Hầu hết chúng ta khi đến tuổi trưởng thành đều ít nhất đã nếm thử qua hương vị của rượu một lần. Uống rượu là một nét truyền thống văn hóa rất đẹp của Việt Nam, ông cha ta ngày trước hay có câu “Chén tạc, chén thù”. Chủ chúc khách thì gọi là “tạc”, còn khách đáp lễ lại thì gọi là “thù” và tất nhiên thù này không hề mang nghĩa tiêu cực.
Các tầng lớp đều có quyền được thưởng rượu, người nông dân thì dùng rượu trong bữa cơm thân mật. Giới doanh nhân thượng lưu thì dùng rượu trong nhà hàng để “bôi trơn” các mối quan hệ đối tác, làm tiền đề cho buổi xã giao, thấu hiểu lẫn nhau.
Đặc biệt trong giới tinh hoa ngày xưa, họ còn dùng rượu để làm chất liệu sáng tác những tác phẩm để đời, những giá trị nghệ thuật sắc sảo bay lượn mà mọi người vẫn truyền lại đến ngày nay.
Đối với phương Tây, việc thưởng rượu lại có phần nào đó cầu kỳ hơn, với họ đây là một lễ nghi xã giao rất trang trọng. Họ rất chú ý đến những lễ tiết, cách chúc rượu với bề trên. Họ thường uống rượu rất chậm, cái chính là để thưởng thức những mùi vị của một kiệt tác xa xỉ.
Không phức tạp đến thế, người Việt Nam ta lại không quá quan trọng lễ tiết mà chỉ tập trung vào không khí của cuộc vui trọn vẹn. Đối với những người bạn lâu ngày không gặp thì chẳng cần những mỹ từ gì cao sang ngoài một chữ “Dzô” to và rõ cùng tiếng chạm ly leng keng là quá đủ. Họ chẳng cần phải nói nhiều để thể hiện tình cảm của mình.
Chính nhờ sự hào sảng này mà văn hóa của chúng ta được những người bạn quốc tế rất ngưỡng mộ. Mặc dù khác biệt về mặt văn hóa, nhưng khi tìm đến chén rượu, tất cả mọi người đều muốn “vui”.
Trong văn hóa uống rượu của người Việt Nam khi xưa, lúc những người đàn ông ngồi uống rượu thì phụ nữ không được ngồi cùng. Nhưng ngày nay, xã hội càng hiện đại thì việc này hầu như không còn nữa, mọi người đều được ngồi với nhau và chung vui chén rượu để tạo sự ấm cúng trong bữa tiệc.
Nếu nói về uống rượu thì miền Bắc có chút “khắc nghiệt” hơn. Khi bạn ngồi vào bàn thì mọi người đều phải uống lượng rượu như nhau, đôi khi phải biết nhìn cấp bậc vai vế, và uống khi được người bề trên mời rượu.
Ở miền Nam, mọi thứ dễ chịu hơn một chút, mọi người có thể uống bao nhiêu tùy thích theo tửu lượng của bản thân. Bên cạnh đó, ở một số dân tộc còn có văn hóa uống rượu cần, rượu được để trong chum, sau đó mọi người dùng cần để hút rượu lên.
Khi còn bé, những đứa trẻ con đều coi những dịp ăn nhậu của cha chú là dịp lớn trong năm. Vì sao ư? Có lẽ vì khi ấy chúng ta được ăn những món ăn ngon nhất từ những người phụ nữ đảm đang trong gia đình, hương vị ấm cúng và ngọt ngào của người mẹ, người dì, người bà thân thương.
Ta còn được gặp những đứa trẻ khác cùng lứa với ta, đối với người lớn là dịp cụng ly chén rượu thì với trẻ con chúng ta khi ấy là dịp gặp nhau kéo ra vườn chơi đủ thứ trò. Ta nhìn thấy cha ta có được niềm vui sau những ngày đi làm về khuya, ta nhìn thấy mẹ đang ngồi trò chuyện liên hồi với các cô dì và bà sau bếp.
Trẻ con thì không uống rượu, nhưng không có nghĩa là bọn nhóc không “khoái” những cuộc vui này. Trừ việc bị ép ăn và hỏi về việc học tập, điểm số, những bữa ăn đầy đủ cả họ hàng luôn mang đến một cảm giác về sự an toàn, ổn định, được quan tâm chăm sóc và hình thành nên những khái niệm mơ hồ về “tổ ấm gia đình”, “tình yêu” và “hạnh phúc”… Một đứa trẻ được đùm bọc, yêu thương sẽ tươi vui, hoạt bát, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người hơn.
Khi lớn lên, trong xã hội hiện đại, chúng ta không còn cần phải loay hoay nơi gian bếp để chuẩn bị đồ ăn thức uống. Chỉ với một cú gọi, những app đồ ăn như Grab hoặc Baemin đã có thể phục vụ bất cứ thứ gì mà bạn muốn. Nhưng cái gì đã là cốt lõi thì sẽ không bao giờ thay đổi, ly rượu cùng với đồ ăn ngon, bạn bè quây quần bên nhau sau những ngày vất vả.
Một trong những điều vui nhất của những lần thấy bố, cậu và chú ngồi quây quần bên nhau không phải là rượu đầy cốc, thức ăn đầy mâm mà chính là hình ảnh đại gia đình sum vầy đông đủ. Dù đôi khi chẳng uống một ly và chỉ ngồi im nghe người lớn nói chuyện, chúng ta vẫn sẵn sàng cáo lui những cuộc hẹn với bạn bè, những bữa tối ăn hàng bên ngoài để quay về căn nhà nhỏ của mình.
Nhìn cánh đàn ông trong gia đình ngồi tụ lại với nhau, đám trẻ con nô đùa trong khi mẹ và dì bưng ra từng món ăn thơm phức, nóng hồi, người ta ý thức hơn về sự ấm áp của gia đình. Đôi khi niềm vui chỉ đến từ việc mẹ cứ lia lịa gắp thức ăn cho mọi người dù cái bắt đã đầy ụ, các bác để ý rót rượu cho nhau không để cốc của ai vơi chúng ta đã cảm nhận được mình đang được yêu thương như thế nào. Cuộc sống bận rộn là thật, nhưng những buổi uống rượu gia đình như vậy chính là quãng thời gian vô cùng đáng quý để các thành viên trong nhà tìm được tiếng nói chung, rút ngắn thế thế hệ giữa con cháu, bố mẹ và ông bà.
Có mặt tại những buổi tụ họp thế này, với một chút men rượu lắng lại trong vòm họng, bên cạnh khuôn mặt ửng hồng lên vì cồn, người ta có thể chú ý nhìn ngắm, lắng nghe nhau nhiều hơn. Đó là lúc ta bỗng nhiên biết được cuộc sống của ông bà, chú bác từng trải qua những cuộc thăng trầm biến cố ra sao để rồi sau đó nhận được những lời động viên chân tình và sự chia sẻ. Chúng ta nhận ra tóc của mọi người giờ đã bạc, lo toan vẫn nhiều nhưng yêu thương thì càng đong đầy hơn. Sự gắn kết qua chén rượu, qua những trò chơi, những cuộc trò chuyện xã giao và những thứ đó gộp lại tạo nên một văn hóa rất ấm áp, rất Việt Nam.
Mỗi một chén rượu được rót ra là một lời gửi gắm, một sợi dây kết nối bằng cả tâm hồn. Khi uống cạn một chén rượu người ta không chỉ uống để say mà còn là để giữ lại cảm xúc, những câu chuyện và cảm giác yên ấm vào sâu trong lòng. Khi đó từng bộ quần áo hào nhoáng, các quán bar sang trọng, những ly cocktail đắt tiền đều trở thành một thứ gì đó xa vời nhường chỗ cho một thứ gọi là cội nguồn, là chỗ nương náu quen thuộc, gần gũi, là nơi chúng ta trở về và không cần gồng mình lên để cố trở thành bất cứ điều gì mà xã hội yêu cầu.
Ngay từ thời nguyên thủy xa xưa, người ta đã có câu “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không thành lễ). Rượu thường được ông cha ta sử dụng vào hầu hết những dịp lớn trong năm như cưới hỏi hoặc lễ tết.
Trong đám cưới, trước khi về nhà chồng thì con gái phải mời rượu cha mẹ “Rượu lưu ly chân quỳ tay rót, cha mẹ uống rồi dời gót theo anh”. “lưu ly” ở đây có thể hiểu hiểu là giờ phút thiêng liêng, cha mẹ mừng cho người con thành “gia thất”. Còn trong ngày lễ tết, rượu thường được dùng để gắn kết mọi người lại với nhau và dùng làm phần thưởng cho các trò chơi dân gian.
Như đã nói ở trên, giới tinh hoa thường hay gọi rượu là bạn, vì dường như trong rượu có một sức mạnh gì đó khiến những bậc anh tài thêm phần sáng tạo, thổi hồn vào những tác phẩm để con cháu lưu truyền.
Nguyễn Trãi thường hay dùng rượu trong thơ của mình như một hình tượng quen thuộc: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”, dụng ý của ngài là uống rượu cũng chẳng khác uống trăng là bao.
#Good9 là nơi chúng mình chia sẻ những văn hóa thú vị khi “màn đêm trỗi dậy”. Good9 ở đây không phải là chúc ngủ ngon, mà có nghĩa là “chào buổi tối” – một lời chào thân mật của tụi mình hoan nghênh bạn đến với thế giới nightlife.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…