Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm và ai đi làm cũng có những câu chuyện. The Millennials Life và Digikigai sẽ cùng “người lớn” kể lại những mảnh ghép đó.
“Bình thường mới” thật ra là một cách nói khác của “làm lại từ đầu”. Quay lại sau giãn cách với quá chừng thứ mới, quy trình công ty cũng “lạ lắm à nghen”. Nếu trước đây, một số chi phí được cho là cố định, ví dụ như chi phí thuê văn phòng, thì nay lại có thể tạm gác. Hay một số kỹ năng ngày xưa chỉ là kỹ năng mềm như sử dụng công nghệ khi làm việc, nay lại trở thành một phần tối yếu để doanh nghiệp có thể vận hành.
Để đưa doanh nghiệp qua cơn bão lớn lần này, người đầu tàu phải cân nhắc cắt giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến nhân lực công ty, chuyển dịch mô hình kinh doanh để phù hợp với bối cảnh mới. Và hơn hết, xây dựng tiềm lực để vượt qua khủng hoảng tương lai.
Đây là thời điểm thích hợp nhất để đặt ra những câu hỏi:
– Hay là mình “đập đi xây lại”, xác định hướng đi khác cho công ty?
– Bổ sung nguồn lực kinh doanh bắt đầu từ đâu?
– Đào tạo nhân viên thích nghi theo hướng vận hành mới như nào?
Qua Fireside Chat chủ đề How to Rebuild Your Business in the New Normal, bạn sẽ cùng host Trang Dinh (Academy Director JobHopin) gặp gỡ, trò chuyện với anh Trần Thanh Tùng, hay còn được gọi là anh Tùng BT, CoFounder dự án Giáo Dục Giới Tính online lớn nhất Việt Nam – Yêu Là Đủ (Chào cờ chào 16+), nắm trong tay 6 fanpage “triệu view”.
Đồng thời, anh còn là:
– Sáng lập quán cà phê Monkey in Black Coffee (đoạt giải Khởi Nghiệp Sáng Tạo Nhất năm 2015), từng làm mưa làm gió với món nước uống nhai luôn ly.
– Mentor – Ban Tổ Chức của SME Mentoring 1on1, chương trình cung cấp Mentor cho các nhà khởi nghiệp số một Việt Nam hiện tại.
– Sở hữu hàng loạt dự án, sản phẩm trở thành viral nổi tiếng trong giới trẻ, đạt được hàng chục-trăm triệu lượt tiếp cận đến giới trẻ mỗi tháng, từng xuất hiện trên 200 bài báo/truyền hình/truyền thanh chính thống, đoạt các giải thưởng danh giá dành cho người trẻ khởi nghiệp.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast How to Rebuild Your Business in the New Normal
Bình thường mới nên cái gì cũng mới. Theo Tùng thì các công ty sẽ đau đầu về vấn đề gì nhất trong thời điểm trở lại sau COVID-19?
Mỗi doanh nghiệp có một câu chuyện khác nhau, nhưng mệt mỏi nhất mùa này vẫn là tiền.
Vì sao lại là tiền? Một trong những lý do để doanh nghiệp tồn tại là để kiếm tiền. Trong thời điểm này thế nào cũng có những thay đổi nhất định về tiền. Có doanh nghiệp gặp khủng hoảng âm – kinh doanh đi xuống, lỗ, trả mặt bằng, phá sản. Có doanh nghiệp bị biến động dòng tiền khi đã dùng cạn tiền để duy trì, không đủ lực để tái cấu trúc hay chuẩn bị cho cái gì mới trong thời gian tới. Nhưng phổ biến hơn lại là tình trạng khủng hoảng dương.
Nhiều bạn từng chia sẻ với Tùng rằng đang gặp khủng hoảng dương, trong đó có bạn mới 15-16 tuổi thôi. Mình kiểu “Ủa em sao mùa này mà em kiếm được nhiều tiền quá dạ?”.
Chúng ta đều biết làm marketing thì insight vô cùng quan trọng. Mùa dịch lại là “thời điểm vàng” cho các insight mới. Có bạn kia quê Quy Nhơn, inbox fanpage Tùng BT tâm sự là ngồi học không chán quá không biết làm gì, sẵn thấy ở quê có mấy món đặc sản thì mới ra chợ mua xong đem lên shopee bán. Lên Facebook, Tiktok lấy traffic đổ qua, giờ tháng được vài trăm triệu. Ồ, mình mới thấy câu chuyện kinh doanh sao thành ra đơn giản quá ta!
Vậy mới thấy cái gọi là bình thường mới thực chất không bình thường chút nào. Con người khác, thị trường khác, insight khác, cách tổ chức khác. Rất nhiều thay đổi, và chúng ta cần làm cách nào để có thể quản trị thay đổi. Tùng nhớ trong giai đoạn thoái trào, Nokia đã từng nói “Chúng tôi không làm gì sai cả.” Ừ thì nói cách khác, là chúng tôi không làm gì cả. Mùa này mà không làm gì thì chỉ có chết.
Tùng có thể giải thích thêm về các trường hợp khủng hoảng âm và khủng hoảng dương?
Khủng hoảng âm có nhiều dạng, Tùng chỉ nhắc đến những dạng mình thấy qua thôi nhé. Bản thân mình trước tiên là một người khởi nghiệp, sau mới đến vai trò sáng tạo. Làm từ 1 lên trường tồn thì Tùng không giỏi, nhưng từ 0 lên 1 – tức tạo ra insight và nhu cầu mới từ khi chưa có gì – thì mình làm tốt.
Suốt mười mấy năm khởi nghiệp, mình “ghiền” nhất là lean startup (khởi nghiệp tinh gọn). Thời gian qua, mình có tham gia những khóa huấn luyện trong Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025), trực tiếp hỗ trợ một số đơn vị và những người làm kinh doanh.
Tùng nhận thấy phần lớn các anh chị, đặc biệt là những người kinh doanh truyền thống, hầu như không biết đến khái niệm lean startup. Bạn cứ hình dung, phần lớn các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp kiểu cũ chỉ làm một việc lặp đi lặp lại, quy trình không thay đổi, khách hàng hạn chế – có khi chỉ một khách hàng duy nhất từ năm này sang năm khác.
Đợt vừa rồi là cú hit rất mạnh với những doanh nghiệp như thế. Họ không được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để kịp thời phản hồi và thích nghi với thay đổi của thị trường. Chới với, mỏi mệt, không biết làm sao ngoài việc để con thuyền chìm dần.
Tùng chỉ có một lời khuyên cấp thiết nhất cho những doanh nghiệp này, đó là đóng cửa, nghỉ! Đơn giản vậy thôi. Người làm chủ họ biết hết chứ không phải không, rằng sắp tới mình có kế hoạch kiếm tiền được không, có làm được gì nữa không. Nếu không có, thì cứ mạnh dạn nghỉ. Hết tiền thì cái cần làm gấp là phải chốt lỗ.
Trong năm 2020, mình cũng đóng một công ty và một quán cà phê. Công ty về thời trang underground, làm cũng ổn nhưng cực quá, lời không bao nhiêu so với những cái khác. Đây là sự cân đối giữa tiền lời thu được so với nguồn lực mình có. Tốn lực mà lời ít thì thôi dẹp.
Còn khủng hoảng dương là khi bạn mệt vì… có tiền. Làm marketing, thỉnh thoảng bạn sẽ viral. Viral thì doanh số tăng, lập tức những cái khác cũng bị cuốn theo – sales không đáp ứng được, hàng tồn không đủ, nguyên vật liệu, QA-QC các thứ đều gặp vấn đề. Đôi khi mình lại bị đưa vào tình huống không thể từ chối đơn hàng, tiến thoái lưỡng nan: từ chối thì mất khách, nhận mà làm không tốt cũng tệ luôn.
Kết cục là hệ thống vỡ trận, người làm chủ dành giờ đi “đổ vỏ”. Nguồn lực mình có giới hạn, có muốn cũng không thể đổ hoài. Càng ngày càng đuối, càng mệt. Nếu không có giải pháp thì phá sản là chuyện tất yếu.
Trong quá trình “đập đi xây lại” một doanh nghiệp thì có nhất thiết là mình phải… đập tan nát hết không, hay có những điểm chính nào cần lưu ý và giữ lại trong quá trình tái cấu trúc?
Những lúc khủng hoảng cũng là lúc mình phải đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Khi phải tiếp nhận quá nhiều thứ mà không biết cách hoặc không đủ tỉnh táo để xử lý thì dễ gặp tình trạng bị đơ – càng nghĩ càng mệt, càng không biết làm gì hết. Do đó, không cần biết bạn đập đi xây lại hay đập luôn, thì điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh.
Theo một khảo sát gần đây, có khoảng 86% chủ doanh nghiệp gặp vấn đề về tâm lý (bế tắc, lo âu, trầm cảm, …) vì đơn vị của họ gặp vấn đề. Mà tinh thần không khỏe thì làm sao đủ tỉnh táo để suy nghĩ thấu đáo và đưa quyết định được?
Một trong những thứ mình ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là với những người làm chủ, đó là phải đảm bảo nội lực mình đủ sức chống chịu. Yêu mình nhất, thương mình nhất, nhận biết được mức độ ổn định tâm lý của mình trong thời điểm hiện tại. Những lúc càng khó khăn thì càng cần một người đầu tàu thông suốt, minh mẫn. Có vậy thì mới tính đến chuyện thay đổi hay tái cấu trúc.
Đập đi xây lại là bài toán khó. Một trong những điều cần xem xét trước hết là mô hình kinh doanh của mình. Bản thân là chủ, bạn cần nắm rõ những thứ như: dòng tiền của mình đến từ đâu, vì sao người ta trả tiền cho mình, vì sao họ quay lại với mình, mối quan hệ giữa mình và khách hàng ra sao, nguồn lực trong tay như thế nào, đối tác là ai, đối thủ là ai, chi phí là gì, …
Hiểu rõ những cái đó thì mới sang những bước tiếp theo – xác định mình đang là ai, đang ở đâu, đang có gì, đang cần gì để đập đi xây lại. Thông thường, Tùng hay sử dụng chiến lược đại dương xanh (blue ocean strategy). Khái niệm này khá quen thuộc trong marketing, mình nghĩ nhiều bạn cũng biết đến. Nó được hiểu là chiến lược phát triển và mở rộng thị trường mà trong đó có ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh.
Mùa này là mùa ngập insight. Lên các nhóm khởi nghiệp bây giờ, bạn sẽ thấy rất nhiều người trẻ. Người trẻ rất nhạy tìm hiểu và nắm bắt insight mới, lại hiểu rõ các công cụ digital, các nền tảng online. Cách các bạn làm sản phẩm, test sản phẩm, sau đó bung ra chiếm lĩnh thị trường cực kỳ nhanh, cực kỳ tốt.
Thời đại số, các nền tảng online phát triển vượt bậc. Để đập đi xây lại hiệu quả, chúng ta cần tận dụng điều này. MVP (minimum viable product – sản phẩm mẫu tồn tại tối thiểu) là một trong số những giải pháp hợp lý nhất theo mình thấy. Một trong những lý thuyết căn bản của startup và của phát triển sản phẩm đó là “canh” lúc thị trường chớm đi xuống để thay đổi sản phẩm hoặc làm MVP. Doanh nghiệp bạn lớn, bạn làm MVP các sản phẩm nhỏ. Còn doanh nghiệp nhỏ và có nguy cơ kết thúc, thì mình đóng luôn, sau đó test và bắt đầu doanh nghiệp mới.
Khi tiếp cận theo hướng blue ocean, MVP rất hiệu quả. Nguyên do vì tìm insight mới đồng nghĩa bước chân vào thị trường lạ, độ rủi ro cao. Trước khi ra quyết định, chúng ta thường chạy khảo sát. Nhưng quan sát thói quen người dùng thì có thể thấy các nghiên cứu và khảo sát hầu như chỉ giúp làm rõ một cái gì đó mình nghi ngờ hay dự đoán, chứ nó chẳng khẳng định được điều gì.
Vậy thì ngoài khảo sát, mình cứ thử luôn bằng sản phẩm. Lúc ra Loli and the Wolf thì mình cũng tìm hiểu, tham khảo, hỏi han, nghiên cứu nhiều. Thị trường dung dịch vệ sinh vùng kín dành cho nam giới rất màu mỡ ở nước ngoài. Nhu cầu trong nước cũng có luôn.
Lúc đó, mình lên xem thử trên các sàn thương mại điện tử thì thấy lượt tìm kiếm vô cùng lớn, nhưng số lượng người bán không nhiều, mà ai đã bán thì bán rất được. Thế là mình làm MVP ngay, thử ngay. Sản phẩm thật chưa có, mình đưa mockup. Các chứng nhận đăng ký kiểm nghiệm thì “mượn” của người quen. Tùng định là nếu không ai mua thì cùng lắm xóa fanpage. Kết quả trong đêm đó đặt hàng 120 chai. Trong tháng đầu bán được 120 triệu, đến giờ cũng là vài tỉ rồi.
Tùng đã bao giờ chứng kiến một cônng ty đập đi xây lại mà “bể” luôn chưa? Những sai lầm nào dẫn tới việc này và làm sao để tránh được những sai lầm đó?
Bể thì nhiều, bể đội ngũ, bể công ty, … nhưng bể nào thì tất nhiên đều ảnh hưởng tới doanh nghiệp cả.
Sai lầm thường thấy nhất mà Tùng quan sát được trong giai đoạn này, đó là chúng ta vội vàng quá mà đi tìm giải pháp sai chỗ, từ đó áp dụng sai. Doanh nghiệp gặp khó khăn, người chủ bế tắc, gặp áp lực, không thể đưa ra quyết định, … Đây đều là những vấn đề bên trong, thế nhưng khi đi tìm câu trả lời, thì chúng ta lại đi tìm những thứ bên ngoài và mù quáng tin vào chúng.
Đó là lý do chúng ta bắt gặp rất nhiều những “diễn giả” hoặc những “người nổi tiếng” về startup chuyên thôi miên chủ doanh nghiệp. Họ có thể có kiến thức thật, nhưng thực làm thì không. Họ đưa ra những giải pháp nghe rất mới, rất hấp dẫn, và cũng… chưa từng có trong thực tế luôn.
Lâu lâu lướt Facebook hay Tiktok mình lại thấy những giải pháp như vậy đấy. Nghe hay lắm, nhưng mà tức cười, y như phim viễn tưởng vậy đó. Vậy mà giai đoạn khó khăn bủa vây này thì rất nhiều người tin vào những giải pháp đó.
Đây là giai đoạn chúng ta cần thay đổi. Để thay đổi thì cần phải làm những thứ mới. Nhưng quá trình này cần từ tốn, có quy trình, có kế hoạch. Bạn muốn đi từ A đến Z thì phải bước từng bước qua B, C, D, … chứ không vọt một phát nhảy ngay được. Bạn cần bắt đầu từ những thứ đang có.
Mình lấy ví dụ, nhiều người chưa bao giờ làm digital, nhưng giờ họ cho rằng phải thay đổi, rồi bỏ tiền ra thuê agency các thứ. Cũng được đi, nhưng vấn đề không nằm ở agency (trừ trường hợp bị lừa), vấn đề là các bạn không biết cách làm việc hiệu quả với agency vì trước giờ chưa từng làm. Kết cục là mất tiền, mất thời gian mà chẳng được gì.
Tùng có thể chia sẻ các bước lên kế hoạch cho chiến lược mới, định hướng mới trong việc xây dựng lại doanh nghiệp?
Mình xin chia sẻ luôn là cách của mình có lẽ sẽ không mấy phù hợp với các doanh nghiệp lớn. Sở trường của mình là đập đi xây lại. Nếu thấy phát triển không tốt nữa thì mình dẹp luôn để làm cái mới.
Bạn hình dung một doanh nghiệp giống một con thuyền đang đi vậy. Đến lúc đường hẹp hay gặp vật cản, bẻ nó theo hướng khác sẽ khó hơn là kiếm cái cano nhỏ chạy nhanh hơn để vượt qua khúc quanh đó.
Phương thức kinh doanh của mình là tạo cộng đồng, lấy traffic, sau đó tìm kiếm những doanh nghiệp hoặc hướng phát triển phù hợp. Do đó, cái nào chệch hướng thì mình dẹp luôn, không có lý do gì để cho nó chết rồi cứ tìm cách cứu đi cứu lại. Ngoại trừ trường hợp của Monkey in Black. Bạn nào từng kinh doanh quán cà phê có lẽ cũng hiểu, một cái quán cà phê nói lên rất nhiều điều về người chủ. Monkey in Black là nơi mang cái tôi của mình. Dù có khi lỗ vài chục, vài trăm triệu nhưng mình vẫn cố gắng duy trì để có một chỗ lui tới, ngồi ngắm người.
Sau khi dẹp rồi, thảnh thơi, mình sẽ bắt đầu đi tìm insight ở mọi nơi, mọi người. Lên shopee xem có gì mới, lên Alibaba, amazon coi có sản phẩm nào bán chạy mà Việt Nam không có; hỏi vòng vòng người quen để xem xét nguồn lực, … cho đến khi “bắt” được cái gì thấy okay thì test ngay, làm ngay.
Bình thường mới nhưng khủng hoảng cũ. Tùng có lời khuyên gì để chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh dai dẳng?
Mình chia sẻ trường hợp của một người bạn. Bạn mình có mâu thuẫn hợp đồng, kiện nhau ra tòa. Bạn mình dựa vào lý luận “dịch là điều kiện bất khả kháng”. Cuối cùng lại thua, vì tòa không xem dịch là bất khả kháng nữa.
Như vậy, mình thấy rõ là giờ mình phải chấp nhận, phải sống chung thôi. Không có chuyện “qua dịch bệnh” hay “như cũ” gì nữa. Giai đoạn này, mình biết nhiều người hoang mang lo lắng. Có người trầm cảm vì quá nhớ tiếc những cái cũ, không thể buông bỏ. Có người lại lo âu vì tương lai mờ mịt, không nhìn thấy con đường sắp tới.
Nhưng thay vì cứ ôm nỗi buồn quá khứ hay lo lắng tương lai, Tùng nghĩ tốt nhất vẫn là trang bị tâm thế sống với hiện tại, với những cái còn lại, với chính mình. Với người làm kinh doanh, người làm chủ, thì bản thân mình là một trong những nguồn lực lớn và quý giá nhất. Bạn có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ. Bạn độc nhất, và cũng rất giỏi nữa. Chỉ cần người còn thì làm gì mà không được.
Sắp tới sẽ còn nhiều khủng hoảng lớn hơn nữa, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính, y như thời Đại Suy thoái vậy. Vấn đề này khá vĩ mô nên Tùng không bàn đến nhiều. Nhưng chắc chắn một điều là sẽ có nhiều thay đổi vô cùng lớn. Không những cần chuẩn bị tinh thần để thích nghi với thay đổi, chúng ta còn cần sẵn sàng tiêu diệt những cái gì quá cũ.
Bản thân mình làm nhiều năm rồi, đóng cửa phá sản nhanh gọn lẹ. Nhưng mình cũng hiểu là với đa số thì doanh nghiệp hay sản phẩm chẳng khác gì những đứa con, thương quý vô cùng. Đó cũng là lý do Monkey in Black tồn tại được 9 năm dù cho rất nhiều lần đáng lẽ đã chết rồi.
Nhưng tiếc quá, vì giai đoạn này là giai đoạn chúng ta không có quá nhiều sự lựa chọn. Thay vì buồn, tiếc, hãy học cách để tìm hiểu thông tin, nhìn ra insight mới để sẵn sàng bắt đầu lại. Thời cơ đầy ngoài kia, việc gì chúng ta phải lo lắng về những thứ đã cũ?
Cảm ơn anh Tùng BT vì buổi trò chuyện này!
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…