Lifestyle

Vì sao bên ngoài càng tĩnh lặng, bên trong càng nổi sóng?

Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với sự tĩnh lặng, hoặc nếu những khoảng lặng là thủ phạm khiến bạn thấy cô đơn, sợ hãi, làm bạn nhớ lại những tổn thương quá khứ mình cố gắng lảng tránh,… thì đây là bài viết dành cho bạn.

Khi chạy xe trên đường, bạn lẩm nhẩm theo giai điệu những bài hát đang nghe trên Spotify. Về đến nhà, bạn lập tức mở TV và cứ để nó như thế trong lúc dọn dẹp, nấu nướng, ăn uống, rửa bát. Tối muộn, bạn mang đồ cho vào máy giặt và cuối cùng là đi tắm, không quên mở điện thoại để nghe nhạc hoặc podcast. Bạn sẵn sàng trả phí Spotify Premium để có thể tải nhạc nghe offline mọi lúc, và tai nghe là một trong những vật bất ly thân khi ra đường.

Lần cuối cùng bạn trải nghiệm sự tĩnh lặng hoàn toàn là khi nào? Bạn có còn nhớ cảm giác thiếu vắng âm thanh, cả bên ngoài lẫn bên trong của bạn không? Không ít người trong chúng ta sợ trạng thái yên lặng, cảm thấy khó chịu khi cho rằng “xung quanh mình chẳng còn âm thanh”, nhiều người còn đánh đồng yên lặng với nguy hiểm và phiền phức.

Nhưng nếu thật sự hiểu được giá trị của sự tĩnh lặng, có lẽ chúng ta sẽ thôi không tìm cách né tránh nó mỗi lúc có thể nữa (cũng như tiết kiệm được một mớ chi phí tiền điện mỗi tháng). 

Sợ hãi sự tĩnh lặng

Dấu hiệu của sự sợ hãi này không khó để nhận thấy. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Chúng ta tự bao bọc lấy mình với những thiết bị chuyên dùng để kích thích thị giác và thính giác. Những tiếng ồn bên ngoài (external noise) xuất hiện trong hầu hết các hoạt động đời sống thường ngày (dọn dẹp, nấu ăn, tập thể dục,…), không riêng gì những lúc thật sự cần thiết – như khi ta có chuyện không vui, hoặc trong lúc tìm kiếm thứ để giải trí.

Điều tương tự xảy ra khi chúng ta dành thời gian với đồng nghiệp, gia đình, và bạn bè. Cho dù chỉ là tình cờ đi chung thang máy với hàng xóm hoặc bất ngờ gặp đồng nghiệp trong lúc đang xuống sảnh đợi lấy hàng Shopee, nhiều người thà nói chuyện tầm phào còn hơn im lặng – mặc cho thực tế là không bên nào có chuyện gì ý nghĩa để chia sẻ hay tâm sự.

Đôi lúc chúng ta cố gắng khỏa lấp sự yên lặng bằng lời nói, cho dù điều đó tốn sức và có thể khiến bạn không thoải mái nhiều hơn.

Việc dứt mình ra khỏi tiếng ồn bên ngoài đã khó, dập tắt những âm thanh bên trong còn mệt hơn. Bạn đã bao giờ nằm trên giường, giữa đêm khuya thanh vắng, ‘yên lặng’ thưởng thức cuộc chạy đua của những suy nghĩ lộn xộn trong đầu chưa? Đây cũng là một cách để cơ thể chúng ta tránh đối mặt với sự tĩnh lặng.

Vì sao con người sợ hãi trạng thái yên ắng?

Chúng ta không hiểu bản thân

Sự tĩnh lặng đáng sợ vì nó ít nhiều liên quan đến việc kết nối với chính chúng ta. Bạn lảng tránh sự tĩnh lặng, vì bạn đang lảng tránh chính mình (và ngược lại). Bạn không muốn ở một mình cùng khía cạnh con người mà bạn cố gắng không nhìn nhận, với tất cả những sợ hãi và tổn thương mà bạn nỗ lực để lờ đi.

Sự tĩnh lặng đến cùng với những góc khuất, những khoảng tối bạn không muốn nghĩ đến. Nhưng sự thật là, bạn sẽ không thể hiểu rõ bản thân cho đến chừng nào thật sự chấp nhận trạng thái một mình. Khi những con sóng trong lòng thôi gào thét, đó cũng là lúc tất cả những lo lắng, cô đơn, trống rỗng, hối tiếc, giận dữ,… trồi lên. Bạn có thể ghét bỏ và cố tình lảng tránh, nhưng bạn không thể phủ nhận rằng, chúng là một phần của bạn.

Chúng ta không quen với sự tĩnh lặng

Và đây không hẳn là lỗi của bạn, khi sinh trưởng ở thời đại khuyến khích những ồn ào và bận rộn, xem đó mới là cách để con người phát triển, và coi nhẹ tầm quan trọng của việc lắng nghe bản thân.

Sự tĩnh lặng gần như là một điều ‘cấm kỵ’ của xã hội. Thông qua quá trình sinh sống, học tập, và làm việc, chúng ta được dạy – cả vô thức và chủ động – rằng nếu ai đó yên lặng thì có nghĩa là họ đang khó chịu, giận dỗi, buồn bã, lơ đễnh, thậm chí có vấn đề về tâm lý / tâm thần. Sự tĩnh lặng bị cho là thủ phạm khơi gợi cô đơn, trống trải, ngượng ngùng, và những thứ tiêu cực khác, trong khi sự thật không phải như vậy. 

Nhận thức cá nhân, phát triển bản thân, thiền định,… nghe có vẻ như những biện pháp dành riêng cho những ai bị tổn thương tâm lý và cần đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Thực tế, chúng có thể giúp bạn – một cá nhân ‘bình thường’ – cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Thực hành tĩnh lặng

Thực hành tĩnh lặng giúp bạn kết nối với những nỗi sợ và những mong muốn của bản thân; cho phép bạn hiểu chính mình; trao cơ hội để bạn chữa lành những tổn thương, phục hồi sức mạnh lẫn tiếng nói nội tâm, chấp nhận và yêu thương mình một cách nhân ái, vẹn toàn nhất.

Sau cùng thì người thân cận, gần gũi với ta nhất không ai khác chính là chúng ta. Do đó, hãy tập làm quen với sự tĩnh lặng, để có thể tiến gần hơn đến chính mình. 

(Ảnh minh họa: Julia Hanke)

Xem thêm:
Vì sao bạn vẫn cô đơn ngay cả những khi bạn không một mình?
5 điều chúng ta không thể thay đổi ở người khác
Hiệu ứng Người ngoài cuộc – Cha chung mà sao không ai khóc?
Giải mã tâm lý con người với 8 thí nghiệm xã hội nổi tiếng

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago