Nếu bạn có một giỏ đầy cua, cứ yên tâm để nó sang một bên và giữ nó đứng yên không đổ là được, không phải tốn công trông chừng. Những con cua trong giỏ sẽ thay bạn ngăn cản bất cứ ‘tên’ nào muốn bỏ chạy.
Hành vi “tự hủy” này được gọi là tư duy con cua (crab mentality) hay hiệu ứng xô cua (crabs in a bucket mentality), được ghi nhận diễn ra trên loài cua và một sinh vật khác ít chân hơn hẳn, loài người.
Nếu trong xô chỉ có duy nhất một con cua, nó sẽ tìm mọi cách cho đến khi thành công bò ra ngoài. Nhưng nếu có nhiều cua trong xô / chậu, thì mỗi lần có một con cố bò ra, nó sẽ ngay lập tức bị con khác kéo xuống. Cứ thế, lũ cua đều mắc kẹt lại xô trong quá trình tự giải thoát vì chúng cản trở lẫn nhau khi cố gắng thực hiện mục tiêu của mình.
Lý nào tạo hóa lại để cua tiến hóa theo hướng… đi vào lòng đất như vậy? Không hẳn. Cua không sống trong xô, chậu, hay giỏ. Môi trường sống của chúng là ở nơi những vùng bán ngập, vũng cạn, bờ đá trơn trượt, ví dụ như rừng ngập mặn cửa sông ven biển. Cua thích những nơi này vì có nhiều thực vật thủy sinh để ăn và có bờ để dễ dàng đào hang, tìm nơi trú ẩn, nhất là thời kỳ lột xác.
Tuy nhiên, môi trường sống của cua không có tính ổn định. Những con sóng đánh vào bờ và vách đá có thể cuốn trôi những chú cua ra biển. Vì thế, cua phản ứng lại với những bất lợi của môi trường sống bằng cách bám vào nhau để có thể sinh tồn.
Đàn cua trong xô không có chủ đích hãm hại hay cứu giúp đồng loại. Chúng chỉ lặp lại hành vi mà tạo hóa dành riêng cho chúng một cách vô thức. Tuy nhiên, khi thay đổi môi trường, hành vi này vô tình đi ngược lại lý do ban đầu chúng được hình thành.
Tuy nhiên, vì ảnh hưởng (dù vô tình) này mà tâm lý học gọi đây là tư duy con cua hay hiệu ứng xô cua, ý để minh họa cho hành vi phá hoại và kiềm hãm người khác phát triển bởi một số người có tư duy độc hại, ích kỷ và ghen tỵ.
Thú có vú bám sát và ở cạnh đồng loại vì mục đích khác với loài giáp xác. Chúng dựa vào số đông để giữ an toàn cho bản thân, tìm kiếm sự bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi. Chọn lọc tự nhiên cho con người khả năng cảm nhận những điều tích cực (nhờ oxytocin) khi liên kết xã hội và cảm giác căng thẳng (do cortisol) khi bị cô lập, loại trừ.
Tuy nhiên, thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy. Sinh tồn và phát triển trong một nhóm đi liền với sự cạnh tranh để chiếm ưu thế về thức ăn và bạn tình. Cùng với oxytocin, bộ não của chúng ta còn có khả năng sản sinh serotonin – hóc-môn hạnh phúc – mỗi khi ta cảm nhận được mình đang có lợi thế hơn đồng loại.
Tự thân chúng ta không có ý thức về việc mình luôn tìm kiếm một vị thế cao hơn hay việc mình sợ hãi khi người khác có ‘nguy cơ’ vươn lên. Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát hành vi này ở người khác.
Carol Dweck – chuyên gia tâm lý Đại học Stanford – chỉ ra rằng, những người bị dính mắc bởi sự ghen tỵ chịu ảnh hưởng của tâm lý cố định (fixed mindset). Họ tin rằng tính cách, trí thông minh, và phẩm chất sáng tạo của họ là những thứ không thể cải thiện được. Đó là lý do vì sao họ có xu hướng trốn tránh thách thức, dễ dàng bỏ cuộc, không tiếp thu những đóng góp, cảm thấy bị đe dọa bởi thành công của người khác. Để duy trì ưu thế của mình, họ dìm người khác xuống, thay vì tự mình tiến lên.
Những người có tâm lý cố định không sẵn lòng mở rộng ranh giới suy nghĩ hay nhìn ra xa hơn cái tôi tự xây dựng của mình. Họ không hài lòng với hiện tại nhưng từ chối sự thật, rằng họ có quyền lựa chọn hoặc có khả năng tạo ra thay đổi để đạt được cuộc sống mong muốn. Vô hình trung, họ cũng gặp khó khăn trong việc chấp nhận chuyện bất kỳ ai cũng có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho bản thân.
Tuy nhiên, trong xã hội loài người, bạn có thể vừa là nạn nhân của tư duy con cua, vừa là người thực hiện điều đó.
Tư duy con cua trên con người còn có thể được minh họa ngắn gọn bằng câu “Ăn không được thì đạp đổ” – nếu tôi không có được, thì không ai được có. Điều quan trọng ở đây, ai là ai?
Giống như những chú cua trong xô, một số người không thích nhìn thấy kẻ khác thành công. Họ muốn mọi người đều phải ở vị thế như nhau, và tốt nhất là thấp hơn họ.
Các nghiên cứu về khoa học thần kinh chỉ ra rằng, con người có nỗi lo mất mát (loss aversion) – một thiên kiến về nhận thức khiến chúng ta có xu hướng tránh rủi ro nhiều hơn là cố gắng để đạt được điều gì đó. Làm mất 100.000 đồng sẽ cho bạn những cảm xúc mãnh liệt hơn nhiều so với khi nhận được cùng số tiền đó.
