Nổi bật

Tự hào Việt Nam: Khi những điều đẹp đẽ không nhất định phải đặt trong viện bảo tàng

Hiện nay, trước tốc độ phát triển chóng mặt của các ngành nghề trên thế giới, trào lưu văn mình hội nhập đổi mới không ngừng được cổ vũ với mong muốn hiện đại hóa cuộc sống con người. Những tưởng các giá trị dân tộc, văn hóa truyền thống sẽ bị lãng quên và tiêu biến, song hiện thực lại cho thấy người trẻ lại có những ước muốn, đam mê duy trì và nâng tầm giá trị của văn hóa, lịch sử, làng nghề nước nhà.

Đâu đó ở Việt Nam và trên thế giới vẫn có những con người Việt yêu nước, muốn được đóng góp công sức trong công cuộc đưa văn hóa dân tộc Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Họ tự hào khi chia sẻ, giới thiệu những nét độc đáo, đặc trưng nhất của Việt Nam trên nhiều nền tảng, thể loại khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn vì một mục tiêu đại sự: duy trì, nâng cao giá trị dân tộc Việt Nam và quảng bá cho nền văn hóa nước nhà.

Kilomet 109

Kilomet 109 là một thương hiệu thời trang bền vững cao cấp quy tụ những nghệ nhân địa phương cùng sáng tạo dành cho cả nam và nữ tại Việt Nam, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên và kỹ thuật sản xuất vải dệt truyền thống của người dân tộc miền núi ở Cao Bằng, Việt Nam.

Rất ít du khách sẽ đặt chân đến Cao Bằng bởi đây được xem là một ngôi làng hẻo lánh ở vùng núi phía Bắc Hà Nội, chẳng có gì hơn ngoài thiên nhiên hoang sơ và núi non trùng trùng điệp điệp. Nhưng đối với nhà thiết kế Vũ Thảo – người sáng lập, chủ sở hữu, đồng thời là giám đốc sáng tạo của thương hiệu Kilomet 109, đây như là ngôi nhà thứ hai của chị, nơi mà chị có thể mặc sức sáng tạo trên những chất liệu tự nhiên, dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng để chị muốn mang làng nghề truyền thống Việt Nam đến gần hơn mới công chúng, chị Thảo cho biết “Các thiết kế của tôi bị hối thúc bởi những vấn đề môi trường và ý thức trách nhiệm xã hội. Tôi muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và thợ thủ công địa phương, góp sức để gìn giữ và duy trì các chất liệu, các kỹ thuật truyền thống.”

Tuy có một nền di sản văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, ở Việt Nam vẫn còn thiếu các phương thức hiện đại để gìn giữ, phát triển và truyền bá nét đẹp đó. Những đứa trẻ dân tộc thiểu số miền núi dần dần sẽ xuống thành phố để đi học. Lúc đó, chúng sẽ dần thay đổi cách ăn vận – mặc những kiểu quần áo hiện đại hơn, và.. đại trà hơn, mất đi nét đẹp của trang phục dân tộc. Đối với đại đa số người Việt, thời trang của dân tộc thiểu số là không thời trang, lỗi thời, hay thậm chí là “không giống ai.” Nhận ra được sự thiếu hụt trong nhận thức đó, nhà thiết kế Vũ Thảo mong muốn sẽ nâng tầm nghề thủ công may mặc của người dân tộc để sánh với thế giới thời trang ngày nay.

Việt Nam là nơi sinh sống của 54 anh em dân tộc với những ngành nghề thủ công truyền thống khác nhau và dường như nghề thủ công đã trở thành một phần đặc trưng của văn hóa Việt.

Chị Thảo đã lên Cao Bằng để “học nghề” người dân tộc miền núi – cách họ nhuộm vải thủ công, cũng như các kĩ thuật làm lụa dệt vải. Ở Cao Bằng, bên cạnh trồng lúa, trồng ngô và chăn trâu, người dân ở đây cũng trồng cây chàm, cây lá cẩm, hay nhiều loại cây trồng khác có khả năng tạo màu tự nhiên đậm sắc và lên màu rất đẹp. Sau một thời gian mày mò và nghiên cứu, nhà thiết kế Vũ Thảo cùng những nghệ nhân làng nghề ở Cao Bằng đã thành công khi tạo nên bảng màu chàm tự nhiên với 10 sắc thái đậm nhạt để sử dụng cho các thiết kế của Kilomet 109. Chị tự hào khi tìm ra được công thức nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như lá bàng, lá chè xanh, củ nâu, củ nghệ, vỏ gỗ, v.v.

Từ Hà Nội đến Cao Bằng mất khoảng tám giờ đi xe. Để đảm bảo năng suất và hiệu quả công việc, chị phải lên đó hai tháng một lần, vừa để tham gia vào việc trồng trọt, thu hoạch các loại cây trồng, vừa để thử nghiệm các màu sắc mới. Các sản phẩm của Kilomet 109 đều là những sản phẩm được nhuộm màu với kĩ thuật truyền thống của người Nùng, Thái, Mường, Dao Tiền, v.v.

Đến nay, Kilomet 109 đã có nhiều chỗ đứng trong ngày thời trang nhờ vào sự giao thoa, hòa quyện giữa giá trị thời trang bền vững và nét đẹp dân tộc Việt Nam. Thương hiệu Việt Kilomet 109 đã khẳng định giá trị của văn hóa Việt khi có chỗ đứng vững tại thị trường trong nước và cả ghi tên mình lên bản đồ thế giới.

Tại Hà Nội, các thiết kế của thương hiệu Kilomet 109 có mặt ở Module 7 Studio (83 Xuân Diệu). Tại Berlin, được trưng bày tại A.D.Deertz, Tortrase… Tại Porto, Bồ Đào Nha có thể tìm thấy Kilomet 109 ở boutique Out to Lunch. Đây là những con phố chính tập trung rất nhiều khách qua lại, cả người bản địa và nước ngoài. Họ là những người đang ở độ tuổi đi làm, có thu nhập ổn định, và quan tâm, trân trọng những giá trị đằng sau của các sản phẩm tiêu dùng – những sản phẩm có tính thẩm mỹ, có chất lượng, sức sống lâu bền.

Nhỏ To – 54 Dân tộc anh em

Với ước muốn giới thiệu đến các bạn trẻ Việt giá trị văn hóa nước nhà, cũng như mang nền văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế, tác giả Nguyễn Minh Ngọc – 27 tuổi, hiện là du học sinh Việt Nam ở Singapore – đã thực hiện dự án Nhỏ To Việt Nam nhằm chia sẻ những kiến thức bổ ích về dải đất hình chữ S này.

Nhỏ To Việt Nam là một dự án cá nhân của Minh Ngọc với nội dung hướng về văn hóa Việt Nam thông qua các emoji – những biểu tượng cảm, hình ảnh con vật hay đồ vật được sử dụng trong các tin nhắn văn bản, website, mạng xã hội… Minh Ngọc cho biết dự án đã được hình thành ý tưởng từ tháng 12/2019, song phải đến cuối tháng 4/2020 – khi dịch COVID-19 bùng phát tại Singapore khiến trường chuyển sang học online, Ngọc có nhiều thời gian ở nhà và mới bắt tay vào thiết kế. Đầu tháng 5, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Truyền thông của ĐH Nghệ thuật LASALLE (Singapore), Ngọc dồn hết tâm sức và thời gian cho dự án và hoàn thiện phần 1 trong vòng 4 tháng.

Chia sẻ về lí do chọn emoji là phương tiện để truyền đạt ý tưởng của mình, Minh Ngọc cho biết emoji đang là ngôn ngữ tượng hình phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bản thân tác giả nói riêng và giới trẻ nói chung sử dụng emoji thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ có lá cờ đỏ sao vàng là “từ vựng” duy nhất giúp nhận diện Việt Nam trong bảng ngôn ngữ này. Nhận thấy sự thiếu sót này – bởi nhắc đến Việt Nam còn rất nhiều “biểu tượng” đặc trưng khác, Minh Ngọc muốn thêm dấu ấn của quê hương vào kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu, đồng thời thông qua đó giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc đến các bạn Việt Nam chưa biết và cả bạn bè quốc tế.

“Với người dân Việt Nam, ‘54 dân tộc anh em’ là cụm từ quen thuộc, nhưng khi mình thử hỏi bạn bè, nhiều người khá mù mờ về thông tin, không thể kể hết tên các dân tộc thiểu số. Mình suy nghĩ đã gọi là ‘anh em’ thì nên biết về nhau rõ hơn một chút. Chính điều đó đã thôi thúc mình hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn nhằm giới thiệu đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ”, Ngọc tâm sự.

Dành trọn 4 tháng để nhọc công tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, đặc trưng trang phục của 54 anh em dân tộc, tác giả Mình Ngọc đã không ít khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu. Khi tìm thông tin về các dân tộc quen thuộc (vì đông dân số) như Kinh, Khmer, Dao,… có quá nhiều kết quả về sự đa dạng trong văn hóa của họ – đòi hỏi nghiên cứu kĩ hơn về vai trò, cách sử dụng của từng trang phục để chọn ra một bộ phù hợp nhất để đưa vào dự án. Còn đối với những dân tộc ít thông tin (do ít dân số) như Ngái hoặc Ơ Đu, Ngọc đã phải đọc thêm tài liệu, cả hình và chữ, có miêu tả trang phục hay vào trang web của chính quyền địa phương để thu thập tư liệu về các dân tộc trên địa bàn.

“Đôi khi thời gian thu thập thông tin và kiểm tra tính chính xác của chúng còn dài gấp nhiều lần thời gian vẽ một emoji. Về kỹ thuật, mình rèn luyện trong khoảng 2 – 3 ngày liên tục là đã quen tay.” Ngọc chia sẻ.

Minh Ngọc cho biết, mong muốn của anh không phải dồn ép người đọc thấu hiểu hoàn toàn về các dân tộc Việt Nam. Thay vì phải tiêu thụ một lượng kiến thức khổng lồ, từng phần của dự án sẽ giới thiệu đến mọi người từng “lát cắt” kiến thức – nhỏ, “vừa ăn,” hình thức đẹp mắt, gợi mở hứng thú cho người đọc để họ tự tìm hiểu và khám phá sâu hơn. Vì thế, phần 1 của dự án chính là một “lát cắt” giới thiệu về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, thông qua các trang phục truyền thống.”

Sau 4 tháng thực hiện, phần 1 của dự án Nhỏ To Việt Nam đã được hoàn thành – bộ emoji khắc họa chi tiết trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Khởi đầu dự án đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Việt và cả cộng đồng quốc tế nhờ vào ý tưởng độc đáo và đầy ý nghĩa của một tài năng trẻ. Bài viết về dự án được tác giả Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ trên trang các nhân và Instagram dự án, thu hút hơn 12.000 lượt yêu thích, 6.000 lượt chia sẻ chỉ sau một đêm.

Sau phần 1 truyền tải trang phục truyền thống dân tộc, tác giả Minh Ngọc đã có kế hoạch làm thêm các bộ emoji về món ăn, danh lam thắng cảnh, nhạc cụ và các ngành nghề đặc trưng ở Việt Nam.

Việt Sử Kiêu Hùng

“Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì ta đi tìm!” – đó là quan niệm chung của nhóm Đuốc Mồi – những bạn trẻ tâm huyết với sử Việt, đến từ hai miền Nam Bắc Việt Nam, đủ mọi ngành nghề và độ tuổi. Với sứ mệnh truyền cảm hứng sử Việt cho người trẻ Việt, các bạn trẻ trong nhóm Đuốc Mồi đã quyết định dồn hết đam mê và tâm huyết cho dự án phim dã sử nhiều tập “Việt Sử Kiêu Hùng” để tái hiện những dấu mốc hùng tráng trong lịch sử Việt Nam.

Hiện này, ta đang sống trong thời đại thông tin, khi mạng xã hội đang ngày càng phát triển, giới trẻ nắm bắt thông tin nhanh nhạy nhưng lại thiếu hiểu biết về lịch sử nước nhà. Câu chuyện “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em” hay “Nguyễn Du chính là ông Quang Trung” chính là những ví dụ điển hình cho thấy dân ta đang ngày càng xa rời sử ta. “Việt sử Kiêu Hùng” ra đời rất đúng thời điểm, giải quyết “vấn nạn” này một cách hợp tình hợp lý.

Việt sử kiêu hùng là dự án phim dã sử đầu tiên được dựng theo lối diễn họa (animation), tái hiện những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những trận đánh oai hùng, hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đây là một dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền lửa yêu lịch sử cho các bạn trẻ Việt.

