Giống như bất cứ loại hình nghệ thuật nào, văn học cũng có dòng chảy và những câu chuyện của riêng mình. Và trong sự phát triển đó, văn học trẻ Việt Nam đã tự phác hoạ cho mình một bức tranh với vô vàn màu sắc.
Năm 2006, Trần Thu Trang phát hành tiểu thuyết “Phải lấy người như anh.” Đây gần như là một cuốn sách đầu tiên đi ra từ trang mạng và gặt hái được rất nhiều thành công cả vệ mặt doanh thu lẫn sự đón nhận của độc giả. Năm 2007, tiểu thuyết dị bản của Keng nổi lên trên mạng Internet như một hiện tượng mới với những chủ đề được coi là khá nhạy cảm trong thời điểm đó như: Sex, lesbians, tình yêu cấm kị và một câu khuyến cáo tương đối khiêu khích, được coi là “đặc sản” giật gân, câu khách của ngành quảng cáo: “Chỉ đọc khi 18 tuổi.” Cuốn sách vừa ấn hành sau ba tuần đã lập tức được tái bản. Các nhà phê bình cho rằng những thông điệp trong cuốn sách này rất mờ nhạt, “có chăng là ý thức nổi loại nhưng lại không biết nổi loại vì cái gì? Liệu đây có phải một kiểu dị bản của văn hoá đọc?”
Tháng 5-2008, lần đầu tiên văn học mạng trở thành chủ đề chính trong một tạp chí học thuật hàn lâm – Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, trong thời điểm đó, rất nhiều những tranh luận về giá trị, chất lượng của những tác phẩm được viết bởi những nhà văn trẻ, đang xuất hiện với tần số cao qua rất nhiều các kênh truyền thông. Đa phần những quan điểm đều bị bỏ ngỏ và ngay cả phương diện cơ bản nhất: “Định nghĩa” cũng chưa có một kết luận cuối cùng.
Người ta tranh cãi rằng liệu có phải văn học mạng là nơi để bất cứ ai cũng có thể viết, các tác phẩm được tạo ra không cần quá trau chuốt, tác giả là những người viết nghiệp dư, lười nhác bất cẩn khi viết rồi đăng thẳng lên mạng mà không qua bất cứ công đoạn biên tập nào hay không? Nhiều ý kiến cho rằng nhiều bài viết đều có ngôn từ khá sơ sài, như một dạng nhật ký cá nhân hoặc “văn chương thị dân,” nhằm thoả mãn nhu cầu giải trí, giết thời gian của độc giả. Một vài người lại cho rằng đây là một hình thức truyền tải văn học mới, nơi những tác phẩm có chất lượng, được biên tập và trình bày để vận hành thông qua một kênh phát hành khác hẳn sách giấy và báo in.
Trong bối cảnh đó, một nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng người chăm tên là Inrasara (2 lần đoạt Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam (1997- 2003) và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005 tại Thái Lan) đã nói rằng:
“Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của Internet, xử lí thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng… Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi in ra giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!”
Bất chấp những tranh cãi vậy, các tác giả trẻ Việt Nam vẫn như choàng tỉnh trước một công cụ hỗ trợ sáng tác tuyệt vời mang tên Internet. Hoàng loạt các tác phẩm của Văn học trẻ Việt Nam đã được được các nhà văn trong nước thử nghiệm trong môi trường phát hành mới như tiểu thuyết “ Cho em gần anh thêm chút nữa” (2009) được đăng trên blog Yahoo 360 độ của Gào, “Tớ là Dâu” của chàng trai Canada Joe Ruelle (đang sống và làm việc tại Việt Nam) hay “Chuyện tình Newyork” của Hà Kin đều đồng loạt nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, tạo nên một tiếng nói rất riêng và rõ ràng trong làng văn chương Việt. “Phải lấy người như anh” (tác giả Trần Thu Trang) đã bán được trên 10.000 bản trong 3 năm, “Nhật ký tình yêu TIO”, “99 tuần buôn chuyện” và “Cocktail cho tình yêu” của nhà văn này cũng bán được trung bình 3.000 bản/năm. Hay “Dị bản” (tác giả Keng) đã bán trên 12.000 bản chỉ trong 1 năm. Tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” của nhà văn Di Li cũng phát hành được 5.000 bản trong 1 năm.
Bất chấp những con số biết nói này, văn học mạng Việt Nam vẫn phải đón nhận khá nhiều định kiến. Một bộ phận không ít các tác giả và độc giả coi đây là loại văn chương không chính thống, mang tính chất tham khảo trong đời sống học thuật. Những tác phẩm này được với độc giả đa phần là nhờ những chiêu trò câu khách, giật gân trên mạng xã hội.
Trước những tranh cãi này, nhà văn Trang Hạ cũng đã từng lên tiếng :
Để kết lại cho sự thành công của của văn học mạng và văn học trẻ Việt, ta có thể nói: Bên cạnh sự tiện lợi của internet, khả năng thích ứng nhanh của những người viết trẻ, còn phải kể để sự ủng hộ của thanh niên Việt Nam, những con người của thế hệ “dân số vàng” đã đưa hình thức văn học này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. “trên mạng độc giả quyết định tất cả… Với văn học mạng, giá trị được đo bằng độc giả, có độc giả là có tác phẩm. ở đây không có chiếu trên, chiếu dưới, không có đẳng cấp, thứ bậc, mà chỉ có được đón nhận hay không được đón nhận.” Trong sự định hình chưa được công nhận đó, văn học mạng non trẻ đã hoàn thành vai trò được đón nhận của mình.”
Một trong những nhận xét thường thấy nhất khi nói về văn học trẻ Việt Nam chính là ít vốn sống, bút pháp tương tự nhau, áng tác loay hoay trong những mảng đề tài quen thuộc. Một số nhận định khó tính hơn còn cho rằng văn học trẻ xuất hiện như một sự xỉ nhục với nền văn học nước nhà, bởi các tác phẩm thiếu sự sâu sắc, tư duy hời hợt. Những cuốn sách thường nằm trong một mớ bong bong cảm xúc của tuổi trẻ, tình đơn phương, tình cảm không tên, cảm giác thất tình, tuyệt vọng rồi nỗi cô đơn. Đến nỗi nhiều người còn dùng một cụm từ “bội thực nỗi buồn” cho nền văn học trẻ Việt.
Nhận định đó không phải là không có cơ sở, khi dạo quanh nhà sách độc giả có thể dễ dàng thấy những cuốn sách được bán chạy nhất đều là những tác phẩm liên quan đến sự lạc lõng của tuổi trẻ trong thời đại đô thị hoá như: Buồn làm sao buông, Ai rồi cũng khác, Người lớn cô đơn, Người yêu cũ có người yêu mới, Lưng chừng cô đơn…
Những nhà văn trẻ sinh năm 70 của thế kỷ trước lớn lên trong một thời kỳ đặc biệt – khi họ là nhân chứng theo dõi sự chuyển mình của một quốc gia. Ở thời điểm đó vết sẹo của chiến tranh, sự ám ảnh của quá khứ vẫn còn đang song hành cùng những nỗ lực phục hồi chậm dãi về mặt tâm lý trong thời kỳ mở cửa. Con người có thời gian để nhìn nhận về quá khứ và định hình tương lai. Các tác phẩm của “tác giả trẻ” trong giai đoạn này được cho có chiều sâu và phản ánh xã hội chân thực một phần xuất phát từ việc độc giả có thời gian nhìn nhận những vấn đề xung quanh mình và lắng nghe cảm xúc của bản thân.
Bên cạnh đó, sự hạn chế của các nhà xuất bản cũng như công cụ xuất bản cũng cho phép người viết được chậm dãi cảm nhận suy nghĩ cá nhân, truyền đạt tư tưởng của bản thân một cách từ tốn, chăm chút nhất. Nhờ vậy, những đề tài được lựa chọn thường sẽ có tính chuẩn mực, khuôn mẫu hơn, bám sát cá giá trị của đời sống và lịch sử.
Những nhà văn trẻ 8x, hay 9x lại trưởng thành ở môi trường hoàn toàn khác. Những người trẻ ở giai đoạn này lớn trong thời điểm kinh tế thị trường phát triển thần tốc, Internet tràn vào Việt Nam mở ra một bức tranh với những mảng màu mới, ào ạt thay đổi hoàn toàn xã hội hội. Chúng ta cùng đón nhận rất nhiều câu chuyện, vấn đề mới mẻ, khác hẳn những chất liệu cũ vốn đã thấm sâu vào sáng tác và tạo được một bề dày trong lịch sử văn học Việt Nam.
Trong vòng quay cuộc sống quá nhanh, người trẻ gần như không có thời gian để buồn một cách trọn vẹn. Khi gặp một cảm xúc tiêu cực hay sự bối rối về mặt tâm lý thế, hệ 8x, 9x thường không có thời gian để sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Họ lập tức phải dẹp nhưng băn khoăn của bản thân sang một bên để tập trung cho việc học tập, công việc hay bắt kịp những chuẩn mực đạo đức mới. Đấy chính là lý do tại sao họ phải tìm đến văn học trẻ Việt như một sự cân bằng tâm lý cho chính mình.
Đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ Việt, độc giả nhìn thấy được những cảm xúc bị chính bản thân thờ ơ.
Những cảm xúc này không cần được viết ra bằng những ngôn từ mỹ miều, nhiều tầng nghĩa hay các câu chuyện mang tính ẩn dụ. Độc giả trẻ cần một bức tranh tối giản, rõ ràng, cho phép họ được phép nhìn cuộc đời mình dưới góc nhìn kín đáo, đơn giản hơn. Ở đó, những nỗi buồn, sự hụt hơi khi phải chạy theo các quan điểm xã hội được đồng cảm và chia sẻ một cách thẳng thắn. Khi cuộc sống vốn đã quá phức tạp, cảm xúc bị dồn nến, thế giới nhuốm màu thương mại, đâu đâu cũng có sự e dè, hoài nghi, sáng tác của các tác giả trẻ cho phép người đọc của giai đoạn này có khoảng thở cần thiết cho niềm uẩn ức bị cất giấu của mình.
Hầu như các tác giả trong thể loại văn học trẻ Việt Nam đều có kiến thức văn hoá và nền móng rất tốt. Phan Ý Yên có thời gian dài sống ở Châu Âu và hiện đang đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong các tạp trí lớn. Hamlet trương là một người viết đa tài, hoạt động ở nhiều lĩnh vực như nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ với nhiều tác phẩm được biết đến như Bụi bay vào mắt, Em, anh và cô ấy, Yêu đi rồi khóc, Bỗng dưng hết yêu… Nguyễn Ngọc Thạch lại sở hữu sự kiên nhẫn và chăm chỉ khi chỉ trong một năm anh đã xuất bản bảy đầu sách đều là bestseller. Do đó họ thường có những góc nhìn khá đa dạng, biết nắm bắt tâm lý người đọc và linh hoạt trong việc sử dụng khả năng của mình để đưa ra một tác phẩm phù hợp với độc giả nhất.
Ở mỗi thời kỳ khác nhau, các nhà văn sẽ cần phải phản ánh những vất đề mang tính thời đại khác nhau. Có giai đoạn, người viết sẽ miệt mài kể về chiến tranh và người lính, như thể đây là nỗi quan tâm lớn nhất của một xã hội. Sẽ có thời gian mà người ta sẽ tập chung viết về đói nghèo, bất công xã hội, những tổn thương sau chiến tranh. Trong hơn một thập kỷ trở lại đây khi kinh tế xã hội đã ổn định, cuộc sống đầy đủ hơn, sự phân biệt xã hội bị rút ngắn lại, con người sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác. Dù bị coi là văn chương mì ăn liền, văn học trẻ Việt vẫn đã làm tốt vai trò kết nối với độc giả ở thời đại của mình.
Nhiệm vụ lớn nhất của văn chương giúp cho người đọc cảm thấy được chia sẻ và thấu hiểu, là tiếng nói không chính thức của độc giả. Thông qua văn học Việt Nam trẻ giai đoạn này, người trẻ được học cách chấp nhận con người thật của mình, tư duy một cách tự tin hơn thay vì lo lắng và hoài nghi về cảm xúc của chính mình.
Có thể nói Văn học trẻ Việt Nam 10 năm trở lại đây luôn có ý thức làm mới mình và tìm mọi cách để mở rộng tính đa dạng của đề tài. Xuất hiện ban đầu với những tác phẩm tiểu thuyết về tình yêu, giờ đây độc giả có thể dễ dàng nhìn thấy sự mở rộng của các loại hình văn học khác như tản văn với các tên tuổi như Hạ Vũ, Anh Khang, Iris cao.
Tiếp nối thời kỷ bùng nổ của tản văn, làng văn học trẻ Việt Nam lại được thổi vào làn gió mới nhờ các tiểu thuyết du ký với trải nghiệm vươn ra khỏi biên giới Việt Nam như “Xách balo lên và đi” được xuất bản vào đầu năm 2012. Tác phẩm mang tới cho giới trẻ một thông điệp dám nghĩ, dám làm, dũng cảm khám phá thế giới. Dù nội dung gây nhiều tranh cãi, song tác phẩm vẫn được xem là hiện tượng lúc bấy giờ. Phát súng mở màn của thể loại văn học trải nghiệm này đã tạo đà cho rất nhiều cuốn sách cùng đề tài khác như “Con đường Hồi Giáo” của Nguyễn Phương Mai khi góc nhìn của độc giả về Trung Đông vẫn còn mơ hồ như một tờ giấy trắng. Hay tác phẩm “Hẹn hò với Paris” của Trương Anh Ngọc đã được tái bản ngay trong ngày ra mắt.
Các tập thơ của văn học trẻ Việt Namcũng có chỗ đứng của riêng minh. “Đi qua thương nhớ” của Nguyễn Phong việt đã lập kỷ lục với 10,000 cuốn bán trong hết 50 ngày hay “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” là tập thơ bán chạy nhất năm 2015 với 2.000 bản được đặt trước khi tác phẩm ra mắt. Tổng cộng, kể từ khi phát hành, cuốn sách đã được tái bản với 10.000 bản in và trở thành một trong những tập thơ thành công nhất của Nguyễn Thiên Ngân. Hoặc phải kể đến cuốn sách “Ra vườn nhặt nắng” với những bài thơ thiếu nhi nhưng lại là tấm gương phản ánh tuổi thơ của người lớn vừa được tái bản năm 2016 thông qua việc gây quỹ. So với mục tiêu đặt ra ban đầu là kêu gọi được 100 triệu đồng, cuốn sách đã được xuất bản nhờ vào 250 triệu đồng từ hơn 650 độc giả sẵn sàng đặt sách trước khi ra mắt trong chưa đầy hai tháng.
Trước sự đa dạng về các thể loại văn học trẻ Việt Nam sự đón nhận của độc giả, chất lượng của các tác phẩm này vẫn là điều gây nhiều tranh cãi. Đối diện với những đánh giá khắt khe này, Văn học trẻ Việt Nam lại một lần nữa có những sự nỗ lực, ghi lại giấu ấn cá nhân trên văn đàn Việt thông qua những sân chơi chính thống hơn, tiêu biểu như cuộc thi “Văn học tuổi 20” với hội đồng đánh giá gồm những nhà văn, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học có uy tín trong giới văn đàn Việt Nam như nhà phê bình văn học PGS.TS. Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Nhà văn Phan Hồn Nhiên.
Những tác phẩm trong cuộc thi thường được đánh giá cao về ngôn ngữ, cách triển khai nhân vật, câu chuyện có chiều sâu và đề tài phản ánh được nhiều khía cạch mới của xã hội. Đó có thể là Nguyễn Ngọc Thuần với giọng văn trong trẻo, mới lạ, ngơ ngác của “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Một thiên nằm mộng” v.v… Hay Nguyễn Minh Nhật với “Người Ngủ Thuê.” Anh đã khai thác một đề tài mới lạ, kể về một xã hội bận rộn với những phát triển vượt bậc về mặt công nghệ, cho phép người ta làm nghề ngủ thuê cho những khách hàng không muốn mất thời gian ngủ.
Bên cạnh nxb trẻ, Nhã Nam cũng là một trong những đơn vị phát hành sách uy tín, tập trung vào việc nâng cấp nền văn học trẻ Việt Nam. Với khâu kiểm duyệt tương đối “khó tính,” những tác phẩm như “Mộ phần tuổi trẻ” của Huỳnh Trọng Khang, “Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới” của Nguyễn Hải Nhật Huy đã ra đời. Nếu Mộ phần tuổi trẻ của Khang gây ấn tượng mạnh trên văn đàn Việt Nam bởi tác phẩm đầu tay của chàng trai 20 tuổi này cứ ngân vang mãi một cảm xúc kì lạ cho người đọc về sài gòn trước năm 1975, thì “Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới” lại là bức tranh trần trụi về một đô thị thơm tho, sạch sẽ được bao trùm bởi vô số những mánh khoé không mấy lành mạnh của giới truyền thông và ngành quảng cáo.
Năm 2019, Nhã Nam ra mắt, “Nhã Nam Xanh”- tủ sách tiếng Việt của những người trẻ viết về người trẻ. Tác phẩm mở màn là tiểu thuyết “Em chỉ nói những điều họ muốn” với nội dung về vấn nạn bắt nạt trên mạng xã hội khi một cộng đồng luôn chực chờ trong tay một hòn đá, sẵn sàng ném vào bất cứ ai khi rảnh rỗi lướt màn hình điện thoại.
Năm 2014, ‘Buồn làm sao buông‘ của Anh Khang tính đến năm 2017 đã in được 70.000 bản sách, Năm 2015, cặp tác giả Hamlet Trương và Iris Cao cho ra đời tập tản văn ‘Ai rồi cũng khác‘ cán mốc 20.000 cuốn trong lần đầu xuất bản. Năm 2017, Nguyễn Ngọc Thạch xuất bản tác phẩm ‘Thất tình cũng không sao,’ ngay từ khi chưa ra mắt, cuốn sách đã lập tức bán được 6000 bản. Tiếp nối danh sách những cuốn sách có lượng tiêu thụ lớn là Tờ Pi với tác phẩm “Tạm biệt em ổn” từng lập kỷ lục 20.000 bản phát hành trong năm 2015.
Tất cả các con số này đều được coi là dấu mốc thành công và niềm động lực cho các tác giả trẻ tiếp tục cố gắng và cải thiện các tác phẩm của mình. Tuy nhiên trong mắt các nhà chuyên môn cùng những độc giả khó tính đây đây chính là bằng chứng cho sự xuống cấp của văn hoá đọc. Các tác phẩm văn học Việt Nam vốn phải là một cái gì đó trang trọng hơn, nay lại trở thành một sản phẩm bình dân – thứ đối lập với văn hoá cao cấp, văn hoá hàn lâm.
Những cuốn sách Bestseller, bán chạy nhất… được cho là chỉ có tính chất thương mại, được tiêu thụ mạnh nhờ cách sản xuất rập khuôn, xuất bản hàng loạt. Những định kiến dạng này dường như xuất hiện trong mọi loại hình nghệ thuật. Đối với điện ảnh, đó có thể là những phim bom tấn bị dán mác giải trí như phim siêu anh hùng của Marvel, loạt phim “Nhiệm vụ bất khả thi”, “Fast and Furious”. Trong âm nhạc thì là Pop, Rap. Đối với truyền hình thì là các chương trình hài nhảm, truyền hình thực tế, gameshow. Thậm chí đến những tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới với bề dày về nội dung như Harry Potter, Game of Throne, Lord of The Ring cũng không hề được xếp vào dòng văn học cao cấp.
Thành công của những tác phẩm văn học trẻ được xem là sản phẩm truyền thông bởi hầu hết các tác giả đều đã là “ngôi sao facebook” từ trước khi khi phát hành sách. Một vài tác giả thậm chí còn cố tình tạo ra các vụ bê bối để thu hút sự chú ý của độc. Chưa kể, các đơn vị phát hành còn góp phần không nhỏ vào việc đưa văn hoá đọc xuống thấp bằng cách tổ chức các sự kiện giảm giá sách tràn làn khiến cho độc giả thay vì chú ý đến nội dung lại có xu hướng tập chung vào yếu tố “rẻ” và chờ sách hạ giá mới mua.
