Việt Sử Kiêu Hùng là dự án phim dã sử đầu tiên dựng theo phong cách diễn họa (animation), tái hiện những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những trận đánh oai hùng, hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Bình Ngô Đại Chiến – tập phim gây quỹ cuối cùng của nhóm – đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt, cán mốc một triệu lượt xem chỉ sau 3 ngày trình chiếu.
Nhân dịp Tết 2021, The Millennials đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng Trần Minh Tuấn, trưởng dự án Việt Sử Kiêu Hùng. Không những có cơ hội lắng nghe những khó khăn cũng như kỷ niệm thú vị trong quá trình thực hiện Bình Ngô Đại Chiến nói riêng và Việt Sử Kiêu Hùng nói chung, The Millennials còn được chia sẻ những trải nghiệm Tết có 1-0-2 của những bạn trẻ “dành cả thanh xuân cho sử Việt”.
Hy vọng cuộc trò chuyện này sẽ ít nhiều mang đến cho độc giả những giây phút vui vẻ và thư thái trước khi chính thức bắt đầu một năm mới đầy hứng khởi và hạnh phúc.
Câu chuyện này hơi dài nha. Năm 2007, mình làm TEDvn – một dự án fansub cá nhân chuyên dịch những video của TED Talks sang tiếng Việt. Phi lợi nhuận thôi nhưng mình làm cả web riêng (tedvn.com), app trên iOs, Android, Window Phone luôn. Nội dung trên web ra đều đặn. Mọi người ai cũng tưởng “đồ chính chủ” của TED ở Việt Nam. Ngay cả VTV và HTV cũng liên hệ TEDvn để mua bản quyền.
Xong rồi TED mới liên hệ với mình, nói cảm ơn vì tụi mình đã giúp lan tỏa TED tại Việt Nam, nhưng cách đặt tên của tụi mình dễ khiến người ta hiểu lầm, thế nên mình đổi tên thành SoSub (social subtitle).
Với SoSub, tụi mình áp dụng công nghệ nhúng trực tiếp video trên YouTube vào rồi overlay phụ đề lên. Vậy thì video có phụ đề chỉ xem được trên web tụi mình thôi, không đụng chạm gì bên nào cả. Tuy nhiên vì là dự án phi lợi nhuận nên tụi mình gặp khó khăn về kinh phí. Mọi thứ “đứng” lại.
Và trong thời gian “đứng” như vậy, Việt Sử Kiêu Hùng ra đời. Lúc đó, mình qua gặp thầy Đạt Phi để đọc lời giới thiệu cho SoSub. Trong buổi gặp đó hai thầy trò ngồi nói chuyện về kênh Hùng Ca Sử Việt (HCSV) của thầy. Mình thích kênh đó lâu rồi. Học chuyên bách khoa điện tử, thế mạnh là công nghệ nhưng mình thích tìm hiểu mọi chủ đề. Đến lúc gặp thầy là HCSV hoạt động cũng đã được 1,5 – 2 năm, nhưng suốt 6 tháng không lên nội dung mới. Mình hỏi nguyên nhân thì thầy mới nói do thầy chỉ có giọng lồng tiếng, chỉ lo phần âm thanh, chứ còn không có đội ngũ cho kịch bản, thầy cũng không vẽ hay làm phim gì cả.
Mình mới nói, thôi để thử xem. Vì mình thấy mình có thể làm được. Mình rủ thêm bạn Vinh (Kỷ Thế Vinh) – đạo diễn, animator, dựng phim luôn – và Vỹ (Diệp Xương Vỹ) – họa sĩ – là được 3 người đầu tiên trong team.
Mình rất tâm đắc câu này của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cảm xúc lịch sử quan trọng hơn thông tin lịch sử”. VSKH lập ra không phải để dạy sử, cái đó nhiều người làm rồi. Điều tụi mình hướng đến là cảm xúc lịch sử.
Khơi gợi cảm xúc khó hơn nhiều so với việc cung cấp thông tin. Mình phải làm sao để khán giả xem xong thấy tự hào, thấy yêu mến. Từ đó tự tìm hiểu, phản biện, đưa ra những góc nhìn của riêng họ. Lịch sử lúc nào cũng có thể đi sâu hơn. Và càng tìm hiểu, mình sẽ càng thấy nhiều thứ hơn.
Từ chỗ yêu thích, quan điểm về lịch sử của mình sẽ thay đổi. Trước đây, cứ nhắc sử là ai cũng “né ra cho lành”, vì nó vừa ngán vừa “vô ích”, không kiếm được nhiều tiền,… Nhưng sự thật không phải thế. Chỉ vì chưa có ai biến lịch sử thành một thứ đủ hấp dẫn chứ không phải điều đó là bất khả thi.
Không chỉ thay đổi quan điểm của khán giả mà tụi mình còn muốn tác động đến những người có khả năng tạo ra thay đổi nữa. Bình Ngô Đại Chiến được anh chị em nghệ sĩ, giới làm phim, giới hoạt hình, lịch sử ủng hộ và đánh giá cao. Đó là tín hiệu cho các bác tầng lớp lãnh đạo, những người có quyền lực truyền thông, các nhà đầu tư, những người có sức ảnh hưởng cùng chung tay tạo ra thay đổi. Tụi mình không chuyên môn, không kinh nghiệm, không tiền nhưng còn làm được, thì khi có nguồn lực lớn hơn, chúng ta còn có thể tạo ra những sản phẩm hấp dẫn đến thế nào nữa?
Tụi mình gọi team là Đuốc Mồi cũng vì vậy đó. Tụi mình không muốn là những ngọn đuốc đơn độc. VSKH có thể thắp lửa lúc đầu, nhưng thời gian sau, mọi người sẽ cùng tiếp tục duy trì ngọn lửa đó.
Việt Nam không có hệ sinh thái cho mảng phim lịch sử. Không voi ngựa, thành quách, không có nhiều nghiên cứu về phục trang (thời điểm nhóm mới thành lập), không đạo cụ, vũ khí, đạn dược,… Giờ muốn quay cảnh cháy nổ thì làm sao đây?
Để giải quyết vấn đề đó thì tụi mình dùng animation. Mình vẽ ra hết. Nhưng nhảy qua hoạt hình thì nó… lại khó tiếp. Nước mình chưa có phim hoạt hình nào ra rạp, cũng chưa có bộ animation nào làm cho đối tượng người lớn xem. Cứ nghe hoạt hình là mọi người hay nghĩ đến cute, dễ thương, nhiều màu sắc, dành cho trẻ em. Tụi mình muốn làm lịch sử, nhưng nó phải kiêu hùng, “ngầu”, và cảm xúc, dành cho đối tượng thanh thiếu niên và người lớn xem.
Thời gian đầu, tụi mình tốn nhiều thời gian để thử nghiệm. Cứ làm ra xong thì tự hỏi xem đủ “ngầu” chưa, có match với phong cách tụi mình định làm không. Mất hơn một tháng để làm đoạn demo 10s. Từ đoạn demo đó thì mời được bạn Lê Vũ Quang – họa sĩ. Cũng có duyên, lúc ấy Quang vừa tốt nghiệp, phong cách của bạn lại hợp với những gì tụi mình định làm.
Tập phim đầu tiên ra mắt là Võ Tánh, dài 7 phút. Sau đó là Tử Chiến Thành Đa Bang – dự án nghiêm túc đầu tiên. Lúc ấy tụi mình nghĩ sẽ cho dài 15 phút. Cái trước 7 thì cái này 15 là hợp lý.
Nhưng hóa ra nó phức tạp hơn tụi mình nghĩ. Trận Đa Bang là một trận quy mô không lớn, lại thua nữa, hiếm khi được đề cập lắm, tuy nhiên vai trò của nó lại vô cùng quan trọng. Sau khi nhà Hồ thua trận đó, quân Minh sang xâm lược, tiêu hủy hết văn hóa của mình. Phần lịch sử từ đó về trước mất sạch. Trận Đa Bang là một dấu mốc chia đôi lịch sử. Một phần thì được ghi chép chỉn chu, bài bản. Phần còn lại chỉ được truyền miệng.
Sau khi cân nhắc, tụi mình chia trận Đa Bang thành 3 tập: Giấy – vừa chỉ việc Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy vừa chỉ việc hai bên đang trong giai đoạn chuẩn bị đánh nhau; Sắt – đại diện cho vũ khí tối thượng của nhà Hồ là đại bác do Hồ Nguyên Trừng chế tạo; và Lửa – nguyên nhân chính khiến nhà Hồ thua trận.
Lúc xong Sắt thì gặp vấn đề trong quy trình sản xuất. Nên tụi mình cho thử nghiệm quy trình mới với tập Huyết Mạch Trần Gia – phần tiền truyện của nhà Hồ. Song song đó thì bạn Quang cũng tự thử nghiệm style của bạn bằng một quy trình khác nữa với series Lý Thường Kiệt. Series này được rất nhiều khán giả đón nhận.
Xong xuôi thì… không còn đủ kinh phí nữa, nên tụi mình gom chung Sắt và Lửa vào 1 tập, đặt là Sắt thôi. Rồi sau đó, nhà Hồ sụp đổ thì làm đến Lam Sơn. Dự định của tụi mình là xây dựng thế giới của Lý-Trần-Hồ-Lê. Đó là tuyến liền mạch về mặt lịch sử, trang phục, văn hóa,… Kể được một chuyện thì sẽ kể tiếp được vô số câu chuyện khác.
Như đã chia sẻ, tụi mình không dạy sử. Tụi mình chỉ tạo cảm hứng cho mọi người thôi. Cá nhân mình thấy không thể đổ lỗi cho các chi tiết hư cấu được. Bình thường xem phim cung đấu, drama, hay phim tội phạm giết người, không lẽ xem xong mình cũng đi giết người? Rồi sau đó nói rằng lý do mình làm vậy là vì xem phim?
Những sản phẩm của tụi mình vẫn được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong những giới hạn khác nhau. Ví dụ khi dùng clip của VSKH trong các tiết học, thì tập nào có yếu tố 16+ (bạo lực, máu me) thì dùng cho sinh viên đại học, còn các tập nào không giới hạn độ tuổi thì thoải mái hơn. Các bạn xem xong, các bạn hứng thú, khi ấy giáo viên mới bắt đầu giảng giải, kể chuyện về lịch sử.
Về góc độ hư cấu, thì ngay từ những tập đầu tiên, VSKH đã đưa ra 3 nguyên tắc không thể phá bỏ, là “giới hạn cuối cùng” không bao giờ vượt qua:
Tụi mình làm phim với 3 nguyên tắc như vậy. Sáng tạo trong không gian đó, làm sao để tái hiện lịch sử một cách gần gũi, thuyết phục, thực tế, và “người” nhất. Chứ tụi mình cũng không phải hư cấu đến mức fantasy đâu.
Trước giờ tụi mình hoạt động theo kiểu gây quỹ cộng đồng. Không so được với gây quỹ giúp đỡ bão lũ thôi chứ so với những dự án khác, tụi mình tự tin nắm kỷ lục gây quỹ luôn đó.
Nhưng phần kinh phí đó cũng chỉ đủ lo chi phí ăn ở cho thành viên team, làm quà tri ân, phần còn lại để… sửa máy. Từ những tập phim đầu tiên, cứ xong một năm là máy móc hư hết. Sau Bình Ngô Đại Chiến này là team hết máy xài luôn.
Tụi mình ăn Tết lớn gì đâu (cười). Nhưng đúng là có rất nhiều thứ bất ngờ với Bình Ngô Đại Chiến. Ngày công chiếu có đến 12.000 người xem cùng lúc – một con số kỷ lục đối với mảng lịch sử và hoạt hình. Phim dài 1 tiếng đồng hồ mà lên top 15 trending YouTube, còn được nhiều người nổi tiếng làm reaction. Các đạo diễn như Charlie Nguyễn, Trần Thanh Huy, anh chị chú bác giới nghệ sĩ lớn tuổi ủng hộ rất nhiều. Xong còn được đề cử WeChoice.
Đó là những thứ mà tụi mình không bao giờ nghĩ sẽ làm được, tại vì dự án cũng nhỏ. Lúc chiếu cũng không có tiền chạy truyền thông, được mấy bên quảng cáo giùm. Thành công của Bình Ngô Đại Chiến là một việc rất ý nghĩa với team, là minh chứng của sức mạnh cộng đồng.
Nói thiệt tụi mình làm tập nào tính tập đó thôi. Team giờ có 10 người full-time nhưng vài bạn sắp nghỉ để quay lại… kiếm tiền. Thế nên hiện tại tụi mình cũng chưa có kế hoạch sản xuất phim gì tiếp, chỉ lo làm phần tiền kỳ: lên kịch bản, phác thảo, nghiên cứu sản xuất. Ngoài ra thì tập trung hoàn thành mấy cuốn sách nữa.
Artbook Lam Dũ, tổng hợp các nghiên cứu về trang phục, bối cảnh, tập tục, quân sự, chính trị… thời đại Lý-Trần-Lê, trong đó lấy nhà Trần làm chủ đạo. Sách được minh họa với nhiều tranh/ảnh sưu tầm và nhiều tranh vẽ mới.
Photo: Trương Công Minh
Còn làm phim… thì ai mà chẳng muốn (cười). Đó là ước mơ của mọi người. Với mình thì hoạt hình hay live-action đều có thế mạnh riêng. Phim người đóng thì sẽ gặp vấn đề với kỹ xảo, voi ngựa, vũ khí,… Muốn một trận hoành tráng như kiểu Peter Jackson làm trong Lord of the Rings đâu phải dễ. Những câu chuyện triều đấu, những trận so tài đấu trí,… là các đề tài có tiềm năng khai thác nếu làm phim người đóng trong điều kiện hiện tại.
Còn animation lại có những cái hay khác, những thứ mà phim người đóng không làm được, ví dụ như để camera đi xuyên người. Ngoài ra còn mặt tạo hình. Giờ muốn tìm một diễn viên với thần thái thế này, tạo hình thế kia, đâu phải kiếm cái được liền. Nhưng vẽ thì muốn sao cũng được. Muốn mặt mũi thế nào, cháy nổ ra sao, thời tiết khắc nghiệt kiểu gì cũng có.
Phim thật hay phim hoạt hình thì quan trọng vẫn là việc tìm được câu chuyện phù hợp với hình thức thể hiện để tạo ra hiệu ứng tốt nhất cho khán giả.
Team ban đầu là mình rủ. Sau khi ra được vài tập, mọi người bắt đầu biết đến. Lúc ấy ai yêu thích hay muốn đóng góp thì tham gia. Nhưng về sau cũng phải chọn lọc lại. Các bạn vào thì cần đảm bảo sẽ tham gia được. Những bạn vừa tham gia với tụi mình vừa lo job chính thì các bạn sẽ là cộng tác viên thôi chứ không phải full-time.
Bên cạnh đó là vấn đề kỹ năng. Team ít người nên mỗi người thường phải cân nhiều đầu việc, phải “đa nhiệm” một chút, chứ không thì biết đến khi nào mới xong. Ví dụ bạn quản lý truyền thông biết luôn photoshop, dựng phim, đủ thứ. Còn bạn dựng phim thì biết về animator, lighting, biết vẽ luôn.
Còn khi làm việc, tụi mình không theo style văn phòng. Thứ nhất, tụi mình không có khách hàng, không ai bắt mình phải làm thế này thế kia, cũng không có deadline cố định. Vẫn có hạn hoàn thành, nhưng nếu trong quá trình làm mà có vấn đề làm ảnh hưởng chất lượng hoặc muốn thử nghiệm làm sao cho sản phẩm tốt hơn thì mình có thể cân nhắc thay đổi deadline.
Thứ hai, môi trường này không ai ra lệnh cho ai, tại vì không ai có lương hết. Các bạn chỉ được bao ăn ở thôi. Đóng góp của mọi người là như nhau ở các khâu. Ai chịu trách nhiệm mảng nào thì tin tưởng để người đó ra quyết định. Làm sáng tạo nên quan điểm khác nhau, có nhiều khi mâu thuẫn lắm. Mình thấy thế này là đẹp, nhưng đứa kia không nghĩ vậy. Mình thấy tình tiết này hay, người khác thấy nhàm. Câu thoại mình thấy “xàm” thì thằng kế bên lại thấy ngầu. Nếu không tôn trọng không gian sáng tạo của nhau, không tin tưởng nhau, cứ ngồi cãi suốt thì sản phẩm thế nào?
Nói thế chứ cũng cãi nhau hoài đó. Hồi làm tập Huyết Mạch Trần Gia, tụi mình cãi to lắm. Mấy bạn CTV mới vô, ngồi họp chung mặt tái mét, ai cũng nín thở hết. Cãi đến độ có đứa khóc luôn. Nhưng mà xong mọi người vẫn đi ăn ốc vui vẻ bình thường.
Lần căng thẳng nhất là tập Bình Ngô Đại Chiến. Lúc đó tưởng không ra được phim luôn. Bạn đạo diễn thì bị bệnh cột sống. Kịch bản sửa tới sửa lui. Deadline tới nơi mà khối lượng công việc còn quá nhiều. Thêm những bất đồng trong quá trình làm. Không phải vì những chuyện như quan điểm sáng tạo hay quy trình làm việc như những lần trước đây. Lần đó là về những vấn đề cốt lõi hơn, về chuyện “mình có thể làm được hay là không”. Tưởng đâu dẹp luôn cả dự án rồi vì cả tuần không ai làm gì, không ai nhìn mặt ai, không ai nói chuyện với ai cả.
Nhưng rồi mọi người họp lại, quyết tâm làm sao thì làm, vẫn phải hoàn thành vì đây là tập phim gây quỹ cộng đồng cuối cùng. Mình còn trách nhiệm với cộng đồng, với đối tác, với nhiều bên khác nhau nữa, không thể vì khó khăn của mình mà bỏ hết được.
Tụi mình may mắn được nhiều bạn bè và anh chị thương. Lần kia có anh bên Nhà Bè làm con gà xong chở từ đó qua tới quận 12 cho team. Rồi lần khác, có bạn nhỏ còn đeo khăn quàng đỏ được ba chở qua văn phòng gặp team để đóng góp. Bác sợ bạn bị người ta lừa nên chở đến tận nơi luôn. Hai cha con nhìn bình dân nhưng rất chân thành. Bác nói hay xem clip của tụi mình, xem rồi kể cho bạn nghe về chuyện ngày xưa, chuyện lịch sử.
Đó là cũng là một cái hay, là cơ hội để người lớn nói chuyện với con nít. Thế hệ mình và những người lớn hơn tồn tại một khoảng cách. Lịch sử là một trong những đề tài chung, giúp chuyển tiếp để các thế hệ có thể tìm kiếm điểm tương đồng. Ít nhất thì công việc của tụi mình cũng tác động được đến những con người như vậy. Đó cũng là động lực để team cố gắng.
Có chứ, làm chung mấy năm rồi mà. Trong Tết thì mạnh ai nấy ăn (cười). Nhưng trước hoặc sau Tết đều đi chơi xa cùng nhau, kiểu team building “con nhà nghèo” thôi. Lên trang trại có homestay của bạn chơi, kết hợp dã ngoại, trekking, trồng cây luôn.
Mọi người kiểu bụi bụi nên cũng không có year end party, tự làm tiệc nhỏ nhỏ chơi với nhau ăn Tết. Team họp lại với nhau ăn uống rồi lên sân thượng nằm chill chill kể chuyện, chơi ma sói. Bình thường vậy thôi đó.
Thường cái gì êm đẹp quá thì mình không có nhớ đến nó. Những chuyến đi đáng nhớ nhất thường là những hành trình khó khăn vất vả nhất, những lúc đi xong về nhà kể cho nhau nghe rồi đổ lỗi tại đứa này đứa kia nên mới khổ như vậy.
Lần đó tụi mình lên trang trại một người bạn ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Chỗ đó vừa gặp lũ. Từ đường vào trang trại đến trong nhà sình lầy chất cao đến đùi. Đồ đạc tan nát, cột điện ngã gãy không có điện, bếp núc không còn gì hết trơn, không có nước sạch xài luôn.
Lúc ấy chia 2 team. Team thứ nhất đến trước dọn dẹp “đống” đó. Team thứ hai do mình dẫn đường thì lạc trong rừng. Đường đó bình thường đẹp lắm, xe máy chạy vô tư. Nhưng tại lũ nên sình lầy không đi được, tụi mình phải đi đường khác, rốt cuộc lạc trong rừng mấy tiếng đồng hồ. Được người ta dẫn ra về đến nhà là bơ phờ hết. Qua hôm sau bắt đầu dựng lại cột điện, dọn nhà cho người ta.
Hôm về thì lại gặp mưa lớn. Con đường đó dốc, nước đổ xuống như thác. Không có chỗ nào để núp hết luôn. Có một đứa té xe nhưng may mắn là không bị gì nặng. Cuối cùng cũng bình an về tới nhà nhưng đợt đó là chuyến đi chơi “khủng” nhất của tụi mình.
Theo cá nhân mình thì “mất kết nối” là mất Tết. Tết để làm gì khi về nhà và ai cũng là “thế lực thù địch” của mình. Nói chuyện với ai cũng phải phòng thủ, chuẩn bị đáp trả những câu hỏi như “Có bồ chưa?”, có người yêu rồi thì “Chừng nào đám cưới?”. Hoặc khi mình về quê, về nhà mà không kết nối được với những người bạn cũ. Lúc đó ăn bánh chưng một mình thì là “mất Tết” rồi.
Vẫn có nhiều bạn ở nước ngoài, Tết không về nhà được nhưng vẫn có thể kết nối với mọi người, facetime cho bạn bè, gia đình. Mình ở đâu, làm gì trong Tết không quan trọng bằng tình cảm của mình. Mình cũng không cần cây mai hay bánh tét để có không khí Tết. Cái mình cần là tình cảm và sự kết nối.
Năm rồi COVID, ai cũng khó khăn, mọi thứ rất ảm đạm. Thậm chí nhiều người còn không về Tết được vì tốn kém quá. Thế nên tụi mình muốn lan tỏa tinh thần không tuyệt vọng thông qua tập Bình Ngô Đại Chiến. Đây là tập phim nói về hy vọng trong những tình huống tệ nhất. 6 nghìn người chọi với 10 vạn quân, chạy trốn để sống sót thôi còn khó chứ làm gì nghĩ đến việc đánh lại. Vậy mà vẫn đánh được, lại còn đánh thắng nữa, tiêu diệt một nửa lực lượng quân địch luôn.
Việt Nam mình đó giờ toàn là lấy ít địch nhiều, điều kiện lúc nào cũng thua các nước từng xâm lược, nhưng cuối cùng mình lại thắng. Có lúc mọi thứ tưởng như vào ngõ cụt rồi nhưng vẫn không tuyệt vọng, vẫn cố gắng để tìm được đường ra. Đó là tinh thần mình rất hy vọng mọi người sẽ có sau khi xem Bình Ngô Đại Chiến. Mình tin mình làm được thì kiểu nào mình cũng vượt qua thôi.
Xin cảm ơn Việt Sử Kiêu Hùng về buổi trò chuyện thú vị này!
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…