#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Ổn định là xu hướng tự nhiên của cuộc sống. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong sinh học, sự ổn định này được gọi là trạng thái cân bằng (equilibrium) hay cân bằng nội môi (homeostasis)(*).
(*) Nội môi là môi trường bên trong, bao gồm các yếu tố lý hóa. Cân bằng nội môi là duy trì sự ổn định của môi trường này, giúp các hoạt động sống được diễn ra bình thường. Tất cả các sinh vật sống dù đơn bào hay đa bào đều cần duy trì cân bằng nội môi. Khi môi trường bên trong cơ thể biến động sẽ dẫn đến mất cân bằng nội môi, gây ra biến đổi hoặc rối loạn hoạt động của các tế bào, các cơ quan trong cơ thể, nguy cơ dẫn đến tử vong.
Huyết áp là một ví dụ. Khi huyết áp xuống thấp, tim sẽ đập nhanh hơn, đưa huyết áp về lại ngưỡng an toàn. Nếu nó tăng quá cao, thận sẽ ‘giúp một tay’ làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể thông qua việc bài tiết nước tiểu. Hệ thống mạch máu cũng tham gia vào quá trình duy trì sự ổn định này bằng cách co lại hoặc giãn ra khi cần thiết.
Trong quyển Mastery: The Keys to Success and Long-Term Fulfillment, tác giả George Leonard đã chỉ ra rằng, cuộc sống bình thường của chúng ta cũng tự phát triển một thang đo cân bằng của riêng nó. Những lần chúng ta tập–không tập thể dục, rửa–không rửa chén bát, gọi–không gọi điện thoại cho bố mẹ, và tất cả những việc khác mà ta đã làm hay không làm. Theo thời gian, mỗi người sẽ có cho mình một trạng thái cân bằng riêng biệt.
Cũng như cơ thể có rất nhiều những chu kỳ điều chỉnh với sự tham gia của các cơ quan khác nhau nhằm duy trì trạng thái ổn định của huyết áp, thân nhiệt, nồng độ canxi, …, sự cân bằng trong cuộc sống cũng được điều hòa bởi những ‘thế lực’ khác nhau – môi trường sống, yếu tố di truyền, cách chúng ta đo lường mọi việc xảy ra, cùng nhiều thứ khác nữa.
Tất cả những yếu tố có liên quan vẫn duy trì việc tương tác, kết hợp với nhau mỗi giờ, mỗi ngày, nhưng chúng ta ít khi nào để ý đến cách chúng định hình hành vi của bản thân. Trạng thái ‘cân bằng’ được tạo tác này đã trở nên bình thường đến mức hiển nhiên, và chúng ta – những người chịu ảnh hưởng – chẳng còn bận tâm thắc mắc gì đến nó nữa…
… cho đến khi chúng ta muốn mình phải thay đổi.
Có hay không cái gọi là ‘thay đổi triệt để’?
Thay đổi triệt để hay thành công chỉ sau một đêm là những hứa hẹn tươi đẹp nhất, đồng thời cũng lừa mị nhất. Các ‘chiên gia’ vẫn hay ra rả một điệu cổ vũ ‘Lỗi lầm lớn nhất của bạn chính là đã không đặt mục tiêu đủ cao.’ hoặc những câu nói truyền cảm hứng kiểu ‘Nếu muốn đạt thành tích lớn thì phải làm những việc lớn.’, vân vân và mây mây.
Xét bề nổi, những câu nói dạng này có tác dụng kích thích cao độ. Đã tốn công thay đổi thì sao không gắng sức để thành phiên–bản–tốt–nhất? Có lý, nhưng trong quá trình thay đổi, đừng quên mất trạng thái cân bằng vô hình của cuộc sống. Bất cứ biến động nào cũng được xem là hành vi đe dọa nhằm phá vỡ sự ổn định vốn có.
‘Non sông dễ đổi, bản tính khó dời’, là vì nó… khó dời thật. Hiện tượng này không chỉ bắt gặp trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, mà còn được tìm thấy trong các mô hình về cấu trúc nhân cách theo quan điểm của một số nhà tâm lý học. Lý thuyết về thay đổi của trường phái tâm lý học Gestalt cho rằng, càng cố gắng để trở thành một người không phải là mình chỉ khiến chúng ta càng giẫm chân tại chỗ.
Trạng thái cân bằng trong cuộc sống sẽ luôn tìm cách kéo ta quay lại mỗi khi muốn thay đổi, không cần biết những thay đổi đó là tiêu cực hay tích cực. “Sự phản kháng tương quan với quy mô và tốc độ của thay đổi, chứ không phải xu hướng thuận lợi hay không thuận lợi của nó.” (George Leonard)
Nói cách khác, chúng ta càng cố gắng đi ra xa khỏi lằn ranh ‘bình thường’ bao nhiêu, thì mức độ khó khăn của những thử thách nhằm ‘kéo’ chúng ta về vị trí cũ sẽ càng lớn bấy nhiêu. Chúng ta có thể chiến thắng trạng thái cân bằng khi đang ra sức thay đổi triệt để, nhưng đó chỉ là tình trạng tạm thời. Rất nhanh thôi, năng lượng sẽ cạn kiệt, và đó là lúc sự tuộc dốc bắt đầu.
Tốc độ tăng trưởng tối ưu
Bản tính khó, chứ không phải là không thể, bị dời. Tăng trưởng là khả thi, nhưng chỉ khi nào nó là sự tăng trưởng bền vững. Luyện tập quá sức, vận động viên sẽ có nguy cơ gặp chấn thương. Thay đổi định hướng quá vội, văn hóa và cả bộ máy nhân sự của công ty / doanh nghiệp sẽ bị phá vỡ. Vật cùng tắc biến, vật cực tất phản – sự vật, sự kiện, hay cả con người đều không thể di chuyển đến vô cùng. Càng gần điểm cực độ trong giới hạn thì sự phản đảo sẽ càng gần xuất hiện.
Nếu thế thì làm cách nào để đạt được sự tăng trưởng cần thiết?
Hầu hết các cơ chế trong tự nhiên – hệ sinh thái, các loài động vật, các tổ chức, … đều có tốc độ tăng trưởng tối ưu (optimal growth rate), thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng cực đại (fastest possible growth), nhưng nó có lợi hơn về lâu dài. “Khi tăng trưởng vượt quá mức cho phép, ví dụ trường hợp của tế bào ung thư, hệ thống sẽ tìm cách bù đắp bằng cách cố gắng làm chậm quá trình đó lại, đôi khi điều này đồng nghĩa với việc đe dọa sự sống còn của tổ chức.” (The Fifth Discipline: The Art & Practice of The Learning Organization – Peter Senge)
Như vậy, nếu thay đổi chiến lược bằng cách tập trung vào những mục tiêu nhỏ, không đòi hỏi chúng ta phải dồn nhiều sức để tăng trưởng cực đại trong thời gian ngắn, cản trở gặp phải do quá trình cân bằng bị biến động cũng theo đó mà nhỏ và bớt khó khăn hơn nhiều.
Cũng như khi tập tạ vậy. Bạn không thể bắt đầu với khối lượng quá lớn vì sẽ bị chấn thương, cũng như không thể giữ mãi khối lượng tạ nhẹ như lúc mới tập vì như thế sẽ khiến cơ teo đi. Khối lượng tạ cần được điều chỉnh thích hợp theo thời gian và thể trạng thực, sao cho nó chỉ nhỉnh hơn ‘trạng thái bình thường’ một ít để cơ thể kịp thích nghi với những thay đổi này, từ đó tác động dần đến việc điều chỉnh thang đo cân bằng của bạn.
Nghịch lý của việc thay đổi hành vi
Con người luôn dao động giữa hai thái cực ‘là ai’ và ‘nên là ai’. Và điều ngạc nhiên là chúng ta chỉ có thể thật sự thay đổi bằng cách đừng cố gắng làm bất cứ điều gì không–phải–là–mình. Diễn giải này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chính ra đây lại là thuận theo tự nhiên.
Thay đổi triệt để là chuyện có thể xảy ra, nhưng điều kiện đi kèm thường là tình thế bất đắc dĩ, biến cố, hay một số mốc quan trọng trong đời – khi một người cần phải thay đổi nhiều, nhanh, và buộc phải duy trì trạng thái đó vĩnh viễn. Mất người thân, chuyển nơi sống, có việc mới, kết hôn, sinh con, … là những trường hợp đòi hỏi chúng ta buộc phải thay đổi để thích nghi, đặc biệt nếu chúng xảy đến bất ngờ, không có sự chuẩn bị từ trước.
Những thói quen và lối sống mới, hình thành dựa trên những trường hợp này sẽ theo chúng ta một thời gian dài, do đó rất dễ dẫn đến việc ta trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Vì tất nhiên, người thân đã mất thì không thể sống lại, nơi ở không thể dăm bữa nửa tháng lại đổi, công việc không thể cứ chán là nghỉ ngang, ly hôn là một quyết định cần rất nhiều cân nhắc, và con cái đã ra đời rồi thì không thể… cho nó vào lại chỗ cũ được.
Cân bằng đem đến sự thoải mái. Mất cân bằng, chúng ta trở nên khó chịu, mất sức, mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Đó là lý do vì sao ta cứ mãi ‘tìm kiếm’ động lực giảm cân, hay sáng nào cũng phải cố gắng vượt lười không ngủ nướng để có thêm thời gian tập thể dục, ăn sáng. Đó cũng là lý do vì sao nếu phải đối mặt với tình huống không mong muốn – khi bị buộc phải thay đổi triệt để – phản ứng bản năng đầu tiên của chúng ta thường là không chấp nhận, và quá trình thay đổi để thích nghi sau đó tốn sức và vất vả hơn nhiều lần những người đã có sự chuẩn bị.
Thế nên, để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn theo cách tích cực nhất, chúng ta cần hợp tác chứ không phải chống lại trạng thái cân bằng vô hình của cuộc sống. Nói cách khác, thành công sau một đêm là điều bất khả, trừ khi nó là kết quả của nhiều đêm ngày trước đó.
(Tham khảo: James Clear, tác giả sách Thói quen nguyên tử)
Xem thêm:
#Nghĩ: Những hành vi có hại được bình thường hóa trong xã hội ngày nay
#Nghĩ: Thiên kiến tổng bằng không (Zero-Sum Bias) — Cuộc đời không khác gì một chặng đua?
#Nghĩ: Retail Therapy – Vỗ về bản thân hay thói xấu cần tránh?
#Nghĩ: Một căn phòng bừa bộn nói lên điều gì về chủ nhân của nó?
Thảo luận về bài viết