Cine

#NgườiTrongNgành: Từ ý tưởng đến phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Khoa Nguyễn và nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy

Nếu bạn trót đem lòng yêu các câu chuyện cảm xúc, những khung hình nghệ thuật, và các nhân vật hấp dẫn, thì điện ảnh có sức mê hoặc vô cùng lớn. Và với một số cá nhân, chỉ xem phim là không đủ. Họ đã bắt tay thực hiện những câu chuyện của riêng mình dù gặp phải không ít khó khăn, trong đó chi phí là một trong những thử thách lớn nhất.

Làm thế nào để cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại luôn là câu hỏi mà người làm phim quan tâm trước khi bắt tay vào bất cứ dự án nào. Buổi đối thoại cùng nhà sản xuất phim Duy Nguyễn (Nguyễn Nguyên Duy) và đạo diễn Khoa Nguyễn về bộ phim đầu tay Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về vấn đề này.


Bài viết sử dụng thông tin từ buổi đối thoại với nhà sản xuất phim, trong phạm vi chuỗi talk show #FilmPreneur của đạo diễn Phạm Thanh Hải, Founder EMA Solutions.

Được biết Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm là dự án phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Khoa Nguyễn và có sự tham gia của Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy. Hai anh có thể giới thiệu với mọi người về hành trình của mình với điện ảnh không?

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Tôi thích phim nhưng chỉ từ 2016 thì mới bước vào lĩnh vực này. Tính đến nay là vừa 5 năm. Ban đầu, tôi chỉ tham gia với tư cách người điều hành sản xuất. Đến 2018 thì tốt nghiệp đạo diễn. 2019 bắt đầu viết kịch bản cho phim điện ảnh đầu tay, Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm. Sang 2020 bắt tay vào thực hiện phim trong vai trò đạo diễn. Do vậy, có thể nói đối với điện ảnh thì tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và vẫn còn đang học hỏi.

Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Khoa Nguyễn

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Tôi có hơn 12 năm tham gia sản xuất phim truyền hình và phim điện ảnh, như Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa, Chí Phèo Ngoại Truyện; tham gia sản xuất tiền kì cho Cô Gái Đến Từ Hôm Qua. Với Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm, tôi tham gia trong 2 vai trò chính là sản xuất và nhà đầu tư.

Hai anh có thể cho biết dựa vào đâu để đạo diễn, nhà sản xuất hay nhà đầu tư quyết định phát triển một ý tưởng thành một kịch bản hoàn chỉnh, một dự án phim điện ảnh, một dự án truyền hình không?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Để phát triển thành một kịch bản hoặc dự án hoàn chỉnh, chúng ta cần xem xét về tính khả thi của ý tưởng. Khả thi ở đây không phải khả năng thành công, mà chỉ xem xét về tiềm năng và liệu nó có thể được thực hiện trong tương lai gần hay không.

Có nhiều khía cạnh để xếp loại dự án khả thi: nội dung phim, môi trường làm phim, … Nếu những tiêu chuẩn này được đánh giá tốt thì chúng ta mới tiến hành các giai đoạn tiếp theo. Tôi lấy ví dụ, môi trường phim Việt có nhiều phim hài, phim về gia đình, thế nên các ý tưởng hay về những đề tài này sẽ được xếp vào nhóm dự án có tính khả thi tốt.

Bên cạnh đó, tầm nhìn và khả năng thuyết phục của đạo diễn, của biên kịch về kịch bản với nhà sản xuất cũng ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án. Nguyên nhân vì nhà sản xuất chính là “gương mặt đại diện” của bên làm phim. Họ đi chào mới các nhà đầu tư khác cho nội dung được chọn. Với tôi, đây là một trong những yếu tố quan trọng.

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy hỗ trợ hết mình trong dự án phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Khoa Nguyễn

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Đứng trên góc độ đạo diễn và kinh nghiệm thực hiện dự án Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm, với tôi, yếu tố quan trọng nhất để triển khai một ý tưởng thành phim, đó là bản thân tôi phải thật sự thích câu chuyện đó và có niềm tin là câu chuyện này xứng đáng được kể. Quá trình thực hiện phim có rất nhiều khó khăn. Ngoài việc dùng chuyên môn để giải quyết thì niềm yêu thích dành cho ý tưởng là một động lực rất lớn để tôi vượt qua mọi chuyện.

Đây cũng là lời khuyên của tôi dành cho những bạn đạo diễn, biên kịch. Nếu các bạn thích và tin câu chuyện của mình đủ tốt thì mới nên bắt đầu. Trường hợp vẫn cảm thấy lấn cấn – “Câu chuyện của mình có hay không?”, “Liệu mình có kể được nó hay không?”, “Câu chuyện này có thuyết phục được người xem không?”, … – thì nên giải quyết những thứ đó trước. Có được câu trả lời thỏa đáng, có được quyết tâm lớn vào dự án rồi thì hẵng bắt tay vào thực hiện.

Trong quá trình chọn dự án Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm, hai anh có nhận định như thế nào về môi trường làm phim ở Việt Nam?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Thật sự thì môi trường phim điện ảnh Việt Nam hiện nay, theo cá nhân tôi thì vẫn còn nhỏ lẻ, tổng quan thì quá nhỏ so với những ngành nghề khác ở Việt Nam chứ chưa nói đến việc so sánh gì với thế giới. Hiện nay thì đầu tư vào điện ảnh khá ít, nhỏ lẻ và cũng không mấy chuyên nghiệp. Việc đầu tư vẫn còn theo kiểu quan hệ cá nhân, không có quỹ hoặc tổ chức nào đầu tư, phát triển phim như một sản phẩm thương mại. Và hầu như đa số phim được phát triển theo những dự án tự phát chứ ít theo một hướng phát triển dài hơi hơn. 

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Tôi cũng đồng ý với anh Duy là môi trường phim điện ảnh ở Việt Nam cá nhân tôi vẫn thấy khá tự phát, mọi thứ đi theo một quy trình tự tìm hiểu, học hỏi, mày mò và tìm kiếm nhà đầu tư dựa trên các mối quan hệ cá nhân của mình, chứ không có một hạ tầng hay hệ thống, nguồn đầu tư chính thống nào.

Thành ra quá trình gọi vốn cho Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm thực tế là tôi phải tiếp xúc với những mối quan hệ cá nhân mà tôi nghĩ là họ có tiềm lực về kinh tế, có tình cảm với ngành phim và tin tưởng vào tôi. Dựa vào 3 yếu tố đó để cố gắng thuyết phục, chứng minh với những nhà đầu tư này rằng đây là một dự án khả thi, có thể thực hiện được. 

Điều này không dễ dàng chút nào, vậy có điều gì Khoa muốn chia sẻ với mọi người về hành trình của từ khi tốt nghiệp đạo diễn cho đến khi thực hiện được bộ phim điện ảnh đầu tay Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm không?

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Tôi bảo vệ tốt nghiệp là vào tháng 12 năm 2018 bằng một phim ngắn, có tên là Come Back Home. Thật ra để tốt nghiệp thì tôi nghĩ chỉ cần đầu tư khoản chi phí một, hai trăm triệu là đủ để có một phim ngắn theo quy chuẩn của nhà trường. Nhưng tôi cũng hiểu được là sau này sẽ không thể dùng một phim ngắn tốt nghiệp kiểu sinh viên như vậy để đi gọi vốn đầu tư cho một phim điện ảnh có chi phí lớn hơn được. Cho nên ở thời điểm đó tôi đã quyết định đầu tư chi phí sản xuất cho phim ngắn 20 phút Come Back Home là 1 tỷ đồng. Trước là phim ngắn tốt nghiệp sau đó là công chiếu ở rạp CGV Vivo City vào tháng 12 năm 2018. Mục đích của tôi là muốn cho mọi người thấy rằng Come Back Home đủ chất lượng của một phim chiếu rạp, nó chỉ khác là có thời lượng ngắn hơn thôi. Và sau đó tôi dùng Come Back Home như một sản phẩm demo để gọi vốn đầu tư cho dự án phim điện ảnh đầu tay của mình, đó là bước một.

Come Back Home phim ngắn tốt nghiệp

Bước 2 là tôi dành hết năm 2019 để viết kịch bản cho Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm. Tôi cứ viết rồi sửa, viết rồi sửa từ đầu tháng 2 đến tháng 11 tổng cộng là 8 version, để có được một kịch bản cuối cùng mà tôi cảm thấy tương đối tự tin để mang đi kêu gọi đầu tư. Trước đó trong quá trình viết thì tôi cũng có tiếp xúc với một số cá nhân, một số đơn vị trong ngành mà tôi nghĩ tôi có cơ hội thuyết phục được. Từ đó cho đến tháng 4 năm 2020 thì tôi và anh Duy đã gọi được một số vốn tương đối khoảng 10% so với tổng chi phí là 10 tỷ để thực hiện bộ phim.

Số tiền này không lớn nhưng ở thời điểm đó thì tôi rất là quyết tâm để thực hiện được bộ phim Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm trong năm 2020 và anh Duy cũng rất ủng hộ tôi cho nên là mọi người quyết định đẩy dự án đi đến bước tiếp theo đó là tiền kỳ. Như vậy là khi bước vào giai đoạn này dự án chỉ có 10% vốn nhưng sau đó vừa tiền kỳ vừa tiếp tục kêu gọi vốn, thì đến tháng 7, dự án đã có thể bấm máy. Tất nhiên việc gọi vốn vẫn chưa đủ con số mà tôi mong muốn nhưng mọi người vẫn có thể xoay xở được để mà hoàn thành bộ phim. Nếu phát hành đúng thời điểm tháng 3 năm 2021 thì tôi mất tổng cộng 2 năm cho dự án Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm và mất thêm gần một năm nữa vì dịch.

Duy đã đồng hành với đạo diễn Khoa Nguyễn và quyết tâm hoàn thành dự án này, vậy thì hành trình, cảm xúc và kinh nghiệm của anh lúc này như thế nào?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Đối với tôi thành công của dự án Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm đó là khi dự án vận hành, quay xong và cũng đã ra mắt ở một số liên hoan phim. Đó là một sự thành công với tôi vì thú thật mặc dù là người đứng mũi chịu sào cho dự án này nhưng cũng có những thời điểm mà mình muốn bỏ giữa chừng. Cuối cùng sự quyết liệt của Khoa ở vị trí đạo diễn, biên kịch đã tạo cho mình động lực và niềm tin để mà có thể bỏ qua một số cân đo đong đếm khác để cùng tiến với Khoa trong dự án này.

Cho nên tôi cũng có lời khuyên cho những bạn trẻ có mong muốn trở thành nhà sản xuất thì nên tìm kiếm cho mình một đạo diễn, một biên kịch để cùng hiểu nhau và cùng làm, chứ còn thật sự để mà nhận một kịch bản và thầm định xem nó có khả thi không để tiến hành thì thật sự rất khó. Vì một bộ phim thì không thể định lượng được mà chỉ định tính thôi và khi nó ở trên giấy thì mọi thứ càng mơ hồ. Vì vậy tôi nghĩ mối quan hệ giữa một đạo diễn với một nhà sản xuất phim nó rất là khó lường, chỉ có những người làm chung nhiều năm tháng mới có những quyết định đi chung với nhau. 

Vậy lý do gì để nhà đầu tư đầu tiên đồng ý góp vốn vào dự án Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm? Còn nhà đầu tư thứ 2 thì sao? Vì thường đây là 2 nhà đầu tư sẽ quyết định tinh thần cũng như quy mô của một dự án?

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Nhà đầu tư đầu tiên của dự án Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm là một người bạn của tôi và dòng tiền đầu tư đổ về là khi tôi vẫn còn đang trong quá trình viết kịch bản 2019. Lý do để người bạn đó đồng ý là vì mối quan hệ cá nhân, vì người đó thấy được hành trình của tôi và có thiện cảm, có niềm tin với việc mà tôi theo đuổi. Tại vì khi làm phim, hầu như mọi người sẽ dựa vào sản phẩm để nói chuyện mà với tôi thì đây lại là dự án đầu tay nên phần lớn những khoản đầu tư là vì tình cảm cá nhân. 

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Về nhà đầu tư thứ 2 thì sau đó tôi có gặp với một số anh em trong nghề làm về sản xuất, về hậu kỳ, thiết bị…, tham gia chung với mình có HK và Film Clinic. Thật ra đây cũng không phải là những hỗ trợ hoàn toàn cho khối lượng công việc mà họ cung cấp. Dù chỉ một phần nhưng nhờ những phần đó là động lực để mọi người có thể đủ khả năng hoàn tất hết dự án.

Bất cứ dự án nào thì ngoài kịch bản, nhà đầu tư, việc tìm kiếm diễn viên cũng khá quan trọng. Với Khoa thì bạn chọn diễn viên như thế nào cho dự án đầu tay của mình và Duy có đồng tình hay có ý kiến gì với việc lựa chọn đó không?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Về công việc chuyên môn thì tôi có quan điểm là tất cả những gì về phim thì đạo diễn là người quyết định. Cho nên việc lựa chọn diễn viên tôi không có ý kiến. Tôi nghĩ tin tưởng vào nhau thì mới có thể đi chung được.

Quang Sự và Oanh Kiều trong Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Đối với tôi việc lựa chọn diễn viên cho Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm thì yếu tố đầu tiên là tôi thấy họ phải phù hợp. Phù hợp với tôi trước chứ chưa nói đến nhân vật. Nghĩa là tôi có cảm giác, niềm tin giữa tôi và các bạn diễn viên đó có thể chia sẻ được, có thể đồng cảm được, có thể hợp tác, đồng cam cộng khổ được. Đó là những yếu tố tôi cần, đặc biệt là cho dự án phim đầu tay mà tôi đạo diễn. 

Ở Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm thì tôi đã nhắm đến diễn viên trước khi viết kịch bản cho nên tôi có niềm tin đó dành cho Quang Sự và Oanh Kiều. Thành ra khi tôi viết kịch bản, tôi cũng đã cố gắng để cho cả hai bạn diễn viên này có thể hoá thân thành nhân vật một cách phù hợp và dễ dàng nhất. Và rất may là khi kịch bản hoàn thành tôi đã thuyết phục được 2 bạn tham gia. Cho đến bây giờ thì niềm tin của tôi dành cho Quang Sự và Oanh Kiều là đúng, vì mọi người đã hợp tác với nhau rất hiệu quả.

Trong quá trình sản xuất cho Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm thì có thuận lợi hay khó khăn gì mà 2 bạn muốn chia sẻ không?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Về thuận lợi thì đó là việc tôi và Khoa đã có sự quen biết với nhau lâu năm và có sự ăn ý trong công việc từ trước, nên quá trình sản xuất giữa nội bộ có sự trao đổi khá nhịp nhàng. Tất nhiên cũng có những lúc căng thẳng nhưng mà nhờ quá trình quen biết lâu năm nên mọi chuyện được giải quyết êm đẹp. Còn khó khăn thì việc làm phim nói chung vốn dĩ có rất nhiều nhưng mà cái khó nhất là dòng tiền, có thời điểm đoàn phim phải ngừng một tháng trong quá trình ghi hình vì dịch, điều này cũng phát sinh mất một khoản chi phí khá lớn.

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Với tôi khi làm phim đầu tay Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm thì thuận lợi lớn nhất là có được sự ủng hộ của gia đình, của người thân, bạn bè, kể cả những người không ở trong ngành và tôi cũng có được một ekip khá là đồng thuận, đồng lòng, có niềm tin và chịu đồng cam cộng khổ cùng nhau để thực hiện bộ phim đầu tay này. Đây là những may mắn và thuận lợi mà tôi có được, còn khó khăn thì cũng giống như anh Duy đã chia sẻ.

Giai đoạn hậu kỳ của Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm

Khi một dự án được triển khai, bắt đầu quay thì một khâu quan trọng nữa là nhà phát hành. Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm đã trải qua quá trình này như thế nào?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy:Về nhà phát hành thì khi kịch bản Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm hoàn thành nhưng chưa bấm máy thì tôi đã gặp và tiếp xúc hầu như toàn bộ các đơn vị phát hành phim tại Việt Nam. Cuối cùng tôi cảm thấy đơn vị mà có sự hỗ trợ tốt nhất trong việc phát hành cho dự án phim này và có một số cam kết phù hợp giữa hai bên, thì tôi lựa chọn họ là đơn vị phát hành cho phim.

Trong quá trình gặp gỡ và thuyết phục thì Duy có gặp khó khăn gì không?

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Tôi may mắn vì không gặp nhiều khó khăn bởi vì kịch bản của Khoa tương đối tốt nên không có nhà phát hành nào chê. Chỉ có một số bên hỗ trợ ít hơn thì tôi không chọn được. Có một cái khó đó là vì Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm làphim đầu tay của Khoa, nhưng nếu dự án này là phim thứ 2, thứ 3 thì có thể sẽ có thêm những hỗ trợ tốt hơn. Do phim đầu tay nên cũng khó, mọi thứ hầu như chỉ dựa trên kịch bản. Vậy nên với mình việc gặp nhà phát hành nào và được họ hỗ trợ ra sao thì kịch bản đóng vai trò rất là quan trọng. 

Với những khó khăn, quyết tâm của Khoa và Duy để Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm hình thành và có thể công chiếu, vậy bộ có thể xem đây là một dự án phim độc lập hay không?

 Đạo diễn Khoa Nguyễn: Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm không phải là dự án độc lập vì phim có một Production House chuyên nghiệp đồng hành cùng, có những nhà sản xuất chuyên nghiệp và có những nhà đầu tư thương mại tham gia dự án. Hơn nữa mục địch lớn nhất của phim là phát hành thương mại. Vậy nên với tôi đây không phải là một dự án phim độc lập, nó chỉ là một dự án phim nhỏ so với thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm đã giành được một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, Khoan và Duy có cảm thấy điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá phim tại các rạp không?

 Đạo diễn Khoa Nguyễn: Thật ra kế hoạch ban đầu là phim Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm sẽ hoàn thành trễ nhất vào tháng 2 năm 2021 và phim có lịch phát hành vào đầu tháng 3. Tuy nhiên khi đợt dịch sau tết bùng phát thì phim được dời đến tháng 6 và sau đó thì tiếp tục dời vì dịch, cho đến thời điểm này phim vẫn chưa có lịch phát hành cụ thể. Có thể nói là kế hoạch phát hành phim đã bị phá sản và tôi không chịu được chuyện phim đã xong rồi mà chỉ có thể chờ đợi, không thể làm gì khác nên đã tranh thủ khoảng thời gian này để cọ xát chuyên môn bằng việc gửi phim đến một số liên hoan phim nhỏ, để biết xem bộ phim ở góc nhìn của người quốc tế sẽ như thế nào. 

Cũng may mắn là Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm cũng đạt được một số thành tích tại các liên hoan phim quốc tế nhưng tôi cũng chia sẻ là việc gửi phim đi các liên hoan không phải là mục tiêu chính. Định hướng lớn nhất của phim vẫn là việc phát hành thượng mại ở trong nước, còn đối với cá nhân ở góc độ chuyên môn thì tôi mong muốn kể được những câu chuyện có thể đưa nó đến gần với nhiều người xem nhất. 

Tôi cũng cho rằng việc nhận nhiều giải thưởng quốc tế không phải là lợi thế phát hành tại rạp, khi mà tâm lý của nhiều người xem phim, các bạn trẻ cho rằng những phim có giải quốc tế thường khó xem và khó hiểu. Đó là một tâm lý có thật nên về Người Lắng Nghe: Lời Thì Thầm thì các thành tích này giống như là một điểm cộng cho phương diện chuyên môn. Còn phương diện phát hành thì lại là chuyện khác.

Nhà sản xuất Nguyễn Nguyên Duy: Với tôi một dự án phim thu hút được khán giả trong nước hay không thì việc đạt giải thưởng quốc tế cũng không đóng góp được quá nhiều vai trò, chủ yếu vẫn là nội dung phim như thế nào, có chạm được đến khán giả hay không và có tạo được hiệu ứng truyền miệng cho những người khác hay không? thì đó mới là chuyện quan trọng. Còn nếu cho rằng phim đạt nhiều giải thưởng thì sẽ thắng tại các rạp là chuyện rất khó nói.

Bài viết xuất bản lần đầu tại Koicine

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
#NgườiTrongNgành: Xem phim mà tắt âm thanh, độ hấp dẫn chỉ còn phân nửa
#NgườiTrongNgành: Cùng Bad Clay Studio tìm hiểu về kỹ xảo điện ảnh (VFX)

Mi Nguyen

Recent Posts

5 lợi ích sức khỏe (và 1 nhược điểm) của nước dừa theo các chuyên gia

Những lợi ích sức khỏe mà nước dừa mang lại theo các chuyên gia

37 phút ago

Phân tích SWOT cho Cơm Tự Chín, Lẩu Tự Sôi Masan

Sau Lẩu tự sôi, Masan Consumer ra mắt sản phẩm mới Cơm tự chín tại thị…

18 giờ ago

9 bộ phim Châu Á ấn tượng xuất hiện tại Cannes 2024

Những bộ phim Châu Á ấn tượng xuất hiện trong lễ liên hoan phim quốc…

1 ngày ago

Bridgerton mùa 3: 4 lý do bạn không nên ‘rời mắt’ khỏi loạt phim trong tháng 5 này

Sau hơn 2 năm vắng bóng, mùa 3 đã lên sóng vào hôm qua. Vậy,…

2 ngày ago

Album The Secret of Us của Gracie Abrams sẽ có sự góp giọng của Taylor Swift

Gracie Abrams tung ra album mới với sự góp mặt của Taylor Swift

2 ngày ago

7 loại trà giảm cân mang lại hiệu quả

Trà là thức uống có lợi trong việc giảm cân và cải thiện vóc dáng,…

2 ngày ago