Nếu con người sợ mất mát đến thế thì tại sao chúng ta lại ngầm vui mừng khi người khác thất bại? Từ từ đã nào, chúng ta lo sợ và phòng tránh mất mát của chính mình, chứ không phải của người khác. Ai đó thành công đồng nghĩa với việc miếng bánh ngon đã bị xén mất một ít. Tất cả mọi người đều thua, hay ít nhất là có một người ‘thua chung’ thì tốt hơn là chỉ có mỗi mình thất bại.
Nếu những chú cua tự chân ngăn cản kế hoạch đào thoát, thì con người cũng có thể tự tay phá hoại thành công của mình. Đây là một trong những hệ quả của hội chứng kẻ mạo danh (imposter syndrome) – khi một người cho rằng họ không xứng đáng và không đủ tốt đẹp để hưởng những điều tốt đẹp.
Có nhiều lý do để tâm lý này xảy ra: bị xem thường bởi phụ huynh từ khi còn bé, tự tin bị xói mòn bởi một đối tác độc hại, tự trọng bị sứt mẻ theo thời gian do một mối quan hệ không lành mạnh,… Cho dù lý do là gì đi nữa, về lâu dài, bạn sẽ vô thức áp đặt hành vi “tự hủy” lên chính mình với tư duy “Tôi đã không có năng lực thì cuối cùng cũng thất bại thôi, nên việc gì phải cố gắng?”
Khi báo tin vui gì cho mọi người, đôi khi bạn nhận thấy họ có vẻ không hào hứng với thông tin đó, cũng như không vui mừng cho bạn.
Mọi người không nhìn nhận những nỗ lực của bạn. Đối với họ, chuyện bạn thành công là một việc hiển nhiên, không phải vì bạn có khả năng, mà vì bạn có được những lợi thế ngay từ đầu. Vừa ra trường là may mắn được ngay công việc tốt, là học trò cưng của thầy cô khi còn đi học, trùng hợp ngay lúc có người bán rẻ cái nhà nên mua được với giá hời,… Tóm lại, bạn không trải qua khó khăn và không phải vật lộn với cuộc đời như cách họ đã làm.
Tất cả những ‘đặc quyền’ vô hình này sẽ khiến một người trở nên nghi ngờ khả năng của chính mình, cho dù họ có thật sự giỏi đến đâu đi nữa. Câu chuyện ‘thành công dễ dàng’ phủ nhận sự thật rằng, nếu một người có khởi đầu tốt đẹp nhưng không có năng lực thực sự thì cũng không bao giờ có thể thành công.
Cụ thể, ngừng so sánh cuộc đời của bạn với người khác. Với sự phổ biến của mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng thấy mình không xinh đẹp, không thú vị, không duyên dáng như hàng trăm, hàng nghìn người khác.
Tuy nhiên, mạng ảo khác xa đời thật. Những gì một người thể hiện trên tường Facebook hay trên story Instagram của họ là thứ họ muốn người khác nhìn vào, không phải thứ họ sẵn sàng để người khác thấy.
Thay vào đó, cứ kiên định với những gì bạn đã lựa chọn, miễn là bạn còn thấy thoải mái và nó còn có ích cho bạn.
Cuộc sống của bạn có thể tệ, nhưng chắc chắn là nó không tệ đến vậy. Điều này nghe có vẻ giáo điều, nhưng đừng quên rằng ngoài kia luôn có người khác kém may mắn hơn mình. Bạn có thể ghen tỵ vì người khác vừa có được công việc bạn luôn mơ ước, nhưng bạn có biết rất nhiều người khác nữa cũng đang ghen tỵ với bạn chỉ vì bạn có được một công việc kiếm ra tiền?
Người khác thành công không có nghĩa là bạn không thể. Nếu chỉ chăm chăm vào ghen tỵ, ganh ghét, tìm cách hãm hại để người khác không thể hơn mình, bạn chỉ đang tạo ra thêm nhiều năng lượng tiêu cực cho chính bản thân mà thôi.
Định nghĩa thành công của mỗi người mỗi khác nhau. Với bạn, thế nào là thành công? Mục tiêu của bạn là gì? Viết chúng ra giấy, để ở nơi dễ thấy, kiên trì mỗi ngày để đạt được những thứ bạn muốn, và thôi nhìn ngang ngó dọc sang người khác.
Thay vào đó, hãy lấy thành công của họ làm động lực.
Bạn có thể chỉ ra lỗi lầm của họ. Bạn có thể than phiền vì những bất công khi họ đạt được điều đó quá dễ dàng. Bạn có thể khẳng định rằng họ không xứng đáng. Hoặc bạn cũng có thể nhìn nhận những nỗ lực của họ, những thất bại mà họ phải trải qua trước khi thành công. Bạn có thể khâm phục những kinh nghiệm mà họ đạt được.
Chỉ cần thay đổi góc nhìn đi một chút thôi.
Tham khảo:
Crab Mentality Explains Why People Are Not Happy for Others – Learning Mind
10 Signs that a Person has a Crab Mentality – FAQ.ph
Beware of “The Crab Mentality”: How Your Environment Can Shape The Way You Think and Behave — OMAR ITANI
When Others Hold You Back | Psychology Today United Kingdom
Xem thêm:
#Nghĩ: Làm thế nào để ngừng ghen tuông vô lý?
#Nghĩ: Thử nghiệm kẹo dẻo – Tâm lý ‘khổ trước sướng sau’ liên quan đến thành công như thế nào?
Nghĩ: Quan hệ ký tác – mối quan hệ không danh tính giữa một người và vạn người
Tình yêu hay sự nghiệp – Đâu là chân lý và đâu là “chân tường”?
Thói quen mua sắm ngẫu hứng: Vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng nhanh
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…