Tuy nhiên có một sự thật rằng không thể bỏ qua rằng, những tác phẩm được cho là “sản phẩm thương mại” của nhiều tác giả trẻ chính là tiền đề và là sự tích luỹ tài chính cho việc xuất bản các tác phẩm được coi là cao cấp. Đứng ở góc độ của nhà phát hành, để có thể giới thiệu những tác phẩm kinh điển, hàn lâm… một phần lớn chi phí được dựa trên lợi nhuận thu được từ các tác phẩm đại chúng. Mặc dù trong thực tế, lằn ranh để phân biệt đâu là một tác phẩm văn học thương mại và một tác phẩm văn học chính thống vấn còn rất mù mờ và thiếu những định nghĩa rõ ràng.
Đứng dưới góc độ người đọc, hiện nay vẫn chưa có một bằng chứng rõ ràng hay một khảo sát cụ thể nào cho thấy văn hoá đọc đi xuống. Một người đọc những cuốn tản văn nhẹ nhàng hay những cuốn sách của người trẻ để tìm sự đồng cảm, thả lỏng tâm chí không đồng nghĩa với việc từ chối dành thời gian thưởng thức “451 độ F” hoặc “Giết con chim nhại.” Chưa kể đến, nếu một tác giả chỉ có thể thu hút người đọc ban đầu bằng sự tò mò và những chiêu trò quảng bá chứ không phải bằng chất lượng sản phẩm, thì chắc chắn những tác phẩm sau của họ sẽ không thể giữ chân người độc giả.
Lý do lớn nhất để yêu thích việc đọc là bởi thông qua đó, ta có thể giao tiếp gián tiếp với chính mình cũng như những người xa lạ. Đối với mỗi độc giả, sách chính là một dạng kết nối. Người ta không thể nào đọc một cuốn sách mà không thấy đồng cảm hoặc nhận ra một điều gì đó có ý nghĩa. Một cuốn sách không được sinh ra để dựng nên rào cản với mọi người xung quanh. Khi Shakespeare sáng tạo thơ Iambic 5 âm tiết hay một tác giả trẻ sử dụng những ngôn ngữ đời thường, không ai trong số họ viết ra những con chữ để độc giả của mình bị đánh giá về “văn hoá”. Nếu một người đọc có một trải nghiệm tốt, cảm giác hài lòng vượt cả chất lượng của tác phẩm và ý đồ của tác giả, thì độc giả vẫn là người hưởng lợi. Bởi như đã nói ở trên, mục đích lớn nhất của tất cả mọi cuốn sách vẫn là thoả mãn nhu cầu cảm xúc của người đọc.
Sau hơn 1 thập kỷ, rõ ràng văn học trẻ Việt Nam đã làm tốt vai trò của mình. Tiếng nói của từng tác giả đã đến với đúng người đọc, nói rõ được những vấn đề và cảm xúc mà những người đồng thế hệ mình đang cảm thấy. Tuy nhiên, mọi tác giả đều sẽ phải lớn lên theo lứa độc giả của mình. Một nhà văn trẻ khi sáng tác tiểu thuyết cho tuổi 20 sẽ cần phải trưởng thành hơn, có những góc nhìn khác hơn, sử dụng ngôn từ phong phú hơn khi anh ta “đặt bút” viết một cuốn sách khác ở tuổi 30. Việc nhận định giá trị của một thế hệ văn học cần phải có một độ lùi nhất định của thời gian cũng như nhiều khía cạnh khách quan khác để đánh giá.
Xem thêm:
Nhân loại sẽ làm gì với những giấc mơ của người khác
9 loại cảm xúc có thể bạn đã gặp năm nay nhưng chưa biết gọi tên là gì
Âm nhạc có thể gây tổn hại cho con người không?
Đàn ông thích tình dục, phụ nữ cần tình yêu… phải không?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…