Được khởi xướng bởi anh Trần Tuấn, với sự hậu thuẫn ban đầu của diễn viên lồng tiếng Đạt Phi – chủ kênh đọc sử nổi tiếng Hùng Ca Sử Việt, “Việt Sử Kiêu Hùng” ra đời từ tháng 6/2017 và đã phát triển thành công vượt ngoài mong đợi của đội ngũ sản xuất. Tính đến nay, dự án đã gây quỹ thành công 2,2 tỷ đồng, hoàn thành tổng cộng 210 phút phim với hơn 21 tập phim lớn nhỏ. Được biết, trừ cố vấn từ Hội Đại Việt Cổ Phong, các thành viên tham gia dự án đều là “dân tay ngang.” Họ đến từ mọi ngành nghề (không phải là dân nghiên cứu hay chuyên về lịch sử) nhưng gắn kết với nhau bởi tình yêu với sử Việt với ước muốn quảng bá lịch sử theo cách mới.

Thầy Đạt Phi – Đạo diễn lồng tiếng cho dự án “Việt Sử Kiêu Hùng”

“Ban đầu Việt Sử Kiêu Hùng chỉ là một ý tưởng nhỏ, diễn hoạt lại những nội dung lịch sử đơn thuần với giọng đọc của thầy Đạt Phi. Nhưng khi bắt tay vào làm thì chúng mình nhận ra còn có thể làm hay hơn nữa, vậy tại sao không? Thế là bắt đầu đi “săn” người, tìm kiếm đối tác, tìm kiếm cố vấn… và một loạt các công việc phát sinh không ngờ tới khác.” – anh Tuấn nói.

Sử Việt trong sách giáo khoa – phương tiện duy nhất mà đại đa số các bạn trẻ tiếp cận đến lịch sử nước nhà – có xu hướng bỏ qua những sự kiện mà chúng ta thất bại. Ở Đuốc Mồi và Việt Sử Kiêu Hùng, tư duy mới của những người trẻ được bộc lộ rõ nét: Đã là lịch sử, thắng hay thua cũng là lịch sử. “Chúng tôi muốn chọn một trận đánh thất bại để mình học được nhiều bài học quý giá hơn để tiến về tương lai” – nhóm nói.

Thời gian đầu khi dự án vừa được triển khai, nhóm chỉ đủ thời gian và tiền bạc để làm một vài hình ảnh demo đăng tải trên các trang mạng, không có khả năng và điều kiện đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng rồi nhận ra được ý tưởng sáng tạo đầy ý nghĩa của các bạn trẻ, dự án đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả và nhà tài trợ.

Song, Việt Sử Kiêu Hùng vẫn không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt ở khâu nhân sự. Bởi tìm người có cùng niềm đam mê lịch sử đã khó, kiếm được người vừa phù hợp vừa chấp nhận làm việc không lương cho một dự án phi lợi nhuận lại còn khó gấp vạn lần. Lê Vũ Quang, họa sỹ chính của dự án chia sẻ: “Trong quá trình làm việc khối lượng artwork phát sinh ngày càng nhiều, nhiều đêm liền mình và các bạn họa sĩ khác phải thức tới 4-5h sáng để vẽ cho kịp tiến độ.”

Bên cạnh đó, khi được hỏi về khó khăn nhất mà dự án gặp phải, trưởng nhóm Trần Tuấn cho biết: “Có lẽ là vấn đề máy móc. Từ ngày làm dự án tới giờ không dưới 6 cái máy của tụi mình đã lăn quay ra chết không lời từ biệt. Lượng file xử lý quá nhiều, máy lại quá yếu, vì toàn máy cá nhân chứ không phải máy chuyên nghiệp. Có khi nguyên ngày làm xong, máy chết file mất hết, chỉ biết ôm mặt khóc. Mà có khi máy không chết nhưng file cũng bị ăn kiểu gì không rõ. Riêng chi phí sửa chữa hay mua thêm thiết bị cũng là một khoản không hề nhỏ”.

Khó khăn là thế, đến nay, nhóm Đuốc Mồi đã mở rộng được quy mô sản xuất – từ đội ngũ của nhóm đã có hơn 30 người, đến sự đóng góp, hỗ trợ từ các đối tác lớn nhỏ. Với mong muốn làm phim dã sử một cách nghiêm túc, cẩn thận, dài hơi trên tinh thần tôn trọng lịch sử, các tập phim của Việt Sử Kiêu Hùng được thực hiện dưới dạng web series – một xu hướng khá phổ biến hiện nay, với việc sản xuất cuốn chiếu: kêu gọi góp vốn từ cộng đồng cho mỗi tập phim để có nguồn lực tài chính đảm bảo chất lượng nội dung và thời gian phát sóng, xong phần nào thì công chiếu ngay phần đó.

Mới đây, nhóm cũng đã hoàn thành bản dịch các thứ tiếng: Việt – Anh – Trung – Hàn – Tây Ban Nha với mong muốn thể hiện niềm tự hào về sử Việt ra lan rộng khắp thế giới. Ngoài truyền bá lịch sử dưới hình thức phim, nhóm còn dự định sẽ thực hiện sách artbook – một phiên bản sách sử dành cho trẻ nhỏ, dễ đọc, dễ “thương.”

Một đoạn hậu trường lồng tiếng cho tác phẩm Tử chiến thành Đa Bang 2

Tuhú Ceramics

Tuhú Ceramics là một thương hiệu gốm sứ thủ công được sáng lập tại Việt Nam vào năm 2017. Với mục tiêu chuyển tải tinh thần đương đại vào chất gốm sành truyền thống của Lái Thiêu (Sông Bé). Từ đó, có thể nâng tầm giá trị cho sản phẩm thủ công địa phương, tạo ra cho chúng một vẻ ngoài mới phù hợp với thị hiếu hiện đại.

Cái tên Tuhú được được đặt theo tên gọi của chim tu hú – một loài chim ở châu Á có đặc tính sinh sống đẻ trứng vào tổ của các loài khác. Loài tu hú không biết ấp trứng nên phải “mượn tạm” loài khác để ấp trứng nhờ, để có thể tạo ra tiếng hót của nhiều chú chim tu hú khác. Giống với lối sống của loài chim tu hú, mong muốn của chị Hiền – nhà sáng lập thương hiệu – ở Tuhú Ceramics chính là “mượn” giá trị truyền thống của chất liệu đất nung ở Lái Thiêu để tạo nên những sản phẩm gốm sành nâu mang phong cách tươi mới và hợp thời hơn.

“Thông qua việc nghiên cứu về thị trường cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, tôi nhận thấy các bạn thế trẻ không những không quay lưng với những sản phẩm mang giá trị truyền thống, mà còn bị thu hút và yêu thích bởi nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Song, đâu đó vẫn có những yêu cầu về sự tiện ích và nhu cầu phù hợp với thời nay,” chị Hiền tâm sự.

“Năm 2016 là năm tôi bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu, theo đuổi đam mê về nghề làm gốm. Tôi bắt đầu từ những chuyến tham quan các cơ sở sản xuất gốm sứ tại chợ Búng (Lái Thiêu). Bản thân tôi rất ấn tượng và thích thú với sự đơn giản mà loại gốm sứ này toát lên. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng nó không phù hợp với gu thẩm mỹ hiện nay và họ không mua để sử dụng tại nhà. Câu hỏi tôi đặt ra ngay lúc đó là: tại sao họ nghĩ nó không phù hợp? Sau đó tôi nhận ra rằng không gian sống của họ đang theo phong cách hiện đại, còn sản phẩm gốm sứ ở đây lại quá đơn điệu đến lạc hậu. Đó là lí do khiến thương hiệu mà Tuhú đã và đang xây dựng, phát triển cho đến bây giờ.”

Sản phẩm của Tuhú là kết tinh và dung hòa giữa hai yếu tố “truyền thống” và “hiện đại,” giữa “di sản” và “hợp thời.” Thương hiệu đã mượn cái dung dị của làng nghề Lái Thiêu để có thể duy trì và phát triển các giá trị địa phương. Điều độc đáo của mỗi sản phẩm được làm thủ công ở Tuhú, đó là độ sáng bóng của các mảnh sành, màu nâu vàng và nâu vàng độc đáo chỉ có ở loại đất sét Lái Thiêu. Chất liệu này chỉ có thể tìm thấy ở các tỉnh Nam Bộ, và được tạo ra ban đầu ở tỉnh Bình Dương vào đầu thế kỷ 20. Trọng tâm chính trong nghề thủ công này là tạo ra các sản phẩm đồ gốm gia dụng. Với sự giúp đỡ của các nghệ nhân địa phương, cùng tư duy sáng tạo hội nhập của Tuhú, các sản phẩm đồ gốm ở đây được đưa đến tay người tiêu dùng lẫn trong và ngoài nước.

“Chúng tôi không giới hạn đối tượng khách hàng nhất định đối với Tuhú, cho dù đó là người dân địa phương, khách nước ngoài,” chị Hiền chia sẻ, “Chúng tôi hy vọng rằng các sản phẩm của Tuhú sẽ vươn xa nhất có thể.”

Nghi To

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

13 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago