Lifestyle

#HọNóiLà: Calligraphy giống như là Trái Đất, bởi vì mình được “sống” trong đó

“Khi Bạn sử dụng đôi tay, bạn là một người thợ
Khi Bạn sử dụng khối óc, bạn là một nhà sáng chế
Nhưng khi kết hợp đôi tay, khối óc và cả trái tim, bạn trở thành một người nghệ sĩ thực thụ”

Calligraphy – Thư Pháp, xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại gồm κάλλος – kallos nghĩa là “vẻ đẹp” và γραφή graphẽ – “văn bản.” Nói cách khác, Calligraphy là nghệ thuật thị giác gắn liền với văn bản, tạo thành từ những biểu tượng ngôn ngữ viết tay và được sắp xếp một cách hợp lí. Thư pháp là phép viết chữ của người Trung Hoa và người Ả Rập được nâng lên thành một nghệ thuật, nhưng không đơn giản chỉ với cách hiểu là viết sao cho đẹp, trong hàm nghĩa sâu xa còn là phương tiện để biểu hiện tâm, ý, khí, lực của người dụng bút.

Tại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, nghệ thuật viết chữ là một bộ môn nghệ thuật cao quý có tính chất phô diễn khí phách tiết tháo của con người. Các tác phẩm thư pháp Á Đông thường được thể hiện bằng chữ Hán, sử dụng bút lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực. Ngoài “văn phòng tứ bảo” kể ra thì cũng cần nhắc đến ấn chương (con dấu hay triện) làm bằng các chất liệu như đá, gỗ, kim loại mà việc khắc chạm nó và đóng dấu sử dụng mực chu sa màu đỏ ở đâu trên bức thư pháp cũng đã được nâng lên thành bộ môn nghệ thuật.

Hình dạng, kích thước, độ dài, chất lông của cọ; màu sắc, nồng độ của nước và mực; tốc độ hấp thu nước, kết cấu bề mặt giấy là những yếu tố quan trọng quyết định kết quả tác phẩm Thư pháp. Bên cạnh đó, kĩ thuật của người viết – như áp lực, độ nghiêng, nét nhấn, nét buông, là thành tố có ảnh hưởng cuối cùng đến hình dạng, vẻ đẹp của tác phẩm thư pháp này.

Ở Việt Nam, nghệ thuật thư pháp thường theo phong cách thư pháp Trung Hoa, dùng bút lông và mực tàu. Mặc dù không có truyền thống thư pháp như Trung Hoa hay Nhật Bản, nhưng ở Việt Nam, căn cứ vào một số di cảo, bút tích, mặt tích trên giấy tờ, sách vở, sắc phong hay văn bia còn lại thì nước ta cũng không ít những danh nhân được người đời xưng tụng. Ngày nay, chữ Quốc ngữ viết lối thư pháp bằng công cụ bút lông và mực tàu, như một sự tìm tòi hình thức biểu hiện mới, cũng đang dần trở nên được nhiều người quan tâm. Thư pháp chữ Quốc ngữ tuy ra đời sau nhưng có sức sáng tạo vô cùng lớn, thư pháp hiện đã được đưa vào rất nhiều chất liệu như gỗ, thư pháp trên đá, thư pháp trên mành tre.

Calligraphy là bộ môn mới mẻ tại Việt Nam và cũng tới ở thế kỉ 20 – giai đoạn được xem như là “thời kì Phục Hưng” của Calligraphy, viết chữ mới được nghiên cứu lại và bắt đầu phát triển như một bộ môn nghệ thuật chính thống.

The Millennials đã may mắn có dịp cùng ngồi xuống với bạn Ngô Nhật Quang – một freelancer theo đuổi đam mê Calligraphy được khoảng 3 năm, để cùng lắng nghe những chia sẻ của một người trong nghề về bộ môn nghệ thuật độc đáo và mới lạ này.

Bạn có thể chia sẻ một chút về bản thân mình? Cái duyên nào đã đưa bạn đến với Calligraphy?

Mình tên đầy đủ là Ngô Nhật Quang, sinh năm 1994. Mình tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành tự động hoá. Hiện tại mình nghiên cứu và luyện tập Calligraphy như một sở thích cá nhân được khoảng 3 năm rồi, thỉnh thoảng cũng có dạy một số lớp nhỏ lẻ. Hiện tại mình hoạt động freelance với vai trò graphic designer.

Mình đến với Calligraphy rất tình cờ. Trước đó thông qua những bộ phim cũ mình đã thấy những bức thư được viết rất đẹp, nhưng lúc đấy chỉ dừng lại ở sở thích thôi. Cho đến khi trải qua một số chuyện cá nhân, mình mới tìm đến Calligraphy như một làn gió mới cho cuộc sống lúc ấy, và cũng không ngờ là càng học thì càng nghiện. Trong công việc hàng ngày, Calligraphy giúp mình tạo ra các ấn phẩm graphic nói chung và sử dụng typography nói riêng tốt hơn. Hiện tại, mình đang theo đuổi môn Western Calligraphy, sử dụng bộ chữ Latin.

Năm 2018 mình bắt đầu có đơn hàng quốc tế đầu tiên, lúc đấy rất vui. Giá trị tiền bạc không nhiều nhưng cảm giác những gì mình làm bắt đầu được công nhận vô cùng sung sướng. Cho đến nay thì thỉnh thoảng mình vẫn có nhiều đơn đặt hàng. May mắn là khách hàng đều hài lòng với những tác phẩm của mình, có người năm nào cũng đặt mình thiết kế và viết thiệp cho cả gia đình mỗi dịp Giáng sinh.

Quang có thể giúp quý độc giả phân biệt giữa Hand Lettering, Calligraphy và Typography?

Nhìn chung thì “Lettering” là khái niệm chỉ những hành động tao ra con chữ, từ viết, vẽ, điêu khắc, cho tới số hoá. Hand-lettering hiểu đơn giản là tạo ra con chữ bằng tay. Như vậy có thể nói Calligraphy cũng là Hand-lettering. Tuy nhiên, cốt lõi của Calligraphy vẫn là “viết” – nghĩa là tạo ra một con chữ với số nét không vượt quá số thành phần của con chữ.

Lấy ví dụ như chữ M trong từ Millennials. Nó có 4 thành phần – gồm 2 nét sổ thẳng và 2 nét nghiêng. Nếu mình viết bằng 4 nét hoặc ngoáy nhanh bằng 1 nét, đấy vẫn được xem là viết. Tuy nhiên, khi dùng bút đi tỉ mỉ chậm rãi bằng nhiều nét hơn, thì sẽ được coi là “vẽ chữ.”

Typography là thuật ngữ chỉ việc sắp xếp các con chữ đã được tạo ra từ quá trình “lettering” để phục vụ quá trình in ấn hoặc hiển thị qua các ấn phẩm số hoá sao cho dễ đọc và đẹp mắt.

Calligraphy thật lịch thiệp, tinh tế và chứa đầy lịch sử theo một cách mà khoa học không thể nắm bắt được. Và tôi thấy nó thật kỳ diệu.

Steve Jobs

Theo bạn, đâu là sự dung dị giữa nghệ thuật thư pháp truyền thống và những phát triển công nghệ hiện đại?

Có vẻ dùng từ dung dị không đúng lắm, mình sẽ trả lời ở góc độ sự giao thoa giữa hai đối tượng này.

Rất nhiều phông chữ đẹp đẽ chúng ta đang sử dụng ngày nay đều được thiết kế dựa trên những con chữ viết tay cổ đại. Thời xưa khi chưa có máy tính, hay thậm chí là chưa có công nghệ in ấn, mọi văn bản đều được viết tay. Với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, các con chữ được số hoá, các bộ phông được hình thành, con người sử dụng những tư liệu cổ để tạo ra rất nhiều bộ phông chữ máy tính bây giờ.

Vì là máy tính, nên tất cả đều chính xác tuyệt đối, bạn gõ 100 chữ A sẽ cho ra 100 chữ giống hệt nhau. Nhưng Calligraphy không như thế. Mỗi bản viết đều chứa đựng nét cá nhân của người tạo ra nó, và đồng thời cũng phản ánh lại tâm trạng của con người lúc viết. Khi thư thái an nhàn, con chữ sẽ biểu đạt sự chậm rãi. Lúc vội vã nóng nảy, con chữ sẽ trở nên gấp gáp. Đó là những thứ mà chỉ Calligraphy mới có được.

Những định kiến lớn nhất của Calligraphy mà bạn biết?

Mọi người thường cho rằng hồi nhỏ viết không đẹp thì không thể học Calligraphy, nhưng thực ra không phải thế. Chỉ cần chăm chỉ luyện tập thì sẽ viết tốt được.

Cũng có người thắc mắc, “Lớn rồi thì còn luyện chữ làm gì, mà thời nay người ta dùng máy tính có các phông chữ đẹp cả rồi, tập viết thật thừa thãi.” Việc học Calligraphy bên cạnh luyện chữ chính là tìm hiểu cội nguồn của con chữ chúng ta đang sử dụng, đồng thời nâng cao thẩm mĩ cá nhân, cũng như khả năng cảm nhận nghệ thuật của người học.

Thư pháp ngày nay đã có sự lột xác như thế nào? Theo bạn, đó là những thay đổi tích cực hay tiêu cực?

Calligraphy cũng tiến hoá qua từng giai đoạn, từ hình dáng con chữ tới cách thức thể hiện nó. Các nghệ sĩ hiện đại đã sử dụng thêm nhiều chất liệu mới trong việc tạo ra tác phẩm, bao gồm cả các hình thức kỹ thuật số, đồng thời hình dáng con chữ cũng được phát triển vô cùng mới lạ và sáng tạo. Tất nhiên, điều gì cũng sẽ tồn tại hai mặt tích cực lẫn tiêu cực, tuy nhiên ở góc độ của 1 người theo đuổi Calligraphy truyền thống, mình thấy đó là những điều tất yếu sẽ diễn ra.

Có thể nhận thấy nghệ nhân thực chất cũng có thể coi là nghệ sĩ, nhưng có sự khác biệt là có tài năng nghệ thuật ở mức cao hơn; và nghệ nhân khác với các nghệ sĩ là không học ở trường lớp nào cả, mà phần lớn là được truyền dạy. Người Việt rất ít khi dùng từ “nghệ sĩ” với những nghề thủ công mỹ nghệ, mà thay vào đó là từ “nghệ nhân” đối với người làm nghề thủ công hay một số hình thái nghệ thuật biểu diễn truyền thống nào đó.

Theo bạn thì một Calligrapher sẽ là một nghệ sĩ, một nghệ nhân, hay là sự pha trộn của cả hai?

Khi tập luyện đến một trình độ nhất định, “nghệ sĩ” sẽ trở thành “nghệ nhân,” bởi Calligraphy vẫn là một bộ môn thủ công. Càng tìm hiểu sâu, người viết sẽ càng cảm nhận được cái “chất” của việc tự làm mọi thứ bằng tay.

Trong quá trình nghiên cứu, mình có đọc được câu này: “A penman makes his own pens,” có nghĩa là “Người nghệ sĩ viết chữ sẽ tự làm ra cây bút của riêng mình.” Bởi cỡ tay mỗi người khác nhau nên rất khó để có thể mua một cây bút làm sẵn hoàn toàn phù hợp với mình. Ngày nay có rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới tự làm bút, tự pha mực từ các thành phần tự nhiên hay thậm chí tự làm giấy thủ công để sử dụng cho tác phẩm của mình.

Liệu có khả thi không để theo đuổi Calligraphy như một nghề nghiệp lâu dài và bền vững?

Trong xã hội ngày nay, con người càng coi trọng những sản phẩm mang tính thủ công vì chúng chứa đựng sự cá nhân hoá cao. Nếu bạn đủ quyết tâm, Calligraphy hoàn toàn có thể trở thành nghề nghiệp thực sự.

Nếu so sánh Calligraphy với một hành tinh, bạn sẽ thấy giống với hành tinh nào nhất?

Với mình Calligraphy cũng giống như là Trái Đất, bởi vì mình được “sống” trong đó.

Cám ơn Nhật Quang vì những chia sẻ của bạn.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

20 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago