Nổi bật

#Nghĩ: Vượt qua nỗi đau chia tay bằng khoa học

Sau chia tay, tâm trí bạn đông đặc với hàng tá cảm xúc và suy nghĩ. Bạn hết buồn rồi lại khóc, nghĩ rằng sẽ cố gắng để vượt qua, cùng lúc đó cảm thấy cuộc sống từ nay về sau sẽ không còn niềm vui nữa. 

Những cuộc tình tan vỡ luôn mang đến cảm giác tồi tệ. Không chỉ người “bị” chia tay thấy tồi tệ, mà người nói lời chia tay cũng không cảm thấy khá hơn là bao. Dù sao đi nữa, cả hai đã từng là của nhau, chia sẻ với nhau mọi thứ từ cuộc sống, dự định, ước mơ, cho đến con người thật sự của mỗi người. Một mối quan hệ càng sâu đậm và lâu dài thì bạn sẽ càng cảm thấy khó khăn để vượt qua giai đoạn hậu chia tay.

Bạn đang đau khổ, bối rối, và không biết làm cách nào để thoát khỏi tình trạng này. Tin mừng là bạn có thể tiếp cận, phân tích, từ đó giải quyết nỗi đau do lời chia tay mang lại bằng… khoa học. 

Và tất nhiên, chúng ta sẽ không cố gắng dùng khoa học để tạo ra một cây đũa phép có thể hô biến mọi cảm giác đau khổ đi mất. Nhưng bằng việc nhìn nhận mọi thứ dưới góc độ khoa học (tại sao chia tay lại xảy ra, nó xảy ra như thế nào, điều gì gây ra những cảm xúc hậu chia tay, và cơ chế tâm lý nào đứng sau cái gọi là “nhớ người yêu cũ”,…), bạn sẽ nhận ra rằng một trái tim tan vỡ chẳng qua chỉ là kết quả của một hỗn hợp các chất hóa học đang diễn ra trong người. 

Tại sao chúng ta chia tay?

Mặc dù được gọi tên chung là “tình yêu”, thế nhưng mọi mối quan hệ tình cảm lãng mạn (romantic relationship) trên đời này đều không giống nhau. Do đó, khi nó đi đến hồi kết, lý do người trong cuộc đưa ra cũng sẽ khác nhau.

Tuy nhiên theo các nghiên cứu, dù có 7749 lý do khác nhau chúng ta có thể đưa ra khi muốn chia tay, hầu hết chúng đều thuộc một trong tám điều sau đây:

  • Mong muốn được tự chủ nhiều hơn (một điều thú vị, đối với phụ nữ, đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc chia tay)
  • Thiếu hụt những mối quan tâm chung và những nét tính cách chung
  • Không nhận được sự ủng hộ từ nửa kia
  • Một người (hoặc cả hai) không cởi mở với người còn lại
  • Thiếu chung thủy
  • Không có thời gian dành cho nhau
  • Mối quan hệ không có tính cân bằng
  • Mối quan hệ thiếu vắng sự lãng mạn

Ngược lại, khi xét đến việc đâu là những lý do khiến hai người khó chia tay nhau, kết quả nhận được lại là:

  • Ràng buộc nhận thức: hay nói cách khác, đây là những “áp lực tự thân” bạn cảm thấy nếu việc chia tay xảy ra, ví dụ bạn lo lắng về tình trạng của đối phương khi bạn không còn bên cạnh họ nữa (họ có thể đang có bệnh, hoặc là người có bất ổn về tâm lý), hoặc bạn sợ rằng sau khi rời xa người này rồi, bạn sẽ không thể quen được người khác nữa.
  • Ràng buộc hữu hình: bao gồm những vấn đề phát sinh sau khi chia tay có liên quan trực tiếp đến tài sản, của cải, hoặc một thứ gì đó chung giữa hai người, ví dụ nhà ở, thú nuôi, hay thậm chí là chuyến du lịch vừa mới book xong.
  • Ràng buộc vô hình: những hạn chế về cảm xúc và tâm lý của bạn, trong trường hợp bạn cảm giác tù túng và bị “mắc kẹt” với mối quan hệ này và rất khó để bạn tự bứt mình ra khỏi đó.

Trong 3 kiểu ràng buộc trên, thì 2 điều đầu tiên được các cặp đôi cân nhắc nhiều hơn khi quyết định chia tay. Bạn không còn muốn tiếp tục ở lại với mối quan hệ này nữa, nhưng thấy khó mở lời? Bạn đã chia tay từ lâu, nhưng vẫn chưa thể vượt qua được nỗi đau cùng những cảm xúc nó mang lại? Vậy thì điều đầu tiên bạn nên làm là rà soát lại và đưa ra câu trả lời xem đâu là điều đang giữ chân bạn lại. Ngoài ra, việc xác định những ràng buộc hiện hữu (hoặc đã từng hiện hữu) trong mối quan hệ của cả hai cũng là một cách để tự nhìn nhận những thiếu khuyết trong mối quan hệ, từ đó bạn sẽ dễ dàng chấp nhận sự thật rằng nó nên (hoặc đã) kết thúc.

Chúng ta chia tay như thế nào?

Ngoại trừ dính dáng đến người thứ ba, còn thường thì chia ly không phải chuyện một sớm một chiều “thích thì yêu không thích thì chia”. Cả hai đã xác định cùng nhau bước vào một mối quan hệ, thì giây phút kết thúc nó cũng hệ trọng không kém giây phút bắt đầu. Nếu bạn đang đau khổ vì “bị” chia tay, cứ nhắc nhở bản thân rằng người kia cũng không sung sướng gì. Quyết định chia tay của họ là kết quả sau một quãng thời gian dài suy ngẫm. 

Thực tế, theo Journal of Social and Personal Relationships, có tận… 16 bước khả dĩ xảy ra trước khi một người đi đến quyết định cuối cùng là nói lời chia tay. Mặc dù không phải ai cũng thực hiện đủ 16 bước này (và nếu có thì cũng không đảm bảo rằng chúng xảy ra theo đúng thứ tự), nhưng ít nhất cũng đủ để bạn tự an ủi, rằng chia ly quả thật không phải việc dễ dàng. 

Mất hứng thú với nhau -> để ý người khác -> xa cách -> cố hàn gắn-> xa cách / né tránh đối phương -> mất hứng thú -> cân nhắc chia tay -> nói cho nhau nghe những cảm xúc -> cố hàn gắn -> để ý người khác -> xa cách -> gặp gỡ người mới -> về với người cũ -> cân nhắc chia tay -> quyết định -> chia tay

Và nếu cuộc chia tay của bạn đầy drama, chẳng sao cả. Theo khảo sát của You Gove, chỉ có khoảng ¼ người được hỏi phản hồi rằng họ chia ly trong hòa bình, trong khi 58% thì xác nhận rằng đã trải qua những lần chia tay chia chân không mấy êm đẹp.

Cách não bộ phản ứng với nỗi đau

Trong một nghiên cứu thực nghiệm sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ đa chức năng (FMRI), người ta phát hiện khi một người chịu nỗi đau thể xác, thì phần vỏ não vùng đai trước (ACC) được kích hoạt. Điều này cũng xảy ra khi một người bị từ chối, hoặc trải qua một cuộc tình tan vỡ. Thế nên nếu bạn thấy chia tay mang lại những cảm giác đau đớn, thì đúng vậy. Nó đau thật đấy (và bạn cũng nên thấy đau, nếu không thì cơ thể bạn đang có vấn đề).

Việc bộ não xử lý với sự khước từ như nỗi đau về thể xác là một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan đã phát hiện ra chúng ta trải nghiệm nỗi đau thể xác như bỏng rát, bộ não sẽ kích hoạt hệ thống phản ứng opioid, giải phóng thuốc giảm đau tự nhiên (natural painkillers). Thật đáng kinh ngạc, điều này cũng xảy ra tương tự với chia tay. Và những người có tính cách kiên cường có lợi thế hơn vì hệ thống opioid của họ kích hoạt mạnh hơn. 

Tuy nhiên, tin tốt là bạn có thể tăng cường opioid tự nhiên bằng cách tập thể dục.

Tại sao việc bị khước từ lại gây ra những cảm giác khó chịu này? Nghiên cứu về sự tiến hóa có thể cho chúng ta câu trả lời. Việc tự bảo vệ bản thân là một việc rất khó khăn, vì vậy, chúng ta tiến hóa để phát triển các mối liên kết xã hội và cảm giác đau đớn khi bị khước từ hay hắt hủi giúp thúc đẩy con người tạo ra những kết nối mới. Cảm xúc hiện tại bạn đang phải chịu đựng rất kinh khủng, nhưng nó lại có ý nghĩa quan trọng về tiến hóa đấy.

Tình yêu gây nghiện như ma túy

Hậu chia tay, bạn có thể không ngừng suy nghĩ về người cũ một cách đầy ám ảnh. Thay vì dành thời gian để sống mỗi ngày một cách bình thường, bạn tập trung năng lượng để cố gắng “nhìn thấy” người yêu cũ. Ra vào messenger mỗi phút 10 lần xem họ có online không. Bật lại những đoạn tin nhắn cũ. Search tên người ta trên khung tìm kiếm và vào tường nhà lướt tới lướt lui một-cách-vô-thức Nói cách khác, bạn cảm thấy dường như mình đang nghiện họ vậy.

Lý do cho hành vi này có thể nằm sâu trong tụ điện não (brain’s circuitry) của chúng ta. Các nghiên cứu về chứng nghiện ngập đã phát hiện ra cảm giác thèm khát ma túy làm tăng mức độ của chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong nhân cạp (nucleus accumbens), một phần của não bộ liên quan đến cảm giác vui sướng và thỏa mãn khi được khen thưởng. Và cũng như cách não bộ phản ứng lại với nỗi đau, điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta nghĩ về hoặc nhìn thấy người yêu cũ.

Vậy chính xác là nó hoạt động như thế nào? Khi dopamine được giải phóng, nó tương tác với glutamate, một chất dẫn truyền thần kinh khác, để kích hoạt hệ thống học tập liên quan đến phần thưởng của bộ não. Đó là mạch thần kinh tương tự giúp con người học tập các kỹ năng sinh tồn cơ bản, ví dụ như việc ăn uống. Khi bạn liên tục tiếp xúc với ai đó hoặc điều gì mang lại cho bản thân niềm vui, não của bạn sẽ biết rằng nó cần người này, chất ấy hay một vật cụ thể. Đây là lý do tại sao nhìn thấy ảnh của người yêu cũ có thể khiến bạn muốn gọi điện hoặc nhìn thấy họ. May mắn thay, sự si mê hay cảm giác nghiện này có thể được phá vỡ.

Cảm giác đau khổ này sẽ kéo dài trong bao lâu?

Bạn có từng nghe đến phương trình chia tay (dump equation) chưa? Bằng một cách “thần kỳ” nào đó, người ta đã tính toán được rằng một người mất trung bình phân nửa thời gian của một mối quan hệ để vượt qua giai đoạn hậu chia tay của mối quan hệ đó. Nghe thật hay ho và gọn gàng. Nhưng đừng quên rằng mỗi cá nhân đều khác nhau, và các mối quan hệ cũng thế. Nếu bạn dựa vào những công thức hay con số cứng nhắc để dự đoán sự kết thúc của chuỗi ngày đau đớn đang trải qua, khả năng cao bạn sẽ thất vọng (và lúc đấy sẽ còn buồn hơn nhiều lần). 

Nói thế không có nghĩa việc đặt ra một cái “deadline” là điều hoàn toàn ích. Riêng việc bạn “cho phép” bản thân đau buồn trong một khoảng thời gian nhất định đã là một việc đáng khích lệ rồi. Chẳng có gì là sai trái khi chúng ta dành thời gian để khám phá cảm xúc của chính mình. Trên thực tế, việc suy ngẫm lại sau chia tay được chứng minh là có tác dụng kích thích sự thay đổi bản thân nhiều hơn. Vì vậy, hãy dành thời gian để hiểu rằng ngày tháng mà bạn dành cho người cũ của mình chẳng hề lãng phí chút nào. Nhờ những ngày đau khổ, bạn giờ đây đã là một con người khác. Bạn trưởng thành từ những đổ vỡ của mình.

Cuối cùng, bạn nên làm gì?

Lời khuyên thì không thiếu. Từ sách vở, từ google, từ người đi trước. Thế nhưng bạn đã bao giờ thử lời khuyên từ khoa học chưa? 

Hiệu ứng giả dược (placebo effect) là câu trả lời từ một nghiên cứu về khoa học thần kinh. Những người tham gia thí nghiệm này, đồng thời là những người vừa trải qua chia tay, được đưa cho một loại “thần dược giảm cảm giác đớn đau”. Sau khi xịt mũi bằng những lọ thuốc đó và được cho xem ảnh ex, họ cho biết bản thân thật sự đã cảm thấy đỡ-đau-lòng hơn khi phải nhìn thấy người cũ. Kết quả scan não của đối tượng thí nghiệm cũng cho ra những kết quả khả quan. 

Bạn nóng lòng muốn biết thần dược đó là gì? Lọ thuốc xịt đó chỉ là một hỗn hợp của nước cất và muối.

Làm gì có cái gọi là “thần dược giảm đau”, cũng không hề có hỗn hợp thuốc nào mà chỉ cần xịt một cái là mọi đau đớn tan biến. Bạn tin rằng nó hiệu quả, nên nó hiệu quả. 

Khóc lóc và đau buồn cũng được, nhưng sau đó, hãy đứng lên và đi ra ngoài, làm những điều khiến bản thân cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Kết nối lại với một người bạn đã lâu không liên lạc. Đăng ký học một lớp kỹ năng mà bạn đã “dự định” bắt đầu trong một thời gian dài. Dành tiền đi du lịch những nơi bạn chưa có cơ hội đặt chân đến. Ăn những món lúc trước không ăn vì người kia bị dị ứng. Lăn ra giữa giường mà ngủ và thoải mái xoay trở khắp nơi vì bây giờ bạn không cần phải chia sẻ chiếc giường với ai nữa.

Dành nhiều thời gian quan tâm đến chính mình. Có lẽ trong quãng thời gian quá, bạn đã dành nhiều công sức cho mối quan hệ mà vô tình bỏ quên một người cũng cần được yêu thương không kém. Đó chính là bản thân bạn. 

Còn chuyện chia tay và những cảm giác khó chịu nó mang lại… cứ để mặc não giải quyết. Thuốc xịt có thể không thần kỳ, nhưng bộ não thì có. Nó có thể khiến bạn đau đớn dữ dội, đồng thời cũng có thể giúp bạn khuây khỏa hơn. Chỉ cần cho nó ít thời gian thôi.

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago