Không phải lúc nào chúng ta cũng dùng lời nói để biểu đạt một vấn đề. Giao tiếp phi ngôn ngữ cũng là một cách thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, để chúng ta kết nối với nhau. Thông qua ngôn ngữ cơ thể, chúng ta có thể vô thức bộc lộ tình cảm, thái độ cùng nhiều mong muốn ẩn giấu của mình.
Vậy chúng ta có thể biết được liệu một người có tình cảm với mình hay không nếu chỉ nhìn vào ngôn ngữ cơ thể? Câu trả lời là có.
Nếu đang thinh thích ai đó, hãy chú ý tới những cử chỉ, hành động của bạn với đối phương, và ngược lại. “Một chút nhớ nhớ, một chút thương thương” thường thể hiện khá rõ ràng thông qua những dấu hiệu dưới đây.
Khi ai đó có tình cảm với bạn, họ sẽ trở nên tương đối thoải mái và cởi mở với những tư thế như ngồi thả lỏng, bàn tay mở rộng cùng nhiều chuyển động linh hoạt. Những biểu hiện đó cho thấy họ đang rất hào hứng khi được trò chuyện cùng bạn.
Ngược lại, tư thế khoanh tay, sử dụng một món đồ bất kỳ làm “vật chắn”, cơ thể có phần căng cứng, chân thu hẹp, … cho thấy đối phương đang trong trạng thái phòng bị. Có thể họ không đồng tình với bạn hoặc đang cố gắng dựng lên rào cản nhằm ngăn chặn bất kỳ sự tiến xa nào (cả trong cuộc trò chuyện lẫn trong mối quan hệ).
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Ta có thể “nhìn thấu” tâm tư, tình cảm của một người chỉ qua ánh mắt của họ, chẳng hạn như khi giao tiếp trong nhóm đông người, chúng ta thường vô thức hướng mắt về người mình có cảm tình để xem họ có để ý đến mình hay không.
Nếu có tình cảm, người kia có thể quay đi khi phát hiện ánh nhìn của bạn. Hoặc trong lúc nói chuyện, họ sẽ thể hiện sự tập trung và niềm hứng thú bằng cách nhìn bạn chăm chú, chủ động phớt lờ những thứ có khả năng “xen ngang” cuộc trò chuyện như điện thoại, và đôi khi là cả những người xung quanh.
Sau thời gian dài tiếp xúc với người mà ta có cảm tình, bạn có thể vô thức bắt chước phong cách nói chuyện, biểu cảm và những động tác của họ. Ví dụ như nếu người đó uống nước, bạn cũng sẽ uống nước; nếu họ đang ngồi nghiêng về bên trái, bạn cũng sẽ ngồi nghiêng về bên trái.
Những động thái này được đặt tên theo Hiệu ứng tắc kè hoa (The Chameleon Effect). Hành vi này giúp tăng khả năng kết nối xã hội, giúp cho chúng ta dễ dàng gây ấn tượng với những người có chung sở thích và lối sống giống mình.
Cổ và cổ tay đều là những vị trí dễ bị tổn thương vì da những nơi này mỏng nhất trên cơ thể, chỉ một tác động vừa phải cũng có thể khiến chúng ta bị đau. Vì thế, nhiều người thường dùng tóc hoặc y phục để che chắn những bộ phận này, hạn chế những tiếp xúc không cần thiết.
Thế nhưng khi có hảo cảm với ai đó, chúng ta lại có xu hướng khoe những vùng cơ thể này ra như một cách thể hiện sự tin tưởng. Nếu nam giới hay gãi cổ hoặc nghiêng đầu thì nữ giới thường vén hoặc buộc gọn tóc lên, để lộ vùng da cổ. Trong trạng thái thoải mái, chúng ta cũng hay để ngửa lòng bàn tay khi trò chuyện. Đây là một cách biểu lộ thái độ không đề phòng trước những người mà chúng ta tin tưởng và có thiện cảm.
Sự hấp dẫn giới tính kéo chúng ta lại gần nhau hơn. Khi để ý một ai đó, ta sẽ tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc với họ như ngồi gần lại người ấy hoặc ưu tiên chọn vị trí đối diện. Hành vi này nhằm giúp ta có thể quan sát được khuôn mặt, biểu cảm của đối phương cũng như chắc chắn họ sẽ lắng nghe rõ ràng những gì mà ta chia sẻ.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể để ý hướng ngồi của một người để xác định tình cảm của họ. Bằng cách quan sát hướng để chân, tay và cách cơ thể đổ về phía bên nào, ta có thể biết được một người đang muốn lôi kéo sự chú ý từ ai.
Một khi rơi vào trạng thái “thầm thương trộm nhớ”, ta sẽ cố gắng để tìm cách tiếp xúc với người mình thích. Đó có thể là giả bộ so sánh kích cỡ bàn tay như cách mà Jane và Tarzan đã chạm tay nhau, hoặc khi ngồi cạnh nhau, đầu gối một người có thể “vô tình” đụng phải đầu gối của người còn lại.
Nếu đối phương cũng có những hành động như trên hoặc cảm thấy thoải mái với những tiếp xúc này, chứng tỏ họ cũng tin tưởng hoặc nhiều hơn là có tình cảm với ta.
Hãy tưởng tượng bạn và người mình thích đang tản bộ trên một con đường. Nếu thích họ, chúng ta sẽ cố gắng bắt kịp tốc độ đi của người đó để duy trì cuộc trò chuyện. Trong trường hợp một trong hai người không có tình cảm với đối phương, họ sẽ… đi nhanh hơn hoặc nghiêng người xa về phía người kia đang đứng.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể để ý đến bước chân của cả hai khi đang đi. Nếu cả hai đang đi cùng bước chân, điều này cho thấy cả hai đang có cùng một “tần sóng” và họ hoàn toàn hào hứng, thoải mái với cuộc trò chuyện. Ngược lại, nếu những bước chân trở nên lệch nhịp, không đều, điều đó chứng tỏ cuộc hội thoại dường như đang có phần rời rạc và gượng gạo.
Ngôn ngữ cơ thể chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy ai đó có thích bạn hay không. Tuy nhiên thông qua đó, ta có thể suy đoán được cảm xúc, suy nghĩ mà mọi người dành cho nhau. Tất nhiên, để biết được một người thật sự có tình cảm với mình không, chúng ta vẫn cần để ý thêm nhiều yếu tố khác như: Thời gian, sự hy sinh, và thấu hiểu của mối quan hệ.
Tham khảo Psych2Go
Ảnh minh họa: Psych2Go
Có thể bạn quan tâm:
Cách đàn ông sử dụng ngôn ngữ cơ thể để kiểm soát người khác
8 việc nhỏ để nuôi lớn tình yêu bản thân mỗi ngày
Tình yêu hay sự nghiệp – Đâu là chân lý và đâu là “chân tường”?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…