Lifestyle

Xử lý những tình huống lúng túng bất ngờ xảy đến

Quên kéo khóa quần, vô tư cười nói với miếng rau giắt kẽ răng, phát ra âm thanh ‘khả nghi’ khi vừa đặt mông xuống ghế, trượt tay ụp cả cốc cà phê vào áo mình (hoặc tệ hơn là áo người khác), … chỉ là một ít trong số những thứ gây ngượng cao độ có thể bất ngờ xảy đến trong cuộc sống thường ngày – những tình huống lúng túng đến mức khiến bạn mong đất nứt ra để chui tọt xuống trốn luôn cho rồi.

Dù là thánh vụng về hay chỉ thi thoảng mới gặp khoảnh khắc ‘muốn độn thổ’, thì bạn vẫn nên biết cách để chữa ngượng trong những lúc như thế. Nghiên cứu của giáo sư Joshua Clegg (Đại học John Jay) về tầm quan trọng của những tình huống lúng túng với đời sống đã chỉ ra rằng, hầu hết chúng ta đều có nhu cầu thuộc về (the need to belong). Nhu cầu này dẫn đến quá trình tự điều chỉnh thông qua việc không ngừng tìm hiểu về đánh giá của người khác về mình. Các hành vi lệch chuẩn sẽ dẫn đến suy nghĩ rằng mọi người đang đánh giá tiêu cực về bản thân chúng ta, và cái tôi trong ta sẽ chịu tổn thương lớn.

Mổ xẻ những tình huống lúng túng

Những người tham gia vào thí nghiệm của giáo sư Joshua Clegg bao gồm người thuộc các tầng lớp xã hội và độ tuổi khác nhau, từ sinh viên Đại học cho đến những người cao tuổi. Họ được yêu cầu tường thuật chi tiết về một tình huống cụ thể, được phép tự do miêu tả trải nghiệm của mình nhưng vẫn cần đảm bảo đáp ứng một số tiêu chí nhất định để nhóm nghiên cứu có thể tìm ra điểm chung giữa các câu trả lời.

Dạng tình huống lúng túng đầu tiên là những tình huống không chắc chắn hoặc gây căng thẳng tâm lý. Chúng có thể xảy đến bất ngờ (ví dụ như làm rơi hoặc làm đổ thứ gì đó) nhưng thường vẫn là những trường hợp mà bạn đoán trước sẽ có khả năng trở thành những tình huống lúng túng, ví dụ như khi gặp gỡ gia đình bạn trai / bạn gái.

Nhìn chung, chúng ta càng biết ít về những gì sắp xảy ra bao nhiêu thì sẽ càng bối rối và dễ hành xử vụng về bấy nhiêu. Trước buổi ‘ra mắt’ đầu tiên, nhiều người lo lắng phát sốt với đủ loại suy nghĩ. Không biết ba mẹ người ấy sẽ nói gì trước tiên? Nghe bảo cậu em trai nghịch lắm, còn bà chị thì xét nét khó tính hơn cả mẹ chồng. Lúc ăn cơm lỡ mình làm đổ cơm canh thì sao đây? Nếu người ta nói về chủ đề mình không biết thì làm gì? Nếu may mắn, mọi thứ diễn ra êm xuôi, bạn sẽ không nhận ra sự lúng túng đằng sau nữa. Nhưng đó chỉ là khi may mắn…

Ảnh: Unsplash / Markus Spiske

Dạng tình huống lúng túng thứ hai là những hành vi vượt quá giới hạn có nhận thức, nói cách khác, là khi bạn nhận ra mình vừa nói hoặc làm gì đó không nên. Ví dụ, cả nhóm đang trò chuyện vui vẻ, bạn cũng theo đó mà buông lời đùa cợt về một người hay một sự việc nào đó. Câu đùa vừa buông cũng là lúc bạn nhận ra mình đi quá xa, nhưng lời đã thốt ra không thể rút lại được nữa. Trong trường hợp này, không chỉ người vượt quá giới hạn mới thấy lúng túng mà những người đang cùng có mặt cũng sẽ có chung cảm nhận.

Ảnh: Unsplash / Bernard Hermant

Trong giây phút lúng túng, chúng ta có xu hướng cảm thấy mình trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thời gian bị kéo giãn đến mức ngừng trôi, ánh nhìn của tất cả mọi người hướng về phía bạn – cho dù là trong ý nghĩ hay trên thực tế. Bạn thấy bồn chồn, xấu hổ, ngượng nghịu không để đâu cho hết. Mồ hôi bắt đầu tuôn ra, mặt và gáy từ từ nóng lên, nhịp tim ngày càng nhanh và rõ. Cho dù có là người ưa thích spotlight đến đâu đi nữa thì việc bị nhìn chòng chọc vẫn là một cảm giác hết sức khó chịu, đặc biệt là trong hoặc sau khi một tình huống lúng túng vừa xảy ra.

Điều tệ hơn nữa là một khi đã cảm thấy lúng túng, bạn sẽ có xu hướng làm mọi chuyện lúng túng thêm. Trạng thái lo âu có thể khiến bạn phá ra cười một cách ‘giả trân’, âm lượng giọng nói trở nên lớn bất thường thiếu tự nhiên, tư thế bồn chồn không thoải mái, đỏ mặt tía tai, nói năng run rẩy lắp bắp. Đồng thời, những người có mặt cũng bắt đầu bị ảnh hưởng theo. Họ có thể cảm thấy ngượng lây, có thể thầm thở phào vì chuyện không xảy ra với họ, có thể toát mồ hôi không biết mình sẽ làm gì trong trường hợp tương tự, cũng có thể cho rằng chính hành động vừa rồi của đối phương làm họ xấu hổ lây.

Thử tưởng tượng bạn dẫn theo một đứa bạn đi dự tiệc cùng để rồi nó lại say xỉn quá lố, vương vãi thức ăn nước uống khắp người mà xem. May là chẳng dính lên người mình, nhưng thế này thì mọi người cũng đánh giá mình mất thôi, vì mình là người dẫn nó đến đây!

Xử lý những tình huống lúng túng

Mổ xẻ xong rồi thì xử lý những tình huống lúng túng thế nào đây? Trở lại với nghiên cứu của giáo sư Joshua Clegg, khi đối diện với những trường hợp gây ngượng, những người tham gia đều muốn nó trôi qua nhanh nhất có thể. Họ cho biết, tình huống lúng túng còn ở đó lâu chừng nào thì mọi thứ càng trở nên tệ hơn chừng ấy.

Nhìn chung, khi rơi vào một tình huống lúng túng, bạn có 2 cách giải quyết: tránh né bằng cách giả vờ như không có gì xảy ra, hoặc trực tiếp đối diện với nó.

Có nhiều cách để tránh né, ví dụ như đứng lên rời khỏi đó, cố tình hướng ánh nhìn đi nơi khác, hoặc làm ngơ tình huống lúng túng để tiếp tục cuộc trò chuyện đang dang dở. Tuy nhiên, giả vờ như chuyện không xảy ra không làm nó biến mất. Bạn có thể tự nhủ rằng, ôi dào, đã không thể làm gì thì cứ quên nó đi là cách tốt nhất. Thế nhưng, bạn không thể phủi bỏ sự tồn tại hay ấn tượng của người khác với sự việc xảy ra. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Joshua Clegg đưa ví dụ một cô gái bị tuột áo tắm trong bể bơi. Cô xấu hổ, nhanh chóng lặn xuống nước với hy vọng sẽ chẳng ai kịp nhận ra tình huống ngượng ngập đó, trong khi bản thân lại không thể biết được liệu đã có ai nhìn thấy hay chưa.

Ảnh: Unsplash / Belinda Fewings

Do đó, trực tiếp đối diện và xử lý tình huống lúng túng sẽ là một phương án tốt hơn. Hài hước là một cách tiếp cận phổ biến, đặc biệt khi bạn là người gây ra tình huống đó. Bạn không cần phải làm một diễn viên hài đâu, chỉ cần một cái cười xòa, một câu cảm thán đơn giản như ‘Ôi, mình vụng về quá!’ hay ‘Ngượng ghê!’ là đã đủ để bạn và người xung quanh cho qua tình huống lúng túng vừa xảy ra.

Nhưng nhớ rằng, chỉ hài hước khi chính mình là ‘thủ phạm’ thôi, đừng phá ra cười khi người khác gặp tình huống khó xử.

(Nguồn: The Best Way to Deal With Embarrassment)

Xem thêm:
Vì sao tiếng cười xuất hiện vào những lúc không nên?
Bạn có nhìn ra 7 nụ cười khác nhau này không?
“Lần cuối bạn khóc là khi nào?” – Bài phỏng vấn nhỏ với cánh đàn ông

Mi Nguyen

Recent Posts

Xem chỉ tay: Từ góc nhìn khoa học và cách bói đúng

Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…

19 giờ ago

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

2 ngày ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

3 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

4 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

5 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

5 ngày ago