Lifestyle

Truy tìm những kẻ rình rập đánh cắp ước mơ của bạn

“Chúng ta ai cũng chỉ sống một lần trong đời, nên đừng sống phí. Đừng sống một cuộc đời không ước mơ, không khát vọng, bởi đó không gọi là sống. Đó chỉ gọi là tồn tại mà thôi.”

Có một sự thật rằng trên đời này, những người thực sự có một ước mơ để theo đuổi ít hơn nhiều lần những “kẻ cắp” chuyên đi vùi dập và dẫm lên ước mơ của người khác, lấy đi niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi của những tâm hồn nhiệt huyết.

Những “kẻ đánh cắp ước mơ” đó có thể là những người hay nghi ngờ, chối bỏ những điều phi thường mà bạn đang hướng đến; là lời đố kỵ, chê bai những tài năng có thể làm nên điều khác biệt, hay đơn giản đó là cách suy nghĩ sai lầm của bản thân mỗi người. Dù là ai hay điều gì đi nữa, những “kẻ đánh cắp ước mơ” ấy luôn tồn tại khắp nơi trên thế gian này, ẩn nấp đâu đó để chờ một ngày, sẽ đánh gục ý chí của bạn, “lấy đi” những ước mơ, hoài bão mà bạn đã nung nấu rất lâu.

1. Con nhà người ta và những kì vọng của cha mẹ

Có lẽ cụm từ “con nhà người ta” không còn xa lạ gì ở Việt Nam, khi đó được dùng như một hình mẫu lí tưởng mà các bậc làm cha làm mẹ lấy ra để giáo dục và dạy dỗ con cái. Nhưng hình mẫu đấy có tồn tại thật sự hay không thì vẫn là một bí mật không bao giờ được bật mí. Suy cho cùng, “con nhà người ta” cũng chỉ là một điểm mạnh nào đó của đứa con bất kỳ xuất hiện trong tầm hiểu biết của cha mẹ.

Ảnh: Sưu tầm

Người ta thường nói, “thứ hoàn hảo nhất của tạo hóa là ‘con nhà người ta’.” Bởi thế nên ước mơ của “con nhà người ta” là một cái gì đó rất hay ho mà các cha các mẹ thường muốn con mình cũng theo đuổi để được “bằng bạn bằng bè.” Nhưng cha mẹ đâu biết rằng, mỗi người đều có những thế mạnh thế yếu khác nhau. Việc áp đặt những khuôn mẫu, chuẩn mực của “con nhà người ta” lên cho con mình không những gây nhiều sức ép, gánh nặng lên con họ mà còn “tiêu diệt” cả khả năng dám ước mơ, dám thực hiện của con.

Phân tích về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục tiểu học – Đại học Quốc gia – chia sẻ, tất cả những kỳ vọng của cha mẹ có một điểm chung cần phải thấu hiểu đó là tất cả đều được xây dựng trên tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con, nhưng có lúc lại không hiểu rằng điều mà họ nghĩ là tốt có khi lại gây nhiều áp lực cho con.

Ảnh: Sưu tầm

Cha mẹ nào mà chẳng muốn tốt cho con, và việc cha mẹ đặt kì vọng lên con cái là điều không thể tránh khỏi. Nhưng những kì vọng không phù hợp với khả năng hay sở thích của con sẽ vô tình đánh cắp giấc mơ của con, khiến con không thể tiếp tục ước mơ và theo đuổi niềm đam mê của mình. Vì nỗi lo sợ làm phật ý cha mẹ, khiến họ thất vọng và buồn rầu, những ước mơ trái ngược với dự định, sắp xếp của cha mẹ, những ước mơ “chẳng giống ai” hay “không bằng một góc của con nhà người ta” sẽ luôn bị vùi dập và biến mất mãi mãi.

Ảnh: Sưu tầm

Con có ước mơ làm game thủ? Mơ làm thợ xăm nghệ thuật? Đối với cha mẹ mà nói, mơ những thứ mà người khác ít khi nghĩ tới thì họ sẽ cho rằng mơ ước của bạn là điều không đâu. “Chả ai có mơ ước vớ vẩn như thế cả.” Nhưng không phải lỗi của con nếu có một mơ ước khác người. Ngay cả trên thế giới 7 tỷ người đông đúc này, mỗi người đều có quyền ước mơ và chẳng ai có quyền cho rằng họ phải mơ ước giống nhau. Khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ bạn theo đuổi mơ ước đó như thế nào. Chỉ cần bản thân hiểu được rằng đó không phải là thứ vớ vẩn thì mọi chuyện sẽ ổn.

Những điều có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi

Cuộc sống luôn xoay đổi, hoán chuyển và mang lại cho ta nhiều điều không thể lường trước. Những giấc mơ cũng từ đó mà có thể bị cuốn theo dòng đời hối hả. Khi theo đuổi ước mơ của mình, may mắn là người có điều kiện đủ đầy, không phải lo ngày mai ăn gì hay tương lai ra sao. Song vẫn có những trường hợp vừa phải bôn ba chạy bàn để giải quyết áp lực cơm áo gạo tiền của cuộc sống, vừa phải giữ lửa cho niềm đam mê của mình.

Đen Vâu được biết đến là một rapper đại diện cho sự khác biệt, từ phong cách âm nhạc đến cả lối sống đầy bản lĩnh và ý chí vươn tới giấc mơ của mình. Sau khi học hết cấp 3, Đen phải dừng lại việc học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, và đi làm công việc công nhân vệ sinh bãi biển ở thành phố Hạ Long trong 7 năm. Trong khoảng thời gian vất vả đó, anh vẫn giữ niềm đam mê với nhạc rap và theo đuổi đến tận bây giờ.

Trong một lần phỏng vấn, khi được hỏi liệu cuộc sống lao động vất vả ở Hạ Long có làm anh gác lại niềm đam mê âm nhạc của mình không.

“Nói gác lại thì cũng không hoàn toàn đúng vì âm nhạc luôn đồng hành trong cuộc sống của tôi – từ những ngày vui nhất, buồn nhất, gian khó nhất. Tôi luôn thấy mình may mắn vì có một người bạn đồng hành thân thiết như vậy, không thì cũng chết chìm trong những suy nghĩ tiêu cực,” Đen chia sẻ.

Vì những phấn đấu không ngừng để bảo vệ giấc mơ của mình, anh đã vượt qua những khó khăn, áp lực trang trải cuộc sống để đến ngày hôm nay, cái tên Đen Vâu trở thành một bức tượng đài vững chãi trong nền âm nhạc rap Việt Nam, được nhiều bạn trẻ yêu thích và mến mộ.

Ảnh: Tuổi Trẻ

Bên cạnh áp lực tiền bạc, kế sinh nhai, kẻ đánh cắp giấc mơ mà bạn không thể nào tránh khỏi chính là những định kiến, lời phán xét tiêu cực của xã hội. Khi anh em nhà Wright nói rằng họ mơ ước được bay lên trời, khi Beethoven với đôi tai bị khiếm thính của mình nói rằng ông muốn trở thành nhà soạn nhạc, khi Sean Swarner với căn bệnh ung thư phổi nói rằng anh muốn leo lên đỉnh Everest, họ chắc đã từng bị không ít người đời cho đó là những giấc mơ hoang đường.

Xuất phát từ lòng đố kỵ, những định kiến cổ hủ, hay đơn giản chỉ muốn kéo bạn xuống cho bằng họ, những lời nói có gai của xã hội luôn khiến ta trở nên yếu đuối và nản lòng. Khi nhìn vào thành công của chàng trai 9X Đà Nẵng theo đuổi ước mơ tạo ra một đôi giày mang thương hiệu Việt, có lẽ ta sẽ chỉ nhìn thấy thứ mà họ đạt được mà không biết được rằng trên con đường tìm đến thành công đó, anh đã phải trải qua nhiều chông gai và sống hết mình vì đam mê có một thương hiệu giày cá nhân như thế nào.

Ảnh: Kenh14

Nguyễn Ngọc Tiến (sinh năm 1993, đến từ Đà Nẵng) đã cho ra đời những đôi giày skate đầu tiên mang thương hiệu Việt – RieNevan. Được biết, thương hiệu được Tiến thành lập vào năm 2012, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 19 của mình. Trải qua nhiều năm tháng, cũng có lúc bạn trẻ này đã yếu lòng vì những câu nói như “Vất vả lắm. Mệt lắm. Không dễ đâu.” Suốt 8 năm qua không ngừng cố gắng học hỏi và trau dồi, đến hôm nay, thương hiệu giày RieNevan đã được đông đảo người Việt tin dùng và có nhiều tiềm năng phát triển rộng rãi hơn nữa. Khi nói về những thất bại đã qua, chàng trai 27 tuổi bình thản đến lạ. Hơn ai hết, cậu tin vào đam mê và tiếng nói nhiệt huyết bên trong mình. Những điều đó sẽ cho Tiến một sức mạnh khó gì cản nổi trên con đường vươn tới thành công.

Ảnh: RieNevan

Những ước mơ non nớt phải lớn lên khi người ta trưởng thành

Lúc còn bé, ta thường xem trên phim trên ảnh rằng các nước châu u, Hoa Kỳ, hay Úc, v.v. sao họ sống hiện đại thế, sao một giờ làm họ kiếm được nhiều tiền thế, ở bên đấy chắc ăn sung mặc sướng lắm. Khi còn bé, ta nhìn thế qua lăng kính màu hồng, nuôi những mơ ước được đi sang xứ người để có một tương lai xán lạn hơn, được người ta nhìn với con mắt ngưỡng mộ vì mình “tây” quá. Nhưng ít ai biết được trưởng thành rồi mới nhận ra, thực tế phũ phàng như thế nào. Những giấc mơ non nớt khi xưa nay trở thành cơn ác mộng. “Trong chăn mới biết chăn có rận,” đi rồi mới biết du học lận đận thế nào.

Ảnh: Sưu tầm

Nhiều du học sinh khi trở về nước vì không thể chịu được những áp lực chồng chất vì phải sống một mình trên đất khách quê người. Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) cho biết, ông từng tiếp nhận tư vấn, trị liệu cho không ít trẻ bị trầm cảm phải về nước khi mới đi du học như thế này. Đời sống ở nước ngoài khi không có gia đình và bạn bè thân thiết bên cạnh, cộng thêm những cú sốc văn hóa và ngôn ngữ, sẽ dễ khiến ước mơ đi du học trở thành cơn ác mộng.

Cứ tưởng sang Anh sẽ được sống quý tộc như nữ hoàng. Cuối cùng sang ăn đồ tây được vài tháng là phải tức tốc tìm chợ châu Á để mua gạo đá ngay bát cơm.

Cứ tưởng sang Pháp học trường quốc tế thì lúc nào cũng nói tiếng Anh, chỉ cần học tiếng địa phương bập bẹ vài câu mua hàng tạp hóa. Cuối cùng sang di dí ở nhà vì không nói không hiểu được người ta nói gì với nhau.

Hay ngay tại những nước tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống như Mỹ, người ta kể xấu về mình mà cứ nghĩ nói tốt với mình, vì tiếng lóng học mãi chẳng vô.

Cứ nghĩ đi du học tìm việc làm thêm để xoay tiền tiêu vặt dễ như bỡn, ai ngờ sang đấy hùng hục bưng phở cả đêm được trả mỗi $10 một giờ – (còn không bằng tiền trả một tô phở ăn bỏ ghét nữa).

Cứ tưởng sang đây sống tằn tiện một tí sẽ đỡ đần cho gia đình được chi phí sinh hoạt. Ai ngờ cuối tháng chạy đôn chạy đáo vay tiền trả tiền thuê.

Cứ tưởng du học dễ lắm, vì nghe nói Việt Nam học nặng học khó hơn nhiều. Cuối cùng sang đây phải ghi âm bài giảng tối về cặm cụi nghe lại mới hiểu. Lấy được cái bằng Dean’s Honor (GPA 4.0) để lấy học bổng sao mà xa vời thế.

Ước mơ được đi du học ai mà chẳng muốn. Nhưng nếu muốn đi để nâng cao học vấn, học đây học đó để mở mang tầm mắt mình thì hãy mơ. Còn nếu đinh ninh trong đầu đi du học cho sướng, sang đấy vừa ăn ngon, vừa sống nhàn, thì thôi, trưởng thành đi những tâm hồn non nớt kia ơi..

“Giấc mơ điên rồ”

Chúng ta đang sống trong nền văn hóa “theo đuổi giấc mơ,” nơi mà mọi người thường nhắc nhở nhau rằng: Never Give Up – Đừng bỏ cuộc. Khắp các trang báo, phim ảnh, sách vở đều cho chúng ta thấy được những tấm gương nỗ lực phi thường để đạt được ước mơ và vươn đến thành công. Nhưng có mấy ai hiểu được, đằng sau ánh hào quang đấy là vô vàn những thất bại ê chề vì đã mơ cao đến nỗi chính bản thân không với được đến.

Những thành công chấn động thực sự có xảy ra, nhưng tỉ lệ thì cũng không hơn gì trúng xổ số. Ví dụ như việc trở thành một vận động viên điền kinh – có nhiều người hướng tới ước mơ Huy Chương Vàng Olympic nên đã cố gắng nỗ lực hết mình, nhưng đếm trên đầu ngón tay số người vượt trội như thế.

Nhiều người đã biến ước mơ trở thành cách sống. Họ không thể thoát ra được khỏi giấc ảo mộng để nhìn nhận thực tại, mà chỉ biết mải mê theo đuổi một điều xa vời như thế. Nếu cứ sống mãi với những ước mơ viển vông như thế mà không hành động, thì cuối cùng bạn cũng sẽ ngã thật đau, phí công phí sức để cố gắng với lấy những điều phù phiếm.

Nghi To

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

19 phút ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

24 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago