Lifestyle

5 giai đoạn chúng ta cần trải qua nếu muốn thay đổi

Thay đổi, hay bắt đầu bất cứ điều gì mới cũng là một việc khó khăn. Biết được các giai đoạn mà một người phải trải qua nếu muốn thay đổi sẽ giúp bạn biết được mình đang ‘mắc kẹt’ ở đâu để từ đó vượt qua.

Ví dụ nhé, bạn muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp, và đang trên con đường xây dựng hình ảnh bản thân với tư cách một blogger truyền cảm hứng.

#1 – Lạc quan trước viễn cảnh

“Chỉ cần lên mạng viết vài thứ là truyền cảm hứng cho mọi người? Rồi còn có thể kiếm tiền từ các lời mời hợp tác, làm dự án, thậm chí là công việc nghiêm túc? Trời ngon dạ!”

Thế là bạn hăm hở bắt tay vào việc. Chỉ viết thôi, có gì khó khăn hay quá khác biệt so với những gì bạn vẫn làm trước giờ đâu chứ? Vài tuần đầu tiên trôi đi dễ dàng. Tâm trí tĩnh lặng, năng lượng tràn trề, lúc nào bạn cũng sẵn sàng dành trọn lực cho công việc này. Chưa có khán giả, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chẳng ai chỉ trích, phê bình. Bạn có thể hình dung vô số hướng phát triển khác nhau cho lần thay đổi này, và danh sách các ý tưởng để khai thác thì dài hàng mét.

Cuộc đời liệu còn gì tuyệt hơn?

#2 – Sụp đổ với hiện thực

“Ủa hồi trước ‘viết tự do’ sao dễ lắm mà ta? Chỗ này là xác suất hay xác xuất? Đoạn này đọc lại sao thấy… kỳ kỳ. Sách–Ngữ–văn–cấp–3–của–tôi–đâuuu?”

Nhìn thì dễ, làm mới thấy khó. Không chỉ ‘bỗng nhiên’ viết dở hẳn ra mà còn biết bao nhiêu thứ nữa phải tìm hiểu – tìm nguồn ảnh ở đâu để vừa đẹp vừa được phép sử dụng, biên tập là gì, SEO là cái chi, format thế nào cho khoa học và dễ nhìn nhỉ, lại còn truyền thông, làm sao biết được người ta thích đọc cái gì?

Hiện thực bẻ gẫy viễn cảnh tươi sáng ban đầu. Hóa ra chỉ viết là chưa đủ.

Đó là chưa kể khó khăn trong nỗ lực kết nối với những người khác trong cộng đồng viết. Bạn có thể đã viết trong suốt 3–4 năm qua, thế nhưng trên con đường trở thành người viết chuyên nghiệp, bạn là lính mới 100%. Và như thế, nói thẳng ra, bạn chưa tạo dựng được hình ảnh hay giá trị trao đổi cụ thể nào để thu hút những mối quan hệ.

Ngay cả chuyện dễ dàng nhất là viết cũng thành trở ngại. Bạn nhận ra rằng mình sẽ phải làm điều này thường xuyên, mỗi ngày, mỗi tháng, trong vòng ít nhất là một năm trước khi bất cứ mục tiêu nào trong tương lai hứa hẹn ban đầu có cơ hội trở thành hiện thực.

Mà… một năm là may mắn đấy, có khi phải ba, bốn, năm năm. Rốt cuộc, ai lại muốn đợi tận năm năm trời. Tôi muốn thứ mình muốn ngay–bây–giờ.

#3 – Vực sâu tuyệt vọng

Bạn choáng ngợp với tất cả những trở ngại, thử thách. “Ai, là ai đã khiến mọi thứ ra nông nỗi này? Mình muốn trở thành blogger truyền cảm hứng, chứ không phải để thấy nặng nề mỗi ngày.” Trong lúc vô tình, bạn chuyển hướng cơn thịnh nộ của mình sang độc giả và tác giả khác. Và mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tệ hơn mà thôi.

“Thời gian và công sức bỏ ra của mình cần thu về thành quả xứng đáng. Cái nào trong mớ hỗn độn này là xứng đáng đâu chỉ giùm?”

Ảnh: Unsplash / Steve Johnson

Bạn thôi tin tưởng vào bản thân, chẳng còn mạnh mẽ nghĩ rằng mình sẽ làm được. Tất cả những chuyện xảy ra từ khi bắt đầu không phải minh chứng quá thuyết phục rồi sao? Thừa thắng (thật ra là thua) xông lên, danh sách Lý do tôi không nên theo nghề viết chuyên nghiệp được lập ra từ ngày đầu quay về ám ảnh bạn. Từng gạch đầu dòng bỗng trở nên vô cùng có lý, cho dù cái danh sách đó chẳng qua là nỗ lực nhằm ‘phân tích đánh giá bản thân toàn diện và khách quan’ trước khi bạn ra quyết định lúc đó thôi.

Ngày bỏ cuộc không còn quá xa.

#4 – Học cách lạc quan trở lại

Nếu sự lạc quan trong giai đoạn đầu tiên là một sự lạc quan thiếu–hiểu–biết, thì lần này đã khác hẳn. Mọi thứ sẽ bắt đầu cải thiện một khi bạn vượt qua vực sâu tuyệt vọng. Nếu vẫn còn ‘lì lợm’ chưa bỏ cuộc, bạn sẽ dần học cách chấp nhận thực tại với những khó khăn vốn có của nó.

Việc viết mỗi ngày đã không còn đáng sợ nữa. Nhờ đi lục lọi tìm kiếm mà bạn phát hiện được rất nhiều nguồn ảnh đẹp, không những thế còn biết được một ít kỹ thuật chỉnh sửa ảnh cơ bản. Sau những bài viết chẳng ai thèm ngó, bạn đã bắt đầu có được những độc giả đầu tiên. Bạn vui vẻ tiếp nhận ý kiến đóng góp, không để tâm những lời chỉ trích soi mói độc hại, vì bạn hiểu mình không thể làm vừa lòng tất cả được. Tinh thần, năng lượng, và ý tưởng quay về với bạn.

Cảm giác bản thân đang tiến lên là một cảm giác rất tuyệt. Có thể không tuyệt như trong giai đoạn 1, lúc mọi thứ có vẻ còn dễ dàng, nhưng với bạn thì đó vẫn là thành tựu.

#5 – Thay đổi

Ah… quả ngọt mà ai cũng mong đợi đây rồi.

Thật ra, thay đổi và thành công bạn đạt được có thể sẽ khác so với hình dung ban đầu một chút. Cách rõ ràng nhất để nhận biết mình đã tiến xa thế nào, đó là hãy nhìn lại thời điểm hiện tại và lúc mới bắt đầu. Tất cả những gì bạn đã tạo ra, dù còn chưa đủ hay, chưa đủ tốt, chưa đủ đẹp, chưa đủ sức ảnh hưởng, nhưng chúng đều là những thành tựu đáng kể đó chứ.

Ảnh: Unsplash / Volodymyr Hryshchenko

Không phải ai cũng có thể trải qua cả 5 giai đoạn của thay đổi này. Nhiều người sẽ mắc kẹt lại giai đoạn 3, từ đó quay về giai đoạn 1 của một ý tưởng khác. Tiếp tục với ví dụ trở thành người viết truyền cảm hứng.

– Bạn chọn Facebook làm nơi bắt đầu, nhưng quy định rồi cả luật lệ rồi cả này nọ lọ chai trên fanpage lằng nhằng thế nhỉ.

– Sang WordPress, đồ miễn phí quanh đi quẩn lại có mấy thứ. Mình muốn blog này phải là độc nhất, nhưng mình chưa có tiền… Mà format bài viết là gì ta?

– Qua Linkedin… ừm có vẻ hơi sai? Mình thấy nơi này còn khiến mình mất tập trung hơn.

– Twitter thì sao? Viết dài mệt quá thôi viết ngắn vậy. Cảm hứng đâu nhất thiết phải dài dòng, 140 ký tự là đủ. Nhưng Twitter có quá cũ không? Với lại thấy trên đó người ta toàn quan tâm tin tức sao siếc các thứ.

– Thôi mệt không viết nữa, tạo Instagram đăng ảnh quote cũng được.

Cứ thế, khó quá chịu thôi –> ý tưởng / mục tiêu mới –> hào hứng –> khó quá chịu thôi là vòng lặp mà không ít người mắc phải trong quá trình thay đổi. Nhưng chỉ cần nhớ hai điều, đó là bỏ cuộc rất dễ, và không phải mỗi bạn là người đang gặp khó khăn. Tất cả những người từng cố gắng thay đổi đều trải qua những giai đoạn tương tự. Thế nên, đừng vội đầu hàng, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa thôi.

(Tham khảo: Tim Denning)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Phá vỡ thói quen xấu từ bên trong
Sống chân thực, và hãy ngừng rao bán chính mình
Vì sao có những người không bao giờ chịu nhận lỗi?
Cách tốt nhất để thay đổi, đó là đừng cố gắng trở thành ai đó không phải là mình

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

19 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago