Lifestyle

10 gợi ý giao tiếp giúp bạn không rơi vào những cuộc trò chuyện gượng ép

Có lẽ bạn không ghét giao tiếp xã hội, bạn chỉ ngại những cuộc trò chuyện gượng ép mà thôi.

Chúng ta hay nhận xét ai đó là “có duyên ăn nói”, điều đó có thể vì họ có khiếu giao tiếp thật, nhưng phần lớn trường hợp là do họ có kỹ năng trò chuyện và tương tác tốt. Trò chuyện thì ai chẳng làm được, nhưng nói thế nào cho phù hợp và để cuộc nói chuyện không rơi vào ngõ cụt thì là một kỹ năng cần phải học.

#1 – Đặt câu hỏi để “dụ” đối phương nói chuyện

Có 3 lợi ích trong việc đặt câu hỏi: dịch chuyển trọng tâm cuộc trò chuyện sang đối phương, giảm bớt áp lực phải liên tục gợi ra chủ đề, khuyến khích đối phương chủ động tham gia vào cuộc trò chuyện hơn.

Để phát huy tối đa những ưu điểm của việc đặt câu hỏi, bạn nên lưu ý dùng câu hỏi mở thay vì câu hỏi đóng, ví dụ như hỏi “Cuối tuần qua cậu đã làm gì vậy?” thay vì “Cuối tuần vui chứ?”. Câu hỏi mở sẽ “dẫn dụ” người đối diện đưa những câu trả lời dài và chi tiết hơn, có thể dùng để khai thác tiếp tục cho phần sau cuộc trò chuyện. Phương pháp đặt câu hỏi thường bắt gặp trong những buổi gặp gỡ lần đầu, tuy nhiên bạn vẫn có thể áp dụng nó vào các cuộc trò chuyện bình thường với bạn bè hoặc đồng nghiệp.

#2 – Lắng nghe tích cực

Người giao tiếp tốt không chỉ giỏi nói mà còn giỏi lắng nghe. Khả năng lắng nghe tích cực (active listening) giúp thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu của bạn đối với những gì đối phương đang nói, thông qua việc sử dụng một số cụm từ và ngôn ngữ cơ thể nhất định:

– Sử dụng câu hỏi mở để tránh những câu trả lời Có / Không, ví dụ: “Cậu nghĩ gì về việc…?”,
– Khẳng định: nói những câu nhằm xác thực cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm của đối phương. Ví dụ: “Bữa tiệc tối qua chắc là rất vui!”
– Phản chiếu: nhắc lại một phần những gì đối phương đã nói để xác nhận. Ví dụ, “Vậy mình hẹn nhau 7h tối Chủ Nhật tuần tới ở … phải không?”
– Tóm tắt: đưa ra tóm tắt ngắn gọn về những gì đối phương đã nói. Ví dụ, “Làm việc tại nhà thì linh động hơn, nhưng mà cậu lại thấy mình có ít thời gian cho bản thân hơn.”

#3 – Nói ra những gì bạn nghĩ

“Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” giúp bạn không hấp tấp, tránh lỡ miệng nói ra những điều không phù hợp hoặc không nên. Nhưng “uốn” quá nhiều có thể làm mọi chuyện tệ hơn với những người vốn đã có chứng lo âu xã hội, làm họ càng thêm bất an và mất tự tin.

Thay vì cố công tìm gì đó mà bạn cho là hấp dẫn hoặc tốn nhiều thời gian duyệt đi duyệt lại trong đầu những gì mình định nói, hãy thử một lần thoải mái nói ra những suy nghĩ của mình, đừng quá quan tâm rằng chúng nhỏ nhặt hay bình thường đến đâu. Chiều nay bạn định ăn gì, không biết lát nữa trời mưa hay nắng, à hay là tập phim tối qua đang làm bạn tức anh ách? Có khi chính những điều tưởng chừng vặt vãnh này lại mở ra một cuộc trò chuyện đầy thú vị và bất ngờ đấy!

#4 – Nói chậm rãi, có khoảng dừng, và đừng ngại những lúc im lặng

Đôi khi vì lo lắng hoặc vì sức ép phải để cuộc trò chuyện tiếp diễn, chúng ta né tránh những khoảng lặng bằng cách cố gắng tìm gì đó để nói. Nhưng vì lý do gì đi nữa thì nói liên tu bất tận sẽ dễ biến các cuộc trò chuyện trở thành “sàn diễn” của riêng bạn, khiến cho cuộc trò chuyện càng trở nên gượng ép hơn.

Đừng ngại những “khoảng trống”. Quãng dừng và những lúc im lặng là dấu hiệu cho người kia biết rằng đã đến lượt họ nói chuyện. Ngoài ra, tránh nói quá nhanh. Nói chậm, có ngừng nghỉ, và im lặng đúng lúc sẽ giúp cho cuộc trò chuyện diễn ra cân bằng và với một tốc độ thoải mái hơn, để bạn có thời gian “nghỉ ngơi” còn người kia có cơ hội lên tiếng.

#5 – Chú ý những chủ đề có thể khơi gợi hứng thú và sự quan tâm

Cách dễ nhất và thường gặp nhất là sử dụng những chủ đề mà bạn và đối phương có điểm chung để làm đề tài nói chuyện. Nhưng lần tới, để tránh các cuộc trò chuyện gượng ép, hãy thử “đổi món” bằng những chủ đề mà đối phương quan tâm hoặc có hứng thú xem sao.

Những chủ đề này sẽ khác nhau tùy thuộc vào đối tượng trò chuyện. Với đồng nghiệp chỉ quen biết xã giao hoặc với những người lần đầu gặp gỡ, để biết họ hứng thú điều gì, hãy để ý đến ngôn ngữ cơ thể của họ. Mỉm cười, thay đổi trong nét mặt và đồng tử mắt, nghiêng người về trước, tỏ vẻ háo hức muốn lên tiếng, … là những dấu hiệu đáng tin cậy nếu bạn “bốc trúng” chủ đề họ quan tâm. Nếu trò chuyện online, những thay đổi có thể thể hiện qua câu trả lời dài, có sử dụng dấu câu, có emoji / gifs, …

#6 – Vượt qua small talk

Small talk hiểu chung là những đoạn trao đổi ngắn, đôi khi được dùng để mào đầu cho cuộc trò chuyện, nhưng đôi khi nó chỉ dừng lại ở mức chào hỏi, tán gẫu vu vơ, đặc biệt với những người chúng ta không thân quen.

Tuy nhiên, nhiều người hay bê nguyên phong cách xã giao này vào các cuộc trò chuyện với người thân, bạn bè. Những đoạn hội thoại kiểu “Cậu khỏe chứ?” – “Mình khỏe. Cảm ơn nha.” hoặc “Trời đẹp quá kìa!” – “Ừ đẹp thật!” rất có tiềm năng biến thành những cuộc trò chuyện gượng ép nếu hai bên cứ tiếp tục kéo dài.

Tán gẫu hoặc xã giao không xấu, nhưng nó dễ khiến bạn rơi vào tình trạng lặp đi lặp lại những tương tác ngắn hạn bất kể người đối diện là ai. Do đó, hãy tìm cách vượt qua thói quen small talk bằng cách quan sát, lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi mở, đưa ra nhận xét hoặc linh động thay đổi các chủ đề trò chuyện nhằm giúp trải nghiệm tương tác của bạn được sâu sắc và thân mật hơn.

#7 – Hạn chế nhắc đến các chủ đề nhạy cảm hoặc gây tranh cãi

Các chủ đề gây tranh cãi, chia rẽ, nhạy cảm, hoặc quá riêng tư đều có thể là lý do dẫn đến một cuộc trò chuyện gượng ép. Tùy vào đặc điểm văn hóa, tình hình hiện tại, và vào người cụ thể đang trò chuyện cùng mà bạn nên chú ý hạn chế nhắc đến những chủ đề khác nhau, trừ khi cả hai đang cùng muốn bàn luận về những điều này.

#8 – Đừng ngại từ chối nếu cần

Không ai có thể nói chuyện mãi được. Chúng ta đều có những lúc buồn bực, những lúc muốn “tránh người”, hoặc những lúc cần phải nghỉ ngơi. Ngoại trừ những lúc khẩn cấp hoặc cuộc trò chuyện này rất cần thiết, bạn hoàn toàn có thể rút lui khỏi một cuộc trò chuyện bất kỳ. Nếu đối phương là người bạn không thích hoặc nếu bạn đang không có tâm trạng mà cứ miễn cưỡng thì lần tương tác này rất dễ biến thành một cuộc trò chuyện gượng ép.

Đừng ngại từ chối nếu cần. Tuy nhiên vẫn nên cẩn thận đừng để điều này trở thành thói quen – hủy hẹn thường xuyên có thể gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của bạn, thậm chí có thể trở thành một phương thức tránh né không lành mạnh với người mắc chứng lo âu xã hội.

#9 – Hiếu kỳ và cởi mở

Những người luôn trong trạng thái lo lắng và đề phòng sẽ dễ mắc kẹt với những suy nghĩ tiêu cực. Tự đánh giá bản thân, lo âu, hay suy nghiệm thái quá vừa khiến bạn cảm thấy bất an vừa làm bạn dễ mất tập trung hơn. Ngược lại, những người có đầu óc hiếu kỳ và cởi mở cũng là những người ít lo lắng, ít bất an, và dễ tận hưởng trải nghiệm giao tiếp với người khác hơn.

Bạn có thể luyện cho mình một trí óc cởi mở và hiếu kỳ (ít nhất là trong những cuộc trò chuyện) bằng cách tập trung sự chú ý vào người đối diện thay vì những suy nghĩ của mình. Hãy thắc mắc về những gì họ đang nói, đào sâu vào những chi tiết trong câu chuyện họ vừa kể, để cuộc trò chuyện có thể tiếp tục một cách thú vị và có ý nghĩa hơn.

#10 – Dừng lại đúng lúc

Cuối cùng, hãy biết kết thúc khi cần. Bạn có thể chấm dứt trò chuyện một cách lịch sự bằng cách cảm ơn đối phương vì đã dành thời gian, nói với họ rằng bạn phải đi bây giờ hoặc hẹn sẽ trò chuyện khi khác.

Nói chuyện lâu không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt là khi chúng đã bắt đầu trở nên lúng túng, nhạt nhẽo, gượng ép. Nếu bạn cảm thấy rằng người kia muốn rời đi, không hứng thú, hoặc có vẻ như đang không có tâm trạng trò chuyện, thì tốt nhất nên dừng cuộc nói chuyện tại đây thay vì cứ tìm cách kéo dài.

(Nguồn: Social Pro Now)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Mẹo giúp thoát khỏi những cuộc trò chuyện khó xử
9 hình thức giao tiếp không lời xuất hiện trong đời sống hàng ngày
Đừng ngại xấu hổ, vì chúng ta có thể bắt gặp nó từ những tình huống bình thường nhất

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago