Lifestyle

Victim blaming – Vì sao chúng ta lại đổ lỗi cho nạn nhân?

Đổ lỗi cho nạn nhân xảy ra khi nạn nhân của một bi kịch, một tội ác, hay bất kỳ hành động sai trái nào lại bị quy kết một phần hoặc hoàn toàn trách nhiệm cho những gì xảy đến với họ. Hiện tượng này có thể được bắt gặp ở rất nhiều khía cạnh đời sống khác nhau, nhưng phổ biến và nổi trội hơn hẳn là trong những sự việc liên quan đến tình dục.

Tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân gây ra nhiều tác động xấu, trong đó có 2 hệ quả nghiêm trọng. Một, victim blaming khiến người ta nghĩ rằng chính nạn nhân đã vô thức ‘mong muốn’ và gợi mời những chuyện không hay xảy đến với mình, thông qua việc thực hiện một số hành vi cụ thể. Hai, victim blaming cho phép chúng ta tin tưởng rằng tất cả những chuyện không hay đều có thể tránh được, chỉ cần chúng ta không làm những hành vi mời gọi đó.  

‘Sao mày lại ngu như thế?’

Năm 2003, cô bé 14 tuổi Elizabeth Smart bị bắt cóc ngay tại phòng ngủ nhà mình tại thành phố Salt Lake (Utah). Kẻ bắt cóc đã dùng dao khống chế Elizabeth. Cô bị 2 kẻ bắt cóc Brian Mitchell và Wanda Barzee giam giữ suốt 9 tháng tiếp theo. Vụ việc của Elizabeth Smart được thông tin đến công chúng sau khi cô được giải thoát. Khi ấy, nhiều người đã thắc mắc vì sao Elizabeth lại không cố gắng hơn để trốn đi, hoặc chí ít cũng là tiết lộ danh tính để người khác giúp đỡ.

Elizabeth Smart cùng chồng Matthew Gilmour | Ảnh: People

Năm 2006, thế giới xôn xao với câu chuyện của Natascha Kampusch. Cô bị Wolfgang Přiklopil bắt cóc khi mới 10 tuổi,bị hắn che giấu trong một căn hầm chật hẹp suốt 8 năm trời. Tuy nhiên, dư luận bắt đầu đổi chiều khi Natascha đã ‘không cư xử như một nạn nhân đích thực’. Trong các tuyên bố công khai, cô bày tỏ thái độ xót thương, thông cảm cho kẻ bắt cóc mình. Điều này, cộng với những nghi ngờ về việc vì sao cô không tìm cách trốn khi có cơ hội (sau một thời gian bị bắt, Natascha được cho rời khỏi hầm để lên nhà, thỉnh thoảng được ra vườn, thậm chí được tên bắt cóc cho đi trượt tuyết) đã kích động phản ứng chống lại nạn nhân dữ dội.

Natascha Kampusch

Năm 2015, khi thông tin nhiều bạn nữ bị sàm sỡ trong cảnh công viên nước hồ Tây ‘vỡ trận’, nhiều người không ngần ngại chĩa mũi dùi vào các nạn nhân vì ‘đã biết đông người còn chen vào’, ‘không biết tự bảo vệ mình, ‘ở cái nơi vải vóc che thân chẳng có mấy tấm như hồ bơi thì còn mong đợi cái gì?’.

Scandal ‘vượt rào’ ngày ấy của công viên nước hồ Tây.

Năm 2021, cư dân mạng rúng động trước sự việc nữ du học sinh người Việt bị xâm hại tình dục tập thể bởi chính những người đồng hương của mình. Bên cạnh luồng ý kiến lên án những kẻ thủ ác, vẫn còn không ít người ‘chịu khó’ đào bới quá khứ nạn nhân, rằng thì là mà ‘con bé này cũng đáo để, phốt phiếc, bị thế là đáng’. Chỉ một chữ đáng thôi mà lạnh lùng, tàn nhẫn, ác độc không kém gì việc bắt nạn nhân trải qua sự việc đau thương một lần nữa.

Điều đáng buồn là những thắc mắc kiểu này lại không quá hiếm gặp sau khi người ta nghe biết về một sự kiện hay một tội ác kinh khủng nào đó. Đi kèm tin tức một cô gái bị cưỡng hiếp là những câu hỏi xoáy vào trang phục nạn nhân mặc, hoàn cảnh sự việc xảy ra, hay cách hành xử của cô ấy khi đó. Chúng ta thở phào, vì mình lúc nào cũng ăn mặc kín đáo, không rượu bia chơi bời, luôn chọn đường đông đúc để về nhà, biết đầu tư cho bản thân với những chiêu võ hay những dụng cụ tự vệ. Còn những người mặc áo ôm váy ngắn, đi đến bar club, ra về đường vắng, lại chẳng biết lo xa phòng thân, thì chuyện không hay là cái kết tất yếu mà thôi.

Có đúng thế không?

Vì đâu chúng ta đổ lỗi cho nạn nhân?

Lỗi quy kết bản chất (fundamental attribution error)

Đây là một trong những hiện tượng tâm lý góp phần hình thành xu hướng đổ hoàn toàn trách nhiệm lên đầu nạn nhân của một tội ác hay một thảm họa. Thiên kiến quy kết bản chất khiến chúng ta tin rằng hành động của một người xuất phát từ những đặc tính cá nhân bên trong – nói cách khác là từ bản chất – của họ, bỏ qua vai trò và tác động từ các yếu tố bên ngoài. Ví dụ, khi trong lớp có người bị điểm kém, chúng ta lập tức cho rằng lý do vì họ không thông minh, lười học, hoặc không đủ nhanh nhạy để xử lý đề thi. Nhưng nếu chính chúng ta mới là người điểm kém? Lúc đó, lý do được đưa ra sẽ là phòng thi quá nóng, đứa kế cứ ngọ nguậy suốt buổi mất tập trung, đề thi nhiều câu hỏi bẫy, hoặc do giáo viên thiên vị.

Cũng vậy, một cô gái ăn mặc gợi cảm chuyên đi chơi về muộn sẽ có nhiều khả năng bị tấn công hơn một cô gái đoan trang thùy mị dành phần lớn thời gian ở nhà. Một anh chàng chuyên bị bắt nạt ở công sở chẳng qua vì anh ta nhu nhược, yếu đuối, không dám đứng lên đấu tranh cho chính mình. Một người nhẹ dạ cả tin thì bị lừa là chuyện tất yếu. Ai cũng có thể có một ‘cái cớ’ hợp lý để trở thành nạn nhân cho những sự việc họ không hề mong muốn.

Thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias)

Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta đánh giá quá cao khả năng suy đoán của mình trong những sự việc cụ thể. Khi nhìn lại những chuyện đã xảy ra, chúng ta có xu hướng tin rằng ‘đáng lẽ’ ta đã phải nhìn ra những dấu hiệu để từ đó dự đoán kết quả, trong khi thực tế là không có cách nào đủ chắc chắn để có thể biết trước điều sẽ xảy ra ra. Bạn có thể thấy một người vui mừng khi không đặt cược cho đội XX vì ‘Tôi biết trận này thế nào cũng thua mà!’, nhưng sự thật thì họ chắc chắn bao nhiêu phần trăm vào kết quả này hay chỉ đơn thuần là gặp may thì không ai biết được.

Thiên lệch nhận thức muộn khiến chúng ta nghĩ rằng những nạn nhân đáng lẽ phải biết nhìn nhận tốt hơn để dự đoán và ngăn chặn tất cả những vấn đề xảy đến trước khi chúng thật sự xảy đến. Đi đường vắng là nguy hiểm, biết thế sao còn về khuya? Tiếp xúc với người lạ là nguy hiểm, biết thế sao còn nói? Quen biết qua mạng có chắc ai là ai đâu, biết thế sao còn chuyển tiền?

Không riêng gì nạn nhân của những vụ lừa đảo hay tấn công tình dục, chúng ta cũng đổ lỗi cho nạn nhân của những trường hợp bi kịch thế này. Bệnh tim à? Đáng lẽ ông ta phải chịu khó vận động nhiều hơn. Đau bụng hả? Trời đất trước khi ăn quán nào phải đọc review đi đã chứ. Đã ung thư ai mà chẳng đau, lúc trước chịu khó chữa trị một tí để nhanh hết có phải hơn không. Sao cứ suốt ngày buồn rầu thế, hạnh phúc là một lựa chọn, nó muốn sống bi quan thì còn trách ai được? Cứ thế, chúng ta thản nhiên ‘thêm dầu vào lửa’ với những lời trách móc, miệt thị ẩn nấp khéo léo sau những câu an ủi, quan tâm, khuyên bảo ráo hoảnh thà không được thốt ra còn tốt hơn.

Thiên kiến ‘Trời cao có mắt’ (just-world phenomenon)

Cuộc sống vốn dĩ bất công, nhưng chúng ta muốn nó phải công bằng. Xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân cũng xuất phát từ nhu cầu tin rằng thế giới này là một thế giới công bằng, bình đẳng. Khi điều tồi tệ xảy ra với người khác, chúng ta tin rằng đó là cái giá phải trả cho một–điều–gì–đó họ đã làm trong quá khứ.

Theo nhà tâm lý học Ronnie Janoff-Bulman (Đại học Massachusetts), con người dễ dàng tin tưởng vào sự bất khả xâm phạm của bản thân (thế giới quan giả định tích cực). Do đó, trong một mức độ nhất định, chúng ta tin vào mặt tốt đẹp của một người nói riêng và nhân loại nói chung.‘Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.’  – những điều tốt sẽ xảy ra với người tốt, còn điều xấu là hệ quả tất yếu dành cho người xấu – là một trong những điều chúng ta đã quen thuộc từ tấm bé. Nhưng thế giới thần tiên và những câu truyện cổ tích không phản ánh hoàn toàn hiện thực xã hội. Trong thế giới thực, việc xấu vẫn có thể xảy ra với người tốt như thường.

Nếu buông bỏ tư tưởng ‘Trời cao có mắt’ này, thì ta cũng nghiễm nhiên chấp nhận rằng thế giới là bất công, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một tấn thảm kịch nào đó. Bất cứ ai, từ gia đình, bạn bè, người thân quen, cho đến chính bản thân chúng ta. Bằng việc đổ lỗi cho nạn nhân, chúng ta mới có thể bảo vệ cái ảo ảnh rằng việc xấu sẽ chẳng bao giờ xảy đến với mình – vì mình là những người tốt.

Xem thêm:
Luật “Kết hôn với kẻ hiếp dâm” – Nạn nhân phải đánh đổi cả đời để xoá tội cho thủ phạm
Nạn nhân của cưỡng hiếp trên màn ảnh đều phải chết?
Rape-revenge: Khi nạn nhân lên tiếng “Đây không phải cái kết của tôi”
Tình dục cưỡng ép – Khi nạn nhân bị chính đối tác tình cảm lạm dụng

Mi Nguyen

Recent Posts

Những loại cocktail nên gọi cho lần đầu vào bar (Phần 1): 7 thức uống kinh điển

Đôi khi, những thức uống mà ta quen miệng gọi mỗi lần vào một quán…

1 ngày ago

10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn

Trong đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của…

2 ngày ago

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Sự hiện diện của thực dân Pháp không chỉ giới hạn ở chính trị, mà…

3 ngày ago

5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả

Sau đây là những "sát thủ" thường đe doạ đến năng suất của một tổ…

4 ngày ago

Triển lãm mỹ thuật của hoạ sĩ Trương Hán Minh (Kể Chuyện Nghìn Năm): Thiên nhiên Việt Nam tái hiện qua những bức thuỷ mặc

Những tác phẩm của Trương Hán Minh, như là lời tự tình với cội nguồn văn…

5 ngày ago

20 thuật ngữ tại quán bar cần nắm lòng trước khi “lên đồ”

Các quán bar đều có một loạt thuật ngữ rất phong phú, đến nỗi người…

6 ngày ago