Lifestyle

#HọNóiLà: Travel Blogger Vinh Gấu: “Chỉ nhìn thế giới qua TV thì thật phí hoài tuổi xuân”

#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.

Tình cờ biết đến Vinh Gấu thông qua trang blog Vinh Gấu & Những Chuyến Đi, ấn tượng với cách chia sẻ câu chuyện vô cùng gần gũi và dễ-đọc-dễ-thấm của bạn, The Millennials Life đã liên hệ với Vinh và nhờ bạn kể lại những trải nghiệm xê dịch của mình đến độc giả.

Lê Viết Vinh – hay gần gũi hơn với tên gọi Vinh Gấu vì “tính mình ‘gấu’ quá nên mọi người hay gọi thế”, bắt đầu hành trình xê dịch của mình từ năm 2016 và được biết đến rộng rãi với những câu chuyện được viết lại cẩn thận, chăm chút trên chiếc blog cá nhân.

Vinh Gấu ở An Giang
Kỉ niệm chuyến đi Sa Pa
Ghé thăm Mai Châu
Khám phá Bhutan
Vinh Gấu ở Hà Nội
Chinh phục nóc nhà Đông Dương, Fansipan
Vinh Gấu ở Florence, Ý
Check-in tại Paris, Pháp
Ghé thăm tiểu bang California, Mỹ

Bắt đầu với vốn kỹ năng viết lách gần như bằng 0, thế nhưng lại thích có một nơi để tự có thể chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân, Vinh đã lựa chọn blog là một nơi lưu giữ những kỉ niệm xê dịch của mình.

Viết nhiều hơn trong thời gian học Đại Học, chàng trai trẻ nhận ra rằng mọi người vẫn luôn nghĩ Buôn Ma Thuột – nơi bạn đã sinh ra và lớn lên, là một nơi “rừng rú, chưa có điện, vẫn cưỡi voi đi học, vẫn đóng khố khi ở nhà,…” Cũng chính vì thế mà Vinh đã chọn kể những câu chuyện đầu tiên trên blog của mình về Buôn với mong muốn cho mọi người cái nhìn mới mẻ về nơi đây trên trang blog của mình.

Năm năm đi đó đi đây, Vinh đã đi qua 20 quốc gia khác nhau và khoảng 50 tỉnh thành ở Việt Nam. Chàng blogger cung Bảo Bình còn từng được Cục Ngoại thương Đài Loan mời làm đại diện Việt Nam trong cuộc thi Asia Super Team năm 2019 cùng với bảy nhà sáng tạo nội dung du lịch (travel content creator) từ các nước khác trong khu vực. Vinh Gấu còn là cái tên quen thuộc với vai trò là diễn giả (speaker) tại các workshop và sự kiện về du lịch.

1. Đi du lịch nhiều thì có gì hay ho?

Câu nói yêu thích của mình là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và đó là cách tốt nhất để bạn học hỏi và thu nạp kiến thức từ những gì thực tế do chính bạn trải nghiệm.

La Habana, Cuba trong mắt Vinh Gấu
Một góc tường rực rỡ tại Melbourn, Úc
Vinh Gấu ở Time Square, Mỹ

Nếu chỉ ngồi yên và ngắm nhìn thế giới qua TV, YouTube thì thật phí hoài tuổi xuân. Phải xách balo lên và đi, để biết ngoài kia cuộc sống thật sự khác với trên hình ảnh thế nào, cách người ta sống ra sao, để trải nghiệm được những thứ mới mẻ mà nơi mình sống chưa có (như tàu điện ngầm, tàu cao tốc,…), để rèn luyện và trau dồi khả năng ngoại ngữ, giúp mình cân bằng cuộc sống sau những ngày căng thẳng đắm đuối trong công việc, hoặc đơn giản là để giúp mình giải sầu thôi.

Việc coi du lịch là một liệu pháp để giúp mình luôn vui tươi và tràn đầy năng lượng cũng rất là hợp lý luôn (Cười).

2. Chuyến đi đầu tiên của Vinh với một vai trò là travel blogger là ở đâu? Một kỉ niệm bạn nhớ mãi ở chuyến đi đó?

Đài Loan, cụ thể hơn là thành phố New Taipei, là chuyến đi đầu tiên của mình với vai trò là travel blogger, dưới lời mời tham quan từ Cơ quan du lịch thành phố New Taipei phối hợp với KKday, một ứng dụng OTA nổi tiếng từ Đài Loan.

Khác với những chuyến đi tự túc khác là mình phải tự đặt và thanh toán mọi thứ, thì chuyến này mình được các đơn vị hỗ trợ nên không phải lo lắng những việc booking. Chỉ có sắp xếp lịch và đến ngày thì kéo vali đi thôi. Tự nhiên thấy khỏe hơn biết mấy. (Cười)

“Sau bài viết về chuyến du lịch Đài Loan tự túc, từ đó họ gọi mình là travel blogger” – Vinh Gấu

Khi đến sân bay Đào Viên (Taoyuan), mình còn được chào đón ngay tại lối ra nữa. Dù đây chỉ là điều nhỏ thôi, nhưng lúc ấy tự cảm thấy thật thú vị khi được làm travel blogger. Mình cũng phần nào hiểu được cảm giác được chào đón của các bạn nổi tiếng luôn được người hâm mộ đợi ở sân bay.

Ngoài ra, trong chuyến đi ấy, mình được đưa đến những điểm đến không được nhiều người biết đến ở thành phố New Taipei. Biết nhiều cái lạ, hiểu hơn về văn hoá, con người địa phương đó, được kể nhiều chuyện hơn nữa.

Sau bài viết về chuyến du lịch Đài Loan tự túc, từ đó họ gọi mình là travel blogger

Nói chung, làm travel blogger sướng nhất là lúc được mời tham gia những chuyến đi khám phá địa phương như thế này. Vừa mở mang kiến thức và trải nghiệm cho bản thân, vừa có nội dung, câu chuyện để chia sẻ cho các bạn theo dõi của mình, còn được chào đón nhiệt tình nữa chứ.

3. 5 Điều mà bất cứ travel blogger nên đầu tư vào?

  • Kiến thức nền: Dù có đi đâu đi nữa, bạn cũng nên biết những điều căn bản nhất về nơi ấy (thời tiết, ngôn ngữ, tiền tệ, văn hoá,…). Điều này giúp bạn tránh được các cú sốc văn hoá, dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở nơi này hơn và tạo điều kiện để bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực bạn quan tâm (văn hoá, điểm đến, con người, ẩm thực,…). Sau đó, bạn cũng sẽ có nhiều câu chuyện sâu hơn, chính xác hơn để kể lại cho các bạn theo dõi nữa.
  • Kỹ năng sống: Giao tiếp với người lạ thế nào, khi gặp tình huống ngoài mong đợi xử lý làm sao, kỹ năng định hướng và đọc bản đồ, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng sinh tồn nếu bạn có đi trekking hay đi rừng… là những điều cần thiết để bạn có thể vi vu muôn nơi mà không ngại ngần điều gì.
  • Nội dung: Đây là điều quan trọng nhất để bạn có thể giữ chân độc giả của mình và góp phần tăng thêm giá trị cho chính bản thân. Người theo dõi đánh giá mình qua nội dung mình chia sẻ, có thiết thực và bổ ích với họ hay không, có tạo cảm hứng để họ vượt qua vùng an toàn (comfort zone) của họ để có được trải nghiệm như travel blogger họ yêu thích hay không, có giá trị gì cho cuộc sống của họ hay không,… Nếu nội dung hời hợt hoặc không chính xác, độc giả cũng sẽ nhanh chóng “quay lưng” với mình liền luôn.
  • Thời gian: Travel blogger thường có cách du lịch và khám phá thế giới khác nhau. Họ dành nhiều thời gian để khám phá địa điểm ấy hơn là việc đến chụp những bức hình check-in rồi vội vã rời đi. Thời gian ấy là để họ tìm hiểu kỹ hơn về điểm đến. Mình thích du lịch chậm rãi hơn là vội vã như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa.”
  • Sức khoẻ: Với thời gian dài, trải nghiệm nhiều và tần suất di chuyển cao, travel blogger nên trau dồi sức khỏe nhiều hơn.
Kỉ niệm chuyến đi Lý Sơn

4. Kể về một lời mời hợp tác bất ngờ nhất mà bạn đã có trong vài tháng qua là gì?

Lời mời đến trải nghiệm các tour và điểm đến ở Quảng Bình. Điều khiến mình bất ngờ là lời mời này không phải từ Cơ quan ban ngành của Tỉnh hay thành phố nơi này mà là từ CLB Du lịch Quảng Bình được hợp lại từ những anh, chị, em, bạn bè làm dịch vụ du lịch và yêu quý Quảng Bình.

Họ tự góp chi phí lại để mời mười nhà sáng tạo nội dung du lịch ở khắp cả nước về Quảng Bình trong khoảng mười ngày để cùng tạo ra những workshop hướng dẫn về truyền thông du lịch thế nào, tạo nội dung ra sao,… cho những người làm dịch vụ du lịch khác trong tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận. Đồng thời còn tổ chức những chuyến đi khám phá các hang động, các trải nghiệm đặc sắc, các món ăn ngon, các bản làng của người đồng bào dân tộc thiểu số,… để mọi người có thể tạo ra những nội dung số giới thiệu về du lịch Quảng Bình.

Điều thú vị khác là CLB cũng nói rõ về việc ngân sách có hạn nên sẽ không có chi phí nào khác gửi cho các nhà sáng tạo nội dung mà chỉ hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở khi đến Quảng Bình mà thôi. Họ mời bằng tấm lòng và sự nhiệt tình, nên tụi mình cũng đến hỗ trợ và tạo nội dung bằng tấm lòng và sự nhiệt tình ấy. Đấy, tiền không phải là tất cả, chủ yếu là cái tình với nhau thôi.

5. Những khó khăn nào mà chỉ có travel blogger mới hiểu được?

  • Giờ giấc ngủ nghỉ ít đi: Vì phải dành nhiều thời gian để khám phá, di chuyển và làm việc. Giống như “ham” trải nghiệm khi đến một nơi mới, nên luôn ngủ trễ, dậy sớm để có nhiều thời gian dành cho nơi ấy hơn. Tối về thì làm những công việc còn đang dở dang hàng ngày.
  • Có nhiều tài khoản mạng xã hội: Nơi nào có khả năng xây dựng hình ảnh, truyền tải câu chuyện và có ích cho người dùng, nơi đó có “bóng dáng” của travel blogger. Một tay phải quản lý tài khoản trên Facebook cá nhân, trang fanpage, YouTube, TikTok, Instagram, Pinterest, Blog,… Hơi bị vất vả luôn!
  • Khó để tận hưởng những chuyến đi “thông thường” – những chuyến đi chỉ đến và nghỉ dưỡng, những chuyến đi mà không có gì hữu ích để chia sẻ lại với mọi người.
  • Hết nơi chứa dữ liệu: Tụi mình đi, chụp và quay video nhiều lắm, mà toàn chất lượng cao nhất để dùng làm tư liệu về sau. Nên việc hết dung lượng ổ cứng là điều thường xuyên xảy ra.
  • Bị hư thẻ hoặc bị mất hình ảnh, video,… – điều dễ khiến travel blogger phát cáu lên.

6. Một kỉ niệm đáng yêu bạn có với những người theo dõi mình?

Mình không phải là một người quá nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên nên việc vô tình được nhận ra “Anh là Vinh Gấu phải không ạ?” trong một số chuyến đi là điều khiến mình thấy thú vị.

Như có lần mình đang ngồi cà phê, gặm bánh mì ở góc bên Chùa Cầu ở Hội An thì vô tình được nhận ra bởi một bạn ngồi kế bên. Bạn có theo dõi Facebook nên nhận ra mình. Hay như đợt mình đi tham gia làm Tình nguyện viên bảo tồn Rùa biển ở Côn Đảo thì cũng vô tình được nhận diện ra. Vui và đáng yêu vậy thôi đó.

“Mình luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Hội An” – Vinh Gấu

7. Trừ hết tiền vì đi nhiều, đau chân vì đi nhiều, bạn có còn “bệnh nghề nghiệp” nào khiến mình sầu não nữa không?

Có, nhất là về phần tâm lý. Mình dễ bị căng thẳng, cảm thấy bứt rứt, bị tụt “mood”, mất cảm hứng viết bài,… khi không được đi du lịch. Tuần nào mà không đi đâu, tự nhiên cảm thấy tuần ấy dài lê thê luôn.

Ngoài ra còn có bệnh… không thích đi tour khi có thể đi tự túc được. Mình thích được tự do khám phá, thích đi đâu thì đi, thích trải nghiệm gì thì làm, thích ăn gì ăn, và đặc biệt là không thích bị hối thúc khi đi du lịch.

Chuyến đi Bali, Indonesia
Vinh Gấu đến Seoul, Hàn Quốc
Tại “xứ sở chùa vàng” Thái Lan

8. Dịch không đi chơi được thì ta làm gì để vui?

Thật sự rất khó để vui được lúc này khi không được đi đâu trong một thời gian dài và chưa biết bao giờ kết thúc.

Thời gian này mình chỉ có thể tìm vui qua những buổi OnMic để chia sẻ những câu chuyện về các chuyến đi cùng với các bạn travel blogger khác vào các buổi tối, hoặc tạo ra những video ngắn để giới thiệu về điểm đến và chia sẻ trên Tik Tok. Chỉ biết tự tìm niềm vui thế thôi.

9. 3 nơi khi hết đại dịch bạn nhất định sẽ ghé qua? Vì sao?

Trong nước:

  • Côn Đảo: Vẫn còn đang là thời điểm đẹp để có thể ngắm cảnh những bạn rùa con trở về với biển mỗi sáng sớm sau chuỗi ngày được các anh kiểm lâm đưa về hồ ấp trứng rùa.
  • Hội An: Nơi mình có thể đến bất cứ lúc nào, dù đang buồn hay đang vui, dù đi một mình hay đi với ai đi nữa. Nhớ lắm những căn nhà sơn tường vàng, nhớ những món ăn đặc trưng của Hội An nữa, nhớ ơi là nhớ. Mình luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Hội An.
  • Buôn Ma Thuột: Nơi mình được sinh ra và lớn lên. Về thăm nhà, tụ tập bạn bè và khám phá những điểm cắm trại, những homestay mới mở ở Buôn mình nữa. Quảng bá về du lịch Buôn mình cũng là điều mình thích làm.
Buôn Ma Thuột – nơi Vinh Gấu đã sinh ra và lớn lên

Nước ngoài:

  • Bali: Thời gian này ở Bali đang là mùa khô, nắng đẹp, trời xanh, mây trắng, biển xanh. Đang là mùa đẹp để đi Bali, tầm này đi Bali lặn biển là “đúng bài.”
  • Hàn Quốc: Đang sẵn có visa nên có thể đi ngay và luôn khi hết dịch. Thèm những món ăn đường phố của quốc gia này, thèm không khí trong những khu rừng lá đỏ,… Nhớ ghê.
  • Áo: Mình hy vọng có dịp để thưởng thức đêm Giáng Sinh ở nơi này – điều mà lẽ mình đã có thể thực hiện trong 2020 rồi cơ. Mình thích sự cổ kính và thơ mộng của ngôi làng Hallstatt và hình dung được sự đẹp của ngôi làng này vào đêm Giáng Sinh.

10. Gần đây anh vừa tham dự một dự án về việc bảo vệ Tê Tê, anh có thể nói đôi chút về công việc này?

Mình vốn thích những gì thuộc về tự nhiên nên luôn cố gắng để có thể góp phần nào đó giúp cho thiên nhiên được là chính nó, không mất đi vì sự tàn phá của con người. Và Tê Tê là một trong những loài mà mình muốn được lan truyền thông điệp để bảo vệ chúng trước những tác động nhân tạo.

Công việc của mình cũng đơn giản thôi. Mình chỉ tạo nội dung để lan truyền cho mọi người biết về Tê Tê đóng vai trò gì trong hệ sinh thái, tại sao cần phải bảo vệ Tê Tê và làm sao để góp phần nhỏ của mọi người trong công tác bảo tồn loài này. Mỗi người góp một chút công sức là đã có thể cứu được nhiều Tê Tê rồi.

11. Việc bảo vệ môi trường khi đi du lịch đối với anh có nghĩa như thế nào?

Không chỉ trong khi đi du lịch mà ngay cả nơi mình sống nữa. Mình luôn đi du lịch với tư duy “không để lại gì ngoài dấu chân” khi đến bất cứ nơi nào, và rất nhiệt tình để lan truyền thông điệp này với mọi người với hy vọng các bạn cũng sẽ ngấm dần tư duy này. Chẳng ai mong nơi mình đến là nơi đầy rác, bãi biển nơi mình tắm lại dơ bẩn,… đúng không?

12. Post lên đây một bức ảnh đã chụp về một chuyến đi hoặc trải nghiệm khiến bạn hài lòng nhất. Vinh hãy chia sẻ vài câu về bức ảnh này?

Hãy luôn yêu quý loài rùa biển và bảo vệ chúng bằng cách không mua-bán-ăn trứng rùa biển, không xả rác ra biển,… vì loài này có thể sớm bị tuyệt chủng thôi. Hiện tại chỉ có 1/1000 cá thể rùa có thể sống được đến tuổi trưởng thành và tiếp tục sinh sản sau 20-30 năm kể từ khi chúng được nở ra.

13. Nếu được rủ một nhân vật truyện tranh cùng đi vi vu với mình đó sẽ là ai?

Doraemon. (Cười) Doraemon có chiếc túi thần kì với nhiều bảo bối thú vị để giúp mình có thể tận hưởng chuyến đi nhiều hơn.

Như bảo bối “cánh cửa thần kỳ” có thể giúp mình đi đến nơi mình muốn một cách nhanh chóng và siêu dễ dàng; “bánh mì phiên dịch” có thể giúp mình hiểu và giao tiếp được với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi bộ lạc trên cõi trần giang này; “chong chóng tre” giúp mình nhìn điểm đến ấy ở một góc nhìn thú vị hơn và tránh được kẹt xe nữa.

14. Nếu người ngoài hành tinh ghé thăm Việt Nam và bạn được dắt họ đi thăm thú hành tinh xanh của chúng mình, bạn sẽ sẽ đưa họ đi những đâu?

Đến Việt Nam, nơi đầu tiên mình sẽ dẫn đến là Buôn Ma Thuột để bạn ấy biết Buôn mình còn hoang sơ thế nào, cảnh các con thác, các cánh rừng còn đẹp ra làm sao và những món ăn địa phương đi vào lòng người cỡ nào.

Rồi mình dẫn qua Đà Lạt để cho họ biết Việt Nam có một nơi nhỏ nhắn, nên thơ mà luôn cuốn hút du khách trong và ngoài nước; rồi xuống Sài Gòn để khám phá thành phố không ngủ đầy sôi động này; rồi ra Hội An để tham quan phố cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới; chạy nhảy trên cây cầu vàng ở Bà Nà Hill để bạn ấy không bỏ lỡ cây cầu nổi tiếng nhất thế giới; ra Huế lang thang khắp cố đô Huế và ăn món bánh canh Nam Phổ ngon nhức nhối; ra Quảng Bình để khám phá các hang động nổi tiếng.

Kỉ niệm chuyến đi Hà Giang của Vinh Gấu

Sau đó sẽ chạy xe máy lên các vùng Tây Bắc để khám phá cuộc sống của người đồng bằng vùng ven biên giới và tận hưởng những con đèo uốn quanh những quả núi; rồi về tới Hà Nội, thủ đô nước mình và lang thang phố cổ, ăn phở bò xào lăn và lượn lờ ngắm phố phường.

Vậy chắc đủ rồi ha? (Cười)

Ảnh: NVCC

Xem thêm:
#HọNóiLà: Trung Rwo – “Nghệ thuật luôn xoa dịu những nỗi đau không nói thành lời”
#HọNóiLà: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Hải: “Đam mê chính là đường dẫn lớn nhất giúp mình không đi lạc”
#HọNóiLà: Cùng bếp trưởng Nghiêm Minh Đức bàn về định kiến: “Phụ nữ có thể nấu ăn, nhưng đàn ông mới là đầu bếp”

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

20 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago