Lifestyle

Vì sao chúng ta xấu hơn trong các bức ảnh chụp?

‘Nếu nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, thì chắc chắn các bức ảnh chụp tôi phải là tuyệt tác của nhân loại, bởi vì chúng nó dối gạt về nhan sắc của tôi quá đáng lắm.’  

Thế bạn có nghĩ đến trường hợp ngược lại – không phải hình ảnh, mà chính đôi mắt bạn mới là kẻ nói dối mỗi ngày?

Hình ảnh là phiên bản 2-D của đời thực

Con người, như hầu hết các loài động vật khác, có hai mắt. Điểm khác biệt là hai mắt của người nằm phía trước. Nhờ vị trí này, mỗi bên mắt người có thể quan sát cùng một vị trí từ những góc độ khác nhau. Tầm nhìn từ cả hai mắt bổ sung cho nhau – bên này sẽ thu nhận những thông tin hình ảnh mà bên kia không bắt được. Để dễ hình dung, hãy thử lần lượt nhìn vào một vật cố định chỉ với một bên mắt, sau đó so sánh 2 hình ảnh này với nhau.

Những gì chúng ta nhìn thấy hàng ngày là thành quả lao động của bộ não – kết hợp hình ảnh từ mỗi bên mắt và tự động loại trừ những vật cản không cần thiết, ví dụ như mũi (chúng ta sẽ nhìn thấy chóp mũi của mình dễ dàng hơn khi nhắm một mắt lại đấy, thử xem). Thế giới trong mắt chúng ta là một dạng hình ảnh nổi 3-D.

Trong khi đó, camera máy ảnh chỉ có một ‘mắt’. Những gì chúng ta thấy trong ảnh chỉ là phiên bản 2-D của đời thực mà thôi. Điều này có nghĩa là một số đặc điểm của bạn sẽ bị ‘ủi phẳng’ hoặc trông biến dạng hơn so với ngoài đời. Ngoài ra, tùy thuộc vào độ dài tiêu cự và vị trí của bạn so với ống kính mà hình ảnh cho ra cũng sẽ khác nhau, ảnh hưởng đến chất lượng nhan sắc của người trong ảnh.

Ảnh: John Carnessali

Chúng ta quen với hình ảnh mình trong gương hơn

Con người soi gương nhiều hơn chụp ảnh, và hình ảnh phản chiếu này, mặc dù là phiên bản lật ngược, lại là phiên bản ‘gương mặt của chính mình’ quen thuộc với chúng ta nhất. Không phải tự nhiên mà người xưa lại bảo ‘Nhất cự ly, nhì tốc độ’ – khoảng cách càng gần, cơ hội tiếp xúc càng nhiều thì càng dễ ‘iu’. Tâm lý học gọi đây là hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect).

Vì đã quá quen (thậm chí ưa thích) hình ảnh ‘em trong tấm gương’, khi nhìn bản thân trong các bức ảnh chụp, chúng ta sẽ tự động cảm thấy… khó ở, vì mình trong hình bị lật ngược so với mình trong gương. Đây cũng là lý do khiến bạn dễ có cảm giác mình luôn là người kém ăn ảnh nhất nhóm, khi khuôn mặt của mọi người xuất hiện theo đúng cách mà bạn nhìn thấy họ trước giờ, chỉ có mỗi bạn là thành ra xa lạ. Đừng lo, vì biết đâu những người còn lại cũng có cùng suy nghĩ như vậy đấy.

Ngoài ra, khi soi gương, nếu có điểm nào không hài lòng, bạn sẽ vô thức tự điều chỉnh góc độ để hình ảnh thu được là đẹp nhất có thể. Nhưng khi người khác chụp ảnh cho thì không thế – hoặc họ không biết được góc đẹp của bạn, hoặc họ căn chỉnh để lấy góc đẹp theo cách họ nhìn thấy bạn. Vì thế, tốt nhất nên chụp nhiều hình ảnh từ các góc độ hoặc với các tư thế khác nhau, để có thể chọn ra bức ảnh ưng ý nhất.  

Tóm lại, chúng ta quen thuộc với hình ảnh của mình trong gương. Đáng tiếc, hình ảnh này vô tình bị thổi phồng bởi phản ứng tự điều chỉnh trong vô thức và hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên. Chân dung ‘kém sắc’ trong những tấm ảnh chụp hóa ra mới là cách ta xuất hiện trong mắt người khác. (Trừ trường hợp ai đó có một khuôn mặt đối xứng hoàn hảo, thì cho dù là trong gương hay trong ảnh, mắt mình hay mắt người, lật ngược hay lật xuôi thế nào trông cũng chẳng khác gì nhau.)

Từ trái qua: Khuôn mặt thật, khuôn mặt nếu đối xứng trái, khuôn mặt nếu đối xứng phải | Ảnh: Eray Eren, dự án Asymmetry

Ảnh hưởng của đèn flash

Khi nhìn các vật thể trong đời thực, não và mắt sẽ làm việc cùng nhau, tự động điều chỉnh nhằm bắt được hình ảnh vật thể một cách rõ ràng và chân thực nhất. Nhưng khi nhìn ảnh chụp, tất cả những thứ từ chủ thể, ánh sáng, bóng râm, cho đến sắc thái màu sắc trong ảnh lập tức trông mất tự nhiên, không còn đẹp mắt nữa, vì lớp filter tinh thần lúc này đã biến mất.

Chuyện sẽ tệ hơn nữa nếu bạn chụp hình với đèn flash ở nơi thiếu sáng – da dẻ bóng nhờn lên, các góc trên mặt bị vuốt nhọn, bao nhiêu thứ xấu muốn che giấu thi nhau hiện hết cả ra. Vì thế, nếu không muốn trông già đi 7, 8 năm, hãy chụp ảnh ngoài trời với ánh sáng tự nhiên, hoặc ít nhất là ở nơi có đủ ánh sáng.

‘Cười lên nha… Đếm nha…’

Nhiều người không quen tạo dáng, thậm chí không quen cười khi chụp ảnh. Cười là một trong những hình thức giao tiếp nguyên thủy nhất của con người, cũng là một trong những thứ bị ‘làm giả’ nhiều nhất. Không phải cái cười nào cũng thật lòng đâu! ‘Nụ cười tạo dáng’ là một trong số đó. Càng giữ yên miệng cười lâu chừng nào thì bạn trông sẽ càng ‘giả trân’ chừng nấy. Nhất là khi chụp ảnh nhóm, ‘cười’ mỏi cả miệng rồi mà mọi người còn chưa xếp đội hình xong, mệt mỏi dễ sợ!

Thực tế, không phải chỉ cười mới đẹp. Nếu không quen cười, bạn hoàn toàn có thể không cười. Thay vào đó, hãy thử nghiệm để tìm ra tư thế thoải mái nhất của mình. Mỗi khi cần chụp ảnh, cứ thư giãn hết mức có thể để sản phẩm cuối cùng không phải là một khuôn mặt trông kém duyên hay thiếu tự nhiên. Nếu không biết tạo dáng thì chỉ cần tập nhìn thẳng, cằm hơi hướng ra, và đừng để vai đổ về phía trước là được.

Ảnh: Harry Guinness

Ảnh chụp ‘đông cứng’ khoảnh khắc

Phi công Air Force có thể bắt chuẩn hình ảnh máy bay trong một bức ảnh chỉ được hiển thị trong 1/220 giây. Thực tế, một người bình thường không lái máy bay chiến đấu cũng có khả năng tương tự. Chúng ta có thể nhìn ra những thay đổi vi tế nhất trong từng ‘khung hình’ khác nhau. Tuy nhiên, một lần nữa, bộ não lại lên tiếng ‘Ủa ai rảnh?’

Khi bạn nhìn người khác, thay vì tập trung chú ý vào từng cái co giật của mắt hay hàng trăm chuyển động khác nhau của cơ mặt mỗi giây, não sẽ tự động loại bỏ các sai lệch, trả về một kết quả ‘trung bình cộng’ của những hình ảnh mà mắt bắt được. Vì thế, cái bạn nhìn thấy thực chất là một phiên bản đã qua chỉnh sửa của đối phương mà thôi.

Với máy ảnh thì khác. Những bức ảnh chụp làm ‘đông cứng’ một khoảnh khắc cố định, cùng với đó là những thay đổi xảy ra chỉ trong khoảnh khắc đó – thứ mà bình thường chúng ta không hề để ý. Vì thế, lời khuyên ở đây là cứ nhấn nút chụp nhiều lần nhằm bắt được nhiều khung hình nhất có thể. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể chụp đến hàng trăm bức ảnh trước khi chọn được tấm hình hoàn hảo.

Ảnh: Harry Guinness

Những so sánh không thật

So sánh cũng là một nguyên nhân khác khiến chúng ta thấy mình trong ảnh sao mà xấu ‘xúc phạm người nhìn’. Khi nhìn một bức ảnh, chúng ta có xu hướng tự động so sánh nó với những bức ảnh khác mà mình biết rõ. Vậy bạn ‘biết rõ’ ảnh của những ai?

Chúng ta quen nhìn mình trong gương, quen nhìn khuôn mặt người khác qua sự chỉnh sửa của não, và quen nhìn những hình ảnh đẹp đẽ hoàn mĩ nhưng không biết là thật hay ảo trên trang tạp chí, trên biển quảng cáo, trên mạng xã hội. Đây là lúc thích hợp để nhắc nhở chính mình, rằng ‘Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối.’ Những gì chúng ta nhìn thấy quả thật vô cùng xinh đẹp, quyến rũ, đáng mơ ước, nhưng những hình ảnh đó không nhất thiết phải là sự thật.   

Cũng vậy, bạn hoàn toàn chẳng xấu xí khó ưa như bạn nghĩ đâu!

(Tham khảo: ZME Science, Times of India)

Xem thêm:
Nestle và nỗ lực thay đổi nhận thức về cà phê của cả một đất nước
Tính cách thay đổi, liệu sự nghiệp của bạn có thay đổi theo hay không?
So sánh cảm xúc – Đã đến lúc chúng ta ngừng cuộc đua ‘Xem ai đau hơn nào’

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

22 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago