Cine

When a Woman Ascends the Stairs (1960) – Đi lên là “hạnh phúc”, đi xuống là “khắc khổ ”


Khi một cô gái bước lên cầu thang.

Cái tựa đề của When a Woman Ascends the Stairs nghe có vẻ phóng dụ. Nó khiến cho người ta tò mò xem điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Trong trường hợp này, nói chính xác hơn là ở phía trên. Khi ta bước lên cầu thang, đó sẽ là một không gian mới, một căn phòng mới, một dãy hành lang mới…một cái gì đó “mới”.

Nguồn ảnh: When a Woman Ascends the Stairs

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thừa hiểu cảm giác leo thang là thế nào. Một phần vì không rõ tại sao lúc nào tôi cũng ở trên những tầng cao nhất. Thế nhưng đối với những bậc thạc của Mikio Naruse, tôi vẫn có cảm giác vô cùng lạ lẫm. Nó chan chứa tự sự của một cánh hồng vừa mỏng manh nhưng cũng không kém phần kiên định.

Đối với tác phẩm này,”đẹp” là một trong những yếu tố không cần bàn cãi. Phim của Mikio luôn thế, nhân vật của Mikio cũng như vậy. Họ chứa đựng thật nhiều tình yêu nhưng luôn để trượt mất trong những giây phút quan trọng nhất, họ đánh đổi vô vàn cảm xúc khó tả chỉ để nhận lấy những sự bi ai.

Nguồn ảnh: When a Woman Ascends the Stairs
Nguồn ảnh: When a Woman Ascends the Stairs

Các bộ phim của Mikio Naruse thường được bao phủ bởi những gam màu rất đời thường. Nó không điềm tĩnh và giản bình như Yasujirō Ozu, không cao trào thống thiết như Akira Kurosawa, không ác hình như Kenji Mizoguchi. Đó đơn giản chỉ là Mikio Naruse. Tiếc là bộ phim buồn hơn những gì tôi có thể hình dung. Tội nghiệp Keiko Yashiro, cô gái vừa rực rỡ như vầng mặt trời, vừa muộn phiền như những đám mây nghiêng phủ màu sầu úa.

Khi bước lên cầu thang, cô chính là “Keiko” của bọn họ, của những người đã say mềm và khiếm nhã. Họ tâng bốc lẫn nhau, bày tỏ thái độ khinh khỉnh ở đằng sau lưng cô. Keiko được coi như một món hàng nhất định phải có, bởi với nhan sắc, bởi sự lộng lẫy đó thật khó lòng bỏ qua. Chỉ với một cái nhìn của cô, cánh đàn ông bên trên đã lập tức liêu xiêu. Chỉ một lần trò chuyện, đa số nam giới đều sẽ muốn đánh đổi tất cả để được ở bên giai nhân tuyệt sắc này. Cả một vùng chợt náo loạn lên vì Keiko, còn cô chỉ ngồi lặng yên và tự cười một mình. Nhưng cớ cớ sao cô “cười” một mình trong khi ai khác cũng cười với nhau?

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi cô bước xuống cầu thang và dừng lại. Khi đó, cô lại là Keiko của chính bản thân mình. Ở ngay phía dưới sự ồn ào, nhộn nhạo là một không gian yên bình, tĩnh lặng. Cô không đoái hoài tới những gì đang diễn ra phía trên mà cứ thế tiến ra cánh cửa gỗ, âm thầm đón những ngày thu lộng gió. Đơn giản vì cô đã được đi về, được tránh khỏi sự lộng lẫy nửa mùa đầy giả tạo.

Nguồn ảnh: When a Woman Ascends the Stairs

Ở phía dưới cầu thang, Keiko nói về những lần tự sát, cơn ủ bệnh, vài lần dối lừa và hàng tá những cuộc tình một đêm. Ở trên kia cô nhìn thấy những lời cầu hôn đường mật, đi kèm với sự bỏ rơi và một số lần uất ức. Đi lên rồi lại đi xuống, đi xuống lại lần đi lên, nghe cũng vần với quảng cáo kẹo the mát hồi xưa trên truyền hình mỗi khi tôi mở tivi lên xem, chỉ khác biệt là nó không mang một hương vị dễ chịu gì. Chỉ một quãng đường ngắn nhưng cảm xúc lại tưởng như là vô tận. Những tâm sự trĩu nặng đó ẩn vào từng bước chân của cô. Nó tĩnh mịch và đầy hoài cảm, lúc đi lên với một tâm tư mặc kệ, lúc xuống là vô số suy nghĩ không thể kể cho ai. Cô không biết đi về đâu, lối nào cho thanh thản. Đáng buồn nhất là cái vòng tròn đó sẽ lặp đi lặp lại theo một chu kỳ vô tận. Tựa như một chiếc cầu thang, nếu mà đặt xoay ngang sẽ chả ai nhận ra mục đích của nó là đi lên hay xuống. Tội nghiệp Keiko, và Mikio … sao ông lại đối xử với cô tệ như thế.

Đi lên cô xinh đẹp và giàu có, đi xuống cô nợ nần và đầy khổ hạnh.
Đi lên cô từ chối một cuộc hôn nhân tươi đẹp, đi xuống cô run mình vì không ai có thể hiểu.
Đi lên cô được tương lai đón chờ, đi xuống cô liêu xiêu trong tâm thế vừa bị rời bỏ.

Nguồn ảnh: When a Woman Ascends the Stairs

Cô được thông báo là người đàn ông cô đặt trọn niềm tin bây giờ đang chạy trốn. Hắn có tiền sử đi lừa gái và làm đủ mọi trò để người ta tin. Rốt cuộc cô cũng chỉ là một trong những nạn nhân bất hạnh. Trong nỗi buồn đó, ở đằng xa vẫn có một đám trẻ nô đùa, tạo thành một vòng tròn đầy niềm vui. Những nụ cười đó sáng le lói giữa cảm giác đìu hiu của một ngày buồn. Những khung cảnh đó rất Mikio Naruse đúng không? Phim của ông là một chuỗi những điều tưởng vui nhưng lại được dùng để khắc hoạ chính nỗi buồn.

Đi lên là “hạnh phúc”, đi xuống là “khắc khổ ”. Vì thế nên Keiko đã chọn đi lên, dù “hạnh phúc” đấy luôn ở trong ngoặc kép.


“Không có bộ phim hay nào quá dài và không có bộ phim dở nào quá ngắn.” Rạp Phim Thứ Bảy là chuỗi bài viết về những bộ phim khiến người ta quên đi sự tồn tại của thời gian.


Có thể bạn quan tâm
Dust in the Wind (1987) – những mảnh ghép nhẹ nhàng thời niên thiếu
Sundays and Cybèle (1962) – Những kẻ chỉ dám yêu vào Chủ Nhật
“Rocco and His Brothers” – Những giọt nước mắt bất lực trong xã hội điêu tàn



Perriot Le Fou

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

19 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago