quây quần nhồi bột, làm nhân, nướng bánh. Bạn chỉ cần mất ít phút trên mạng là tìm được ngay công thức kèm hướng dẫn cụ thể để làm bánh Trung thu. Nếu cả nhà chưa từng làm bánh Trung thu bao giờ, cũng không cần phải ngại. Thành phẩm làm ra nếu đẹp mình đem tặng mọi người, nếu… không đẹp thì mình để dành cả nhà cùng ăn.
  • Lưu giữ những câu chuyện “năm 2020 lịch sử” của các thành viên trong gia đình. Chỉ cần một quyển album ảnh nhỏ hoặc một cuốn sổ tay 100-120 trang là đủ cho bạn và mọi người ghi lại tất cả những vui buồn, những kỷ niệm, những việc đáng nhớ đã xảy ra cho mỗi người từ đầu 2020 đến nay. Ngày thường, ai cũng tất bật công việc, thêm nỗi lo về dịch bệnh, dường như chẳng ai còn đủ thời gian để thật sự giải bày điều gì. Hãy để đêm Trung thu 2020 là dịp để mọi người ngồi lại, cùng kể nhau nghe những câu-chuyện-2020 của mỗi người.
  • Mua lồng đèn về cả nhà cùng “rước”. Trung thu năm nay, mặc dù hàng nội địa lên ngôi (do tình hình nhập khẩu khó khăn, nên chi phí đầu vào của đồ chơi ngoại nhập tăng cao) nhưng tình hình kinh doanh đồ Trung thu nhìn chung vẫn kém hơn những năm trước rất nhiều. Mọi năm chỉ ra phố lồng đèn chụp hình, thì năm nay mình mua “ủng hộ” vài chiếc về treo trang trí trước nhà. Nhớ ngày bé, mỗi lần cúp điện là The Millennials Life lại hét tướng lên… vì vui mừng. Kỳ lạ, chỉ cần ngồi dưới ánh nến chập chờn, chơi gom sáp nến cũng đủ làm bất cứ đứa trẻ nào thấy hạnh phúc. Bây giờ điện không cúp “thường” thế nữa, thì nhà mình nhân đêm Trung thu giả vờ tắt điện, thắp lồng đèn, rồi có thể cứ thế ngồi im… mà tận hưởng. Chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị đấy.
  • Tham gia workshop làm gốm. Không làm được bánh Trung thu, không “có gì hay” để kể, thì cả nhà cuối tuần vẫn có thể dắt tay nhau đến các workshop làm gốm, ngồi xuống nắn nót cùng đất sét, men tráng và màu tô để tự tay làm ra một thứ ghi dấu ấn của riêng mình. Làm gốm được xem là một phương pháp trị liệu căng thẳng rất hiệu quả. Các workshop làm gốm cũng được tổ chức trên tinh thần “an toàn mùa dịch” nên không có gì phải ngại đâu.
Đã bao lâu rồi cả nhà không cùng “ngồi chơi” với nhau?

Hoặc đơn giản, chẳng đi đâu, chẳng làm gì, đêm Trung thu mua một hộp bánh, pha một ấm trà, cả nhà ngồi lại với nhau. Trăng không ngắm được cũng không sao, nhà mình cùng xem ti-vi, cùng hỏi han nhau ngày hôm nay thế nào. Trung thu 2020 có thể đem đến nhiều sự thay đổi, thế nhưng dù trong thời đại nào thì Trung thu cũng là Tết Đoàn viên, cũng là Tết-về-nhà.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago